Hàn Quốc hết giường bệnh nặng
Ở nhiều tỉnh, bệnh viện không đủ giường hồi sức tích cực để điều trị cho lượng người mắc Covid-19 đang tăng nhanh.
Tính đến ngày 21/12, chính phủ xác nhận cả nước chỉ có 42 giường bệnh còn trống.
Tại thủ đô Seoul, nơi cư trú của một nửa dân số cả nước và phần lớn các ca nhiễm gần đây, các bệnh viện chỉ còn 6 giường.
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất đã đưa Hàn Quốc vào tình thế ngặt nghèo, khác hoàn toàn với thời kỳ trước dịch. Nếu các ca mắc mới vượt ngoài kiểm soát và tình hình tại bệnh viện tiếp tục xấu đi, chính phủ có thể phải áp đặt lệnh hạn chế Cấp 3, cấp độ cao nhất về giãn cách xã hội mà không phong tỏa toàn quốc.
Nỗi sợ hãi âm ỉ tại đất nước từng được coi là hình mẫu chống dịch trong nhiều tháng liền. Đường phố Seoul ngày càng vắng vẻ. Các siêu thị báo cáo doanh số mì ăn liền và đồ chế biến sẵn tăng vọt. Chủ nhà hàng lo lắng sẽ phải đóng cửa hoặc chỉ được phục vụ đồ mang đi.
Giờ đây, virus thậm chí khó ngăn chặn hơn hồi đầu dịch.
Myeong Hae-kyung, y tá trưởng tại Trung tâm Y tế Đại học Yeungnam, cho biết: “Virus dường như đang bùng phát khắp nơi và không đâu là an toàn”. Bà từng làm việc tại tâm dịch Daegu trong đợt dịch đầu tiên.
“Những ngày gần đây, cuộc sống của tôi chỉ quẩn quanh giữa bệnh viện và nhà”.
Nhân viên y tế khử trùng một toa tàu điện ngầm tại thành phố Seoul, ngày 10/12. Ảnh: AP
Trong làn sóng Covid-19 thứ hai, bệnh viện là nơi trọng yếu của Hàn Quốc. Nước này đặt mục tiêu phải có giường cho bệnh nhân trong vòng một ngày kể từ khi chẩn đoán nhiễm nCoV.
Song tính đến 20/12, 368 bệnh nhân ở khu vực thủ đô Seoul vẫn đang chờ đợi giường nằm. Tuần trước, hai người đã tử vong tại nhà trong quá trình đó.
Số bệnh nhân trong khoa hồi sức tích cực (ICU) đã tăng gấp ba lần vào tháng này, lên 274 người hôm 21/12. Cuối tuần qua, trong 5 ngày liên tiếp, Hàn Quốc đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới.
“Chúng ta phải đảm bảo giường cho bệnh nhân nặng như thể đang trong thời chiến. Mỗi ngày đều quan trọng”, Thủ tướng Chung Sye-kyun, phát biểu.
Số ca nhiễm gia tăng tạo nút thắt khi giới chức y tế chỉ đủ sức phân phối lượng giường bệnh hạn chế. Chính phủ đã ra lệnh cho các bệnh viện đa khoa nhà nước và tư nhân chuyển đối ít nhất 1% giường sang điều trị người mắc Covid-19 nặng.
Các cơ quan y tế hy vọng tình trạng quá tải sẽ cải thiện trong tuần tới khi có thêm nhiều giường trống hơn. Điều này sẽ giúp chính phủ xác định có nên nâng hạn chế lên mức độ 3, đóng cửa hơn 2 triệu doanh nghiệp hay không.
“Bạn thấy đấy, chẳng ai đến đây cả”, Lee Jeong-ae, chủ một nhà hàng ở Seoul, chỉ tay vào những dãy bàn trống và nói. “Người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ giãn cách xã hội là các chủ doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”.
Video đang HOT
Lee bán súp cá, thịt lợn quay và các món ăn Hàn Quốc khác. Gần đây, cô bắt đầu đặt lượng lớn hộp nhựa, bởi sắp tới sẽ chỉ được phép bán đồ mang đi.
