Hai thay đổi nên có ở nghị định mới về cứu trợ
Dư luận hoan nghênh trước việc Thủ tướng vừa có chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng nghị định mới để thay thế Nghị định 64/2008 (quy định việc vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ…).
Thông tin mới này từ Văn phòng Chính phủ đã tạm khép lại những ý kiến của dư luận trong tuần qua về việc nghị định trên không cho phép các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ…
Trước mắt, có hai đề xuất để có sự quy củ trong việc quyên góp, phân phối tiền, hàng giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…
Với con số quyên góp hơn 150 tỉ đồng cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên được đông đảo dư luận quý mến, ủng hộ. Ảnh: NVCC
1. Nên chính thức thừa nhận quyền cứu trợ của mọi cá nhân, tổ chức, không phân biệt của nhà nước hay ngoài nhà nước
Đã có không ít sự giật mình khi việc không cho người ngoài nhà nước tổ chức cứu trợ theo quy định của Nghị định 64/2008 bị khui ra. Bởi lẽ chuyện cứu trợ cho các vùng bị thiên tai không phải đến bây giờ mới được những ca sĩ Thủy Tiên, danh hài Hoài Linh… tổ chức làm mà hoạt động cứu trợ của các cá nhân theo dạng này đã có từ rất lâu.
Thay cho việc đóng góp tiền, hàng vào các cơ quan của Nhà nước (như Ủy ban MTTQ các cấp, Hội Chữ thập đỏ…) để các nơi này phân phối thì nhiều cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước đã tự tổ chức gom góp, trực tiếp trao tiền, hàng cho những người bị thiệt hại. Dựa trên quyền được chọn lựa nơi đóng góp tin cậy, ưng ý của mọi cá nhân, tổ chức mà những hoạt động cứu trợ ngoài nhà nước như thế đạt được rất nhiều hiệu quả.
Ấy thế, Nghị định 64/2008 lại bó hẹp thành phần được tổ chức cứu trợ, gây trở ngại cho hoạt động tương thân, tương ái đúng, tốt trong thực tiễn. Cụ thể, ngoài những cơ quan của Nhà nước theo quy định được quyền vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ thì nghị định này không cho tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Như vậy, thay vì nói miệng là khuyến khích người ngoài nhà nước tham gia cứu trợ (vì là chuyện tốt nên không có lý gì lại cấm) thì nghị định mới cần phải chính thức thừa nhận quyền tham gia hoạt động cứu trợ ngoài nhà nước đó. Theo đó, hành vi “lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi” vẫn cứ tiếp tục bị cấm để người làm tốt được biểu dương, khen thưởng, người làm sai sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý căn cứ theo các quy định phù hợp.
Ca sĩ Ái Phương cùng các nghệ sĩ khác đã đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM kêu gọi người dân hỗ trợ để mang tấm lòng đến đồng bào miền Trung. Ảnh: QUỲNH TRANG
Cá nhân ca sĩ Thủy Tiên đã tự quyên góp được hơn 150 tỉ đồng để hỗ trợ kịp thời cho bà con miền Trung vượt qua cơn thiên tai. Ảnh: zing.vn
2. Quy định rõ nhiệm vụ của chính quyền trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước làm tốt việc cứu trợ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì nghị định mới phải quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành. Đó là phải khẩn trương phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đối tượng.
Video đang HOT
Điều đáng nói là do không cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và cũng không quy định họ được quyền phân phối tiền, hàng nên Nghị định 64/2008 đã không quy định về trách nhiệm hỗ trợ cần thiết dành cho họ.
Nay thể theo chỉ đạo đúng đắn nêu trên của Thủ tướng, đi kèm với việc chính thức thừa nhận, nghị định mới cần giao nhiệm vụ tương ứng cho các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương.
Chi tiết hơn, đối với mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, nhu cầu tự cứu trợ, chính quyền sẽ phải kịp thời cung cấp thông tin về tình trạng thiên tai, các địa điểm cần được cứu trợ…
Cùng với việc tư vấn, hướng dẫn, chính quyền có thể có thêm các hỗ trợ khác phù hợp để người làm cứu trợ dễ chọn lựa, quyết định, để có sự an toàn, hợp lý cho chính họ và cho những người cần được giúp đỡ.
Khi đó, với các thông tin được tiếp nhận trở lại từ các nhóm cứu trợ, chính quyền có thể có sự điều phối hợp lý, chẳng hạn là tập trung tiền, hàng mà các cơ quan của Nhà nước tiếp nhận được vào những vùng sâu, nguy hiểm mà các nhóm cứu trợ ngoài nhà nước đã không có điều kiện tìm đến.
