Hạm đội Hắc Hải ra tối hậu cho Ukraine: Không đầu hàng sẽ tấn công
Hạm đội Hắc Hải của Nga đã ra tối hậu thư cho lực lượng Ukraine ở khu tự trị Crimea phải đầu hàng trước 10 giờ sáng ngày mai 4.3 (giờ Việt Nam) nếu không sẽ đối mặt với một cuộc tấn công quân sự, hãng tin Interfax (Nga) dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.
Tàu chiến của Nga đóng ở Crimea – Ảnh: Reuters
Interfax cho biết Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải Alexander Vitko đã đưa ra tối hậu thư trên.
“Nếu họ không đầu hàng trước 5 giờ sáng ngày 4.3 (giờ địa phương; tức 10 giờ sáng, giờ VN), một cuộc tấn công nhắm vào tất cả đơn vị lực lượng vũ trang khắp Crimea sẽ bắt đầu”, Interfax dẫn lời nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine.
Khu tự trị Crimea là nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết máy bay quân sự và binh sĩ Nga đã đổ vào khu tự trị Crimea của Ukraine vào ngày 3.3.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết trong vòng 24 giờ qua, 10 trực thăng chiến đấu và 8 máy bay vận tải quân sự Nga đã hạ cánh xuống khu tự trị Crimea thuộc Ukraine, theo AFP.
Trong khi đó, kể từ ngày 1.3, có 4 tàu chiến Nga hiện diện tại cảng thành phố Sevastopol, Crimea, nơi có căn cứ đóng quân của Hạm đội Bắc Hải của Nga, theo Reuters.
Một người phát ngôn không nêu tên của lực lượng biên phòng Ukraine ngày 3.3 cho hay quân Nga còn chặn dịch vụ điện thoại di động tại một số khu vực ở Crimea, theo Reuters.
Người phát ngôn này cho biết thêm nhiều xe thiết giáp tập trung tại một bến phà ở phía Nga tại eo biển Kerch, nơi chia cắt phía đông bán đảo Crimea và phía tây bán đảo Taman của Nga. Eo biển Kerch rộng 4,5 km và chỗ có độ sâu nhất là 18 m.
“Những chiếc xe thiết giáp xuất hiện phía bên kia eo biển Kerch. Chúng tôi không thể dự đoán liệu rằng chúng sẽ được đưa lên phà hay không”, vị phát ngôn trên cho Reuters biết, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu xe thiết giáp.
Video đang HOT
Hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa có bình luận gì về động thái này, theo Reuters.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 2.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định công dân Nga và cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine đối mặt với những mối đe dọa từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoạn, buộc Nga phải can thiệp vào Ukraine.
Khu tự trị Crimea nằm trên bán đảo Crimea, miền nam Ukraine, có dân số đa phần là người nói tiếng Nga.
AFP và báo đài thế giới cho rằng khu tự trị Crimea là nơi duy nhất ở Ukraine hiện có thể chế là một Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.
Theo AFP, Crimea thuộc về Nga từ thế kỷ 18 cho đến năm 1954, khi đó Crimea được nhập về Ukraine (lúc đó thuộc Liên Xô) như một “món quà”. Ukraine tuyên bố độc lập sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Theo TNO
Nga sẽ dùng chiến thuật gì nếu đánh Ukraine?
Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định rằng nếu đánh Ukraine, Nga sẽ nhắm vào khu tự trị Crimea và khu vực miền đông của Ukraine và lực lượng vũ trang Ukraine tỏ ra "yếu ớt so với Nga" nếu định giành lại Crimea.
Bản đồ khu tự trị Crimea với căn cứ không quân và căn cứ hải quân của Nga ở thành phố Sevastopol và Feodosia - Ảnh: Ria Novosti, Đồ họa: Thiên Ý
Chính phủ lâm thời Ukraine ngày 1.3 đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine về việc ứng phó kịch bản Nga chiếm khu tự trị Crimea. Nhưng các lãnh đạo của chính quyền Ukraine đang đối mặt với thực trạng yếu ớt của quân đội Ukraine so với quân đội Nga, theo tờ The New York Times ngày 1.3.
Crimea luôn là cứ điểm sống còn đối với quân đội Liên Xô cũ và bây giờ là Hải quân Nga, nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải, để người Nga có thể hướng ra Địa Trung Hải.
Kể từ khi Ukraine giành độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991, Nga vẫn giữ căn cứ quân sự tại Crimea, bằng cách thuê các căn cứ ở Crimea cho đến năm 2042 mới hết hạn.
