Hàn Quốc công bố kế hoạch hạn chế ‘cơn sốt’ học thêm
Ngày 26/6, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch nhằm hạn chế việc người dân chi tiêu ngày một tăng cho các lớp học thêm, ở các cơ sở giáo dục do tư nhân quản lý, điều hành – vốn được cho là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia này.
Học sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi năng lực quốc gia (CSAT) hằng năm để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Động thái này diễn ra 1 tháng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên tiếng về việc đề thi tuyển sinh đại học ở nước này bao gồm nhiều câu hỏi nằm ngoài chương trình giảng dạy ở các trường công lập, một số câu được liệt vào dạng “hóc búa”.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cam kết loại bỏ các “câu hỏi hóc búa” trong các kỳ thi, vốn kéo theo tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa phụ huynh và học sinh tại các lớp học thêm. Bộ trên tuyên bố sẽ đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ thiết lập một ủy ban độc lập để lọc ra những “câu hỏi hóc búa”, đánh giá mức độ công bằng của bài kiểm tra. Những giáo viên tham gia ra đề thi cũng sẽ bị cấm bán bộ câu hỏi, cung cấp các bài giảng hoặc tư vấn thông tin liên quan đến kỳ thi đại học trong khoảng thời gian nhất định.
Video đang HOT
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng sẽ kiểm soát hệ thống giáo dục tư nhân, tăng cường giám sát hành vi quảng cáo phóng đại, sai sự thật.
Đề thi đại học chính thức bao gồm những “câu hỏi hóc búa” đã khiến phụ huynh và học sinh Hàn Quốc phải tìm đến các cơ sở học thêm, do tư nhân điều hành. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy, trong năm 2022, người dân nước này phải chi khoản phí cao kỷ lục, lên tới 26.000 tỷ won (khoảng 20 tỷ USD) cho việc học thêm của trẻ, bất chấp số lượng học sinh, sinh viên nhập học giảm 0,9%. Đáng chú ý, cứ 10 học sinh thì có 8 em học thêm ở các cơ sở giáo dục tư nhân, tham gia vào các trường luyện thi (còn được gọi là Hagwon) trên khắp đất nước.
Áp lực phụ thuộc vào hệ thống giáo dục tư nhân khiến chi phí nuôi dạy con ở Hàn Quốc ở mức cao nhất thế giới, dẫn đến tâm lý e ngại có con, khiến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống nhóm thấp nhất thế giới.
Hàn Quốc sẽ loại bỏ câu hỏi 'sát thủ' khỏi đề thi đại học
Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 20/6 thông báo sẽ bỏ câu hỏi khó nhất được ví như "sát thủ" khỏi đề thi tuyển sinh đại học ở nước này.
Mỗi năm, có khoảng nửa triệu học sinh ở Hàn Quốc tham dự kỳ thi kéo dài 9 tiếng, hay còn gọi là "suneung". Kỳ thi này nổi tiếng cạnh tranh gay gắt với quan niệm cho rằng nó sẽ đóng vai trò quan trọng để quyết định đầu vào trường đại học, nghề nghiệp và thậm chí cả hôn nhân sau này của một người. Do đó, các phụ huynh đã dồn sức cho con em đi học lò luyện thi nhằm giành được tối đa điểm số.
Việc đưa vào đề thi những "câu hỏi sát thủ" - tức là câu hỏi không thể giải được nếu chỉ học đúng chương trình giảng dạy tại các trường công lập - nhằm giúp phân loại những học sinh xuất sắc.
Thế nhưng, nó đã gây ra một cuộc chạy đua học thêm khi phụ huynh và học sinh đổ xô đến các trung tâm luyện thi tư nhân đắt tiền được gọi là "hagwon".
"Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình với tư cách là bộ trưởng giáo dục để loại bỏ các câu hỏi bên ngoài hệ thống giáo dục công để kỳ thi trở nên công bằng", Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho tuyên bố.
Đáng chú ý, những nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục trước đây đã thất bại, trong đó có cả đề xuất loại bỏ câu hỏi nằm ngoài chương trình công lập khỏi kỳ thi thử năm 2023.
Tầm quan trọng của bài thi này đã được chứng minh thông qua các biện pháp đặc biệt mà giới chức trách triển khai để bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ, bao gồm cả lệnh tạm dừng cất cánh và hạ cánh tại các sân bay trong thời gian làm bài thi nghe môn tiếng Anh.
Nỗi áp lực to lớn đè nặng lên học sinh trong hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ông Lee nói rằng các quan chức nên tự kiểm điểm vì trước đó đã không giải quyết vấn đề trên, và trong khi chính phủ khoanh tay đứng nhìn thì doanh thu của các trường luyện thi đang bùng nổ.
Theo thống kê của Hàn Quốc, các hộ gia đình Hàn Quốc đã chi hơn 20 tỷ USD cho giáo dục tư nhân ở cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông vào năm 2022. Con số này tương đương mức chi trung bình là 320 USD/học sinh mỗi tháng.
Hàn Quốc xem xét tiếp tục hạ cấp dịch COVID-19 Ngày 3/3, Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc cho biết cơ quan hữu quan sẽ bắt đầu thảo luận về việc hạ mức cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19, điều chỉnh cấp độ bệnh truyền nhiễm đối với dịch bệnh này, dỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly 7 ngày khi mắc COVID-19...