Hải quân Trung Quốc tuần tra vùng đặc quyền kinh tế Mỹ
Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Động thái này có thể giúp thay đổi tình trạng đối kháng giữa cường quốc hải quân ở Thái Bình Dương với đối thủ lớn nhất của họ.
Hải quân Trung Quốc
Đô đốc Samuel Locklear – Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, hôm qua, 2/6, đã lên tiếng xác nhận thông tin về việc Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã bắt đầu thực hiện những chuyến đi “đáp lễ” thói quen của Hải quân Mỹ trong việc đưa tàu và máy bay vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Thông tin này được tiết lộ từ chính một đại biểu của phái đoàn Trung Quốc đến tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La – một diễn đàn quốc phòng cấp cao diễn ra ở Singapore trong 3 ngày cuối tuần vừa qua.
Theo luật quốc tế, mỗi nước đều đặc quyền riêng đối với các nguồn lực kinh tế bên trong vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý so với đường bờ biển của mình. Khu vực này khác hoàn toàn so với vùng lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia ven biển.
Mỹ và hầu hết các nước đều tuân theo luật quốc tế, trong đó cho phép tàu quân sự của các nước có quyền tự do đi lại ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc không đồng ý với điều đó và từ lâu luôn chỉ trích việc Mỹ thường xuyên thực hiện các chuyến đi tuần tra, giám sát dọc bờ biển của họ.
“Bây giờ thì họ đã thực hiện những chuyến đi như thế và chúng tôi khuyến khích họ làm thế”, Đô đốc Locklear đã nói như vậy về việc quân đội Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Ông Locklear cũng nói thêm rằng, vì các vùng đặc quyền kinh tế của tất cả những quốc gia ven biển chiếm đến 1/3 đại dương của thế giới nên những nỗ lực nhằm ngăn cản sự tự do đi lại ở những khu vực này sẽ làm tê liệt các chiến dịch quân sự.
Đô đốc Locklear từ chối không xác nhận xem chính xác là tàu của quân đội Trung Quốc đã đi bao xa trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị an ninh khu vực ở Singapore cho rằng, từ thông tin mà họ biết về các hoạt động bình thường của Hải quân Trung Quốc, rất có thể, tàu của nước này đã mở rộng bán kính tuần tra và tập trận đến gần Guam hơn là Hawaii hoặc lục địa Mỹ.
Video đang HOT
Bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về “luật đi lại” bên trong vùng đặc quyền kinh tế từng gây ra hai vụ việc làm phương hại nghiêm trọng quan hệ hai nước trong quá khứ.
Năm 2001, một chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc đã bị máy bay do thám EP-3 của Mỹ đâm trúng và bị rơi gần không phận tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Phi công Trung Quốc thiệt mạng trong khi phi hành đoàn của máy bay Mỹ bị phía Bắc Kinh bắt giữ. Tiếp đó, vào năm 2009, Washington phàn nàn về việc tàu thuyền Trung Quốc quấy rối tàu giám sát Impeccable của Mỹ ở Biển Đông.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, động thái mới của quân đội Trung Quốc hoặc là phát đi tín hiệu về một thái độ thoải mái hơn của Bắc Kinh đối với các hoạt động quân sự của Washington ở cửa ngõ của họ, hoặc là báo hiệu mâu thuẫn thêm sâu sắc giữa hai cường quốc này ở các phần khác của khu vực Thái Bình Dương.
Trong mấy năm qua, Hải quân Trung Quốc đang ra sức tăng cường, mở rộng phạm vi hoạt động của họ với những cuộc tập trận thường xuyên hơn ở Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và bằng cách mở rộng quy mô của những cuộc tập trận như thế thông qua việc đưa nhiều hạm đội khác nhau với số lượng lớn tàu thuyền và máy bay vào tham gia diễn tập.
Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, việc họ đưa tàu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ cho đến giờ vẫn chỉ là một bước thử nghiệm. “Chúng tôi đang xem xét để đưa việc này vào hoạt động thường xuyên của chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng rõ ràng, chúng tôi không có đủ năng lực để thực hiện việc đó liên tục như Mỹ đang làm hiện nay”, một nguồn tin quân sự giấu tên của Trung Quốc cho biết.