Nếu can thiệp quân sự vào Ukraine, Nga có thể dùng lực lượng đồn trú có sẵn ở Crimea, và dễ dàng điều thêm quân tấn công vào khu vực miền đông Ukraine, theo The New York Times.
Nội bộ quân đội Ukraine bất ổn
Tại Crimea, Nga có một lữ đoàn với khoảng 3.500 binh sĩ, được trang súng ống đạn dược hạng nhẹ, cùng các tàu chiến, nhưng không có xe tăng tân tiến, ông Igor Sutyagin, chuyên gia về quân sự Nga thuộc Học viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh hoàng gia ở London (Anh quốc) cho biết.
Tàu chiến của Nga cập cảng thành phố Sevastopol, Crimea hồi năm 2008 - Ảnh: Reuters
Ngoài ra, Nga cũng có một phi đội chiến đấu cơ Su-27 đang triển khai tại căn cứ không quân ở Crimea.
Cũng theo The New York Times, một quan chức cấp cao NATO giấu tên cho biết Nga có thể dễ dàng chiếm Crimea một phần là bởi vì nội bộ quân đội Ukraine thay đổi các tướng lĩnh liên tục do tình hình bất ổn chính trị thời gian qua.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine hiện tại là trung tướng Mykhailo Kutsyn, mới nhậm chức hôm 28.2, sau khi cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Yuriy Ilyin (51 tuổi) bị bãi nhiệm do... bị đau tim.
Ông Ilyin cũng chỉ nhậm chức vài ngày kể từ ngày 19.2, sau khi người tiền nhiệm của ông bị cách chức do không thể giải tán đoàn người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Kiev.
Nga có thể đưa quân vào miền đông Ukraine
Ông Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, cho biết ngoài Crimea (miền nam Ukraine), Nga còn có khả năng đưa quân vào khu vực miền đông Ukraine, vốn thân Nga.
Đa phần các tuyến phòng thủ của Ukraine có từ thời Liên Xô cũ lại hướng nhiều về phía tây, do đó quân đội Ukraine khá yếu ớt khi nếu phải chống trả những cuộc tấn công từ phía đông nước này, theo nhận định của ông Ruslan Pukhov, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu chiến lược và công nghệ Nga ở thủ đô Moscow (Nga).
Sự hiện diện quân sự quá mỏng ở khu vực miền đông Ukraine còn tạo điều kiện cho những người biểu tình thân Nga chiếm giữ các tòa nhà chính quyền thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine, ông Pukhov cho hay.
Máy bay quân sự Nga tại một căn cứ không quân ở Crimea - Ảnh: Reuters
Lực lượng hùng hậu nhưng khí tài lỗi thời
Website quân đội Ukraine cho biết quân đội Ukraine có tổng 130.000 binh sĩ và lực lượng quân dự bị lên đến 1 triệu người.
Mặc dù lực lượng khá hùng hậu, nhưng quân đội Ukraine vẫn thiếu ngân sách quốc phòng và sử dụng nhiều khí tài quân sự lỗi thời, theo ông Pukhov.
Ukraine cũng tiến hành một số cải cách quân đội nhờ sự tư vấn từ NATO, nhưng kể từ khi Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych (thân Nga), lúc còn tại vị, đã không muốn gia nhập NATO, dẫn đến việc hợp tác Ukraine - NATO dần lỏng lẻo.
Binh sĩ Nga trong một cuộc duyệt binh tại căn cứ ở Crimea - Ảnh: Reuters
Nói chung, Ukraine cũng có những chiếc xe tăng sản xuất nội địa nhưng đa phần dựa vào các xe chiến đấu bộ binh lội nước bọc thép BMP-1 do Liên Xô sản xuất từ thập niên 1960, theo The New York Times.
Các hệ thống phòng không của Ukraine đều được sản xuất tại Nga, lạc hậu cả một thế hệ so với những hệ thống phòng không tân tiến của Nga.
Ông Pukhov cho biết thêm quân đội Ukraine hiện sở hữu nhiều vũ khí có từ thời Liên Xô cũ.
"Trong nhiều năm qua, kinh tế Ukraine đi xuống và hậu quả là Ukraine không thể mua thêm khí tài quân sự mới... Quân đội Ukraine thật sự thảm hại", ông Pukhov nói.
Theo TNO
Ukraine: Lính lạ ở Crimea là ai? Từ vài ngày qua, xuất hiện nhưng toán lính có vũ trang kiểm soát các trụ sở, sân bay của nước Cộng hoà tự trị Crimea nơi đang có căng thẳng cao độ từ sau chính biến ở Kiev. Họ là ai? Là lính chính quy, lực lượng đặc nhiệm Nga, hay là lính đánh thuê cho Mátxcơva? Những người mặc quân phục,...