Hải quân Trung Quốc “mong” được lên tàu sân bay của Mỹ
Báo Wall Street Journal (Mỹ) số ra ngày 21.7 dùng chữ lịch sự “đề nghị mới nhất” là của đô đốc Wu Shengli, tư lệnh hải quân Trung Quốc. Ông Wu gợi ý Mỹ nên đem chiếc tàu sân bay USS George Washington (đóng tại Nhật Bản) đến một cảng TQ và cho phép thủy thủ tàu sân bay Liêu Ninh lên tham quan.
Vì TQ đang tìm cách được tiếp cận các tàu sân bay Mỹ nhiều hơn, muốn được hướng dẫn cách sử dụng Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ, và thử nghiệm tầm vươn tới của mối quan hệ hợp tác quân sự mới mà Mỹ-Trung đã ráng xây dựng trong năm qua.
“Sinh hoạt giao lưu để học tập”…
Lời đề nghị của đô đốc Wu được đưa ra trong tuần qua, khi đô đốc Mỹ Jonathan. W. Greenert, chỉ huy các hoạt động Hải quân Mỹ, thăm TQ để tìm những lĩnh vực hợp tác mới.
Theo báo trên viết từ Đại Liên (TQ), chuyến thăm của đô đốc Greenert vào ngày 15.7, là ngày TQ “nhổ cọc” giàn khoan Haiyang Shiyou 981 từng được hạ đặt trái phép vào hải phận Việt Nam, để đưa về quần đảo Hải Nam (TQ).
Đô đốc Greenert sau khi kết thúc chuyến công tác gồm thăm tàu Liêu Ninh, cho tờ Wall Street Journal biết: “Đô đốc Wu muốn như thế. Ông ấy muốn thủy thủ của mình được tham quan tàu George Washington và mời thủy thủ tàu này thăm tàu Liêu Ninh. Tôi đã đón nhận ý tưởng ấy”.
Ông nói một tàu sân bay Mỹ có thể thăm TQ-có thể đến Thượng Hải-trong vòng một năm tới, nếu đô đốc Wu chính thức đề nghị và nhận được sự ủng hộ ý tưởng này từ các nghị sĩ Mỹ và từ đại biểu quốc hội TQ.
Bộ Quốc phòng TQ không trả lời đối với đề nghị bình luận của báo Wall Street Journal.
Đô đốc Greenert còn nói TQ đã thể hiện tính “có qua có lại” trong việc mời sĩ quan và thủy thủ thăm tàu của nhau, như mời ông thăm tàu Liêu Ninh, một chiếc khu trục hạm, một chiếc tàu hộ vệ trang bị tên lửa và một chiếc tàu ngầm chạy diesel thuộc lớp Type 093B.
Đô đốc Greennert tham quan tàu chiến TQ
Video đang HOT
Ông nói việc cho phép thủy thủ tàu Liêu Ninh tham quan một tàu sân bay Mỹ không phải là “một cuộc cách mạng”, vì Mỹ đã đưa nhiều sĩ quan TQ lên các tàu sân bay Mỹ từ nhiều năm qua.
Sau khi thăm tàu Liêu Ninh, ông gặp 180 thủy thủ tàu này, và họ hỏi ông về cách chứng nhận khả năng đi biển sau khi bảo trì của tàu sân bay, và cách chỉ huy một cuộc xuất phát của các máy bay.
Đô đốc Greenert hỏi lại họ muốn tàu Liêu Ninh thăm cảng nào của Mỹ, vài người trả lời muốn đến Hawaii, còn ông gợi ý họ đến thăm Trân Châu Cảng.
Ông nói trước đây, đô đốc Wu cũng gợi ý tổ chức các cuộc “sinh hoạt” giữa thủy thủ tàu sân bay TQ-Mỹ, để trao đổi “chi tiết về chiến thuật và công tác bảo trì”. Ông khẳng định: “Đề nghị này không thích hợp với các nhà vạch chính sách của Mỹ, nên chúng tôi gạt sang một bên”.
Vì luật Mỹ cấm bất kỳ hình thức hợp tác nào với quân đội TQ, vì TQ có thể tiếp cận tri thức quân sự Mỹ.
Tướng Mỹ không thích nói chuyện vô vị
Vị đô đốc Mỹ nói khi gặp đồng nhiệm Wu, ông không lôi chuyện TQ đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào lãnh hải Việt Nam trên biển Đông, cùng các hoạt động khác của TQ ở những vùng biển tranh chấp.
Lý do: “Tôi chẳng muốn bị sa lầy vào những câu nói nhạt nhẽo hoặc những tuyên bố để ghi âm, vì chúng tôi chỉ có chút thời gian”, và ông cho biết các sĩ quan Mỹ đã nêu những vấn đề này trong các cuộc gặp khác.
Đô đốc Greenert giải thích: “Tôi muốn nhận được ngay những câu trả lời rõ ràng, như “Ông ở đâu trong vấn đề này, đô đốc Wu? Ông có sẵn sàng dấn thân vào mối quan hệ hợp tác?”, rồi từ đó, ở vai trò là khách của ông ấy, tôi sẽ có thể thấy những gì ông ấy muốn cho tôi thấy ngay trên boong tàu”.
Ông đã xem xét 8 đề nghị hợp tác do đô đốc Wu nêu hồi năm ngoái, gồm việc TQ muốn tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2014) mà Mỹ đang tiến hành ở vùng biển Hawaii (Mỹ).
