Hạn chế bệnh tai mũi họng do thời tiết – Cách gì?
Thời tiết và viêm mũi họng là hai yếu tố luôn song hành. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy, tỷ lệ viêm mũi họng khi thời tiết thay đổi có thể tăng gấp 4-5 lần, thời gian bị bệnh cũng kéo dài hơn, bệnh hay tái phát. Vậy yếu tố nào làm cho bệnh viêm mũi họng tăng nhiều đến như vậy.
Mũi họng – cửa ngõ của cơ thể
Mũi họng được cơ thể phân công canh gác cửa ngõ đầu tiên khi có vi trùng xâm nhập. Cấu tạo của vùng mũi họng cũng được tạo hóa ban tặng để phù hợp với nhiệm vụ được giao. Vùng mũi họng được bao phủ bởi một lớp niêm mạc loại biểu mô trụ, có lông chuyển và các tuyến chế tiết nằm dưới lớp biểu mô. Trên bề mặt niêm mạc được bao phủ một thảm nhầy. Lớp thảm nhầy có chức năng bắt giữ vi khuẩn, các chất bụi bẩn… rồi vận chuyển ra phía cửa mũi sau, xuống họng. Đồng thời lớp nhầy này kết hợp với lông chuyển ở phía dưới và hệ thống mao mạch của cuốn mũi để thực hiện các chức năng làm ấm, làm ẩm, làm sạch không khí khi đi qua mũi vào khí phế quản, bảo vệ phổi trong mùa lạnh.
Khi cửa ngõ cơ thể bị xâm phạm
Khi không khí chuyển lạnh đột ngột, độ ẩm tăng cao làm cho lớp thảm nhầy trong hốc mũi và họng trở nên đặc và quánh hơn, lúc này lớp lông chuyển của mũi họng vận động khó khăn dẫn đến khả năng làm sạch, làm ấm, làm ẩm không khí của mũi họng giảm, do đó mũi họng dễ bị viêm hơn. Biểu hiện sớm của viêm mũi họng là cảm giác khô, rát mũi, họng. Người bệnh thường xuyên muốn uống nước. Lúc này, rỉ mũi trở nên nhiều và bám chặt vào mũi làm khó lấy. Tiếng thở của người bệnh to hơn bình thường – đây là dấu hiệu để phát hiện sớm trẻ bị viêm mũi họng, nếu điều trị ngay ở giai đoạn này sẽ tránh được việc sử dụng kháng sinh cho trẻ. Đôi khi xuất hiện chảy máu ở một hay hai bên mũi, máu đỏ tươi hoặc dịch mũi có màu hồng lẫn dịch mũi, rỉ mũi có màu đen. Bệnh nhân hay khịt khạc và ho húng hắng nhưng không có đờm.
Mặt khác khi lớp thảm nhầy bị đóng quánh, độ pH của dịch mũi họng chuyển dần từ môi trường kiềm nhẹ sang môi trường acid – thuận lợi cho các vi khuẩn tồn tại tại chỗ có điều kiện phát triển và gây bệnh. Trong đó các nguyên nhân do virut chiếm 60-80% các trường hợp gây bệnh, các trường hợp do virut có thể tự khỏi nếu cơ thể đủ sức đề kháng Viêm mũi họng do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu bêta tan huyết nhóm A (chiếm khoảng 20%) – loại vi khuẩn gây biến chứng viêm thận, thấp tim, thấp khớp. Ngoài ra còn gặp viêm họng do nấm: bình thường 70% dịch nuôi cấy từ mũi họng có sự tồn tại của nấm, nấm chỉ gây bệnh khi ở môi trường thuận lợi là acid hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút do nhiễm virut, trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV)…
Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn, dịch mũi có màu vàng xanh, ngày càng đặc dần. Biểu hiện hay gặp ở trẻ em là hiện tượng “thò lò mũi xanh”. Sau vài ba ngày đến một tuần, nếu không điều trị kịp thời sẽ xuất hiện triệu chứng viêm mũi họng cấp như sốt, ngạt tắc mũi, ho có đờm vàng xanh… hoặc viêm tai giữa (trẻ quấy khóc, sốt cao, kêu đau tai thậm chí chảy mủ tai…).
