Hai người Việt tặng 100 suất ăn cho y bác sĩ Mỹ mỗi ngày
Đều đặn mỗi ngày, 100 hộp cơm dán kèm lời nhắn: “Chân thành cảm ơn vì bạn đã mang lại sự khác biệt cho cuộc sống của bệnh nhân” được trao đến y bác sĩ đang chống dịch tại Mỹ.
Năm 2005, con gái chị Nguyễn Thị Minh Huyền – chủ nhà hàng Phở Hà Nội ở San Jose, California, Mỹ – không may bị ung thư mắt. Nhờ sự tận tâm của y bác sĩ trong khu vực, cô bé được chữa khỏi 2 năm sau đó.
Biết ơn cuộc đời ban điều kỳ diệu cho gia đình, vợ chồng chị thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện, trong đó có hỗ trợ trẻ mồ côi, bệnh nhân ở trung tâm ung bướu tại Việt Nam.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, chị Huyền thấy hàng xóm đi vận động mọi người đóng góp mua vật tư y tế, đồ ăn ủng hộ các bác sĩ. Là chủ nhà hàng, chị có trong tay đầu bếp, vật dụng nấu ăn đầy đủ nên quyết định nấu cơm tiếp sức cho y bác sĩ tuyến đầu trong vùng.
Từ 26/3, đều đặn mỗi ngày, 100 suất ăn đóng hộp gọn gàng và dán kèm lời nhắn: “Chân thành cảm ơn vì bạn đã mang lại sự khác biệt cho cuộc sống của bệnh nhân” được chuyển từ nhà hàng của chị Huyền tới một bệnh viện trong khu vực.
Chị Phan Tiểu Vân – doanh nhân ở San Jose – đại diện kết nối, vận chuyển số suất ăn này đến bệnh viện cho các bác sĩ.
Chị Nguyễn Thị Minh Huyền tự tay kiểm tra các suất ăn tặng các y bác sĩ trước khi đóng hộp và chuyển tới bệnh viện.
Nếu dịch kéo dài, còn sức, chúng tôi sẵn sàng “chiến đấu”
Chia sẻ với Zing, chị Huyền cho biết sau 6 ngày, nhà hàng của chị đã tặng 600 suất ăn cho các bác sĩ ở 6 bệnh viện tại khu vực San Jose.
Ban đầu, gia đình chị Huyền dự định quyên tặng 1.000 phần ăn. Những ngày qua, ngày càng nhiều người biết tới hoạt động tình nguyện của chị và muốn đóng góp thêm. Nhờ đó, số lượng suất ăn miễn phí trước mắt được tăng lên 3.000.
Chị Huyền khẳng định: “Nếu dịch còn kéo dài, còn sức thì chúng tôi sẵn sàng ‘chiến đấu’”.
Trong 100 suất ăn mỗi ngày, luôn có 90 phần mặn gồm 2 món và 10 phần chay. Các món ăn được ưu tiên phục vụ đều dễ ăn, tiện hâm nóng và cung cấp chất dinh dưỡng cho các y bác sĩ. Đó chủ yếu là các món như gà roti, tôm rang me, gà hấp, sườn nướng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng nhân viên tại 2 nhà hàng của chị Huyền từ 65-70 người, nay chỉ còn khoảng 20. Trong bối cảnh đó, vừa phải duy trì việc kinh doanh bằng cách bán cho khách đem về, vừa phải đảm bảo suất ăn cho các y bác sĩ là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, chị Huyền nói mình vẫn may mắn vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Biết về hoạt động tặng đồ ăn cho y bác sĩ của chị Huyền, nhiều nhân viên sẵn sàng quay lại làm việc không lương, chủ cho thuê mặt bằng giảm 25-30% tiền thuê, đầu mối cung cấp gà cho nhà hàng cũng tặng mỗi tuần thêm 3 thùng gà.
Video đang HOT
Các suất ăn mặn gồm 2 món được chị Huyền chuẩn bị cho các y bác sĩ chống dịch.
Mỗi ngày, một đầu bếp chính và phụ bếp ở nhà hàng chị Huyền đảm nhận việc nấu 100 suất ăn chuyển tới bệnh viện. Nhờ các nguyên liệu được chuẩn bị từ hôm trước, họ làm từ 8h đến 11h là hoàn thành.