Các điểm xét nghiệm nCoV lưu động tại Sân vận động Jamsil, Seoul, tháng 12/2020. Ảnh: Shutterstock
Thành phố Seoul vẫn trong lệnh hạn chế mức 2,5. Các trường học, phòng gym, quán karaoke, quán bar và địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao bị đóng cửa. Nhà hàng, rạp chiếu phim, tiệm làm tóc và nhiều cơ sở kinh doanh khác vẫn hoạt động, nhưng phải dừng trước 9 giờ tối.
Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc ghi nhận hơn 52.000 ca nhiễm và ít nhất 739 người chết. Chiến lược xét nghiệm chủ động, theo dõi đường lây và điều trị phù hợp đã phát huy tác dụng, giữ cho tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Song các nhà dịch tễ kêu gọi chính phủ áp đặt hạn chế cấp độ 3 trước khi quá muộn.
Khác với đợt bùng phát trước đây, khi virus lây thành cụm lớn và giới chức có thể truy vết tiếp xúc, làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện nhiều cụm dịch nhỏ tại viện dưỡng lão, nhà thờ, nhà tù, phòng tắm hơi và tụ điểm nhỏ lẻ. Điều này khiến việc kiểm soát càng khó khăn hơn.
Bác sĩ Eom Joong-sik, chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Gil, Đại học Gachon ở Incheon, nhận định tình hình hiện tại phản ánh sự thất bại của chính phủ trong việc lập kế hoạch, dù từng đi đầu trong cuộc chiến chống dịch.
“Các chuyên gia đã cảnh báo nếu làn sóng lây nhiễm khác tấn công vào thủ đô Seoul, nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước, chúng ta sẽ phải đối mặt với việc thiếu giường bệnh và chính phủ cần lên kế hoạch cho tình huống đó”, bác sĩ Eom nói.
Tổng thống Moon Jae-in đã trì hoãn áp đặt lệnh hạn chế cấp 3, thay vào đó tăng cường xét nghiệm và cách ly bệnh nhân, đưa ra quy định giãn cách xã hội dần dần.
Người dân được xét nghiệm Covid-19 tại ga tàu điện ngầm ở Seoul, tháng 12/2020. Ảnh: Reuters
Trong tuần qua, mỗi ngày, Hàn Quốc xét nghiệm được 67.000 người, gấp 10 lần so với hồi tháng 10. Tại Seoul và các thành phố lân cận, chính phủ bổ sung 134 trạm kiểm tra lưu động, khuyến khích người dân xét nghiệm miễn phí ngay cả khi không có triệu chứng.
Các bữa tiệc và buổi tụ tập quá 5 người sẽ bị hủy bỏ. Đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Sự kiện đón Giáng sinh tại cây thông Noel thường niên ở Tòa thị chính Seoul bị hủy. Các nhà thờ vẫn trang trí theo truyền thống, song dường như vắng vẻ hơn.
Son Young-rae, phát ngôn viên của Bộ Y tế, cho biết: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng lệnh hạn chế cấp độ 3 trong trường hợp cần thiết. Song chúng tôi hy vọng chính phủ và người dân sẽ hợp tác cùng nhau để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mà không cần đến nó”.
Gần 78,3 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Đức gia hạn lệnh cấm đi lại với Anh
Gần 78,3 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu. Đức gia hạn lệnh cấm đi lại với Anh do lo ngại chủng nCoV mới.
Thế giới ghi nhận 78.288.590 ca nhiễm và 1.721.968 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 641.843 và 14.265 ca một ngày, trong khi 55.052.983 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Đức báo cáo 22.495 ca nhiễm và 944 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.556.611 và 28.241. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Nhân viên y tế tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Duesseldorf, Đức, ngày 21/12. Ảnh: Reuters.