Mỹ đã “duyệt” và đây là lần đầu tiên TQ cử 1.100 quân nhân và 4 tàu tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới này. Một đoàn sĩ quan TQ cũng thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan đang trên biển, theo người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương.
Còn tùy cách ứng xử của TQ
TQ cũng muốn sửa đổi một bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES, viết tắt của Code for unplanned encounters at sea-ND) mà 21 lực lượng hải quân vùng Thái Bình Dương ký hồi tháng 4.
Một số quan chức TQ gợi ý CUES không thể áp dụng ở những vùng biển tranh chấp quanh bờ biển TQ, nhưng đô đốc Greenert nói đô đốc Wu đã hứa sẽ tuân thủ CUES trên khắp biển Đông.
Đô đốc Greenert nói ông không thấy có báo cáo nào về hành xử không chuyên nghiệp hoặc “bắt nạt” trong các cuộc đối đầu giữa tàu Mỹ và tàu TQ kể từ tháng 4: “Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Họ nói bằng tiếng Anh, giọng điệu dân dã, thế là tốt”.
Ông Greenert cũng lần đầu tiên gặp Cục hải sự TQ hồi tuần trước, và trao đổi cơ quan điều hành tàu tuần duyên TQ này có thể tuân thủ CUES hay không:
“Họ cởi mở với khái niệm này và nhìn thấy giá trị của việc tuân thủ”, ông nói về các quan chức điều hành lực lượng tuần duyên TQ vốn thường được triển khai để bảo vệ những vị trí mà TQ tuyên bố chủ quyền.
Các đề nghị hợp tác hải quân Mỹ-Trung khác gồm: cử sĩ quan đến học viện hải quân và học viện chiến tranh của mỗi bên, thu xếp các cuộc tập trận đơn giản và ngắn ngày ở Vịnh Aden, Địa Trung Hải, biển Đông và biển Hoa Đông.
Nhưng ông Greenert thừa nhận các đề nghị của ông có thể bị phản đối ở Washington, và còn tùy cách hành xử của TQ trong vài tháng tới:
“Nếu một năm nữa, tính từ bây giờ, chúng ta lại gặp nhau và bạn hỏi “thế nào rồi ?”, và tôi sẽ nói vô số lời xin lỗi, giải thích tại sao các đề nghị chẳng đi tới đâu, rồi tôi sẽ nói có ai đó rụt chân ở đây. …
Chúng tôi không tạo ra tất cả mọi luật lệ, nên khi tôi trình bày muốn làm việc này, chúng ta sẽ thấy những nhà làm luật của chúng ta muốn gì”.
Hợp tác hải quân, kéo giảm được căng thẳng trên biển?
Việc đô đốc Wu đề nghị tham quan một tàu sân bay Mỹ làm sáng tỏ một đường hướng mới trong quan hệ Mỹ-Trung: quan hệ quân sự đang cải thiện, nhất là giữa hai lực lượng hải quân, dù TQ đang ngang ngược đòi làm bá chủ vùng biển châu Á, gây ra tranh chấp với các nước láng giềng gồm những đồng minh của Mỹ như Nhật, Philippines.
Trong năm qua, đô đốc Greenert gặp đồng nhiệm Wu 3 lần, và họ sẽ tái ngộ trong tháng 9 tới. Ông Greenert nói điều này phản ánh quyết tâm cải thiện quan hệ quân sự từ cuộc gặp thượng đỉnh năm 2013 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đô đốc Greenert giới thiệu khoang bảo trì một tàu chiến Mỹ với đô đốc Wu
Nhưng vụ đề nghị giao lưu tàu sân bay cũng dẫn đến nhiều câu hỏi cho cả hai bên, về việc họ tiến xa tới đâu trong việc cho phép mỗi bên tiếp cận công nghệ nhạy cảm, và liệu những cuộc giao lưu này sẽ thực sự giúp hạ nhiệt căng thẳng trên biển?
Chiếc Liêu Ninh của hải quân TQ được hạ thủy năm 2012, là “hàng mua xác” từ một chiếc tàu cũ của Ukraine, là một loại tàu đặc biệt nhạy cảm khi tàu sân bay là những bệ phóng cho các cuộc tấn công, và các sĩ quan Mỹ nói Liêu Ninh có thể được dùng để tăng cường cho tuyên bố độc chiếm biển Đông của TQ.
Lầu Năm Góc còn nói TQ sẽ tự đóng nhiều tàu sân bay nữa trong thập niên tới.
Tàu sân bay Liêu Ninh của TQ chưa thể hoạt động
Một số người trong lực lượng quốc phòng Mỹ còn nói lẽ ra TQ gần đây tỏ ra hung hăng trên biển Đông thì “không đáng được thưởng” bằng các hoạt động hợp tác hải quân với Mỹ.
Đô đốc Greenert nhìn nhận vấn đề này theo cách khác: mối quan tâm của ông là xây dựng lòng tin, cố định dạng cách ứng xử của hải quân TQ vốn chắc chắn sẽ mạnh hơn, thay vì cứ liên tục phản đối về những vụ việc “lẻ mẻ”.
Ông nói: “Nếu tất cả những gì chúng tôi làm là liên tục ra tuyên bố phản đối, thì thực tế là tàu chúng tôi đang hoạt động trong cùng khu vực với họ, nên chúng tôi phải tìm ra được cách kiểm soát xuyên suốt theo cách riêng của chúng tôi”.
Theo NTD/Wall Street Journal