Hạn hán làm gián đoạn cuộc sống của 1/4 dân số thế giới
Vài năm gần đây, đời sống người dân trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh và bây giờ là hạn hán.
Cánh đồng ngô khô cằn do hạn hán tại Spino d’Adda, Italy, ngày 11/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Những vườn ô liu ở Tunisia héo khô. Sông Amazon ở Brazil chứng kiến mùa khô hạn nhất trong một thế kỷ. Những cánh đồng lúa mì hoang tàn ở Syria và Iraq, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói khát sau nhiều năm xung đột. Kênh đào Panama, nút thắt thương mại quan trọng, không có đủ nước cho tàu thuyền lưu thông. Nỗi lo hạn hán đã khiến Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu phần lớn loại ngũ cốc quan trọng này.
Liên hợp quốc ước tính rằng 1,84 tỷ người trên toàn thế giới, tương đương gần 1/4 nhân loại, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào năm 2022 và 2023. Phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình.
Ông Ibrahim Thiaw, người đứng đầu cơ quan đưa ra ước tính trên, viết trong lời nói đầu của báo cáo: “Hạn hán diễn ra trong thầm lặng, thường không được chú ý và không gây ra phản ứng chính trị và công chúng ngay lập tức”.
Nhiều đợt hạn hán trên khắp thế giới xảy ra vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và lạm phát giá lương thực gia tăng. Trước đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine liên quan đến hai quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu đã khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, và nạn nhân là những người nghèo nhất thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, vào năm 2023, giá gạo – loại ngũ cốc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của đa số dân số toàn cầu – đã leo lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hiện tượng khô nóng bất thường hiện nay đang trở nên tồi tệ hơn vì hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Ví dụ, các nhà khoa học gần đây kết luận ở Syria và Iraq, hạn hán kéo dài ba năm sẽ rất khó xảy ra nếu không có áp lực của biến đổi khí hậu. Sự xuất hiện của El Nino vào năm 2023, làm nhiệt độ ấm hơn bình thường ở một số khu vực trên Thái Bình Dương, cũng rất có thể đã góp phần gây ra hiện tượng này.
Mực nước sông xuống thấp do hạn hán tại Corbere-les-Cabanes, miền Nam nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại đợt El Nino xảy ra giữa năm 2014 và 2016, Đông Nam Á chứng kiến sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực.
Điểm khác biệt lần này là thế giới đang chứng kiến mức nghèo đói kỷ lục, sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, cộng thêm bởi các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Dải Gaza. 258 triệu người đang phải đối mặt với cái mà Liên hợp quốc gọi là “nạn đói cấp tính”, trong đó một số người đang trên bờ vực chết đói.
Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói – nhóm nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ – ước tính rằng hình thái El Nino đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của ít nhất 1/4 diện tích đất nông nghiệp trên thế giới.
Video đang HOT
Các chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu fewsNet cho biết dựa trên những gì từng xảy ra trước đây, El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm giảm năng suất lúa ở Đông Nam Á – nơi gạo là nguyên liệu chính của mọi bữa ăn.
Lúa gạo rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các chính phủ cũng rất dễ bị tổn thương trước những biến động của giá gạo. Điều này giúp giải thích tại sao Indonesia, quốc gia sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024, lại chuyển sang tăng cường nhập khẩu gạo trong thời gian gần đây. Nó cũng giải thích tại sao Ấn Độ, quốc gia cũng sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024, đã áp đặt một loạt thuế xuất khẩu, mức giá tối thiểu và lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn đối với gạo của nước này.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ là một biện pháp phòng ngừa. Chính phủ từ lâu đã dự trữ lượng lớn gạo và cung cấp gạo cho người nghèo với mức chiết khấu cao. Các hạn chế xuất khẩu tiếp tục giúp giữ giá ở mức thấp và ở một quốc gia nơi hàng trăm triệu cử tri sống dựa vào gạo, chúng giúp giảm bớt rủi ro chính trị cho các nhà lập pháp đương nhiệm.
