Hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa
Sáng nay, 13.6, tàu cá QNg 90657 TS cùng 11 ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã trở về đất liền an toàn, song con tàu chỉ còn cái xác, toàn bộ hải sản đánh bắt được cùng nhiều loại ngư cụ bị phía Trung Quốc lấy và phá sạch.
Bị Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa, tàu cá QNg 90657 TS trở về đất liền chỉ còn là cái xác
Ngay sau khi cập cảng cá Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi), các ngư dân đi trên tàu cá QNg 90657 TS đã tường trình vụ việc cho cơ quan chức năng. Lực luợng bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cũng đã làm việc với các ngư dân, đồng thời xuống tàu cá kiểm tra, thống kê những thiệt hại để báo cáo lên cấp trên.
Làm việc với cơ quan chức năng, ngư dân Nguyễn Văn Phú (29 tuổi, ở xã Bình Châu), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 90657 TS, cho biết sau 21 ngày bám biển Hoàng Sa hành nghề lặn và đã khai thác được khoảng 6 tấn hải sản, thì vào chiều 10.6, trong lúc đang neo tàu cách đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) chừng 14 hải lý để anh em bạn chài nghỉ ngơi thì bất ngờ bị bốn tàu màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 589, 3103, 64501 và 35101 chạy đến tấn công.
“Khi thấy bốn tàu của Trung Quốc hùng hổ lao đến, tui lập tức cho tàu cá chạy né tránh nhưng sau khoảng 30 phút bị 4 tàu Trung Quốc bao quanh rượt đuổi ráo riết, biết không thể chạy thoát nên buộc lòng phải cho tàu cá dừng lại”, thuyền trưởng Phú kể.
Các bành dây hơi bị phía Trung Quốc chặt phá
Cũng theo thuyền trưởng Phú, ngay sau khi anh cho tàu cá dừng lại, phía Trung Quốc lập tức thả 2 ca nô và 6 người cập mạn, đồng thời lên tàu cá buộc các ngư dân dồn hết về mũi tàu.
“Lúc này ai cũng hoảng sợ nên lực lượng Trung Quốc bảo gì thì anh em phải làm theo. Họ bắt chúng tôi suốt hơn 3 giờ đồng hồ để chuyển toàn bộ số hải sản đánh bắt được trong 2 hầm sang tàu Trung Quốc. Ai chuyển cá chậm chạp sẽ bị lực luợng Trung Quốc đạp ngay”, ngư dân Nguyễn Văn Tiến (47 tuổi) rùng mình nhớ lại.
Số hải sản ít ỏi còn sót lại sau khi bị Trung Quốc lấy khoảng 6 tấn
Video đang HOT
Không chỉ lấy khoảng 6 tấn hải sản mà phía Trung Quốc còn lấy nhiều ngư cụ như máy định vị, máy dò cá, máy Icom, máy nhắn tin, 5 phuy dầu, dụng cụ lặn đồng thời chặt phá 7 bành dây hơi, 1 dây neo…
“Toàn bộ tài sản mà phía Trung Quốc đã lấy, phá của chúng tôi tính ra hơn 544 triệu đồng. Đó là chưa kể tổn phí của chuyến đi biển này gần 200 trăm triệu đồng nữa. Thiệt hại lớn quá nên giờ tui chưa biết lấy đây ra tiền mua sắm lại ngư cụ để tiếp tục ra khơi”, thuyền trưởng Phú rầu rĩ.
Sau khi lấy, phá tài sản xong và vứt bỏ hàng loạt chai nước suối đã sử dụng trên tàu cá QNg 90657 TS, các tàu của Trung Quốc mới bỏ đi. Do không còn ngư cụ đánh bắt nữa nên thuyền trưởng Phú cùng các ngư dân buộc lòng phải cho tàu quay về đất liền.
Sau khi lấy, phá tài sản, phía Trung Quốc vứt bỏ lại trên tàu cá nhiều vỏ chai nước suối mà họ đã dùng
Trước đó, vào chiều 7.6, trong khi tàu cá QN 95193 TS do ngư dân Nguyễn Trung Kiên ( 42 tuổi, cũng ở xã Bình Châu) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 13 ngư dân hành nghề lặn.
Trong lúc neo tàu cách đảo Bom Bay khoảng 4-5 hải lý để nghỉ ngơi cũng bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi và dùng vòi rồng phun nước hất ngã tung hai ngư dân là Bùi Tấn Đoàn (23 tuổi) và Cao Xuân Lý ( 42 tuổi), khiến 2 ngư dân này bị thương, trong đó ngư dân Đoàn bị gãy mắt cá và cổ chân trái, ngư dân Lý bị thương ở vùng đầu.
Ngay sau khi bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, thuyền trưởng Kiên đã liên lạc với tàu cá QNg 90369 TS của ông Nguyễn Văn Cu ( 42 tuổi, cũng ở xã Bình Châu) đang đánh bắt gần đó chạy đến đưa hai ngư dân bị thương về đất liền, sau đó được gia đình đưa ra Bệnh viện Quân y 17 (Đà Nẵng) cấp cứu.
Lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra, thống kê thiệt hại trên tàu tàu QNg 90657 TS
Trở về nhà sau khi được các y bác sĩ bó bột cố định xương mắt cá chân và cổ chân, sáng 13.6, tiếp xúc với PV Thanh Niên Online, ngư dân Đoàn nằm một chỗ, chưa thể đi lại được.
