Hạn chót cho Đà Nẵng tự hủy bỏ quy định “cấm” nhập cư
Lãnh đạo Bộ Tư pháp gia hạn thêm 1 tuần để TP này tự hủy bỏ quy định trái luật trước khi trình Thủ tướng.
Ngày 24/8, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn có báo cáo nhanh với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết luận cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan liên quan liên quan đến Nghị quyết 23/2011 bị “thổi còi” đã lâu của HĐND TP Đà Nẵng, có nội dung quy định tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp không có nhà, nhà ở thuê mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự.
Đà Nẵng đang áp dụng quy định siết nhập cư tại 2 quận Thanh Khê, Hải Châu.
Ông Sơn cho biết, Đà Nẵng vẫn lập luận, việc tạm dừng đăng ký thường trú mới tại khu vực nội đô để xin chỉ đạo của cấp trên là không trái luật. Hiện, thành phố đang áp dụng quy định hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng lý giải: “Đà Nẵng hạn chế nhập cư không phải là tẩy chay dân nhập cư. Thành phố vẫn thực hiện thu hút nhân tài và đến nay đã tuyển hơn 2.000 trí thức người ngoài tỉnh vào biên chế, không quan trọng là người ở địa phương nào nhưng đã nhập cư vào trung tâm thành phố là phải có công việc ổn định”.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Lê Hồng Sơn, địa phương này vi phạm cả yêu cầu của Thủ tướng khi đã có chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ: trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ về những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về cư trú, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của Luật Cư trú và Nghị định 56/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2007/NĐ-CP.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ kết luận, quy định “cấm” nhập cư tại Nghị quyết 23 không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của Luật Cư trú. Ông Tỵ yêu cầu Thường trực HĐND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn.
Trong vòng một tuần kể từ khi cuộc họp kết thúc, nếu HĐND Đà Nẵng vẫn bảo lưu quan điểm, không thực hiện yêu cầu trên và không có văn bản báo cáo Thủ tướng và Cục Kiểm tra Văn bản, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng đình chỉ. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng sẽ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội bãi bỏ quy định trái luật này.
Theo VNN
Dự kiến di dời 550 ngàn SV ra khỏi khu vực nội thành
Mục tiêu cụ thể của việc di dời một số trường ĐH, CĐ từ nội thành của TPHCM và Hà Nội đến các khu quy hoạch bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Theo đó, sẽ có khoảng 550.000 sinh viên của 70 trường ĐH, CĐ phải di dời.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2012 của Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của việc di dời các cơ sở ĐH, CĐ đến các khu quy hoạch là từ năm 2012 đến năm 2025 thực hiện di dời khoảng 200.000 sinh viên (SV) đại học và cao đẳng nội thành TP Hà Nội với dự kiến khoảng 30 trường.
Tại TPHCM, dự kiến di dời khoảng 350.000 SV thuộc 40 trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ điều chỉnh lại số lượng SV tuyển mới hàng năm của các cơ sở không thuộc diện di dời cho đúng với điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật thực tế và các quy định về đảm bảo chất lượng, để tổng quy mô SV ĐH, CĐ đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2050 tại các cơ sở đào tạo trong nội thành TP Hà Nội khoảng 300.000 SV và của TPHCM còn khoảng 150.000 SV.
Các khu quy hoạch của Hà Nội và vùng thủ đô Hà Nội sẽ bao gồm: Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Chúc Sơn thuộc TP Hà Nội; khu vực Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên); tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình, Nam Định.
Các khu vực quy hoạch của TPHCM và vùng TPHCM sẽ bao gồm khu quy hoạch phía Tây Bắc thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi, Đông Bắc thuộc quận 9, phía Nam thuộc khu Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
Việc di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành là yêu cầu bắt buộc.
Về nguyên tắc, việc xác định trường thuộc diện di dời dựa trên bộ tiêu chí đi dời, không phân biệt trường công lập, trường tư thục, trường thuộc các tổ chức kinh tế, trường thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.
Trường thuộc diện di dời thực hiện di chuyển toàn bộ trường, cơ sở đào tạo, SV, cán bộ, giảng viên đến khu quy hoạch. Sau khi hoàn thành việc di dời không thực hiện thuê mướn địa điểm để đặt lớp đào tạo trong khu vực nội thành của 2 thành phố.
Các trường ĐH, CĐ không thuộc diện di dời sẽ thực hiện điều chỉnh và giám sát số lượng và cơ cấu tuyển sinh hàng năm để quy mô đào tạo phù hợp với các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn quy định.
Về lộ trình thực hiện, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án thực hiện:
Phương án 1, thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 di dời khoảng 5 trường; 2016 - 2020 di dời khoảng 7 trường và 2021 - 2025 di dời khoảng 18 trường còn lại. Tại TPHCM, giai đoạn 2011 - 2015 di dời khoảng 5 trường (theo thứ tự ưu tiên danh sách các trường đã có chủ trương bố trí địa điểm của UBND thành phố); 2016 - 2020 di dời khoảng 15 trường và 2021 - 2025 di dời khoảng 20 trường còn lại.
Phương án 2, thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 di dời khoảng 2 trường; 2016 - 2020 di dời khoảng 7 trường và 2021 - 2025 di dời khoảng 21 trường còn lại. TPHCM giai đoạn 2011 - 2015 di dời khoảng 2 trường; 2016 - 2020 di dời khoảng 10 trường và 2021 - 2025 di dời khoảng 28 trường còn lại.
Việc di dời các trường từ nội thành 2 thành phố đến các khu quy hoạch chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện không chỉ đến đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của 2 thành phố và các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội, vùng TPHCM cũng như các vùng lân cận mà còn tác động trực tiếp và làm thay đổi quy hoạch phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ của cả nước, đặc biệt các trường tại 2 thành phố trong những năm sắp tới.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ lên kế hoạch làm việc cụ thể với một số trường nằm trong phạm vi xem xét di dời để hoàn chỉnh danh sách trường di dời và trường không di dời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hồng Hạnh
Theo dân trí