Hai xu hướng Covid-19 trái ngược ở Mỹ và Anh
Cùng bị chủng Delta tấn công, Anh đang chứng kiến xu hướng dịch giảm dù dỡ hạn chế, trong khi số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh gần đây.
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Anh, với sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan, đang dần hạ nhiệt. Vào cuối tháng 7, Anh ghi nhận khoảng 43.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Nhưng hiện tại, con số này giảm một nửa, dù các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn từ ngày 19/7.
Trong khi đó, Mỹ đang chứng kiến đợt bùng phát mạnh do chủng Delta gây ra. Khác với Anh, nhiều chuyên gia lo ngại xu hướng dịch giảm chưa thể xuất hiện sớm ở Mỹ, dù nước này có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và nguồn cung vaccine dồi dào.
Ga tàu Waterloo ở thủ đô London, Anh hôm 14/7. Ảnh: AP.
Tiến sĩ Carl Fichtenbaum, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Đại học Y khoa Cincinnati ở Mỹ, cho biết đợt bùng phát Covid-19 mới nhất của Anh là làn sóng thứ tư mà nước này đối mặt từ khi dịch bùng phát.
Làn sóng đầu tiên vào tháng 4/2020 tương đối nhỏ và Anh có thể nhanh chóng làm phẳng đường cong dịch. Đợt bùng phát lớn hơn vào tháng 9/2020 đã thoái lui trước khi làn sóng lớn hơn nữa tấn công vào tháng 1 năm nay do biến chủng Alpha gây ra.
“Làn sóng thứ ba đã giảm mạnh và họ đã thấy điều tương tự vào tháng 7, nó đạt đỉnh rồi giảm đáng kể”, Fichtenbaum nói.
Chủng Delta xuất hiện ở Anh từ cuối tháng 4 và nhanh chóng trở thành chủng trội vào tháng 5. Đợt bùng phát mới nhất chạm đỉnh hôm 21/7 và ca nhiễm giờ đang giảm.
Tín hiệu tích cực nhất về đợt bùng phát mới ở Anh là dù ca nhiễm tăng, số người nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt chỉ chiếm phần nhỏ so với những gì xảy ra trong các đợt bùng phát trước.
“Điều đó thực sự đảm bảo rằng tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên có thể giúp con người bị bệnh nhẹ hơn trong các đợt bùng phát của chủng Delta”, Fichtenbaum nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Bob Bollinger, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng xu hướng giảm ca nhiễm ở Anh do nhiều yếu tố.
Anh hiện có tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành cao, với 89% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều và 75% tiêm đủ liều. Dù tỷ lệ tiêm chủng cao đồng nghĩa ít người có nguy cơ nhiễm nCoV hơn, Bollinger nói đợt giảm trong tuần qua dường như nhờ nhiều người Anh đã đạt khả năng miễn dịch tự nhiên qua các làn sóng Covid-19 trước đây.
Video đang HOT
Bollinger thêm rằng Anh cũng ghi nhận tỷ lệ đeo khẩu trang, cách ly sau nhiễm, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tương đối cao. Quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở Anh đã kết thúc vào ngày 19/7.
Fichtenbaum nhận định việc trường học bước vào mùa nghỉ hè ngay trước khi đợt bùng phát đạt đỉnh cũng là yếu tố dẫn tới xu hướng giảm hiện tại. Khoảng ba tuần sau khi học sinh kết thúc học kỳ vào tháng 12 năm ngoái, đợt bùng phát thứ ba ở Anh bắt đầu. Đợt bùng phát thứ 4 đạt đỉnh khoảng một tháng sau khi học sinh bắt đầu nghỉ hè vào ngày 30/6.
“Nếu học sinh vẫn tới trường, đợt bùng phát có thể vẫn tiếp diễn và dịch lây lan nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ bởi vì trường học nghỉ, tỷ lệ lây nhiễm giảm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng, vốn có nguy cơ lây virus cho người lớn tuổi hơn trong cộng đồng”, Fichtenbaum nói.
Tại Mỹ, 71% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 61% hoàn thành chương trình tiêm chủng. Nhưng ở nhiều bang, như Mississippi, Arkansas, Louisiana, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, khiến các khu vực này nhanh chóng trở thành điểm nóng của đợt bùng phát do Delta gây ra.
“Với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều và tỷ lệ phản đối khẩu trang cao hơn ở Mỹ, tôi không kỳ vọng nhiều vào xu hướng dịch giảm mạnh ở đây”, Bollinger nói.
Hàng triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng và đây là nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV cao nhất. Khi chủng Delta tiếp tục lây lan, số ca nhiễm có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh ở nhóm này trước khi giảm xuống.
