Hamas cân nhắc việc chuyển trụ sở chính trị ra khỏi Qatar
Ban lãnh đạo chính trị của Hamas đang tìm cách rời khỏi nơi đặt trụ sở hiện tại ở Doha, Qatar trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên quốc gia vùng Vịnh này để họ thúc đẩy Hamas tiến hành các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Hamas rục rịch “rời đô”
Các quan chức Arập cho biết trong những ngày gần đây, Hamas đã liên hệ với ít nhất hai quốc gia trong khu vực để hỏi liệu những nước này có cởi mở với ý tưởng các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas chuyển đến thủ đô của họ hay không. Một quan chức Arập tiết lộ với báo Wall Street Journal rằng Oman là một trong những quốc gia được liên hệ. Quan chức này cho hay, Hamas tin rằng các cuộc đàm phán con tin diễn ra chậm chạp có thể kéo dài trong nhiều tháng, khiến mối quan hệ chặt chẽ của họ với Qatar và sự hiện diện của họ ở Doha gặp nguy hiểm.
Qatar đang đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas. Ảnh: Getty Images.
Một nhà hòa giải người Arập quen thuộc với tình hình cho biết: “Các cuộc đàm phán (ngừng bắn) lại bị đình trệ mà hầu như không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triển vọng nào để họ sớm tiếp tục, đồng thời sự mất lòng tin đang gia tăng giữa Hamas và các nhà đàm phán”.
Trong những tuần gần đây, các nhà hòa giải từ Qatar và Ai Cập đã gây áp lực lên các đại diện của Hamas để yêu cầu nhóm này giảm bớt các điều kiện. Đôi khi, ban lãnh đạo Hamas nhận được lời đe dọa trục xuất nếu không đồng ý thỏa thuận thả con tin.
Một nhà hòa giải Arập khác nói với Wall Street Journal: “Khả năng các cuộc đàm phán bị hủy bỏ hoàn toàn là rất thực tế”.
Nếu Hamas rời Qatar, động thái này có thể khiến đảo ngược các cuộc đàm nhằm giải thoát hàng chục con tin Israel bị giam giữ ở Gaza và có thể khiến Israel và Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc chuyển thông điệp tới một nhóm bị Washington coi là tổ chức khủng bố.
Kể từ năm 2012, các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas đã sống ở Doha, thủ đô của Qatar, theo một thỏa thuận được Mỹ hỗ trợ. Bây giờ, nếu không ở lại nơi này, họ có thể sẽ đến một địa điểm mà các quan chức phương Tây khó liên lạc với họ hơn, chẳng hạn như Iran hay Syria. Khả năng giao tiếp với Hamas của Qatar là rất quan trọng, vì các quan chức Mỹ và châu Âu bị ngăn cản liên hệ trực tiếp với các nhân vật mà chính phủ của họ xem như thành viên của tổ chức khủng bố.
Video đang HOT
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp hồi tháng 3 tại Washington. Ảnh: Bloomberg.
Bản thân Qatar cũng “khó ở”
Qatar, một chế độ quân chủ ở vùng Vịnh Ba Tư, từ lâu đã nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Gaza và tăng cường viện trợ cho người Palestine, xây dựng niềm tin với các bên tham chiến và làm quen với chiến thuật đàm phán của họ. Trong 6 tháng qua, Qatar đã tham gia tháo gỡ một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao gai góc nhất thế giới, thể hiện giá trị của mình với tư cách là một đồng minh của Hoa Kỳ, đồng thời nâng cao vị thế là nhà hòa giải không thể thiếu của Trung Đông .
Nhưng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao của Qatar, gần đây cho biết quốc gia vùng Vịnh này đang đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas. Ông Al-Thani trích dẫn những gì ông cho là “sự chỉ trích không công bằng đối với những nỗ lực của Qatar” nhằm chấm dứt chiến sự ở Gaza. Chẳng hạn như việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng yêu cầu phải gây áp lực lên Qatar, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel vào tháng 11.
Nhà lãnh đạo Qatar cho biết trong một cuộc họp báo: “Có những giới hạn đối với vai trò này và những giới hạn đối với khả năng chúng tôi có thể đóng góp vào các cuộc đàm phán này theo cách mang tính xây dựng. Nhà nước Qatar sẽ đưa ra quyết định phù hợp vào đúng thời điểm”.
