Haiti: Nửa dân số mất an ninh lương thực nghiêm trọng, dịch tả lây lan thành thảm hoạ
Theo ước tính của Liên hợp quốc, 4,7 triệu người Haiti chiếm gần một nửa dân số nước này, đã bị mất an ninh lương thực trầm trọng.
Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo ở Haiti đang cố tìm những ngôn từ mạnh mẽ để nói lên nỗi lo ngại của họ về đợt dịch tả mới bùng phát và đang lây lan nhanh ở nước này.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại bệnh viện ở Jeremie, tây nam Haiti. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Họ mô tả những gì đang diễn ra là “đáng báo động”, “hỗn loạn” và thậm chí là “ thảm họa” trong bối cảnh tình trạng một bộ phận lớn dân chúng Haiti không thể tiếp cận được dịch vụ y tế do tình trạng thiếu nhiên liệu hoặc do các nhóm vũ trang kiểm soát các vùng rộng lớn. Nếu không được nhanh chóng điều trị, các bệnh nhân mắc bệnh tả có thể tử vong do mất nước chỉ trong vài giờ.
Bác sĩ Jean William Pape thuộc tổ chức phi chính phủ Gheskio điều hành 2 trong số 15 trung tâm điều trị bệnh tả ở Haiti, nói: “Đây là một thảm họa. Chúng tôi đang bận bù đầu”.
Tại một trong số hai trung tâm điều trị trị bệnh tả ở thủ đô Port-au-Prince do tổ chức Gheskio điều hành, toàn bộ 80 giường đều có bệnh nhân. Bác sĩ Pape cho biết đã có vài ca tử vong vì bệnh tả tại các khu ổ chuột ở thủ đô do tình trạng thiếu nhiên liệu, khiến việc vận chuyển người bệnh tới trung tâm không thể thực hiện được. Tình trạng tê liệt ở Haiti trở nên trầm trọng hơn sau khi một nhóm vũ trang đã phong tỏa cảng xăng dầu chủ lực Varreux ở phía Bắc thủ đô Port-au-Prince trong nhiều tuần qua.
Video đang HOT
Đợt bùng phát dịch tả năm 2010 tại Haiti đã khiến khoảng 10.000 người tử vong. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 cho đến trước khi bùng phát đợt dịch bệnh mới nhất này, Haiti không ghi nhận ca bệnh tả nào.
Theo Bộ Y tế Haiti, tính đến ngày 19/10, nước này ghi nhận 33 ca tử vong và 960 ca nghi nhiễm tả. Tuy nhiên, đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Haiti Bruno Maes cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Các chuyên gia cho rằng điều đáng tiếc là những ca bệnh tả nặng có thể được điều trị dễ dàng bằng cách cho bệnh nhân nghỉ ngơi và bổ sung nước. Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh tả tại Haiti gần đây nhất là vào năm 2017.
Trong số các ca bệnh tả ở Haiti, trẻ em từ 14 tuổi trở xuống đã chiếm tới gần một nửa. Đây là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch của các em bị suy yếu bởi thể trạng suy dinh dưỡng do thiếu ăn. Bác sĩ Pape cho biết nhiều em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng đến nỗi bác sĩ khó có thể tìm thấy mạch để tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho các em.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, 4,7 triệu người Haiti chiếm gần một nửa dân số nước này, đã bị mất an ninh lương thực trầm trọng.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF)cho rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo việc tiếp cận nước sạch tới các vùng dịch bệnh hiện vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang như vùng Brooklyn của cộng đồng Cite Soleil ở thủ đô Port-au-Prince không có nước sạch trong 3 tháng qua.
Ngoài ra, nguy cơ các nhóm vũ trang tiến hành các vụ bắt cóc đã cản trở các nhóm cứu trợ tiếp cận được những khu vực bùng phát bệnh để tiến hành khử trùng hoặc phun hóa chất clo. Tình trạng thiếu nhiên liệu có thể khiến cho hoạt động vận chuyển các bác sĩ của MSF tới các trung tâm điều trị không thể thực hiện được trong vài tuần tới.
Mối lo ngại ngày càng tăng đối với người dân sinh sống ở nông thôn Haiti vì nếu không có nhiên liệu, họ sẽ phải đi bộ trong nhiều ngày để được giúp đỡ. Những ca bệnh tả ban đầu đã được phát hiện ở vùng Nippes, phía Nam Haiti và vùng Artibonite, phía Bắc nước này. Hiện các nhóm vũ trang đã phong tỏa các tuyến đường cao tốc dẫn tới cả phía Bắc và phía Nam nước này. Các văn phòng của UNICEF tại Haiti đã bị cướp bóc và chuyến hàng thuốc men tới Haiti bị phong tỏa tại cảng nước này.