Tóm lại, trong việc cứu trợ, các cơ quan của Nhà nước cùng các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước đều cần có những điểm tựa pháp lý để cùng nhau làm đúng quy định. Qua đó đảm bảo được sự minh bạch, khách quan, công bằng giữa những người, cơ quan, đơn vị tổ chức cứu trợ và những người cần được cứu trợ.
Chuyện chưa kể về những chiếc thuyền đi biển, ngược đồng bằng cứu người
Trong những ngày lũ, tại Quảng Bình đã xuất hiện hình ảnh hàng trăm chiếc thuyền nan đánh cá, nối đuôi nhau tiến về vùng lũ cứu người, một hình ảnh đầy nhân văn nhưng cũng rất hiếm gặp trước đây.
Thuyền nan rời biển, đi sâu vào đất liền
Những ngày sau lũ, chúng tôi đã có dịp về với xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Khắp các làng chài của xã biển này, người dân vẫn đang bàn tán về trận lũ lịch sử, về những câu chuyện cứu người và cả những điều cấm kỵ đã bị phá bỏ trong trận lũ vừa qua.
Ngư dân Nguyễn Văn Thuy bên chiếc thuyền đánh cá của mình.
Bên bãi biển thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ngư dân Nguyễn Văn Thuy (SN 1976). Anh là một trong hàng chục người tại xã Ngư Thủy Bắc đã dùng thuyền đánh cá, vượt lũ dữ về các vùng ngập sâu của huyện Lệ Thủy để cứu người.
Anh Thuy cho biết, vào tối 18/10, cả gia đình ngồi xem ti vi, ngóng tin mưa lũ thì thấy nhiều xã ở huyện Lệ Thủy bị ngập sâu. Đêm dần khuya, anh Thuy tiếp tục theo dõi trên mạng xã hội cũng như nghe một số người bàn về câu chuyện dân vùng lũ đang kêu cứu rất nguy cấp.
Thuyền đánh cá của anh Thuy và nhiều ngư dân khác ở xã Ngư Thủy Bắc vừa trờ về bên bãi biển, sau nhiều này cứu lũ ở đồng bằng.
Tiếng kêu cứu của những người dân vùng lũ khiến lão ngư miền biển nóng ruột, lo lắng. Anh đi tới đi lui, gọi điện hỏi thăm người quen, bạn bè vùng lũ để nắm tình hình. Một lúc sau đó, anh Thuy nảy ra ý định, đưa thuyền đánh cá đi cứu người đang gặp nguy hiểm.
Anh Thuy đã nói ý định của mình với một số ngư dân trong vùng, không ngờ họ cũng đang bàn nhau về phương án mang thuyền đánh cá đi cứu người. Sau khi bàn bạc, các ngư dân tại thôn Tân Thuận đã thuê xe cẩu, đưa thuyền nan của mình rời biển, tiến về đồng bằng.
Những chiếc thuyền đánh cá được đưa đến vùng lũ, sẵn sàng cứu người mắc kẹt.
Đây cũng là lần đầu tiên thuyền đánh cá của các ngư dân đi trên các tuyến đường ngập nước, trên ruộng để tiến vào vùng ngập sâu. Thời điểm những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân tiến sâu vào vùng lũ, nước đã dâng ngập mái nhà, rất nhiều người dân đã phá ngói, trèo lên mái nhà kêu cứu.
"Cứ nghĩ là mỗi thôn chúng tôi dùng thuyền nan đi cứu người, không ngờ vào vùng lũ mới thấy, từng đoàn thuyền đánh cá các thôn ở xã Ngư Thủy Bắc và cả xã Ngư Thủy cũng đang nối đuôi nhau tiến về vùng lũ.
Ở đâu có người kêu cứu là chúng tôi tiếp cận, đưa họ đến nơi an toàn. Đi qua những căn nhà ngập quá nóc, chúng tôi còn cẩn thận kêu lớn để bà con biết, nếu phát hiện người mắc kẹt sẽ cứu kịp thời. Trong đợt lũ vừa qua, riêng thuyền của tôi đã cứu được hơn 50 người, từ cụ già, trẻ nhỏ, phụ nữ có bầu đều có cả", anh Thuy nhớ lại.
Những chiếc thuyền đánh cá nối đuôi nhau trên vùng lũ huyện Lệ Thủy.
Cũng như anh Thuy, những ngày, đêm hối hả dùng thuyền đánh cá ngược lũ cứu người sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với ngư dân Trần Văn Ngư (SN 1978), trú xã Ngư Thủy Bắc. Chiếc thuyền của anh Ngư đã giúp gần 100 người thoát khỏi lằn ranh sinh tử.
"Nghe tin có hàng ngàn người đang mắc kẹt vì nước lũ, ngư dân chúng tôi đã lên đường ngay, ai có thuyền thì cùng nhau thuê xe chở thuyền lên vùng ngập nước, nhiều người không có thuyền cũng xung phong đi theo hỗ trợ. Cứ vậy mỗi chiếc thuyền 2 đến 3 người, chúng tôi đi cứu bà con gặp nguy hiểm", anh Ngư chia sẻ.