Chưa bao giờ mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ của Qatar, quốc gia vốn cam kết phản đối bạo lực chống lại sự chiếm đóng của Israel, với Hamas lại bị giám sát chặt chẽ như vậy. Các cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10, khi các chiến binh Gaza, theo chính quyền Israel, giết chết 1.200 người và hơn 200 người bị bắt cóc, đã đưa ra những gợi ý ở Israel rằng Qatar có thể phải chịu một phần trách nhiệm vì mối quan hệ của nước này với Hamas.
Nhà đàm phán người Qatar, Abdullah Al Sulaiti, đã giúp điều phối thỏa thuận ngừng bắn tháng 11/2023 trong cuộc chiến ở Gaza.
Một số nhà lập pháp Mỹ và chính trị gia Israel trong nhiều tháng qua đã kêu gọi Nhà Trắng buộc Qatar cắt đứt quan hệ với Hamas và buộc quốc gia vùng Vịnh này đối mặt với hành động trừng phạt vì những gì họ cho là hỗ trợ khủng bố. Áp lực từ các nhà lập pháp Mỹ ngày càng gia tăng buộc Qatar phải đạt được nhiều nhượng bộ hơn từ Hamas hoặc cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Đầu tháng 4, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Budd đã đưa ra một dự luật xem xét việc chấm dứt tư cách của Qatar với tư cách là một đồng minh lớn ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trừ khi nước này trục xuất tất cả các thành viên Hamas hoặc đồng ý dẫn độ họ sang Mỹ. Ông Budd cho biết trong một tuyên bố: “Việc không hành động chống lại Hamas bắt đầu giống như sự hỗ trợ ngầm cho một tổ chức khủng bố”.
Hạ nghị sĩ Steny Hoyer, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, gần đây cũng tuyên bố rằng Qatar nên gây áp lực buộc Hamas thả con tin bằng cách cắt nguồn tài trợ cho nhóm hoặc đuổi các nhà lãnh đạo chính trị của họ ra khỏi Doha. Ông Hoyer nhấn mạnh: “Nếu Qatar không tạo được áp lực này, Hoa Kỳ phải đánh giá lại mối quan hệ của mình với Qatar”.
Ai là người thiệt nhất?
Khả năng Qatar duy trì mối quan hệ với Hamas – giống như với các nhóm cực đoan khác như Taliban – phản ánh một nỗ lực cân bằng khó khăn trong một thế giới mà Mỹ ngày càng yêu cầu bạn bè của mình phải có lập trường rõ ràng với họ và chống lại kẻ thù của họ.
Đại sứ quán Qatar tại Washington gọi dự luật do Thượng nghị sĩ Ted Budd đề xuất là “đáng thất vọng và vô ích”. “Đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm này…, thật liều lĩnh khi làm suy yếu mối quan hệ đối tác mà Mỹ và các đồng minh đã xây dựng cẩn thận trong nhiều thập kỷ”, Đại sứ quán Qatar tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Người Qatar nói rằng Hamas tin tưởng họ vì Qatar không có lợi ích trực tiếp trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Theo các nhà phân tích khu vực, sự ủng hộ của Qatar đối với các nhóm Hồi giáo khác trong các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập đã củng cố uy tín với Hamas, trong khi đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha đưa tin đầy thiện cảm về chính nghĩa của người Palestine và khuếch đại thông điệp của Hamas.
Một gia đình Palestine tị nạn tại thành phố Rafah sau khi phải di dời từ phía bắc Gaza tới đây. Hiện, Israel vẫn đang chuẩn bị tấn công Rafah.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng phản đối dự luật, nói rằng mặc dù không thoải mái khi một đồng minh có mối quan hệ với Hamas, nhưng việc đuổi các nhà lãnh đạo của tổ chức này ra khỏi Doha sẽ đảm bảo rằng con tin không bao giờ được thả vì sẽ không có kênh đàm phán thay thế.
Ông Murphy cho biết dự luật sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời dự đoán rằng động thái như vậy sẽ có tác động tiêu cực đến căn cứ của Mỹ ở Qatar và ảnh hưởng đến việc quốc gia vùng Vịnh mua vũ khí của Mỹ. “Họ là một đồng minh không hoàn hảo. Nhưng họ là một đồng minh quan trọng”, Thượng nghị sĩ Murphy nói.
