Hạn nặng, chuyển đổi cây gì cũng chết, lỗ
Trong bối cảnh xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang được Bộ NNPTNT cũng như các địa phương bị ảnh hưởng triển khai rộng rãi.
Thế nhưng, trên thực tế giải pháp này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Trên địa bàn xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang đã có hơn 30ha sả bị cháy khô do thiếu nước tưới. Ảnh:Đ.C.S
Với 3ha diện tích trồng lúa đông xuân vừa qua, hơn một nửa diện tích của gia đình ông Phùng Văn Nhịn ở ấp 2 (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Ông phải bơm nước vào ruộng liên tục gần nửa tháng để cứu lúa. Tuy nhiên, năng suất cũng không đáng kể, lúa bị lép lửng khá nhiều nên thương lái không chịu mua. Gần 15 triệu đồng chi phí đã không thể thu hồi.
Theo ông Nhịn, đất lúa bị xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay, gia đình ông chỉ biết trông chờ đến mùa mưa mới tính toán phương án sản xuất. Không có nước ở kênh nên việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu cũng không khả thi.
“Gần ruộng lúa của gia đình tôi có một số hộ dân chuyển sang trồng cây bầu, mướp, sả… Tuy nhiên, do không có nước tưới nên chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng 3.2016. Gia đình tôi đã trồng thử nghiệm cây sả trên diện tích hơn 1.000m2 nhưng cũng bị chết cháy hết”- ông Nhịn cho biết.
Cũng trong hoàn cảnh đó, chị Đặng Thị Thùy Hương, ấp 3, xã Tân Phước cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các loại rau màu khác không dễ, do chân đất đã ngập phèn. Một số hộ đã thử trồng dưa hấu, bắp nhưng năng suất thấp. Không những thế, cũng cánh đồng đó, hàng chục ha diện tích trồng ớt ở huyện Gò Công Đông đang bị “bỏ phế” do không có đầu ra ổn định.
“Giá ớt trên thị trường hiện nay chỉ 7.000 – 10.000 đồng/kg, trong khi thuê 1 công lao động đã 100.000 đồng/người/ngày. Chỉ chi phí thu hoạch, người nông dân đã lỗ 3.000 đồng/kg. Tính toán kiểu gì cũng lỗ, cực chẳng đã chúng tôi mới phải bỏ hoang thế này”- chị Hương nói.
Theo tính toán của nhiều hộ sản xuất, sản xuất rau màu lời hơn so với trồng lúa. Nếu trồng lúa lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công đất, thì rau màu có thể tới 5-6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, sản xuất rau màu vẫn ít được quan tâm do đầu ra không ổn định.
Ông Trần Hoàng Bá – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Việc chuyển vụ ở địa phương hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, do vướng đầu ra. Vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con”. Bên cạnh đó, việc sản xuất các loại cây họ đậu, bắp phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu.
Video đang HOT
Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, việc chuyển đổi cây trồng đang gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung. Điều này sẽ khó có thể chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như không thể tạo thành vùng sản xuất đồng bộ để tạo ra sản lượng đủ để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.
Theo Danviet
Người dân Sài Gòn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Nam Bộ bước vào cao điểm nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn ở các sông Đồng Nai, Sài Gòn tăng cao khiến hàng triệu người dân TP HCM có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Dù không ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long tuy nhiên tình hình xâm nhập mặn ở các sông rạch TP đã khiến cho các trạm bơm nước thô cho các nhà máy nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai thường xuyên tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng triệu người dân.
Xâm nhập mặn đã vào sâu hơn 100 km
Theo ông Nguyễn Minh Giám - Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình nắng nóng năm nay ở các tỉnh Nam Bộ diễn biến rất khốc liệt cho đến cuối tháng 5. Hiện tại tình hình xâm nhập mặn ở trên sông Sài Gòn đã vào sâu hơn 100 km tính từ cửa sông. Triều cường kéo dài đến tháng 3, lượng mưa rất ít, các hồ chứa nước khô cạn là một phần nguyên nhân xâm nhập mặn vào sâu trên sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Vị lãnh đạo trung tâm khí tượng này cho hay đơn vị này vẫn thường xuyên theo dõi, đo độ mặn liên tục trên sông Sài Gòn đoạn qua TP. "Thời gian này chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của nắng nóng, khô hạn nên tình hình xâm nhập mặn còn đi sâu, độ mặn còn tăng và còn phức tạp hơn rất nhiều", ông Giám nhận định.
Hồ Dầu Tiếng có mực nước thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 1 m. Ảnh: Phước Tuần
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM (trực thuộc Sở NN&PTNT), xâm nhập mặn tại các sông rạch ở TP đang ở mức báo động. Tại điểm đo quan trắc trên sông Nhà Bè, Đồng Nai, độ mặn tăng gấp đôi cùng thời điểm năm 2015.
Trong khi đó, các hồ chứa nước thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai như Dầu Tiếng, Thác Mơ, Trị An cũng đang cạn dần. Tại hồ Dầu Tiếng, theo ông Bùi Xuân Đại - Phó giám đốc công ty TNHH một thành viên Dầu Tiếng - Phước Hòa, kết thúc mùa mưa năm 2015, hồ tích nước lớn nhất ở mức 23,01 m vào thời điểm ngày 14/12/2015, thấp hơn 1,4 m so với thiết kế.
Hiện mực nước lưu trữ của hồ Dầu Tiếng chỉ tích trữ được 76% dung tích (thiếu hụt khoảng 300 triệu m3), hồ chỉ còn xả thêm 350 triệu m3 nữa là đến mực nước chết; hồ Trị An chỉ tích được khoảng 80%.
Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Hiển - Phó giám đốc nhà máy nước Tân Hiệp (TP HCM), cho biết vừa gửi công văn đề nghị công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh) xả nước đẩy mặn trên sông Sài Gòn phục vụ việc cấp nước cho người dân TP HCM.
Nước sông nhiễm mặn, các trạm bơm nước thô ngừng hoạt động dẫn đến nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong thời gian tới. Ảnh: T.T
Trong các ngày 12 đến 16/3, độ mặn trên sông Sài Gòn tại khu vực lấy nước thô của trạm bơm Hòa Phú (cung cấp nước thô cho nhà máy nước Tân Hiệp - công suất 300.000 m3/ngày) nhiều thời điểm vượt ngưỡng 250 mg/lít (tiêu chuẩn Bộ Y tế) khiến trạm bơm phải ngưng hoạt động trong nhiều giờ. Kể từ Tết Nguyên đán, trạm bơm Hòa Phú phải ngưng bơm trong nhiều giờ lần thứ ba do độ mặn trên sông vượt ngưỡng cho phép.
Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), độ mặn cũng thường xuyên vượt ngưỡng 150 mg/lít/ngày từ đầu năm 2016 tại sông Sài Gòn. Nhiều thời điểm, độ mặn tăng cao, nhà máy nước Tân Hiệp (TP HCM) và Bình An (Đồng Nai) phải tạm ngừng lấy nước thô và điều chỉnh chế độ vận hành.
Sẵn sàng ứng cứu nước sinh hoạt cho dân
Nhằm đẩy mặn ở hạ lưu sông Sài Gòn, ông Bùi Xuân Đại - Phó giám đốc công ty TNHH MTV Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết hồ Dầu Tiếng sẽ xả nước liên tiếp từ ngày 18 đến 22/3 với lưu lượng 20 m3/s. Đây là lần thứ 6 hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn cho nhà máy nước Tân Hiệp phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Đại thông tin thêm nếu tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, lượng nước sinh hoạt thiếu thì hồ Dầu Tiếng sẽ ưu tiên hạn chế cung ứng nước cho nông nghiệp phục vụ mùa hè - thu mà sẽ xả nước đẩy mặn cho hạ lưu sông Sài Gòn.
"Tình hình thời tiết hạn hán, thực trạng xâm nhập mặn sâu, khiến độ mặn tăng cao so với mọi năm nên lượng nước hồ rất hạn hẹp. Chúng tôi phải tính toán, cân đối trước khi quyết định xả nước đẩy mặn cho TP HCM và Long An", ông Đại nói.
Còn ông Phạm Mạnh Hiển, Phó giám đốc nhà máy nước Tân Hiệp, cho biết căn cứ các dự báo của cơ quan chức năng, nhà máy sẽ tiếp tục tăng cường quan trắc độ mặn trên sông. Ngoài đo trực tiếp, cảnh báo từ xa, đơn vị còn phối hợp công ty cấp nước Bình Dương cung cấp số liệu để dự báo được tình hình phía hạ nguồn.
Hạn hán lịch sử, xâm nhập mặn đã vào đến cầu Sài Gòn trên sông Sài Gòn. Ảnh:Phước Tuần
Về phía Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc, cho biết trước mắt công ty tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến độ mặn của sông Sài Gòn để ứng phó kịp thời. Công ty cũng sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa nước Dầu Tiếng, Trị An để đề nghị xả nước kịp thời đẩy mặn, vận hành các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước hợp lý để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân và phục vụ công nghiệp.
Sắp tới Sawaco sẽ kiến nghị UBND TP về chủ trương đầu tư hồ trữ nước thô cho nhà máy nước sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn tại huyện Củ Chi cho trước mắt và trung hạn. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP HCM cũng vừa công văn khẩn cảnh báo về xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian gần đây đến UBND các huyện vùng ven TP và các đơn vị thành viên.
TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết nguyên nhân tình hình xâm nhập mặn năm nay vào sâu về hướng thượng nguồn sông Sài Gòn chính là lượng nước ở các hồ chức nước, sông suối ở phía thượng nguồn khô hạn không cung cấp đủ nước về phía hạ lưu đẩy mặn. Mặt khác, nước biển dâng, triều cường kéo dài đến tháng ba khiến tình hình xâm nhập mặn thêm nghiêm trọng.
Về phương án khắc phục tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc bơm nước thô của các trạm bơm cho các nhà máy nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai, TS Lê Anh Tuấn cho rằng tình hình nhiễm mặn sẽ thay đổi theo từng thời điểm trong ngày nên các trạm bơm cần nghiên cứu, giám sát quan trắc cụ thể để quyết định bơm nước vào thời điểm độ mặn thấp nhất hoặc độ mặn trong ngưỡng cho phép.
Nếu tình hình độ mặn xâm nhập nghiêm trọng, các máy bơm cần dịch chuyển lên phía thượng nguồn hoặc dẫn nước từ phía thượng nguồn về trạm bơm để đảm bảo độ mặn cho phép. Cũng cần cân nhắc thật kỹ các đợt xả nước ở hồ thủy lợi giúp sông Sài Gòn đẩy mặn sao cho hợp lý, tránh trường hợp mức nước ở hồ thủy lợi xuống mức nước chết. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả nông nghiệp lẫn tình hình cung cấp nước cho các nhà máy nước.
Theo ZingNews