Ham tiết kiệm ham lãi suất cao, cảnh báo chiêu tiền tỷ bốc hơi
Khách hàng có tiền gửi tiết kiệm thời điểm này được hưởng lợi lớn bởi lãi suất huy động từ các ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, cũng cần cẩn thận, bởi ham lãi suất cao có nguy cơ tiền gửi “bốc hơi”.
Trên thị trường hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của nhiều ngân hàng đang ở mức khá cao, phổ biến từ 5-8%/năm.
Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cao nhất là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với 8%/năm, tiếp đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 7,8%/năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là 7,6%/năm,… thấp nhất là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) 5%/năm.
Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất còn được đẩy cao hơn. Cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lãi suất 8,6%/năm.
Nếu khách hàng có nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất còn cao hơn nữa. Viet Capital Bank và Nam A Bank đang áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 24-60 tháng đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến.
Tránh gửi một khoản lớn vào một ngân hàng (ảnh minh họa)
Ngoài ra, một số ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất cao chót vót. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) vừa qua đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 9,1%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) từ 8,6-8,9%/năm, cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Trong khi đó, khối 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước gồm Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp VN (Agribank) và VietinBank, niêm yết phổ biến quanh mức 6,8-7%/năm.
Video đang HOT
Có thể thấy, lãi suất huy động ở các ngân hàng hiện nay có sự phân hóa khá mạnh với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới 2-3 điểm %/năm. Chênh lệch lớn nên gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao, khách hàng sẽ được hưởng lợi hơn.
Chẳng hạn, ở kỳ hạn 6 tháng với khoản tiền gửi 1 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi từ 25 triệu cho đến 40 triệu đồng tùy ngân hàng, một mức chênh đáng cân nhắc để chọn ngân hàng gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khách hàng nên cẩn thận, ham lãi suất cao, có nguy cơ gánh chịu những rủi ro. Bởi thời gian vừa qua, đã xảy ra hiện tượng tiền gửi “bốc hơi” tại một số ngân hàng.
Có khách hàng phản ánh, giữa năm 2018 mang số tiền lớn đến phòng giao dịch một ngân hàng TMCP nhỏ tại Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) để gửi, được nhân viên ngân hàng tư vấn nên gửi đồng sở hữu để hưởng lãi suất cao hơn. Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ, luôn phải có hai người (đứng tên đồng sở hữu) cùng có mặt, ký mọi giấy tờ thì việc tất toán hay thế chấp, chuyển đổi,… mới có hiệu lực. Sau đó, họ còn giới thiệu luôn một khách hàng sẵn sàng góp tiền tương đương để gửi theo hợp đồng đồng sở hữu.
Nhưng đến hạn ra ngân hàng làm thủ tục tất toán thì được thông báo, sổ tiết kiệm đã được tất toán cho một khoản tiền khác tại ngân hàng này. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc giám định thì chữ ký thì thấy, chữ ký ở giấy tờ gửi tiền với chữ ký vay tiền khác nhau. Điều này thể hiện quy trình, nghiệp vụ của ngân hàng không tốt.
Lãi suất là yếu tố nhiều người gửi tiền quan tâm đầu tiên và ai cũng thích gửi tiết kiệm ở những ngân hàng có lãi suất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất mà cần quan tâm tới các yếu tố khác như: uy tín, bề dày lịch sử, thương hiệu ngân hàng, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm ở ngân hàng mà mình gửi tiền.
Nên tìm hiểu về ngân hàng mình chọn gửi tiền bằng nhiều cách, như dựa trên các đánh giá phản hồi từ các khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng đó, đọc các thông tin liên quan về báo cáo tài chính quý, năm,… thường được công bố trên website hoặc trực tiếp trải nghiệm dịch vụ tư vấn của họ để có cái nhìn đa chiều hơn. Đây là việc cần làm để tránh trường hợp rủi ro như bị mất tiền. Ví như các ngân hàng nhỏ trả lãi suất cao, nhưng xem báo cáo tài chính thấy tăng trưởng huy động vốn không cao thì nên cân nhắc.
Phải giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không được để cho người khác “giữ hộ” với bất kỳ lý do nào. Bởi kẻ lừa đảo có thể giả chữ ký để tất toán trước hạn. Cùng với đó, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Hãy chia nhỏ số tiền ra, rồi gửi ở các ngân hàng khác nhau, tránh gửi một khoản lớn vào một ngân hàng, những kẻ lừa đảo thường nhắm đến khách hàng có khoản tiền gửi lớn.
Trần Thủy
Theo vietnamnet.vn
Dễ vay mua nhà nhưng lãi suất cao
Dù tín dụng bị siết, các ngân hàng đều dành khoản vốn nhất định ưu tiên người vay mua nhà để ở, chỉ có điều lãi suất không còn rẻ.
Đang có nhu cầu vay khoảng 1,4 tỉ đồng mua căn hộ, chị Ngọc Thúy (ngụ quận 2, TP HCM) liên hệ nhân viên một số ngân hàng (NH) tại TP HCM nhờ tư vấn. Các NH đều sẵn sàng giải ngân khoản vay của chị với điều kiện phải chứng minh thu nhập đủ khả năng trả nợ, căn hộ định mua có giấy tờ pháp lý đầy đủ, vay dưới 70% giá trị căn hộ. Mức lãi suất vay dao động 10,5% - 12,5%/năm.
