Hăm hở khoe mâm cỗ ông Táo tự làm, mẹ trẻ gây tranh cãi vì bày cúng ở trong bếp
Nhiều bà nội trợ hiểu biết đã góp ý với N.C rằng, không nên bày mâm cúng ông Táo ở trong bếp mà cúng trong nhà mới đúng. Tuy nhiên, chia sẻ với nhau rồi, các chị em mới phát hiện ra là nhiều người cũng “lơ ngơ” không biết làm thế nào cho chuẩn!
Rằm tháng Chạp trôi qua, nháy mắt đã lại đến ngày Ông Công Ông Táo. Mặc dù là thứ 2 đầu tuần, nhưng từ nhà ra ngõ, cho đến mạng xã hội cũng thấy hội chị em tíu tít kế chuyện đi chợ búa, nấu cơm cúng 23 tháng Chạp. Không khí rôm rả vui tươi khắp mọi nơi, khiến ai cũng háo hức, vậy là Tết đã đến gần cửa nhà lắm rồi.
Nấu nướng bày biện xong, trong lúc chờ thắp hương thì các chị các mẹ bắt đầu khoe mâm cúng mình làm khá nhộn nhịp. Năm đầu tiên ra ở riêng nên mẹ trẻ N.C rất hồi hộp, chụp lại mâm cơm tiễn Ông Táo xong đăng lên chia sẻ với hội chị em. Mặc dù đã sắm sửa rất cẩn thận, bày biện cũng đẹp mắt, nhưng kết quả mâm cỗ của N.C đã gây ra một cuộc tranh luận tưng bừng.
N.C chia sẻ, năm đầu tiên có nhà mới nên chị tự làm tự cúng tự khấn hết từ đầu đến cuối, làm mâm đồ ngọt với hoa quả, xôi gấc, 3 con cá chép rất đẹp.
Nhìn qua thì ai cũng khen N.C bày biện đẹp, chuẩn bị cũng gọn gàng sạch sẽ, đủ đồ lễ cần thiết cho ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, ngồi săm soi 1 lúc, thì nhiều người bỗng phát hiện ra địa điểm mà N.C cúng ông Táo lại là bàn bếp.
Một bà mẹ tên Hương Mai thốt lên: “Ôi tiễn ông Táo lại bày mâm xong khấn vái ở dưới bếp hả mẹ nó, từ bé đến giờ mình chỉ thấy cúng ở bàn thờ thôi chứ nhỉ?”.
Cô nàng tên Su Su bình luận: “Em thấy trên mạng cũng dạy bày mâm lễ 23 ở bếp, vì 3 ông Công ông Táo cai quản bếp nhà mà”.
Rất đông chị em đổ xô vào bàn tán, nhắc đến việc bày mâm ở đâu mới khiến cho khối bà nội trợ giật mình. Đa số lâu nay quen với phong tục cúng lễ, thắp hương ở bàn thờ gia tiên, một số nơi như miền Trung thì hầu như nhà nào cũng có ban thờ Ông Táo riêng, nên biết chuyện cúng 23 tháng Chạp ở trong bếp, nhiều người tỏ ra vô cùng ngạc nhiên.
Một số chị em đi làm dâu ở chung với bố mẹ chồng thì theo quy tắc nhà chồng, để ông bà đại diện gia đình làm lễ nên không biết gì ngoài việc nấu cơm bày biện, còn lại nhiều mẹ ra ở riêng thì tỏ ra lúng túng, hoang mang không biết mình sắp mâm sắm lễ có gì sai không, vội đi hỏi khắp nơi khiến bức ảnh của N.C trở thành cuộc tranh luận chưa có hồi kết.
Một bên thì cho rằng cúng ông Táo dưới bếp là đúng, còn một bên thì cho rằng cúng ở bàn thờ gia tiên khấn theo bài riêng, cá biệt còn có mẹ chia sẻ nhà mình cúng cả 2 nơi cũng chẳng sao hết. Không chỉ vậy, các mẹ còn nháo nhác hỏi nhau bộ vàng mã thần linh có nên hóa cùng với Ông Táo hôm nay hay để đến 30 mới hóa, mỗi người trả lời 1 kiểu, cuối cùng vẫn chưa rõ thế nào mới đúng với phong tục truyền thống (!)
Mâm cúng đơn giản nhưng rất đẹp mắt của vợ chồng Yến Ngọc dưới bàn thờ gia tiên.
Mẹ trẻ Đinh Thùy Linh cũng làm theo phong tục phổ biến là cúng ông Táo bằng cỗ mặn dưới bàn thờ nhà mình.
Nhà chị Ngọc Anh thì cúng cả 2 nơi: trên bàn thờ lẫn dưới bếp.
Video đang HOT
Mẹ Hồng Phương khiến bao người trầm trồ vì mâm cúng nhỏ gọn nhưng đủ đầy các món truyền thống, và rất ưa nhìn, gà luộc còn được ngậm hoa hồng chỉn chu.
Nhà Thu Trang thì bày biện hết hoa quả, vàng mã lên ban thờ, cỗ mặn cúng sau.
Mẹ đảm Hà Mơ thì sắm sửa rất cầu kỳ, tươm tất dưới bàn thờ gia tiên.
Theo các chuyên gia phong thủy thì trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Tuyết Chinh được mọi người “chỉnh đốn” lại rằng trên mâm cúng thì đầu lợn quay ra, đầu gà quay vào, song bà mẹ trẻ cũng ngượng ngùng giải thích rằng quay ra để chụp ảnh mà thôi.
Ở riêng 5 năm rồi nhưng vợ chồng chị Thanh Hải không bày vẽ nhiều vì năm nào cũng làm ông Táo cả 2 bên nội ngoại, chỉ sắm hoa quả tiền lễ lên ban thần linh và mâm cúng đơn giản như thế này trong bếp.
Mâm cỗ của bà mẹ Lê Thùy Linh lại gây tranh cãi kiểu khác vì gà không để nguyên con mà lại… chặt ra. Có vẻ như cũng nhiều nơi quan niệm khác nhau nên con gà cũng trở thành chủ đề tranh cãi.
Ai cũng xuýt xoa khen Kún Xinh khéo tay, nấu cỗ đẹp mắt, nhưng hình như 1 chú cá chép ngửa bụng rồi, đem đi thả nhanh thôi mẹ nó ơi!
Nhà chị Minh Lim vừa cúng cỗ mặn, vừa cả cỗ ngọt, muối gạo ở dưới bếp. Với nhiều người thì hình ảnh này cũng khá lạ mắt, khác với thói quen.
Hóa ra cũng nhiều nhà quan niệm cúng ông Táo dưới bếp mới đúng, và chị Hoài Thu cũng làm y vậy.
Theo helino
Theo chân mẹ con bé Vừng làm lễ ông Công ông Táo sớm, chuẩn bị cái Tết "ngọt ngào nhất từ khi có Vừng"
Càng gần Tết càng bận, nên Thùy Dương - mẹ bé Vừng đã quyết định cúng 23 tháng Chạp sớm hơn 1 ngày. Mà không chỉ có Dương, hôm nay nhiều gia đình cũng tranh thủ nghỉ cuối tuần để làm mâm cơm sum họp.
Phố Lý Nam Đế chiều cuối năm thật đông đúc. Người qua lại nườm nượp, các chị các mẹ đi chợ sắm đồ làm cỗ cúng 23 tháng Chạp sớm rộn ràng như đi hội. Trong giỏ xe đạp của các bà là những cành đào nhỏ đã nở hồng rực rỡ, các mẹ thì tay xách nách mang đủ thứ hoa quả, trầu cau, gà sống, vàng mã... khiến ai cũng thấy bồi hồi đến lạ.
Năm nay, ngày ông Công ông Táo rơi đúng vào thứ 2 đầu tuần, mọi người vẫn đi làm khá bận rộn, nên nhiều gia đình đã quyết định tiễn các ông lên chầu trời sớm cho... đỡ tắc đường. Mặc dù hầu hết các gia đình ở Hà Nội vẫn duy trì những phong tục tập quán truyền thống, nhất là dịp Tết Nguyên đán, song, cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều thay đổi, nên dần dần mọi người cũng thay đổi nếp văn hóa cho phù hợp hơn. Chẳng hạn như những ngày lễ tiết quan trọng có thể xê dịch sớm hơn một vài hôm, vẫn giữ nguyên đủ đầy quy tắc truyền thống, chỉ là khác ngày đi cho tiện với lịch sinh hoạt, làm ăn của người dân.
Vì bận rộn với công việc kinh doanh, chăm sóc con nhỏ, lại là một bà mẹ đơn thân, Thùy Dương (27 tuổi) đã quyết định cúng ông Táo sớm hơn 1 ngày ở cửa hàng, để hôm sau còn "chạy sô" 2 bên nội ngoại. Vốn có quan niệm sống rất cởi mở, hiện đại, Dương cho rằng mình vẫn sắm sửa đủ theo nghi lễ truyền thống, chuẩn bị mâm cỗ tươm tất tiễn ông Táo lên trời thì sớm 1 hôm cũng vẫn ổn, không có vấn đề gì.
Tất bật cả buổi sáng chăm lo cho con, đầu giờ chiều Dương mới đi chợ sớm để chuẩn bị nấu cơm cúng. Cửa hàng mà cô thuê là ngôi nhà 4 tầng khá to nằm con ngõ cuối phố Lý Nam Đế, nên Dương cũng dự trù sẽ làm mâm cỗ vừa vừa, có cả mẹ đẻ và chị em bạn bè đến giúp.
"Ở đây không có bàn thờ gia tiên, chỉ có bàn thờ thần tài thôi, nhưng cũng là nơi gắn bó với mình suốt cả năm qua, mình cũng dành khá nhiều thời gian ở tại cửa hàng nên có đầy đủ mọi thứ ấm cúng như ở nhà vậy.
Năm ngoái Vừng còn nhỏ, mình chẳng làm gì được suốt cả Tết. Năm nay thì cu cậu lớn hơn rồi, có bà ngoại trông giúp, nên mới có thời gian bếp núc một chút, tự tay làm cơm cúng".
2h chiều, Dương có mặt tại chợ Hòe Nhai. Bình thường thì giờ này chợ vắng hoe, chẳng ai mua bán gì, nhưng giáp Tết thì chợ đông như hội. Đã chuẩn bị sẵn danh sách những thứ cần mua, Dương muốn nấu một bữa cơm cúng giản đơn nhưng vẫn đủ đầy các món truyền thống. Mua các đồ nấu mặn trước, rồi sau đó cô mới tìm mua đồ chay, hoa, vàng mã.
Nghe nhiều người bảo bận thì đặt mua hết đồ online cho nhanh, một mình xoay sở lại vất vả, Dương cũng chần chừ tham khảo, nhưng xem đi xem lại, bà mẹ trẻ quyết định tự tay đi chợ, nấu nướng cho thành tâm, giữ nguyên phong vị truyền thống. Dù có lối sống hiện đại, nhưng Dương cũng là một người phụ nữ thích những nét văn hóa cổ truyền, hơn nữa lại sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội lâu đời, mẹ của Dương đã dạy dỗ cô rất nhiều thứ, khiến cho Dương rất đam mê nấu ăn và làm các thứ thủ công.
3h Dương quay trở về cửa hàng. Mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ, bà mẹ trẻ tạm nghỉ 1 hôm không bán hàng, không gặp khách, không sổ sách giấy tờ để có một ngày nghỉ cuối tuần làm 23 tháng Chạp thật thoải mái. Hội chị em bạn dì cũng đến giúp đỡ, mỗi người 1 tay chuẩn bị đồ ăn. Bé Vừng chơi với bà ngoại, cậu nhóc loanh quanh lạ lẫm với căn phòng của mẹ được trang trí Tết đẹp đẽ, nhà cũng đông người hơn mọi khi nên Vừng rất vui.
Trong căn bếp sáng sủa ấm cúng, tiếng dao thớt, xào nấu, mùi đồ ăn thơm lựng khắp không gian. Lâu lắm rồi mới vào bếp để làm cỗ theo kiểu truyền thống, Dương cảm thấy khá lạ lùng.
" Từ ngày chỉ còn mình với Vừng thì hầu như mình không bao giờ nấu ăn nữa. Ở nhà chỉ toàn mẹ ruột hoặc mẹ chồng nấu giúp. Nhưng hôm nay thì mình muốn tự tay làm, để Vừng có một ngày ông Táo ý nghĩa, được trải nghiệm cùng mẹ trọn vẹn hương vị Tết từ bây giờ".
Đến 5h thì cỗ cũng xong xuôi, bày ra mâm với đủ gà luộc, bánh chưng, bò xào... Trong nhà chỉ toàn phụ nữ, ai cũng bận rộn, chỉ có chiều cuối tuần này rảnh rỗi sum vầy, nên cùng nhau vừa làm vừa trò chuyện thật vui.
Cúng bái, hóa vàng xong xuôi, Dương cùng mẹ và các chị em hạ mâm cúng, mang cá vàng ra hồ Gươm thả. Bà mẹ trẻ bỗng hồi hộp nôn nao khó tả, bởi đây là lần đầu tiên cô đưa bé Vừng đi trải nghiệm văn hóa thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời. Mặc dù cá được đem đi lúc trời đã nhá nhem tối, khác phong tục truyền thống là thả cá trước 12h trưa ngày 23 âm lịch, nhưng nhiều nhà khác cũng tranh thủ làm cỗ sớm thả cá sớm như Dương, nên cô nghĩ cũng không phạm điều gì.
Trở về cửa hàng, mọi người cùng nhau bày mâm, hâm nóng lại thức ăn rồi quây quần cùng trò chuyện thật ấm áp. Vừng đùa nghịch, cười rộn rã khắp cả nhà. Có lẽ với Dương, từ sau khi trở thành mẹ đơn thân, đây là cái Tết an yên và nhiều niềm vui nhất...
Theo helino
Dùng nước lau sàn tắm cho cá chép trước ngày ông Công ông Táo, gia đình nhận cái kết "đắng" Câu chuyện khiến dân mạng cười không ngớt khi chia sẻ lên mạng xã hội. Háo hức đặt mua quần áo Tết trên mạng, anh chàng vớ ngay cái kết cười ra nước mắt Ca nâng mũi trị giá 2 triệu đồng của người phụ nữ nghèo độc thân khiến dân mạng ấm lòng ngày giáp Tết Instagram 1 triệu followers của An...