Video đang HOT
Bảo vệ mũi họng hằng ngày để phòng bệnh
Để khắc phục tình trạng thay đổi của niêm mạc mũi họng khi thời tiết chuyển mùa, nhất là từ nóng sang lạnh, hằng ngày chúng ta nên nhỏ thêm nước muối sinh lý ấm vào mũi để trả lại độ nhớt cho lớp thảm nhầy. Không nên bơm rửa mũi nhiều hoặc xì mũi mạnh nhất là đối với trẻ em vì nếu thực hiện không đúng động tác này, vô tình có thể đưa vi khuẩn vào tai hoặc vào xoang, hoặc xuống phế quản… gây ra những biến chứng nặng nề từ viêm mũi họng.
Nếu dịch nhầy của mũi họng quánh và có màu vàng xanh cần đi khám để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp như điều trị nhỏ thuốc tại chỗ làm loãng dịch, các thuốc sát khuẩn, thuốc làm săn khô niêm mạc mũi, thuốc kháng viêm, kháng sinh tại mũi… nhưng phải duy trì sự điều chỉnh này cho đến khi niêm mạc mũi họng hoàn toàn trở về bình thường. Trường hợp điều trị tại chỗ 2-3 ngày mà các triệu chứng nặng thêm như sốt, ho nhiều, đau nhức vùng mặt… phải kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân thích hợp, kháng viêm, giảm nề. Cách phòng bệnh quan trọng nhất là giữ ấm mũi họng khi thời tiết thay đổi.
Theo SKDS
Có thể chết vì chảy máu... cam?
Chảy máu mũi (còn gọi chảy máu cam) là triệu chứng hay gặp nhất trong các bệnh lý tai mũi họng, xảy ra ở khoảng 60% người trưởng thành trong đó có 6 - 10% trường hợp cần được xử trí tại bệnh viện.
Mức độ trầm trọng của chảy máu mũi tuỳ thuộc nguyên nhân, vị trí chảy máu: chảy máu mũi, trước chiếm tỷ lệ lớn nhưng thường không nặng, còn chảy máu mũi sau hiếm gặp nhưng thường nặng hơn do xuất phát từ mạch máu lớn, đôi khi liên quan đến những mạch máu của não. Chảy máu mũi sau có thể đe doạ đến tính mạng!
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi, có cả do tại chỗ hoặc do bệnh toàn thân.
Tại chỗ: do viêm nhiễm như viêm mũi cấp, viêm mũi mãn, viêm mũi do vi khuẩn, viêm mũi virút viêm xoang cấp viêm mũi vận mạch viêm mũi dị ứng... Do chấn thương vì ngoáy mũi hoặc dị vật lọt vào mũi (thường gặp ở trẻ em) sỏi mũi ở cả người lớn và trẻ em sang thương gây loét hốc mũi thường gặp ở công nhân ngành hoá chất khi bảo hộ chưa tốt, do lao, giang mai hoặc bệnh phong (hủi). Do cấu trúc bất thường ở hốc mũi như vẹo hoặc gai của vách ngăn mũi... Do khối u: lành tính như u xơ vòm mũi họng, u do nấm và u ác tính như ung thư vòm họng, u hốc mũi, u xoang, u sàn sọ...
Nguyên nhân toàn thân như bệnh toàn thân cấp tính gây rối loạn đông cầm máu ban đầu như cúm, sởi nặng, sốt tinh hồng nhiệt, sốt xuất huyết, sốt rét... Bệnh của hệ tim mạch như cao huyết áp vỡ các phình mạch của hệ mạch máu động mạch cảnh bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh của hệ máu gặp ở những người có thể trạng thiếu máu nặng, nhiễm trùng nhiễm độc, thiếu vitamin. Bệnh bạch cầu cấp suy tuỷ giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, rối loạn chất lượng tiểu cầu, và những bệnh thuộc về mạch máu như bệnh ưa chảy máu.