Ngư dân Đoàn thở dài: “Toàn thân giờ còn đau ê ẩm, không ăn uống được gì. Các bác sĩ nói khoảng một tuần nữa ra mới mổ bắt vít, còn muốn đi lại được ít nhất phải mất 3 tháng”.
Bị Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng khiến ngư dân Bùi Tấn Đoàn bị gãy chân trái, giờ chỉ nằm một chỗ
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, cơ quan này đang chỉ đạo cho các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với chính quyền chức năng xác minh, làm rõ. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo nhanh toàn bộ 2 vụ việc trên cho Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hiển Cừ
Theo Thanhnien
Ngư dân bàng hoàng kể lại 1 giờ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công
"Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Hơn 1 tiếng sau tàu Trung Quốc đã áp sát rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn...".
"Nếu tàu Trung Quốc tấn công lần 3, chúng tôi đã bỏ mạng"
Gần 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công bằng vòi rồng, anh La Văn Quen (44 tuổi, ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ-96680TS, vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ngư dân La Văn Quen chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi biển hiểm nguy.
Theo lời kể của anh Quen, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-96680TS, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương xuất phát tại cảng cá Tam Quan(huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tàu của anh với 6 thuyền viên mới đánh bắt được 10 con cá ngừ đại dương và một số hải sản khác thì bị tàu Trung Quốc tấn công. Khoảng 7 giờ sáng 27/5, khi tàu đang đánh bắt ở vùng biển có tọa độ 15 độ Bắc - 112 độ kinh Đông (thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ bị tàu mang phù hiệu cảnh sát Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng tấn công 2 lần liên tiếp.
"Chiếc tàu Trung Quốcdài khoảng hơn 30m, rộng 20m, sơn màu xám trắng, phía trước tàu treo cờ Trung Quốc và thành tàu có ghi dòng chữCHINA. Phía sau tàu này còn được trang bị vũ khí và phủ bạt phía trên", anh Quen vẫn chưa hết hãi hùng nhớ lại.
Anh Quen kể tiếp: "Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Tuy nhiên, do tàu mình công suất nhỏ nên chỉ hơn 1 tiếng tàu Trung Quốc đã áp sát, rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn...".
Giàn đèn cao áp trên tàu anh Quen đã bị vòi rồng xịt bay xuống biển
Lúc bị tấn công, mọi thiết bị trên tàu như máy định vị, bộ đàm, máy nhắn tin đều bị ướt, hư hỏng nên không thể liên lạc với tàu bạn và đất liền được. Khi đó, anh Quen chỉ cố bám trụ lấy bánh lái điều khiển con tàu đang bị chao đảo, còn các thuyền viên khác phải tìm chỗ núp để tránh các vật dụng trên tàu bay chém vào người.
"Sau 2 đợt tấn công liên tiếp bằng vòi rồng, toàn bộ giàn câu, giàn đèn cao áp, thuyền thúng đi biển đều bị nước thổi bay xuống biển. Còn con tàu chúng tôi nước ngập vào như chuẩn bị chìm, cũng may tàu Trung Quốc không tấn công lần 3, nếu không có lẽ anh em tụi tôi đã bỏ mạng ở trên biển cả rồi", anh Quen kể lại.
Chuyến đi biển thiệt đơn, thiệt kép
Sau khi tấn công, tàu của Trung Quốc bỏ đi. Lúc này, các thuyền viên trên tàu BĐ-96680TS nỗ lực bơm nước để tàu không chìm. Sau khi khắc phục tạm thời, anh Quen điều khiển tàu vào bờ nhưng vì thiết bị liên lạc, định vị bị hỏng nên tàu lần mò trên biển. Đến chiều 29/5, tàu cá BĐ-96680TS cùng các ngư dân mới cập bờ an toàn.
Vòi rồng xịt nước chỗ nào, chỗ đó bị phá tung
Tàu cập bờ, nhưng con tàu mà anh Quen mới tậu cách đây 3 năm với chi phí 1,4 tỷ đồng đã xơ xác tan tành, trong khi số tiền đóng tàu chủ yếu là vay mượn. Nhìn con tàu xơ xác, kính vỡ, ván bung, ngư lưới cụ, thiết bị đều hư hỏng, anh Quen chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Theo tính toán của anh Quen, tổng thiệt hại về vật chất tính qua cũng lên đến gần 200 triệu đồng. Anh Quen thở dài: "Giờ tàu hư hỏng nặng, chuyến biển tới phải nằm bờ để sửa chữa, vừa tốn chi phí vừa không tiền lo cho gia đình và tiền gửi cho đứa con gái đang học đại học trong TP Hồ Chí Minh. Trong khi tiền vay đóng tàu trước đây còn trả chưa xong nên giờ tôi chỉ mong các ngành chức năng lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc bồi thường để gia đình bớt đi phần nào gánh nặng".
Doãn Công
Theo Dantri
Tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam chỉ bị nhắc nhở? "Ngư dân chúng ta đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đập phá rất vô nhân đạo. Nhưng hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam chủ yếu chỉ bị xua đuổi và nhắc nhở", đại biểu Cao Thị Xuân nói. Ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT...