Hạm đội tàu khu trục nhỏ đáng nể của Hải quân Nhật
Mặc dù thu hút được ít sự quan tâm hơn so với những khu trục hạm cỡ lớn nhưng đội tàu khu trục nhỏ của Hải quân Nhật Bản cũng có sức mạnh rất đáng gờm.
Dưới đây là 3 lớp tàu khu trục cỡ nhỏ chủ lực của Hải quân Nhật Bản:
1. Khu trục hạm cỡ nhỏ (Frigate) lớp Hatsuyuki
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.050 tấn, đầy tải 4.000 tấn; dài 130m; rộng 13,6m, mớn nước 4,2 – 4,4m. Tàu được trang bị kết hợp 2 động cơ turbine khí cỡ lớn Kawasaki-Rolls-Royce Olympus TM3B công suất 45.000 mã lực (34 MW) với 2 động cơ turbine khí cỡ nhỏ RR Type Kawasaki RM1C công suất 9.900 mã lực (7,4 MW) cho phép chạy với tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); thủy thủ đoàn 220 người.
Hatsuyuki thuộc thế hệ khu trục hạm thứ 3 của Hải quân Nhật với vai trò chính là chống ngầm giống như người tiền nhiệm của nó – tàu khu trục lớp Yamagumo. Có tất cả 12 tàu lớp Hatsuyuki đã được đóng trong giai đoạn từ 1979 – 1986, đến nay chỉ còn 6 tàu lớp này còn hoạt động. Mặc dù gọi là khu trục nhưng kích thước cũng như chức năng của Hatsuyuki chỉ được thế giới xếp vào hạng frigate.
Hatsuyuki là lớp tàu chiến đầu tiên của Nhật được trang bị tên lửa phòng không Sea Sparrow và tên lửa chống hạm Harpoon, đồng thời đây cũng là lớp tàu khu trục đa dụng đầu tiên của Nhật được giới thiệu với năng lực vận hành trực thăng chống ngầm Sikorsky HSS-2B Sea King.
Vào năm 1982 và 1990, Hải quân Nhật quyết định thí điểm triển khai bổ sung hệ thống CIWS Phalanx và sonar kéo trên 2 tàu Matsuyuki DD-130 và Hatsuyuki DD-122 sau đó mới nhân rộng cho các tàu khác. Từ chiếc DD-129 Yamayuki trở đi vật liệu nhôm đã được sử dụng để thay thế thép trong các bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng.
Vũ khí trang bị của các khu trục hạm lớp Hatsuyuki sau khi bổ sung và nâng cấp gồm: 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa hành trình đối hạm Harpoon, 2 hệ thống CIWS Phalanx 20mm, 1 bệ phóng Mk-29 để phóng tên lửa đối không RIM-7 Sea Sparrow, rocket chống ngầm ASROC và 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-301.
Hatsuyuki và Shirayuki – 2 tàu đầu tiên của lớp lấy lại tên của những khu trục hạm Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II. Vào năm 2013, chính phủ Nhật đã thông qua kế hoạch chuyển đổi 4 tàu khu trục nhỏ lớp Hatsuyuki cho lực lượng tuần duyên, trước khi chuyển giao chúng sẽ được tháo bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí (ví dụ như tên lửa Harpoon) và đổi phân lớp thành tàu tuần tra cỡ lớn mang trực thăng (PLH – Patrol Vessel Large With Helicopter).
Video đang HOT
2. Khu trục hạm cỡ nhỏ (Frigate) lớp Asagiri
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.500 tấn, đầy tải 4.900 tấn; dài 137m; rộng 14,6m, mớn nước 4,5m. Hệ thống động lực gồm 4 động cơ turbine khí công suất 54.000 mã lực cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); tầm hoạt động 8.030 hải lý (14.870 km) khi chạy với tốc độ 14 hải lý/h (26 km/h); thủy thủ đoàn 220 người.
Khu trục hạm cỡ nhỏ (frigate) lớp Asagiri (lấy lại tên của tàu khu trục Hải quân Đế quốc Nhật Bản thời chiến tranh thế giới II) gồm tất cả 8 tàu mang số hiệu từ DD-151 đến DD-158, được đóng trong giai đoạn từ 1986 – 1989. Hiện tại 2 tàu DD-151 Asagiri và DD-152 Yamagiri đã được hoán cải thành tàu huấn luyện và đổi số hiệu thành TV-3516 và TV-3515.