Việc Hải quân Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington đang điều chỉnh “chính sách tái cân bằng” lực lượng quân sự của họ ở Châu Á-Thái Bình Dương, và các nước trong khu vực đang tìm cách làm quen với sự hiện diện quân sự của hai cường quốc hải quân đang cạnh tranh gay gắt với nhau trong khu vực.
Theo vietbao
Trung Quốc muốn "đẩy" Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây?
Căng thẳng tiếp tục leo thang ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa) trênBiển Đông và Philippines lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách "đẩy" lực lượng của Philippines ra khỏi khu vực này.
Chính quyền Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ sau khi 3 tàu Trung Quốc, trong đó có 1 tàu chiến hải quân cùng bao vây và chỉ cách con tàu vận tải của Philippines đặt ở bãi này từ năm 1999 khoảng 5 hải lý.
Tàu hải quân cũ Philippines đặt ở bãi Cỏ Mây.
Các quan chức Philippines lo lắng rằng các con tàu của Trung Quốc sẽ chặn đường tiếp tế cho khoảng hơn 10 lính thủy đánh bộ Philippines đóng trên con tàu hải quân của nước này khiến tình hình sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.
Bãi Cỏ Mây là "cửa ngõ" chiến lược dẫn tới bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là giàu về dầu khí.
"Trung Quốc nên rút khỏi khu vực này bởi theo luật pháp quốc tế, họ không có quyền có mặt ở đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez.
Ông cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây là "sự khiêu khích và hành động phi pháp".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thì tuyên bố rằng bãi Cỏ Mây là một phần của quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối bỏ".
Giới chức Philippines cho biết khoảng ngày 8/5, 3 tàu của Trung Quốc hộ tống 30 tàu đánh cá tới bãi Cỏ Mây. Hai ngày sau đó, Philippines chính thức gửi công hàm phản đối Trung Quốc.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgardo Arevalo cho biết, đến hôm qua (28/5), 2 tàu hải giám Trung Quốc vẫn ở lại bãi Cỏ Mây còn các tàu đánh cá và tàu chiến hải quân đã rời đi.
"Sự hiện diện của những con tàu này là mối nguy hiểm rất rõ ràng và hiện hữu", một quan chức hải quân Philippines khác nhận xét. Ông cho biết Philippines nhận định rằng Trung Quốc đang tìm mọi cách ép Philippines rời bãi Cỏ Mây.
"Chúng tôi không muốn sáng ra thức dậy mà đã thấy một cơ sở mới được đặt ngay cạnh tàu hải quân của chúng tôi ở bãi Cỏ Mây. Chúng tôi sẽ phải chuẩn bị súng đạn và củng cố vị thế của mình ở đó nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất khu vực này", vị quan chức này khẳng định.
Ian Storey, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng tình hình căng thẳng ở bãi Cỏ Mây có thể sẽ nguy hiểm hơn vụ đối đầu Trung Quốc - Philippines tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái.
"Rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để chiếm hoàn toàn bãi Cỏ Mây, tuy nhiên có thể Trung Quốc sẽ tìm cách phong tỏa để đẩy các binh sĩ Philippines ra khỏi khu vực này", ông Storey nhận xét.
"Thực sự có nguy cơ tình hình sẽ leo thang hoặc có sự tính toán sai lầm", ông Storey cảnh báo.
Theo vietbao
Tàu sân bay Mỹ uy hiếp Trung Quốc ở Biển Đông Khi Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp căng thẳng tại bãi Cỏ Mâytrên Biển Đông, tàu sân bay Mỹ USS Nimitz lại diễn tập ở gần khu vực này khiến Trung Quốc lo lắng. Từ ngày 21/5-23/5, tàu sân bay USS Nimitz đã có đợt diễn tập tại Biển Đông khu vực sát với Philippines, mục đích của lần diễn tập này...