Nhưng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và những hạn chế của nước này đang được áp dụng ở nhiều nơi khác. Giá gạo đã tăng vọt ở các quốc gia phụ thuộc vào gạo Ấn Độ như Senegal và Nigeria.
Trước đó, El Nino cũng là tin xấu đối với cây ngô ở hai “vựa ngô” lớn: Nam Phi và Trung Mỹ. Điều đó thật tồi tệ đối với những người nông dân ở đó. Nhiều người trong số họ phải sống chật vật vì giá lương thực vốn đã đắt đỏ.
Hạn hán ở Trung Mỹ ảnh hưởng đến nhiều thứ chứ không chỉ lương thực. Vấn nạn bạo lực và bất ổn kinh tế đã khiến hàng triệu người cố gắng di cư về phía Bắc để đến Mỹ. Và hạn hán có thể thúc đẩy thêm dòng người tìm đến biên giới Mỹ. Nghiên cứu cho thấy những năm khô hạn bất thường sẽ chứng kiến quy mô di cư lớn hơn từ Trung Mỹ đến Mỹ.
Dọc theo Kênh đào Panama, thời tiết khô hạn đã buộc công ty vận tải khổng lồ Moller-Maersk ngày 11/1 phải tuyên bố rằng họ sẽ dừng đi qua kênh đào này, và thay vào đó sẽ sử dụng tàu hỏa để chuyển hàng hóa. Xa hơn về phía Nam, hạn hán ở sông Amazon đã khiến nước uống trở nên khan hiếm và cản trở giao thông đường thủy.
Hạn hán ở Brazil còn gây ra nhiều mối nguy hiểm sâu rộng hơn. Rừng nhiệt đới Amazon khỏe mạnh là một “nhà kho” chứa carbon khổng lồ. Nhưng “lá phổi xanh” sẽ bị hủy hoại nếu nắng nóng và hạn hán giết chết cây cối và gây cháy rừng.
Sông Amazon trơ cạn đáy do tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng
Khu vực Amazon đang bước vào tháng hạn hán thứ 5 liên tiếp và mực nước tại sông Rio Negro, một nhánh phía Bắc của sông Amazon, đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Sông Rio Negro - một nhánh của sông Amazon - cạn trơ đáy do hạn hán. (Nguồn: EPA-EFE)
Lưu vực Amazon - nơi có con sông cùng khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới lưu trữ 1/5 lượng nước ngọt trên Trái Đất - đang ngày càng khô cạn.
Khu vực này đang bước vào tháng hạn hán thứ 5 liên tiếp và mực nước tại sông Rio Negro, một nhánh phía Bắc của dòng sông Amazon, đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Những ảnh hưởng của hạn hán đang lan tràn khắp khu rừng. Việc đi lại và giao thương dọc theo hệ thống con sông đã bị đình trệ. Brazil buộc phải đóng cửa nhà máy thủy điện lớn thứ tư đất nước.
Các loài cá quan trọng trên sông Amazon phải vật lộn để sinh sản, đe dọa tới nguồn cung cấp thực phẩm tự nhiên.
Một người dân địa phương cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy đáy con sông mà tôi đi lại hàng ngày trong 14 năm qua."
Khi mùa mưa trở lại, mực nước sông đang bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán lượng mưa dưới mức trung bình có thể khiến khu vực này lại rơi vào tình trạng khô khạn vào năm tới.
Thảm họa hiện nay xảy ra sau những đợt hạn hán nghiêm trọng vào các năm 2005, 2010, 2015, 2016 và 2020. Mỗi đợt hạn hán - kết hợp với nạn phá rừng và nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng - làm suy giảm khả năng phục hồi của Amazon và đẩy nó đến gần hơn tới điểm bùng phát mà tại đó rừng nhiệt đới có thể biến đổi vĩnh viễn thành thảo nguyên.