Trong khi đó, các quan chức Israel trong nhiều tháng đã vận động Ai Cập, nước liên lạc trực tiếp với nhánh quân sự của Hamas và thường xuyên trao đổi với giới lãnh đạo chính trị của tổ chức này, để thúc đẩy Cairo đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán về con tin, với lý do lo ngại rằng Qatar chưa gây đủ áp lực lên Hamas ở Doha.
Qatar dường cũng bắt đầu cảm thấy kém mặn mà vai trò cầu nối với Hamas. Trao đổi với Wall Street Journal, một số quan chức Mỹ cho biết Qatar đã nói rõ rằng khi Nhà Trắng muốn đàm phán về việc chấm dứt sự hiện diện của Hamas ở Doha, Qatar sẽ sẵn sàng “làm những gì tốt nhất” cho mối quan hệ song phương.
Theo các quan chức kể trên, Qatar đã sử dụng mối quan hệ và khả năng thương thảo với Hamas để thúc giục nhóm này hướng tới một quan điểm hợp lý nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán với Israel nhưng sự chia rẽ giữa giới lãnh đạo chính trị của Hamas ở Doha và giới lãnh đạo quân sự ở Gaza đã khiến điều đó ngày càng khó khăn. “Tôi không nghĩ có ai tin rằng Hamas sẽ có tương lai ở Doha. Người Qatar hiểu và không kêu gọi Hamas ở lại hay ở đó”, quan chức Mỹ nói.
Đáp lại, Basem Naim, một thành viên Bộ Chính trị của Hamas ở Gaza, cũng cho rằng tổ chức này đã sẵn sàng chịu đựng sự phức tạp của tình hình. “Nếu người Qatar giữ vững lập trường bằng cách tiếp đón Hamas, chúng tôi rất biết ơn. Nhưng đồng thời, nếu họ quyết định đi theo hướng khác, ban lãnh đạo Hamas cũng đã quen với việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác,” ông Naim nói với báo HuffPost.
Rõ ràng, viễn cảnh Hamas chuyển trụ sở chính trị khỏi Qatar là khá hiện hữu. Và, đó là điều mà những gia đình con tin người Israel đang bị giam giữ cũng như hơn một triệu mảnh đời Palestine đang lay lắt tị nạn ở Rafah – nơi Israel đang vây chặt, không muốn thấy. Bởi thế giới càng khó liên lạc với Hamas, hòa bình càng khó trở lại hơn với vùng đất đau khổ Gaza.
Thủ lĩnh Hamas đến thăm Iran
Thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh có lịch trình đến Tehran ngày 26/3 để gặp gỡ các quan chức Iran.
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trong cuộc họp báo tại Doha, Qatar ngày 20/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Times of Israel đưa tin đây là chuyến thăm Iran thứ hai của ông Haniyeh kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát. Chuyến thăm trước đó diễn ra vào tháng 11/2023.
Chuyến thăm Iran của thủ lĩnh Hamas diễn ra đúng một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đánh giá nghị quyết của HĐBA LHQ ngày 25/3 là "bước đi tích cực". Hamas cũng đánh giá cao diễn biến này nhưng nhấn mạnh cần có lệnh ngừng bắn lâu dài.
Hãng tin Mer (Iran) đưa tin ông Haniyeh dự kiến tham gia cuộc họp với Ngoại trưởng nước chủ nhà Hossein Amir-Abdollahian. Bên cạnh đó, thủ lĩnh của lực lượng Hamas cũng có lịch trình tổ chức họp báo sau chuyến thăm.
Trong một diễn biến khác, Hamas tối 25/3 thông báo với các bên hòa giải rằng lực lượng này sẽ giữ vững quan điểm ban đầu về yêu cầu đối với lệnh ngừng bắn lâu dài, đó là rút binh sĩ Israel khỏi Gaza, để người Palestine phải di dời được quay trở lại, trao đổi thực chất các tù nhân. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần khước từ các yêu cầu này.
Đàm phán Israel Hamas: Vũ điệu trên băng mỏng Đến ngày 18/3, khi các nhà đàm phán quốc tế từ Ai Cập, Israel và Qatar gặp nhau tại Doha nhằm cố gắng thu hẹp những bất đồng tồn tại giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, về các điều khoản khả thi cho một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza cũng như vấn đề trao đổi con tin, thì các viễn...