Hai phương án lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo
Hôm qua, 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công bố công khai, minh bạch
(Trong ảnh: cử tri phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
theo dõi phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, tháng 7-2012)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày 2 phương án về diện cán bộ thực hiện, tần suất tiến hành, việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và phương án xử lý nếu lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán. Về diện cán bộ thực hiện, phương án 1 bao gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở Trung ương với tổng số 49 người. Ở phạm vi HĐND, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.
Phương án 2, sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người. Số người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh được lấy phiếu tín nhiệm khoảng 50 – 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 – 30 người, ở HĐND cấp xã là 5 – 7 người.
Bên cạnh các phương án nêu trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND. Ý kiến khác đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn như phương án 1 HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo đã tán thành phương án 1 của Đề án. Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do Quốc hội và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.
Video đang HOT
Góp ý về vấn đề này, đa số ý kiến trong UBTVQH cũng tán thành phương án 1. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể tiến hành ở các cấp độ khác nhau, các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực của các Ủy ban chỉ nên lấy ý kiến trong hội đồng, ủy ban nơi họ công tác là đủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với cả các ĐBQH chuyên trách để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ này…
Đáng lưu ý, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị dành cơ hội cho các cán bộ không đạt được tỷ lệ tín nhiệm cần thiết (thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm) phát huy “văn hóa từ chức” trước khi các vị này được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, phiếu tín nhiệm nên thiết kế thêm câu hỏi: có nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đó hay không? Ông phân tích: “Khi người cho ý kiến trả lời câu hỏi này, Quốc hội sẽ có được tỷ lệ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà Hiến pháp quy định (khi có từ 20% đại biểu Quốc hội trở lên đề nghị thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm – PV). Như vậy vừa phù hợp với pháp luật, vừa đảm bảo yêu cầu kịp thời xử lý những cán bộ mất uy tín nghiêm trọng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của ĐBQH, ĐB HĐND về cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Đề án quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò, tín nhiệm thấp thì mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu sẽ tiến hành các thủ tục bãi miễn cán bộ nếu cần thiết.
Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Lấy phiếu rồi phải công khai kết quả. Nhưng đề nghị làm 2 năm liên tục hãy lấy phiếu tín nhiệm, bởi hiệu quả của công việc quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác”. Đồng ý tần suất lấy phiếu tín nhiệm nên là 2 năm một lần, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý đến một lý do khác. Ông nêu vấn đề: “Lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên quá nhiều khi cũng làm cán bộ chùn tay, mất tính quyết đoán”. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nên tiến hành hàng năm… Sau phiên họp của UBTVQH, Đề án sẽ được tiếp thu hoàn thiện một bước, trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó tiếp tục được chỉnh lý và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4. Chiều 14-9, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Theo ANTD
Thường vụ Quốc hội góp ý đề án lấy phiếu tín nhiệm
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 11, sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tờ trình. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.
Đề án được xây dựng nhằm tạo điều kiện để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thay mặt nhân dân giám sát những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này, đồng thời, cụ thể hóa một bước quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp và pháp luật quy định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 gắn kết việc lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm...
Dự thảo Đề án cũng nêu rõ Quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý, bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.
Thảo luận về Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đồng thời tham mưu, giúp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống.
Việc xây dựng Đề án cũng phù hợp với yêu cầu và để triển khai Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến thẳng thắn, cởi mở về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Các nội dung được tập trung thảo luận là phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm định kỳ lấy phiếu tín nhiệm tiêu chí đánh giá, mức độ thể hiện sự tín nhiệm định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm...
Đa số ý kiến tán thành với phương án đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ở Trung ương là từ cấp Bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực Hội đồng Nhân dân và các thành viên Ủy ban Nhân dân. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ có tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến tán thành việc tiến hành định kỳ hằng năm theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Có ý kiến đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm từ năm thứ hai kể từ năm được bầu hoặc phê chuẩn và không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ.
Liên quan đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để làm căn cứ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm và thực hiện công tác cán bộ, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự khác nhau giữa hai cấp độ "lấy phiếu tín nhiệm" và "bỏ phiếu tín nhiệm."
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hai giai đoạn trong một quy trình dân chủ, chặt chẽ, công khai. Lấy phiếu tín nhiệm nhằm xin ý kiến thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật.
Hai tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm gồm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc. Mức độ thể hiện sự tín nhiệm được chia theo các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành với thủ tục, quy trình chặt chẽ hơn, theo quy định của Hiến pháp, luật, quy chế thể hiện quyền của đại biểu lựa chọn: Tín nhiệm hay không tín nhiệm.
Tán thành sự cần thiết của việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh cần rất thận trọng, chặt chẽ, có bước đi phù hợp để vừa đạt hiệu quả vừa giữ sự ổn định, đúng độ, không gây xáo trộn tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ với quy trình, thủ tục, cách thức đơn giản, rõ ràng, tránh hình thức.
Có ý kiến cho rằng, một trong những khâu quan trọng cần quan tâm là việc cung cấp thông tin như thế nào để đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân có cơ sở thuận lợi để đánh giá, thể hiện mức độ tín nhiệm một cách chính xác, khách quan, công bằng, không cảm tính.
Theo TPO
Lấy ý kiến về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm Ngày 11-9, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo đề án. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đề án...