Phá luôn điều kiêng kỵ của vùng biển để cứu người!
Thuyền nan đánh cá của ngư dân Ngư Thủy Bắc cũng như xã Ngư Thủy của huyện Lệ Thủy là loại thuyền đi biển cỡ nhỏ, chuyên đánh cá vùng lộng. Nếu đi cứu nạn, mỗi thuyền có thể chở được từ 10 đến 15 người.
Thuyền đánh cá của ngư dân len lỏi vào các làng quê, đưa người già, trẻ nhỏ, người mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn.
Nhờ hàng trăm chiếc thuyền nan đánh cá và những ngư dân dũng cảm này, công tác cứu người trong lũ tại Quảng Bình đã phát huy hết sức hiệu quả. Những chiếc thuyền đánh cá cũng an toàn hơn so với những chiếc đò ngang của người dân vùng sông nước. Có thể nói, ngư dân các vùng bãi ngang chính là cứu tinh của hàng ngàn người tại huyện Lệ Thủy trong trận lũ vừa rồi.
Để cứu người, ngư dân vùng bãi ngang của xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc đã không màng hiểm nguy, vất vả, xuyên ngày đêm giúp dân chạy lũ. Những chiếc thuyền đánh cá này còn kịp thời đưa các đoàn cứu trợ, lương thực, nước uống về các vùng cô lập, tiếp tế cho bà con nhân dân.
Không chỉ cứu người, ngư dân còn dùng thuyền đánh cá đưa đoàn cứu trợ, lương thực, nhu yếu phẩm về cho bà con vùng bị ngập sâu.
Khi lũ rút, ngư dân lại lặng lẽ đưa thuyền về với biển. Nhiều chiếc thuyền đã hư hỏng mà ít ai biết tới, nhiều điều cấm kỵ của ngư dân đối với thuyền đánh cá đã bị phá bỏ, vì mạng sống của hàng ngàn đồng bào.
Ít ai biết rằng, ngư dân có một điều kiêng kỵ là không để phụ nữ mang bầu hoặc vừa sinh lên thuyền. Điều đó đã là tập tục bao đời nay của người dân vùng biển. Thế nhưng trong trận lũ vừa qua, cứu người là cấp thiết, nhiều ngư dân đã phá bỏ điều cấm kỵ đó.
Sau những ngày giúp dân chạy lũ, chiếc thuyền của ngư dân Trần Văn Ngư bị hư hỏng một số bộ phận. Anh đang cố gắng sửa chữa để kịp ra khơi sau bão số 8.
"Theo phong tục từ xa xưa, thuyền chúng tôi là thuyền đi biển nên có những điều cấm kỵ riêng. Như vợ tôi thậm chí chưa bao giờ lên chiếc thuyền cả. Thế nhưng trong lúc cấp bách, cứu người là quan trọng, không chỉ tôi mà nhiều chủ thuyền khác đã bỏ qua điều đó. Lúc đó tôi tâm niệm, mình cứu người là làm phúc, làm đức, rồi trời sẽ thương, che chở, ra biển thuận hơn chứ không sao cả", ngư dân Thuy tươi cười kể.
Sau nhiều ngày xa biển, đi sâu vào đất liền để cứu giúp bà con bị mắc kẹt trong lũ, chiếc thuyền của anh Thuy, anh Ngư và nhiều ngư dân vùng bãi ngang của xã Ngư Thủy Bắc đã bị hư hỏng nhiều chỗ, chân vịt bị gãy sứt mẻ vì vướng vào đá, bụi cây.
Không ngại hiểm nguy, các ngư dân vùng bãi ngang của huyện Lệ Thủy đã giúp hàng ngàn người thoát khỏi lằn ranh sinh tử.
Thế nhưng với họ, những hư hỏng đó để bù lại tính mạng, sự an toàn cho bà con vùng lũ thì dù đổi gấp trăm lần, ngàn lần cũng sẽ đổi. Bởi niềm vui lớn nhất của các ngư dân là đã cứu giúp được hàng trăm, hàng ngàn người thoát lũ giữ. Các ngư dân cho biết đang cố gắng sửa chữa thuyền, đợi khi bão số 8 tan, họ lại dong thuyền ra khơi...
Cứu trợ lũ lụt ở Hà Tĩnh: Rất ít đoàn cứu trợ hiểu dân cần gì Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Mai Thủy (Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh) sau khi tiếp xúc với khoảng 100 đoàn cứu trợ đến với Hà Tĩnh trong đợt lũ lụt vừa qua. Sáng nay, tại buổi họp báo thông tin tình hình mưa lũ ở địa phương, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh...