Hàn Quốc lần đầu tập trận tên lửa tầm xa đối phó Triều Tiên
Tên lửa đất đối không tầm xa của Hàn Quốc tấn công chính xác mục tiêu giả định từ khoảng cách 400 km.
Tên lửa Taurus gắn trên tiêm kích Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc ngày 12/9 thực hiện thành công cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên với tên lửa không đối đất tầm xa Taurus được mua từ Đức, nhằm phục vụ chiến dịch không kích chính xác các cơ sở chủ chốt của Triều Tiên, theo Yonhap.
Không quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận diễn ra trên bầu trời khu vực Taean, tỉnh Nam Chungcheong. Các máy bay F-15K đã phóng tên lửa Taurus, bay khoảng 400 km nhắm trúng một mục tiêu giả định ở vùng biển ngoài khơi Gunsan, tỉnh Bắc Jeolla.
Đây là động thái răn đe mới nhất nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng tuyên bố là một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên các tên lửa đạn đạo hôm 3/9.
Taurus có tầm bắn lên đến 500 km, có khả năng tấn công chính xác mọi mục tiêu ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, ngay cả khi được phóng đi từ khu vực miền trung của Hàn Quốc.
Với vận tốc 1.163 km/h, Taurus có thể vươn tới bất cứ mục tiêu nào của Triều Tiên trong vòng 15 phút nếu được bắn từ Seoul.
Video đang HOT
Hàn Quốc đang có kế hoạch triển khai khoảng 170 tên lửa Taurus nhằm tăng cường năng lực không quân và hoàn thiện hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain để đối phó với Triều Tiên. Trong năm 2016, Seoul đã quyết định nhập khẩu thêm khoảng 90 tên lửa loại này.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nga - Trung cảnh báo Mỹ không lật đổ chính quyền Triều Tiên
Dù ủng hộ lệnh trừng phạt do Mỹ đề xuất, Nga và Trung Quốc vẫn cảnh báo Mỹ không được thay đổi chế độ chính trị tại Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.
Với sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/9 thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh đều đưa ra cảnh báo, yêu cầu Washington không tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bloomberg đưa tin.
Lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có, cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley gọi đây là "những biện pháp mạnh mẽ nhất từng áp đặt lên Triều Tiên". Điều khiến Moscow và Bắc Kinh lo ngại chính là bình luận của bà Haley, khẳng định Washington sẽ hành động đơn phương nếu chính quyền ông Kim Jong-un không dừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đại sứ Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc sau đó nhắc lại điều khoản "4 không", gồm không thay đổi chế độ chính trị, không lật đổ ban lãnh đạo, không thúc đẩy thống nhất hai miền và không triển khai quân đội phía bắc vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc không cho phép xung đột hay chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết. Tuyên bố này là tín hiệu cho thấy Moscow và Bắc Kinh đã đặt giới hạn cho các nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cả hai nước đều kêu gọi đối thoại, điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phản đối.
Ông Kim Jong-un trong lễ mừng vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc và Nga cho rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chưa có cam kết bảo đảm an ninh, nhưng cũng không muốn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thêm hành động khiêu khích gây bất ổn khu vực.
Triều Tiên khẳng định không bao giờ ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch nhằm vào nước này. Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đủ khả năng lắp đầu đạn nhiệt hạch cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong khi Mỹ nhận định nước này chưa làm chủ được những công nghệ cho phép tên lửa bắn trúng mục tiêu ở Bắc Mỹ.
Nhiều nhà phân tích dự đoán ông Kim Jong-un sẽ chờ tới khi làm chủ hoàn toàn vũ khí hủy diệt rồi mới đàm phán để giành lợi thế. Tuy nhiên, việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc có khả năng đẩy nhanh tiến trình đàm phán giữa các bên.
"Nếu vũ khí hạt nhân Mỹ xuất hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc cả hai nước, chúng sẽ tạo áp lực lớn và buộc Triều Tiên ngồi vào đàm phán. Khi xảy ra leo thang vũ trang, bên nghèo và yếu hơn luôn bỏ cuộc", bà Lee Ho-ryung, trưởng nhóm nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ông George Lopez, cựu chuyên gia tư vấn trừng phạt tại Hội đồng Bảo an, khẳng định Mỹ cần tìm kiếm tiếng nói chung với Nga và Trung Quốc, ngoài trong việc bỏ phiếu cấm vận Triều Tiên. Theo đó, Washington nên tìm kiếm giải pháp an ninh thông qua con đường ngoại giao, đáp ứng được một số điều kiện mà Bình Nhưỡng và các nước láng giềng đưa ra.
"Chúng ta từng làm được điều đó với những cường quốc có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Chúng ta chắc chắn sẽ làm được với đất nước có chưa tới 20 quả bom hạt nhân", ông Lopez tuyên bố.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Triều Tiên tố Peru 'đổ dầu vào lửa' khủng hoảng hạt nhân Đại sứ Triều Tiên tại Peru tuyên bố quyết định trục xuất ông không thúc đẩy hòa bình thế giới mà chỉ làm gia tăng căng thẳng. Đại sứ Triều Tiên tại Peru Kim Hak-chol. Ảnh: Reuters. "Các biện pháp ngoại giao được chính phủ Peru thực hiện đều không có cơ sở pháp lý và đạo đức, không thúc đẩy an ninh...