Hàn Quốc đặt mục tiêu phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng vào năm 2032
Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 30/5 cho biết nước này sẽ thúc đẩy dự án vũ trụ để phóng một tàu thăm dò không gian lên Mặt Trăng vào năm 2032 và cắm cờ trên Sao Hỏa vào năm 2045.
Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri do Hàn Quốc tự chế tạo được dựng lên bệ phóng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Phát biểu trong lễ khai trương Cục hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KASA), tại Sacheon, cách thủ đô Seoul 300 km về phía Nam, ông Yoon Suk Yeol công bố kế hoạch đầu tư 100 nghìn tỉ won (72,5 tỉ USD) từ nay đến năm 2045. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ hạ cánh tàu thăm dò không gian lên Mặt Trăng vào năm 2032 và cắm quốc kỳ trên Sao Hỏa vào năm 2045″.
Ông cũng cam kết tăng ngân sách cũng như đầu tư vào các ngành vũ trụ và hàng không vũ trụ để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành này, cụ thể chính phủ sẽ tăng ngân sách liên quan lên hơn 1,5 nghìn tỉ won vào năm 2027 và thu hút khoảng 100 nghìn tỉ won đầu tư vào năm 2045.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ chọn ngày 27/5, ngày thành lập KASA là Ngày hàng không vũ trụ để nâng cao nhận thức về thám hiểm không gian.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trụ đang gia tăng, ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đóng vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn trong ngành vũ trụ và các ngành liên quan.
Năm 2023, Hàn Quốc hoàn thành việc phóng lần thứ 3 tên lửa Nuri nặng 200 tấn, còn gọi là KSLV-II, đưa 8 vệ tinh ứng dụng lên quỹ đạo. Hàn Quốc cũng phóng 2 vệ tinh do thám quân sự bằng tên lửa đẩy SpaceX lên quỹ đạo vào tháng 12/2023 và tháng 4 vừa qua.
NASA tiếp tục trì hoãn kế hoạch phóng tàu vũ trụ Starliner có người lái
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 22/5 tiếp tục thông báo hoãn thời điểm dự kiến lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ Starliner có người lái lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner được đặt vào bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida, Mỹ ngày 5/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo NASA, kế hoạch phóng có thể được thực hiện sớm nhất vào ngày 1/6 tới, thay vì ngày 21/5 như đã thông báo trước đó. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu tháng đến nay NASA trì hoãn vụ phóng vốn rất được mong đợi này. Các nguyên nhân được đưa ra đều liên quan các vấn đề kỹ thuật.
Trong thông báo mới nhất, NASA cho biết cơ quan này cùng đối tác là tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) quyết định lùi thời điểm phóng để "tiếp tục đánh giá hiệu suất và mức độ dự phòng của Starliner" sau sự cố rò rỉ khí helium ở quy mô nhỏ tại khoang vận hành của tàu Starliner - nơi tập trung nhiều hệ thống hỗ trợ khác nhau được sử dụng cho các hoạt động của tàu vũ trụ - trong lần hoãn phóng trước đó.
Nếu được triển khai, đây sẽ là lần thử nghiệm cuối cùng trước khi Starliner chính thức đảm nhận việc vận chuyển phi hành gia cho NASA. Điều này đồng nghĩa với việc NASA có lựa chọn thứ 2 về phương tiện thương mại đưa các nhà du hành vào không gian, ngoài tàu Dragon của SpaceX. Do đó, chuyến bay này được coi là cột mốc quan trọng đối với cả Boeing và NASA. Theo kế hoạch, khi tàu Starliner đi vào vũ trụ, hai nhà du hành trên tàu sẽ thử nghiệm điều khiển tàu bằng tay.
NASA đã sử dụng tàu Dragon để đưa các phi hành đoàn lên ISS kể từ năm 2020, chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài gần một thập kỷ vào tên lửa của Nga sau khi chương trình Tàu con thoi kết thúc.
Tàu đổ bộ của Nhật Bản 'sống sót' thần kỳ sau 3 đêm cực lạnh trên Mặt Trăng Cơ quan Nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 24/4 thông báo Tàu đổ bộ thông minh nghiên cứu Mặt Trăng (SLIM) của nước này tiếp tục lập kỳ tích: "Sống sót" qua đêm trăng thứ 3 trong môi trường cực lạnh. Hình ảnh bề mặt Mặt Trăng được chụp bởi tàu đổ bộ SLIM do Cơ quan...