Hải sản, món ăn ưa thích nhưng không phải ai cũng biết cách chọn an toàn
Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thỉnh thoảng mới gây ngộ độc. Bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống, chúng ta không thể phát hiện…
Người dân nên từ bỏ thói quen ăn đồ hải sản sống.
Hải sản là món ăn nhiều dinh dưỡng và cũng là món ưa thích của nhiều người. Hải sản thường được tiêu thụ mạnh vào mùa hè, mùa du lịch. Tuy nhiên, đã có nhiều ca ngộ độc rất nặng, thậm chí tử vong vì ăn hải sản lạ hoặc hải sản chưa chế biến chín.
Trường hợp ngư dân Đỗ Văn Ch. (46 tuổi) Thanh Hoá là trường hợp điển hình. Người đàn ông này trong hải trình đánh bắt xa bờ đã bắt được cua mặt quỷ nhưng không bỏ đi mà giữ lại làm thực phẩm.
Sở dĩ người đàn ông này cho rằng “an toàn” vì đã nấu chín và trước đó đã vài lần chế biến ăn, nhưng chưa lần nào bị ngộ độc. Tuy nhiên, 2h chiều ngày 27/3, khi kéo lưới bắt được nhiều cua mặt quỷ đã luộc lên ăn. Sau đó, anh bắt đầu mệt, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay. Anh nhanh chóng được các ngư dân đi cùng thuyền đưa vào bờ và đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, huyện Tĩnh Gia.
Đến khoảng 21h cùng ngày, bệnh nhân rơi vào nguy kịch, khó thở, suy hô hấp và ngừng tim. Được các bác sĩ hồi sức, ép tim, bệnh nhân đã có mạch trở lại và được chuyển đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Ch. được chuyển đến trung tâm trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn, phải dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán là ngộ độc cua mặt quỷ.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ở Việt Nam hiện có ít nhất 3 loại cua biển độc được biết tới là cua mặt quỷ, cua hạt và cua phờ lo ri đa, được phân bố ở các vùng biển của miền Trung, Nha Trang và một số vùng khác. Đặc biệt, dù nấu chín nhưng độc tố trong cua vẫn giữ nguyên.
Video đang HOT
Ngoài ra, tại trung tâm cũng từng ghi nhận trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm con so biển. Đó là những trường hợp bị ngộ độc nặng nếu không được xử trí kịp thời nguy cơ cao gây tử vong. Còn lại, những ngộ độc thông thường do ăn phải hải sản sống, hải sản lạ cũng khá phổ biến, nhất là vào mỗi dịp mùa hè.
Theo các chuyên gia, có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thỉnh thoảng mới gây độc. Bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống, chúng ta không thể phát hiện có chất độc hay không, vì vậy với các loại hải sản này bạn cần biết và tránh ăn.
Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường. Khi đi du lịch, nên hỏi kỹ thông tin từ những người dân địa phương.
Ngoài ra, hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein). Khi đã chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh.
Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…).
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong.
“Cách xử trí ngộ độc thực phẩm do hải sản tuỳ theo triệu chứng của bệnh nhân, tuỳ theo nguyên nhân. Đầu tiên có thể bù nước, bù muối… ở nhà bằng cách cho uống nước oresol, nước khoáng, nước canh có chút muối. Nếu người bệnh vẫn buồn nôn không uống được, mất nước nhiều quá thì phải đến cơ sở y tế gần nhất.
Với những trường hợp ngộ độc phức tạp hơn, kể cả trường hợp ngộ độc nhiễm khuẩn nặng nề, có bất cứ triệu chứng nào về thần kinh, tim mạch mà không phải triệu chứng do mất nước, tiêu hoá thì cần phải gọi người cấp cứu ngay tại chỗ sau đó khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất”, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Ngoài ra, các loại vi khuẩn rất dễ phát triển trong hải sản. Vì vậy, TS. BS Trung Nguyên khuyến cáo để phòng bệnh người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi vì thao tác nấu chín cũng tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn nguy hiểm.
Người dân không nên ăn hải sản tái hoặc tươi sống, hãy từ bỏ thói quen ăn gỏi hải sản và các loại thức ăn sống khác để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh tiêu chảy cấp.
Những "tử thần" đến từ đại dương
Trong tự nhiên, các loài động vật - thực vật có màu sắc sặc sỡ , rực rỡ bao nhiêu thì độc tố và mức độ nguy hại cao bấy nhiêu.
Màu sắc rực rỡ hơn mức bình thường của các loài nói trên là dấu hiệu để con người nhận biết, đề phòng; nhưng vẫn xảy ra những trường hợp ngộ độc vì ăn phải những sinh vật có độc tố này.
Cua mặt quỷ
Cua mặt quỷ là một trong những loài cua có độc sinh sống ở vùng biển nước ta, có nhiều ở các vùng biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu. Cua mặt quỷ thường ẩn mình ở các vùng cạn, vùng triều thấp; chúng có màu gần giống với màu san hô nên rất khó nhận diện.
Theo thông tin từ Viện Hải dương học Nha Trang, cua mặt quỷ có phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90 mm, dài khoảng 55 mm. Mai cua có nhiều u lồi dẹt, màu sắc bắt mắt, không giống các loài cua biển thực phẩm. Cua mặt quỷ có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng. Phần chân và càng cua có màu nâu đen.