Một số nguyên nhân khác như sự thay đổi nội tiết trong cơ thể ở người có thai, có kinh nguyệt hoặc dùng corticoide xịt mũi kéo dài không đúng chỉ định, dùng thuốc chống đông do thay đổi áp lực của khí quyển, thay đổi thời tiết... Còn lại khoảng 5% không tìm được nguyên nhân (vô căn), thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, chảy máu tự nhiên số lượng ít tái diễn nhiều lần và hay gặp khi làm việc gắng sức hoặc đi ngoài nắng quá lâu.
Những trường hợp nhẹ thì không cần nhập viện, thường chỉ cần dùng ngón cái cùng bên ấn nhẹ bên cánh mũi chảy máu, giữ trong 5 - 10 phút, trong khi đầu để thẳng.
Xử trí
Một trong những biện pháp can thiệp cầm máu mũi đầu tiên khi nhập viện là nhét bấc, một biện pháp đã được áp dụng gần 200 năm nay và vẫn được dùng rộng rãi tới nay. Đến những năm 1910 -1920, một phương pháp khác được đưa ra là thắt mạch máu lớn ở vùng cổ, sau đó đến thập niên 1930 phương pháp thắt động mạch hàm qua xoang hàm được áp dụng. Ngày nay, có thêm nhiều phương pháp với tỷ lệ cầm máu mũi thành công cao (80 - 100%):
Đốt cầm máu với những trường hợp chảy máu từ điểm mạch Kiessebach (chảy máu ở mũi trước). Đốt bằng hoá chất nitrat bạc (AgNO3 10%), đốt điện đơn cực, hai cực hoặc đốt bằng laser.
Cầm máu mũi qua nội soi: được áp dụng cho những trường hợp chảy máu mũi tái phát sau khi đã nhét bấc. Phương pháp này thường được dùng cho những trường hợp chảy máu xuất phát từ trong mũi, được áp dụng rất phổ biến ở các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng.
Thắt động mạch: chỉ sử dụng khi các phương pháp cầm máu trên thất bại, phương pháp này được áp dụng với những trường hợp chảy máu mũi nặng xuất phát từ ngoài hốc mũi như đa chấn thương, chấn thương đầu mặt có kèm theo gãy hoặc vỡ xương mặt, những mạch máu được thắt có thể là động mạch hàm, động mạch sàng, động mạch cảnh chung hoặc động mạch cảnh ngoài.
Thuyên tắc mạch (nút mạch): được làm sau khi đã thực hiện chụp mạch (DSA - một trong những tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây để chẩn đoán nhiều bệnh lý trong đó có chảy máu mũi nặng hoặc chảy máu mũi tái phát). Sau khi đã chụp mạch và xác định rõ vị trí chảy máu mũi ở bên nào và tại nhánh động mạch nào ở vùng đầu mặt, những chất liệu tắc mạch khác nhau được bơm vào trong lòng mạch máu đang chảy để cầm máu. Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện kỹ thuật này một cách thường xuyên để xử trí cầm máu ở tất cả trường hợp chảy máu mũi nặng hoặc chảy máu mũi tái phát nhiều lần.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Minh
Sài Gòn tiếp thị
Bệnh tai mũi họng có thể là dấu hiệu của các bệnh nan y Rất nhiều người nghĩ đau họng hay viêm mũi là mấy bệnh xoàng xĩnh, chả cần thuốc cũng tự nhiên sẽ khỏi. Nhưng mấy thứ không đáng bận tâm đó lại là khởi đầu của rất nhiều căn bệnh nan y. Nguy hiểm hơn ta tưởng Từ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tôi thấy đại đa số bệnh nhân mình từng khám...