Haiti đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, 3 tuần sau khi các nhóm vũ trang phong tỏa cảng dầu chính của Haiti, ngày 6/10, Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra chủ trương thiết lập hành lang nhân đạo để phân phối nhiên liệu tại quốc gia Caribe này.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trj tại bệnh viện ở Jeremie, tây nam Haiti. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo báo cáo của LHQ, các bệnh viện ở Haiti đã phải đóng cửa trong khi các dịch vụ xử lý nước của Tổng cục Nước sạch và Vệ sinh Quốc gia cũng như các công ty tư nhân cũng bị gián đoạn do không tiếp cận được nguồn nhiên liệu. Cơ quan này nhấn mạnh cả nước uống và dịch vụ vệ sinh đều cần thiết để ngăn ngừa và ứng phó nhanh chóng với đợt bùng phát dịch tả mới được phát hiện ở Haiti làm ít nhất 7 người tử vong, trong đó có 1 bé trai 3 tuổi.
LHQ cảnh báo rằng trong 3 tháng tới, khoảng 28.900 phụ nữ mang thai và hơn 28.000 trẻ sơ sinh có nguy cơ không được chăm sóc sức khỏe, trong khi 9.965 ca tai biến sản khoa sẽ không được điều trị do các cơ sở y tế đóng cửa. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nhiên liệu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở Haiti, vốn đã ảnh hưởng tới 45% dân số.
Video đang HOT
LHQ nhận định vẫn còn thời gian để ngăn chặn dịch tả lây lan ở quốc gia Caribe này, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo, trung lập, không thiên vị và độc lập khi thiết lập và duy trì quyền tiếp cận với các nhóm dân cư bị ảnh hưởng trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, các đại sứ của Đức, Brazil, Canada, Chile, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Mexico, Thụy Sĩ, cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn tại Haiti nhằm “giải phóng nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu cấp thiết”, đồng thời bày tỏ lo ngại về tác động nhân đạo của hoạt động của các băng nhóm tại nước này, trong bối cảnh dịch tả đang bùng phát trở lại.
Ngày 6/10, LHQ cũng cảnh báo nguy cơ dịch tả bùng phát mạnh tại quốc gia vốn đang rơi vào khủng hoảng này.
Phát biểu từ Haiti qua video, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Haiti – bà Ulrika Richardson cho biết đến nay, Haiti xác nhận 11 ca mắc bệnh tả và 111 ca nghi mắc, song số ca mắc có thể cao hơn trên thực tế. Với tình hình như hiện nay và nếu các điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, Haiti có thể ghi nhận số ca mắc bệnh tả tăng theo cấp số nhân, thậm chí dịch có thể bùng phát mạnh.
Ngày 2/10 vừa qua, giới chức Haiti thông báo bệnh tả đã xuất hiện trở lại tại quốc gia này sau 3 năm. Các cuộc xét nghiệm đang được tiến hành ở nước ngoài để xác định xem liệu chủng virus gây bệnh tả đợt này có phải là chủng từng gây ra đợt dịch năm 2010-2019 tại Haiti khiến hơn 10.000 người tử vong hay không.
Bệnh tả xuất hiện trở lại tại Haiti, ít nhất 7 người tử vong
Giới chức Haiti ngày 2/10 thông báo bệnh tả đã xuất hiện trở lại tại quốc gia này sau 3 năm, theo đó ghi nhận một số ca tử vong do bệnh này.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại bệnh viện ở Jeremie, tây nam Haiti. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Y tế Laure Adrien cho biết đã có ít nhất 7 người tử vong vì bệnh tả tại Haiti, song cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các bệnh viện và cơ sở y tế.
Trước đó, Bộ Y tế Haiti thông báo đã ghi nhận 1 ca mắc bệnh tả tại khu vực thủ đô Port-au-Prince và một số ca nghi mắc tại thị trấn Cite Soleil lân cận. Bộ trên cho biết đang thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của virus, trong đó làm rõ các trường hợp nghi mắc bệnh, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh.
Đợt bùng phát dịch tả năm 2010 tại Haiti đã khiến khoảng 10.000 người tử vong. Những ca mắc bệnh tả ghi nhận lần gần đây nhất tại quốc gia này là vào năm 2019. Năm 2020, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) tuyên bố Haiti đã qua 1 năm không ghi nhận ca bệnh tả nào.
Haiti hiện đang đối mặt với một loạt bất ổn về kinh tế-xã hội trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Nguồn cung nhiên liệu bị gián đoạn khiến nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động do thiếu điện, trong khi người dân không thể sử dụng các phương tiện đi lại cơ bản.
Caribbean Bottling Company - nhà cung cấp nước đóng chai chính tại Haiti thông báo đã tạm ngừng sản xuất và phân phối nước do không đủ nhiên liệu, trong khi việc đảm bảo nguồn nước sạch rất quan trọng trong ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tả.
Ngày 30/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc bệnh tả trên thế giới tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt ở những khu vực dân cư nghèo đói và xảy ra xung đột. Tính đến cuối tháng 9, đã có 26 quốc gia phát hiện các ổ dịch tả, đáng chú ý là tỷ lệ tử vong tăng mạnh.
Bệnh tả do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hoá qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và duy trì bổ sung nước cho cơ thể, song có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được điều trị kịp thời.
Ai Cập nêu các ưu tiên tại COP27 Phát biểu tại Khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ngày 24/9, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã nêu bật các ưu tiên của nước này với tư cách là nước chủ nhà và Chủ tịch của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về về biến đổi khí hậu (COP27),...