Berlin thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đi lại từ Anh cho đến ngày 6/1/2021, bất chấp lời khuyên từ Ủy ban châu Âu (EC) rằng các nước thành viên trong khối nên hủy bỏ lệnh này.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 150.336 ca nhiễm và 2.703 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 18.635.884, trong đó 330.065 người đã chết.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp tối 21/12 để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden cũng tiêm vaccine Covid-19 cùng ngày. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff dự kiến tiêm trong tuần tới.
Giới chức y tế Mỹ cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều vaccine đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay, nhưng sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến. Ngay cả trong điều kiện hoàn hảo, người dân Mỹ có thể sẽ không được tiêm chủng cho đến cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên Nhà Trắng về phản ứng với Covid-19, ngày 22/12 cho biết bà có kế hoạch nghỉ hưu song vẫn sẽ sẵn sàng giúp Tổng thống đắc cử Biden khi cần.
"Tôi sẽ giúp sức với mọi vai trò mà mọi người nghĩ tôi có thể đảm nhận. Rồi sau đó tôi sẽ nghỉ hưu", bà cho biết.
Bình luận trên được đưa ra vài ngày sau khi AP đưa tin bà đã rời khỏi bang của mình vào kỳ nghỉ cuối tuần Lễ Tạ ơn, dù Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng nhiều quan chức y tế khác đã cảnh báo công chúng Mỹ hạn chế tối đa việc đi lại hay tham dự các buổi tụ tập đông người.
Anh báo cáo thêm 36.804 ca nhiễm và 691 người chết, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.110.314 và 68.307.
Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chủng virus đột biến mới là nguyên nhân gây ra 60% ca nhiễm mới ở London và các vùng lân cận. Chính phủ Anh đã phải áp lệnh phong tỏa Giáng sinh ở London và phía đông nam đất nước do chủng virus này "vượt tầm kiểm soát", đồng nghĩa hàng triệu người dân sẽ phải hủy các kế hoạch Giáng sinh và ở yên trong nhà.
Pháp , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 11.795 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.490.946 và 61.702. Phủ tổng thống Pháp hôm 21/12 cho biết tình hình Tổng thống Emmanuel Macron đã ổn định, nhưng ông vẫn còn một số triệu chứng của Covid-19.
Chính phủ Pháp cho biết họ đã thống nhất sẽ vẫn cho phép công dân EU từ Anh vào nước này nếu có xét nghiệm âm tính với Covid-19, bất chấp việc nCoV chủng mới đang bùng lên tại Anh.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 23.881 ca nhiễm và 331 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.099.303 và 146.476.
Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 937 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 188.259. Số người nhiễm nCoV tăng 54.600 trong 24 giờ qua, lên 7.318.821.
Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
CoronaVac đang trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.
Tổng thống Bolsonaro hôm 18/12 cũng bày tỏ nghi ngờ về vaccine Pfizer-BioNTech.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.776 ca nhiễm nCoV và 561 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.906.503 và 51.912.
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức Saint Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.003 người chết, tăng 187, trong tổng số 1.170.743 ca nhiễm, tăng 6.208. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 869 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 51.460, trong đó 722 trường hợp tử vong, tăng 24 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng". Giới chức cho biết nhiều người đã chết trong khi chờ giường bệnh vì tình trạng quá tải.
Chính phủ đã chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 678.125 ca nhiễm, tăng 6.347, trong đó 20.257 người chết, tăng 172. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.
Philippines báo cáo 462.815 ca nhiễm và 9.021 ca tử vong, tăng lần lượt 1.314 và 66 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước không quá lo lắng trước chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, cho rằng đây là điều bình thường trong quá trình tiến hóa của virus và khẳng định nhiều công cụ để truy dấu virus đang có hiệu quả.
"Minh bạch là rất quan trọng, cần phải cho công chúng biết điều gì đang diễn ra, nhưng cũng phải cho thấy đây là điều bình thường trong vòng đời virus. Việc theo dõi virus chặt chẽ, cẩn thận và mang tính khoa học là bước đi rất tích cực với y tế toàn cầu", giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng Ngày 20/12, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.097 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc vượt 1.000 ca. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 17/12/2020....