Dễ vay
Thủ tục giấy tờ nhanh, đơn giản nhưng lãi suất là điều chị cân nhắc. "Tính ra mỗi tháng cả gốc và lãi tôi phải trả khoảng 15-16 triệu đồng. Mức này hơi áp lực so với thu nhập của 2 vợ chồng" - chị Thúy bộc bạch.
Vừa được giải ngân 2,5 tỉ đồng vay mua căn nhà tại quận Thủ Đức, TP HCM, anh Bá Dũng (kinh doanh tự do), cho biết lãi suất anh vay tại NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là 9,2%/năm trong năm đầu. Từ năm thứ 2 trở đi lãi suất điều chỉnh theo thị trường, hiện vào khoảng 11%/năm. "Tính ra mỗi tháng, gốc và lãi tôi phải trả khoảng 30 triệu đồng. Từ ngày vay mua nhà, tôi phải ráng làm nhiều hơn, nhận thêm việc bên ngoài để có đủ chi phí trang trải sinh hoạt gia đình và trả nợ" - anh Dũng chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay các NH đều có gói tín dụng cho người có nhu cầu vay mua nhà chứ không siết như nhiều người nghĩ, song lãi suất đã cao hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với trước đây. Chẳng hạn, NH TMCP An Bình (ABBANK) vừa dành 3.600 tỉ đồng gói tín dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay tiêu dùng với lãi suất từ 7%/năm cố định trong 6 tháng đầu. NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) có gói cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà đất lãi suất từ 7,49%/năm trong 6 tháng đầu; 8,99%/năm trong 12 tháng đầu, cho vay tới 85% giá trị tài sản bảo đảm, chấp nhận nhiều loại hình tài sản thế chấp...
Tuy nhiên, giá nhà đất tăng mạnh trong 2-3 năm qua đòi hỏi người vay mua nhà phải có khoản tiền tích lũy nhiều hơn hoặc chấp nhận vay nhiều hơn, đồng nghĩa với tiền gốc và lãi hằng tháng khá lớn. Hiện một căn hộ chung cư phân khúc tầm trung khu vực quận 2, 9, Gò Vấp, Bình Tân... có giá ít nhất từ 2-3 tỉ đồng thay vì 1-2 tỉ đồng như trước. Người mua được vay tối đa 70% giá trị căn hộ (trung bình từ 1,5-2 tỉ đồng), với mức lãi suất trung bình hiện nay từ 11%-12%/năm, tính ra mỗi tháng người vay phải trả thấp nhất 15-20 triệu đồng gốc và lãi, thời gian trả nợ cũng kéo dài hơn trước. "Thu nhập của gia đình gồm 2 vợ chồng nếu dưới 30 triệu đồng chắc tôi không dám vay NH để mua nhà ở thời điểm này" - anh Dũng đúc kết.
Một dự án căn hộ tại TP HCM có sự tham gia bảo lãnh và hỗ trợ cho vay của ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãi suất sẽ còn tăng
Ông Hoàng Việt Cường - Giám đốc khối kinh doanh, NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) - cho biết hiện lãi vay mua nhà NH đang áp dụng 11%-12%/năm, tùy vào đối tượng khách hàng, thời gian vay ngắn hay dài hạn. Mức lãi suất này đã tăng khoảng 0,5-0,7 điểm phần trăm so với năm trước. Hiện NH vẫn còn hạn mức tăng tín dụng và cho vay mua nhà để ở được NH ưu tiên nên không lo thiếu vốn, chỉ có điều lãi suất nhích hơn nên khách hàng cũng cân nhắc. "Khoản vay mua nhà thường là trung, dài hạn nên NH phải huy động nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cao hơn thời gian qua. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân lãi vay mua nhà nhích lên" - ông Hoàng Việt Cường phân tích.
Lãnh đạo một số NH khác nhìn nhận lãi suất huy động đầu vào thời gian qua đã tăng đáng kể so với trước đó, nhất là lãi suất gửi tiết kiệm trung dài hạn. Hiện nhiều NH đang huy động với lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng từ 8%/năm trở lên nên rất khó để lãi vay mua nhà giảm trong thời gian tới. Chưa kể, hệ số rủi ro áp cho các khoản vay mua nhà ở mức khá cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều rủi ro, đã hình thành mặt bằng giá mới...
Tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36 của NH Nhà nước quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài mới đây, NH Nhà nước quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 3 tỉ đồng sẽ áp dụng hệ số rủi ro 150%; từ 1,5 đến 3 tỉ đồng áp dụng hệ số 100%... Quy định mới nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Theo các NH thương mại, dù quy định trên chưa có hiệu lực nhưng các NH đã bắt đầu điều chỉnh để phù hợp dần với quy định mới và khó tránh lãi vay mua bất động sản sẽ tiếp tục đi lên.
Lướt sóng sẽ gặp rủi ro
Theo các chuyên gia, trong xu hướng lãi vay nhích lên, những người có nhu cầu mua nhà để ở thì có thể chấp nhận được. Riêng với những người vay mua nhà đất, căn hộ để đầu tư, lướt sóng sẽ chịu rủi ro hơn, trong bối cảnh mặt bằng giá nhà đất ở Việt Nam đang tăng cao.
Theo Thái Phương
Người lao động
City Auto (CTF) doanh thu quý II đột biến nhờ sản lượng bán tăng và điều chỉnh cách ghi nhận CTCP City Auto (CTF) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 tăng trưởng mạnh, với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 645 tỷ đồng, tăng 83,7% so với cùng kỳ. Theo CTF, doanh thu tăng do điều chỉnh cách ghi nhận các khoản hỗ trợ từ Ford Việt Nam. Ngoài ra, trong quý II, lượng...