Những người phục hồi sau mắc Covid-19 có một mức độ miễn dịch tự nhiên nhất định. Chuyên gia cho biết nhóm này cũng được bảo vệ, nhưng họ chưa rõ mức độ tác động của nhóm này đối với các đợt bùng phát như thế nào.
“Điều khiến tôi lo lắng là chúng tôi không có tỷ lệ tiêm chủng lên tới 70-73% ở mọi bang như tại Anh”, Fichtenbaum nói.
Chỉ vài tuần nữa, trẻ em Mỹ sẽ trở lại trường học. Với biến chủng Delta lây lan mạnh khi nước này không đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao hay áp dụng các biện pháp hạn chế, Fichtenbaum lo ngại Mỹ sẽ ghi nhận nhiều ca nhập viện hơn ở những khu vực triển khai vaccine chậm chạp.
Giới chuyên gia nhận định vaccine chính là yếu tố quyết định nhiều nhất tới xu hướng dịch trong tương lai. Nếu Mỹ có thể tăng tỷ lệ tiêm chủng trong vài tuần tới, quốc gia này có thể chạm đỉnh dịch vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
“Nếu chúng ta có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% ở người trưởng thành và khoảng 75% ở lứa tuổi học sinh, tôi nghĩ chúng tôi có thể kiểm soát đại dịch”, Fichtenbaum nói.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại thành phố Springfield, bang Missouri, Mỹ tháng trước. Ảnh: AP .
Để đối phó với Delta, Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Nhưng ngay cả khi hàng triệu người Mỹ đã tiêm vaccine, họ vẫn cần khoảng 6 tuần để đạt mức độ bảo vệ tối đa, theo Bollinger.
“Nếu muốn chứng kiến số ca nhiễm giảm mạnh ngay lập tức như ở Anh và sau đó là tỷ lệ nhiễm thấp kéo dài ở Mỹ, chúng tôi sẽ cần khiến mọi người dân, dù tiêm chủng hay chưa, đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ cao trong hai tháng tới, trong khi thuyết phục những người chưa tiêm nhanh chóng tiêm vaccine”, Bollinger nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định điều này khó đạt được ở Mỹ, khi nhiều người đã quá mệt mỏi với đeo khẩu trang và rất nhiều người vẫn ngần ngại, thậm chí bài xích vaccine.
Mỹ cảnh báo nguy cơ chủng Delta tấn công người trẻ nhanh và mạnh hơn
Trên khắp các bệnh viện ở nước Mỹ, các bác sĩ đã cảnh báo biến chủng Delta nguy hiểm dường như đang khiến nhiều người trẻ tuổi đổ bệnh nặng hơn và nhanh hơn.
Nhân viên y tế cứu chữa bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Houston, Texas, Mỹ tháng 12/2020 (Ảnh: Reuters).
Gần đây, một bệnh nhân 28 tuổi qua đời vì Covid-19 ở bệnh viện CoxHealth tại Springfield, bang Missouri. Tuần trước, một sinh viên cao đẳng 21 tuổi phải vào khoa chăm sóc tích cực.
Nhiều bệnh nhân đang nhập viện vì Covid-19 ở Mỹ không chỉ là những người chưa tiêm chủng mà họ còn là những người trẻ tuổi, một sự khác biệt hoàn toàn so với đợt bùng dịch năm ngoái, khi các bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân già yếu, dễ tổn thương trước mầm bệnh.
Tại Baton Rouge, bang Louisiana, những thanh niên trẻ mắc Covid-19 dù không mắc các bệnh nền như béo phì hoặc tiểu đường nhưng lại đang nhập viện ngày càng nhiều trong tình trạng sức khỏe suy yếu.
Các bác sĩ đang làm việc tại những điểm nóng Covid-19 tại Mỹ nói rằng, bệnh nhân Covid-19 mà họ điều trị năm nay tương đối khác so với năm ngoái. Các bệnh nhân năm nay hầu hết chưa tiêm chủng, trẻ tuổi hơn và nhiều người trong số đó mới chỉ từ 20-30 tuổi. Và tình trạng của họ ốm yếu hơn nhiều so với các bệnh nhân trẻ vào đợt bùng dịch năm ngoái, cũng như tình trạng bệnh trở nên xấu đi rất nhanh chóng.
Để mô tả về tình trạng này, các bác sĩ đã dùng 3 cụm từ: "Trẻ hơn, ốm yếu hơn, (bệnh tình xấu đi) nhanh hơn". Các bác sĩ nhận định, chủng Delta, vốn đang chiếm tới 80% ca bệnh mới ở Mỹ hiện tại, có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Các nghiên cứu từ một số quốc gia cho thấy biến chủng này dường như khiến bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng chưa có một dữ liệu cụ thể nào cho thấy chủng mới có thể khiến người trẻ tuổi ốm nặng hơn.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, tình trạng trên xảy ra là do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở nhóm người trẻ tuổi.
Vào ngày 1/8, hơn 80% người Mỹ tuổi từ 65-74 đã tiêm chủng đủ liều, trong khi nhóm từ 18-39, con số này chưa tới 50%, theo trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Vắc xin có hiệu quả ngăn không cho bệnh nhân ốm nặng hoặc tử vong vì Covid-19 và hiệu quả với nhiều biến chủng, bao gồm cả Delta. Trên thực tế, 97% các ca nhập viện tại Mỹ trong thời gian qua là những người chưa tiêm chủng.
Mặc dù vậy, các nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học thực hiện cũng chỉ ra mức độ nguy hiểm của Delta. Ví dụ, một tài liệu của CDC được tiết lộ tuần trước so sánh Delta có thể "dễ lây lan như thủy đậu" và nói rằng "nó có thể gây ra tình trạng bệnh nặng hơn nếu so với Alpha và các chủng trong quá khứ".
Người trẻ nhập viện gia tăng
Theo CDC Mỹ, người trên 65 tuổi chiếm 50% số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tính tới cuối tháng 1 năm nay, trong khi người trưởng thành dưới 50 tuổi chiếm 22%.
Giờ đây, nhóm bệnh nhân lớn tuổi chiếm khoảng 25% số bệnh nhân nhập viện, còn nhóm từ 18-49 đã tăng vọt lên 41%.
Bác sĩ Catherine ONeal, giám đốc y tế tại Trung tâm y tế Our Lady of the Lake ở Baton Rouge, cho biết "có điều gì đó rất khác biệt liên quan tới chủng virus này" với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi khi nhóm này có ngày càng nhiều các ca bệnh nặng trong thời gian qua.
Bác sĩ Cam Patterson, hiệu trưởng Đại học Khoa học Y tế Arkansas (UAMS), cho biết, tuổi trung bình của bệnh nhân tới chữa bệnh ở trung tâm y tế UAMS hồi mùa đông là 60 và giờ đây giảm xuống 40.
"Chúng tôi thấy có xu hướng, những người trẻ tuổi, khỏe mạnh hơn dễ bị ốm hơn vì Delta nếu so với các chủng trước đó", bác sĩ Patterson nói, nhấn mạnh rằng những diễn biến khó lường của Delta với bệnh nhân trẻ tuổi khiến họ cảm thấy Covid-19 lúc này "giống như một căn bệnh hoàn toàn mới".
Donald McAvoy, 33 tuổi, một lực sĩ quản lý phòng tập thể hình ở Jacksonville, Florida quyết định không đi tiêm chủng vì cho rằng mầm bệnh sẽ chỉ tác động tới người cao tuổi có vấn đề về mặt sức khỏe.
Tuy nhiên, McAvoy sau đó đã nhiễm biến chủng Delta và anh mô tả rằng "đây là thứ đáng sợ nhất tôi từng trải qua, không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần". Sau khi ra viện, McAvoy sụt 11 kg, phải nghỉ ngơi trong 6 tuần và trị liệu hô hấp trước khi có thể trở lại nhịp sống bình thường.
Bác sĩ Terrence Coulter từ bệnh viện CoxHealth nói rằng điều khiến ông lo sợ nhất chính là việc nhiều bệnh nhân trẻ tuổi phải nhập viện mà không có bất cứ bệnh nền nguy hiểm nào như tiểu đường, huyết áp cao...
"Mầm bệnh tấn công những người trẻ và khỏe mạnh mà các bạn không bao giờ nghĩ họ sẽ trở nên ốm nặng như vậy", ông Coulter nói, nhấn mạnh những bệnh nhân như này thường mất thời gian rất lâu mới có thể hồi phục. Một số người thậm chí còn bị tổn thương phổi vĩnh viễn.
Người tiêm vaccine giảm ba lần nguy cơ nhiễm nCoV Nghiên cứu mới của Anh cho thấy người tiêm đủ hai liều vaccine có nguy cơ dương tính với nCoV thấp hơn ba lần người chưa tiêm chủng. Nghiên cứu của chương trình giám sát Covid-19 REACT-1, do Đại học Hoàng gia London và công ty Ipsos MORI dẫn đầu, dựa trên phân tích kết quả xét nghiệm của hơn 98.000 người từ...