Trong thịt, trứng, đặc biệt ở 2 càng của cua mặt quỷ có chứa các chất độc Saxitonin, Neurotoxin và Tetrodotoxin, tương tự như chất độc có trong cá nóc. Chất độc của cua mặt quỷ hình thành do nguồn thức ăn chính là các loại tảo trong rạn san hô. Các chất này gây tê liệt hệ thần kinh, ức chế hô hấp; có thể gây tử vong trong thời gian ngắn sau khi ăn, dù chỉ 1 lượng rất nhỏ.
Trong thời gian gần đây, bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã tiếp nhận và kịp thời cứu sống nam bệnh nhân 34 tuổi được chuyển từ trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo bị ngộ độc với nhiều dấu hiệu nặng, có tiên lượng xấu do ăn nhằm phải cua mặt quỷ. Điều đáng nói, bệnh nhân này chỉ ăn một lượng rất nhỏ, nhưng mức độ nguy kịch rất cao, điều này cho thấy độc tố có trong cua mặt quỷ có mức độ nguy hiểm khôn lường.
Cua mặt quỷ
Bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh là một trong những loại bạch tuộc độc nhất, dễ dàng nhận biết với những đốm xanh bên ngoài da, khi kích động hoặc chuẩn bị tấn công các đốm xanh này trở nên rực rỡ, vô cùng xinh đẹp. Chúng thường ăn động vật nhỏ như: cua, tôm, và các loại giáp xác khác. Bạch tuộc đốm xanh còn được xem là sinh vật biển độc nhất thế giới.
Tetrodotoxin là thành phần chính có trong chất độc của bạch tuộc đốm xanh, một vết cắn rất nhỏ của loài bạch tuộc này có thể gây tử vong đối với nạn nhân của nó, vì tốc độ chất độc xâm nhập vào máu, đi vào hệ tuần hoàn và tác động lên hệ thống của nạn nhân thông qua vết cắn rất nhanh.
Tại Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp ngư dân nhập viện cấp cứu do nhiễm độc bạch tuộc đốm xanh, và đã có trường hợp tử vong. Không chỉ xuất hiện trong nọc độc của loài bạch tuộc đốm xanh, Tetrodotoxin còn có trong một số bộ phận, mô mềm của loài bạch tuộc này, nên việc ăn phải loài bạch tuộc đốm xanh sẽ có nguy cơ ngộ độc, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Một số kinh nghiệm dân gian đem thực phẩm nghi ngờ có độc cho động vật ăn thử, nếu không có dấu hiệu ngộ độc thì thực phẩm đó an toàn. Điều này không hoàn toàn chính xác, vì có những chất độc có thể không độc với động vật, nhưng có thể gây độc với con người.
Cá nóc
Sử dụng cá nóc làm thực phẩm là tập quán lâu đời của người dân một số nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.....Đã từ lâu, chúng ta đã biết dùng cá nóc làm thực phẩm với nhiều dạng chế biến khác nhau như: luộc, rán, làm chả, nấu cháo, phơi khô, chế biến nước mắm...
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hải sản, ở nước ta đã tìm thấy và định danh được 38 loài cá nóc khác nhau trên 3 vùng biển; trong đó có 21 loài chứa độc (10 loài chứa độc tính mạnh, 7 loài trung bình và 4 loài có độc tính nhẹ). Các loài cá nóc có hình thái khá tương tự nhau, việc phân biệt có thể gặp nhiều khó khăn đối với người dân. Để đảm bảo an toàn, người dân không nên ăn thịt cá nóc, có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng, nếu ăn phải cá có chứa độc tố.
Trong cá nóc, độc tố được tìm thấy ở nhiều cơ quan với hàm lượng khác nhau theo thứ tự trứng> tinh sào> gan> ruột> da> thịt; trong đó các chất độc được tìm thấy ở dạng một hỗn hợp các chất độc có nhóm độc tố TTXs (TTX và các dẫn xuất 4,9-anhydro TTX, 4-epi TTX) là thành phần chính, chiếm tỷ lệ 97,47%. Các độc tố thuộc nhóm chất độc thần kinh PSP là saxitoxin và các dẫn xuất của nó (neoSTX, dcSTX, GTX6 và GTX5) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2,53%.
Thiên nhiên là một thế giới vô cùng kỳ thú. "Hoa hồng đẹp thì có gai", "màu sắc sặc sỡ thường mang độc", để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng, người dân tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Khi có các triệu chứng ngộ độc như tê răng, tê đầu lưỡi, nôn, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, tiết nước dãi, đau bụng thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, phải bằng mọi cách gây nôn để loại chất độc ra khỏi cơ thể.
Những sai lầm khi ăn hải sản không phải ai cũng biết Những món chế biến từ hải sản luôn hấp dẫn các thành viên trong gia đình. Thế nhưng bạn cần biết cách ăn hải sản đúng để đảm bảo hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng, tránh những tác động xấu đến sức khỏe. Hải sản là món ăn được nhiều người lựa chọn bởi vừa chế biến được nhiều món ăn ngon lại...