Asagiri là phiên bản mở rộng của lớp tàu khu trục Hatsuyuki thế hệ trước với nhiệm vụ chủ yếu là chống tàu nổi và chống ngầm. Những cải tiến chủ yếu bao gồm: thay thế hệ thống động cơ turbine khí kết hợp Kawasaki-Rolls-Royce Spey SM1A công suất cao hơn; trang bị radar tìm kiếm bề mặt OPS-28 (tương tự radar tìm kiếm Mk-32 của Mỹ) có năng lực tốt hơn. Các tàu về sau còn được trang bị radar tìm kiếm trên không 3 tham số OPS-24 – loại radar mảng pha quét điện tử đầu tiên trang bị cho tàu chiến và tích hợp hệ thống quản lý tác chiến OYQ-7 với OYQ-101, hệ thống C4I và hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến hơn.
Vũ khí của Asagiri gồm 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx và 1 bệ phóng Mk-29 để bắn tên lửa đối không tầm ngắn Sea Sparrow. Năng lực chống ngầm của tàu khu trục lớp Asagiri rất đáng nể nhờ được trang bị sonar OQS-4A kết hợp với sonar kéo OQR-1 cùng rocket chống ngầm Mk-16 ASROC, 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-302A. Nhà chứa của tàu cho phép mang theo 2 trực thăng nhưng thực tế thường chỉ mang được 1 trực thăng chống ngầm SH-60J(K) trong các chuyến hải trình.
3. Khu trục hạm hộ vệ (Corvette) lớp Abukuma
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.000 tấn, đầy tải 2.500 tấn; dài 109m; rộng 13m, mớn nước 3,7m. Hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ turbine khí Kawasaki-RR SM1A công suất 26.650 mã lực (19,9 MW) và 2 động cơ diesel Mitsubishi S12U MTK 6.000 mã lực (4,4 MW, tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50 km/h); thủy thủ đoàn 120 người.
Khu trục hạm hộ vệ (corvette) đa dụng lớp Abukuma của Hải quân Nhật Bản được phát triển từ lớp Yubari thế hệ trước với nhiều cải tiến như: áp dụng công nghệ tàng hình, nâng cấp thiết bị điện tử và sửa đổi hệ thống vũ khí. Ban đầu Hải quân Nhật lên kế hoạch đóng 11 tàu lớp Abukuma nhưng cuối cùng chỉ có 6 chiếc hoàn thành. Chiếc đầu tiên của lớp, DE-229 Abukuma hạ thủy ngày 17/3/1988, vào biên chế ngày 12/12/1989 trong khi chiếc cuối cùng DE-234 hạ thủy ngày 8/2/1991 và chính thức biên chế ngày 8/2/1993. Cả 6 chiếc của lớp đều lấy lại tên những tuần dương hạm Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II và hiện tất cả vẫn còn đang hoạt động.
Abukuma được trang bị radar tìm kiếm bề mặt OPS-28 tương tự như khu trục hạm Asagiri đi kèm với radar trinh sát đường không OPS-14 (chức năng tương tự radar AN/SPS-49 của Mỹ). Vũ khí trang bị của Abukuma gồm 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa đối hạm Harpoon, rocket chống ngầm RUR-5 ASROC và 2 cụm 6 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-301.
Bên cạnh hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe cũng đã được lên kế hoạch trang bị nhưng chưa triển khai. Năng lực chống ngầm của Abukuma không mạnh như 2 lớp tàu khu trục trước đó khi chỉ được trang bị sonar OQS-8, đã có dự án bổ sung thêm sonar kéo cho tàu nhưng giống như RIM-116, công việc vẫn chưa được triển khai.
Theo Trí Thức Trẻ
Chuyên gia an ninh Thái Lan: Quân đội Trung Quốc vẫn còn ở "cấp nhà trẻ" so với Mỹ
Việc Mỹ chỉ trích mạnh chế độ quân sự Thái Lan có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa hai nước, sẽ là cơ hội để Bắc Kinh kết thân với Bangkok, theo chuyên gia an ninh Panitan Wattanayagorn của đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nói với báo Nation ngày 26.6.
Ảnh: Lính Thái dự "Rắn hổ Vàng" trổ tài bắt rắn hổ sống cho lính Mỹ xem
Dù Bắc Kinh và Bangkok ký thỏa thuận hợp tác quân sự hồi hơn 1 năm trước, Trung Quốc (TQ) chỉ thể hiện các động thái tượng trưng, vì chưa tăng đủ thế lực quân sự, ông Panitan nói và nhận định thêm:
Bắc Kinh đã đưa khu trục hạm mang tên lửa đến biển Đông và tổ chức các hoạt động bài Nhật Bản, nhưng TQ sẽ mất ít nhất 20 năm để đuổi kịp Mỹ trong việc trang bị khí tài quân sự: "Khoảng thời gian 20 năm ấy là theo nhận định Mỹ tạm ngưng phát triển vũ khí và quân đội. Hàng năm, TQ chi khoảng 100 tỉ USD để chạy đua vũ trang, trong khi Mỹ chi 700 tỉ USD/năm".
Ông Panitan còn nói lực lượng quân sự hiện đại của TQ vẫn còn ở cấp "nhà trẻ", chưa có kinh nghiệm dày dạn để có thể triển khai hoạt động khỏi biên giới. Họ cũng hiếm khi tham gia tập trận chung với bất kỳ nước nào khác:
"TQ sẽ còn mất nhiều thời gian để có được một lực lượng quân sự đáng kể, nhưng vấn đề là họ sẵn sàng chi tiền và hậu thuẫn chính trị. TQ đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng tổ chức một thế cân bằng an ninh để chống lại Mỹ".
Ông Panitan tin rằng TQ sẽ tổ chức vài dạng phản đối Thái Lan, nếu Thái Lan phát động một cuộc hợp tác quân sự mới với Mỹ, ngoài "Rắn hổ vàng", cuộc tập trận chung lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận chung này do Mỹ - Thái Lan tổ chức hàng năm từ năm 1980, đã tổ chức từ ngày 13.1 đến 21.2 tại căn cứ quân sự Akatosarot ở tỉnh Phitsanulok, với sự tham gia của 8.239 quân nhân của 7 nước gồm: Thái Lan, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, và Malaysia. TQ lần đầu tiên tham gia khi cử 17 quân y sĩ và thợ máy đến làm quan sát viên.
Úc, Canada, Pháp, Ý, Brunei, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Mông Cổ và Philippines đã cử các nhóm quân tham gia. Theo báo Nation (Thái Lan) thì Việt Nam, Myanmar, Lào, TQ, Nam Phi, New Zealand, Hà Lan, Ukraine, Nga, Pakistan và Anh cử 11 nhóm quan sát viên.
Trong khi Mỹ đang xem xét khả năng hoãn cuộc tập trận chung hằng năm "Rắn hổ Vàng" tại Thái Lan vào năm 2015, để phản đối cuộc đảo chính quân sự của quân đội Thái Lan, TQ đã phát tín hiệu họ muốn tăng cường quan hệ với Thái Lan.
Ngày 24.6, Mỹ đã "treo" 4,7 triệu USD viện trợ quốc phòng cho Thái Lan do quân đội Thái Lan làm cuộc đảo chính ngày 22.5. Mỹ cũng hủy các cuôc tiếp xúc cấp cao, một số chiến dịch tập trận chung và chương trình đào tạo quân đội - cảnh sát Thái Lan.
Ngay lập tức, Đại sứ TQ Ning Fukui lên tiếng khen ngợi chế độ quân sự Thái Lan, khi gặp tướng không quân Prajin Juntong ngày 25.6, rằng "Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) củng cố niềm tin của TQ vào Thái Lan, nhất là mảng hợp tác kinh tế".
Đại sứ Ning còn nói: "Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch NCPP Prayuth Chan-ocha và phó chủ tịch Prajin phụ trách mảng kinh tế, thương mại Trung - Thái sẽ được phục hồi nhanh chóng. TQ sẽ đặt tầm quan trọng vào hoạt động thương mại và đầu tư với Thái Lan".
Tướng Prajin nói các lãnh đạo quân sự Thái Lan" sẽ "nỗ lực hết sức" để phản ứng trước các động thái trừng phạt của Mỹ, Úc và EU. Ông còn nói việc không cho Thái Lan dự cuộc tập trận chung là "chẳng có vấn đề gì, vì không quân Thái Lan vẫn thường tập luyện với Singapore, Malaysia và Indonesia".
Mỹ và Úc cùng EU đều đã tăng cường các biện pháp kỷ luật cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan. EU tạm ngưng ký thỏa thuận Đối tác và hợp tác với Thái Lan, ngưng các chuyến thăm nước này. Họ yêu cầu các nước thành viên xem xét các quan hệ hợp tác quân sự song phương với Thái Lan. Úc cũng hạ mức hợp tác quân sự, hạn chế khả năng nhập cảnh Úc của một số lãnh đạo cuộc đảo chính.
Theo Một Thế Giới
"Đắng lòng" Su-34, Su-35, T-50 không hề tốt như quảng cáo Những sự cố xảy ra liên tiếp gần đây với các máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của Nga đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của chúng. Nga che giấu sự thật vụ cháy T-50?Su-35 Trung Quốc sẽ được trang bị động cơ tối tân nhất của NgaSu-34 sẽ là tổ hợp tấn công...