LHQ ngày 21/10 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, kể cả trừng phạt vũ khí đối với một số băng nhóm của Haiti. Tuy nhiên, LHQ vẫn chia rẽ về việc liệu có gửi một lực lượng quốc tế tới nước này hay không. Theo ông Sylvain Aldighieri, quan chức của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), lực lượng quốc tế sẽ có thể thiết lập hành lang nhân đạo cho những khu vực dịch bệnh gặp khó khăn để giúp giải phóng nguồn cung y tế hiện đang bị phong tỏa tại các cảng của Haiti.
Cũng liên quan đến tình hình Haiti, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 24/10 thông báo đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Haiti vì tình trạng an ninh và nhân đạo đang ngày càng trở nên tồi tệ tại nước này.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hiện chưa rõ thời điểm Đại sứ quán Nhật Bản tại Haiti mở cửa trở lại. Nhật Bản đã hối thúc công dân không đến Haiti vì bất cứ lý do nào và khuyến cáo những công dân Nhật Bản đang ở Haiti cần rời khỏi nước này ngay lập tức.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi triển khai lực lượng quốc tế hỗ trợ Haiti
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi ngay lập tức triển khai một lực lượng quốc tế tới Haiti để ngăn chặn tình trạng mất an ninh trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch tả.
Binh sĩ giữ gìn hoà bình LHQ tuần tra trên đường phố ở cuộc bầu cử ở Port-Au-Prince, Haiti. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ cuối tuần qua, Tổng Thư ký Guterres đã bày tỏ "đặc biệt quan ngại về tình hình tại Haiti". Ông kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai "lực lượng hành động nhanh" tới Haiti để giải quyết tình trạng mất an ninh nghiêm trọng ở đảo quốc Caribe này. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục an ninh ở Haiti để đảm bảo việc tiếp cận nguồn cung hàng hóa và dịch vụ, bảo vệ hạ tầng giao thông và các cảng dầu cũng như giải quyết tình trạng bạo lực băng đảng.
Bức thư được gửi một ngày sau khi Haiti đề nghị quốc tế hỗ trợ đối phó cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng do các băng nhóm tội phạm gây ra. Theo đó, trong phiên toàn thể thứ 4 của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngày 7/10, Ngoại trưởng Haiti Jean Victor Geneus nhấn mạnh nghị quyết được các nước thành viên OAS thông qua trước đó một ngày - ủng hộ việc khôi phục an ninh ở Haiti - phải trở thành hiện thực.
Theo Ngoại trưởng Geneus, nghị quyết nói trên đã đưa ra những cam kết rõ ràng của các quốc gia thành viên OAS giúp đỡ Chính phủ Haiti và ngăn chặn việc các băng nhóm tội phạm tiếp tục vận chuyển vũ khí, đạn dược vào đảo quốc Caribe này để gieo rắc thêm đau thương. Đây là nghị quyết có tầm quan trọng to lớn đối với đất nước và nhân dân Haiti.
Haiti, quốc gia nghèo nhất ở châu Mỹ, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Mose và trận động đất kinh hoàng năm 2021. Trong khi đó, LHQ ngày 6/10 cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tả ở Haiti sau khi nước này công bố những trường hợp mắc bệnh tả đầu tiên trong 3 năm qua, và ít nhất 7 trường hợp tử vong.
Theo LHQ, tính đến ngày 7/10, Haiti ghi nhận ít nhất 12 ca mắc bệnh tả và 152 ca nghi mắc. Các nhà khoa học đang xác định xem liệu chủng virus gây bệnh tả đợt này có phải là chủng từng gây ra đợt dịch năm 2010-2019 tại Haiti khiến hơn 10.000 người tử vong hay không.
Bệnh tả do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hoá qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và duy trì bổ sung nước cho cơ thể, song có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được điều trị kịp thời.
UNICEF: Hạn hán ở châu Phi đang đẩy trẻ em đến bờ vực của thảm họa Ngày 23/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trẻ em ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel có thể thiệt mạng với số lượng lớn trừ khi được hỗ trợ khẩn cấp, vì tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước đang tăng cao. Một cánh đồng nứt nẻ...