Một con tàu bị mắc cạn do lòng sông khô cạn. (Ảnh: EPA-EFE)
Chris Boulton, nhà nghiên cứu tại Viện Hệ thống Toàn cầu của Đại học Exeter - tác giả chính của một nghiên cứu vào năm 2022 về các điểm tới hạn của Amazon, cho biết: "Khu rừng có thể đang phục hồi sau một đợt hạn hán và sau đó bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán khác trong khi nó vẫn đang trong quá trình phục hồi. Nếu điều đó xảy ra, có thể còn mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường và cuối cùng nó đến ngưỡng không thể trở lại bình thường."
Tình trạng xuống cấp của rừng rậm Amazon sẽ gây ra hậu quả lớn cho khí hậu thế giới. Khu rừng lưu trữ 123 tỷ tấn carbon - gấp hơn ba lần lượng khí carbon do con người thải ra năm ngoái - và khu vực phía Tây còn nguyên vẹn của Amazon đã hút hàng triệu tấn carbon ra khỏi khí quyển mỗi năm.
Nhưng cháy rừng và nạn phá rừng đã biến rìa phía Đông của khu rừng thành nơi phát thải carbon ròng. Phần còn lại của khu rừng có thể phải đối mặt với số phận tương tự.
Rừng nhiệt đới Amazon bên bờ vực
Hạn hán năm nay có liên quan đến hiện tượng El Nino mạnh mẽ, một kiểu khí hậu thường dẫn đến tình trạng khô hạn hơn ở Amazon.
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu bắt nguồn từ nguyên nhân con người có lẽ đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán bằng cách đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước từ bề mặt.
Khi nhiệt độ mùa Hè và mùa Thu tăng mạnh ở Brazil trong những thập kỷ gần đây, lượng mưa trung bình trên cả nước đã giảm mạnh.
El Nino làm gia tăng tình trạng hạn hán tại khu vực Amazon. (Ảnh: EPA-EFE)
Tình trạng hạn hán trên khu vực rừng nhiệt đới đã đạt đến mức khắc nghiệt nhất trong ba tháng qua.
Theo Nobre, những đợt hạn hán lớn hiếm khi xảy ra ở Amazon - khoảng 20 năm một lần. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, ngày nay, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn.
Phá rừng cũng có thể làm hạn hán trở nên tồi tệ hơn bằng cách làm cho điều kiện khô hạn hơn.
Amazon rộng lớn đến nỗi nó tự tạo ra mưa. Không khí ẩm ướt từ Đại Tây Dương di chuyển qua đất liền và trút mưa gần bờ biển, tưới nước cho bìa rừng.
Khối thực vật dày đặc giải phóng độ ẩm trở lại không khí thông qua một quá trình gọi là thoát hơi nước. Khi gió thổi không khí ẩm vào sâu hơn trong đất liền, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn. Quá trình này lặp lại trên toàn bộ khu rừng.
Nhưng trong 5 tháng qua, dòng sông đã bị hạn hán biến đổi. Mực nước đã giảm xuống còn khoảng 30cm, Amazon và các nhánh của nó bị tắc nghẽn bởi các bãi cát khiến hoạt động đi lại bằng đường sông gặp khó khăn.
Vào tháng 10, cao điểm của mùa khô, thước đo mực nước nằm trơ vơ bên dòng sông khô cạn. Thông thường, nó sẽ chỉ mực nước sâu khoảng 3m vào thời điểm này trong năm. Nhưng vào ngày 16/10, nó cho kết quả là -0,76m, nghĩa là nước đã rút về một dòng suối nông ở trung tâm lòng sông, thấp hơn vạch 0 trên đồng hồ đo.
FAO cần 11,8 triệu USD để giúp Somalia chống 'siêu El Nino' Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ngày 6/10 cho biết tổ chức này hiện cần 11,8 triệu USD để tăng cường các biện pháp giảm nhẹ, bao gồm việc lập bản đồ các khu vực dễ bị lũ lụt, trước một đợt lũ hiếm gặp do ảnh hưởng...