Hải quân Nga tăng cường xuất hiện tại biển Đông
Hiện tại các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông ngoài những quốc gia có tiềm lực quân sự thì chỉ có duy nhất một cường quốc “dám” đứng ra “khống chế” Bắc Kinh, đó là Mỹ, thế nhưng tương quan về lâu dài thế “song cường” này được dự báo là sẽ bị phá vỡ…
Sẽ có thế chân vạc trên biển Đông?
Việc Trung – Mỹ thay nhau lên tiếng chỉ trích những hành động gây hấn trên biển Đông thời gian qua khiến nhiều người nghĩ tới một kịch bản chiến tranh lạnh giữa 2 song cường này. Thế nhưng Nga lại không cho là vậy, một kịch bản theo kiểu “tam quốc tranh hùng” sẽ là điều Nga muốn lúc này trên biển Đông.
Bằng chứng là một liên minh quân sự Nga – Trung Quốc đã được Tân Hoa Xã và nhiều tờ báo tiếng Hoa đề cập đến sau lần tập trận hải quân hồi tháng trước giữa 2 quốc gia này. Thế nhưng những căng thẳng xung quanh bãi Scarborough giữa Philippines với Trung Quốc trong thời gian qua đang làm cho ngày càng nhiều các nước thứ 3 không có tranh chấp bắt đầu quan tâm sâu hơn và muốn tham gia, hiện diện ở biển Đông với một vai trò và ý đồ nhất định.
Mặc dù lên tiếng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp bãi cạn Scarborough và tranh chấp biển Đông thông qua đàm phán tay đôi, trực tiếp, đồng thời, phản đối “bên thứ 3 can dự” (chính là Mỹ), nhưng mới đây Nga lần đầu tiên bày tỏ thái độ ủng hộ việc đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông.
Một vài chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng đó có thể là một phần sự manh nha hình thành thế chân vạc trên biển Đông, theo đó sẽ có một “liên minh” Nga – Trung theo kiểu Ngô – Thục để cùng chống Mỹ.
Video đang HOT
Đúng như lời ví vón mối quan hệ Nga – Trung thực ra rất lỏng lẻo bởi cả 2 quốc gia này có lợi ích mâu thuẫn nhau, thế nên câu chuyện “bằng mặt nhưng không bằng lòng” là điều hết sức dễ hiểu. Ủng hộ Trung chống Mỹ, nhưng Nga sẽ không để Trung Quốc qua mặt mình mà độc chiếm biển Đông.
Tàu sân bay Kuznetsov của Hải quân Nga
Bằng chứng là Nga đã nhiều lần cởi mở với các ý tưởng tiến hành tập trận quân sự chung với Philippines trong lĩnh vực chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn giống như những gì họ đã triển khai với Indonesia hồi đầu năm.
Theo đề xuất của Nga để tăng cường mối gắn kết trong quan hệ quân sự giữa Moscow và Manila, hai nước cần hình thành ý tưởng mới về “tái cấu trúc khu vực”, đồng thời đạp đổ “bóng ma Chiến tranh lạnh”.
Trước khi có ý tưởng tập trận chung tầu hải quân Nga đã từng thực hiện các chuyến thăm Manila trong thời gian qua, điển hình là sự xuất hiện của khu trục hạm chống tàu ngầm Admiral Panteleyev, tàu chở dầu Boris và tàu cứu hộ Fotiy Krylov tại Philippines vào tháng 2/2012.
Những dấu hiệu trên một mặt cho thấy người Nga đang thực sự quan tâm và tìm kiếm một vai trò ngày càng lớn hơn tại biển Đông, nhưng điều đáng chú ý hơn cả là Moscow dường như có khuynh hướng biến biển Đông thành câu chuyện “tân tam quốc”, nếu giữ được thế chân vạc thì cục diện trên vùng biển nóng này sẽ có lợi cho Moscow.
Tại sao Nga không bỏ qua Châu Á – Thái Bình Dương
Hiện tại, có thể Nga đang gặp phải các khó khăn về các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng nói chung, nhưng hổ chết vẫn giữ được uy, Nga vẫn luôn được coi là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới.
Để hiện thực hóa được điều này thì Nga không được phép mất đi “tiếng nói” của mình tại những khu vực “trọng yếu” trên thế giới. Vì thế không khó hiểu khi Nga sẽ không dễ dàng bỏ qua lợi ích của mình tại Châu Á – Thái Bình Dương và cụ thể là biển Đông.
Điều kiện địa lý của Nga vốn đã không tốt, cộng với tình hình quốc tế rối ren lâu dài và kinh phí thiếu thốn, đã làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh trên biển, sức mạnh hải quân của Nga bấy lâu nay.
Mặc dù, Nga là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới, điều này đã đem lại ưu thế tự nhiên cho phát triển sức mạnh trên biển của họ. Điều đáng tiếc là, nhìn ở góc độ khác, điều này lại khó được gọi là “ưu thế”. Phần lớn đường bờ biển thuộc khu vực lạnh giá, trong năm có thời gian đóng băng rất dài, tỷ lệ sử dụng bờ biển tương đối thấp.
Soái hạm hàng đầu Varyag của hải quân Nga
Đặc biệt là ở hướng Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, phần lớn bờ biển không có bến cảng không bị đóng băng có thể sử dụng. Có chuyên gia cho rằng, hướng biển Baltic và biển Đen đều có bờ biển ấm áp, có tương đối nhiều cảng không đóng băng, nhưng độ dài của tuyến đường bờ biển không lớn, khó trở thành căn cứ chủ yếu để phát triển quyền kiểm soát biển.
Trường hợp của Nga trong tình huống này không khác gì một người có của nhưng không được tiêu. Vì thế hơn lúc nào hết Nga cần thông qua những đồng minh lâu năm của mình để tìm kiếm ảnh hưởng tại những vùng biển có lợi ích hơn.
Trong quá khứ Nga đã duy trì khá tốt ảnh hưởng của mình trên biển Đông, nhưng do nhiều lý do quốc gia này đã hạn chế tầm ảnh hưởng của mình tại đây, chính vì thế Trung Quốc mới có điều kiện ra mặt trực tiếp, rồi sau đó Mỹ là kẻ tiếp theo nhảy vào cuộc.
Nếu Nga vẫn muốn mở thêm đường ra biển để kiếm tìm thêm lợi ích quốc gia thì câu chuyện biển Đông, Nga tất yếu sẽ tham gia “soạn thảo”, hiện tại trong khu vực nhạy cảm này việc Nga “ra mặt” không phải là không có cơ sở. Một chiến lược phù hợp để cân bằng tương quan lực lượng sẽ là một giải pháp tốt cho cả Nga và cho tình hình chung trên biển Đông.
Theo Phunutoday