Ngoài việc thay găng tay, khẩu trang, rửa tay sát trùng liên tục, các nhân viên ở đây khi chuẩn bị đồ ăn đều tuân thủ quy định đứng cách xa nhau 2 m.
Trước khi các suất ăn được đóng hộp, chị Huyền đích thân kiểm tra chất lượng vì với chị “không phải đồ ăn mang tặng thì làm qua loa được”.
Khi tất cả khâu chuẩn bị đã xong, chị Phan Tiểu Vân sẽ tới lấy đồ ăn chuyển tới bệnh viện.
Chia sẻ về khó khăn trong những ngày này, chị Huyền nói: “Thời điểm này xác định là tiền lời không có. Mỗi sáng mở mắt ra đều biết lỗ, chỉ là không biết nhiều hay ít. Tiền thuê mặt bằng đã hơn 1.000 USD, còn tiền nhân công, nhập thực phẩm. Tuy nhiên, tôi xác định phải vượt qua đợt dịch này và luôn tới nhà hàng với tâm trạng vui vẻ”.
Với chị Huyền, việc được các bác sĩ khen đồ ăn ngon đã là niềm hạnh phúc, dù chị không hề kiếm được đồng nào từ đó.
“Mỗi khi thấy các y bác sĩ chụp ảnh bên đồ ăn của mình và cười tươi, tôi rất mừng vì mang tới nụ cười cho họ trong thời điểm căng thẳng. Có y tá gọi tới tận nhà hàng nói vừa ăn cơm xong và gửi lời cảm ơn. Nhận được lời nhắn biết ơn từ họ, tôi rơi nước mắt vì xúc động”, chị Huyền nói.
Để đóng góp cho cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch, chị Huyền còn giảm 15-25% giá các món ăn cho khách hàng. Dù nhiều nhân viên tình nguyện làm không lương, chị Huyền chỉ nhận tấm lòng và sẵn sàng bỏ tiền túi ra trả tiền công cho họ.
Dịch bệnh ập đến khiến cuộc sống và công việc của chị Huyền đảo lộn. Tuy nhiên, chị khẳng định: “Còn khỏe mạnh, có công ăn việc làm đã là tốt quá rồi”.
Không ngại dấn thân đến bệnh viện mỗi ngày
Chia sẻ với Zing, chị Phan Tiểu Vân cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc kinh doanh của chị phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, chị vẫn lạc quan và vui vẻ vì được làm việc có ích cho cộng đồng.
“Ban đầu, tôi cùng nhóm bạn gom vật tư y tế như khẩu trang, găng tay, giấy lau diệt khuẩn… tặng cho bệnh viện. Khi đăng lên mạng xã hội để kêu gọi đông người hơn cùng thực hiện, chị Huyền nhắn tin muốn ủng hộ đồ ăn cho y bác sĩ. Từ đó, tôi lo liên hệ bệnh viện và giao đồ”, chị nói.
Theo chị Vân, do nhiều luật lệ liên quan an toàn ở Mỹ, việc kêu gọi ủng hộ còn dễ dàng hơn tặng đồ, nhất là cho bệnh viện.
Nhờ quen biết nhiều bác sĩ, chị Vân liên hệ tới các bệnh viện để xin phép gửi tặng đồ ăn. Khi được chấp thuận và xin lấy hẹn, chị mới có thể tiến hành việc này.
Mỗi sáng, chị tới nhà hàng của chị Huyền phụ dán thiệp cảm ơn lên nắp hộp. Sau khi đồ ăn được đưa lên xe chuyên dụng để giao hàng, chị Vân chạy xe trước dẫn đường cho tài xế.
Do xếp lịch hẹn trước, xe được đỗ trước cổng cấp cứu hoặc cổng sau để các y bác sĩ tiện xuống nhận cơm.
“Thường tôi ưu tiên mang phần ăn đến yểm trợ cho tuyến đầu như khoa cấp cứu, đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Khi đến cửa, tôi gọi điện để các y bác sĩ mang xe đẩy 2 tầng ra nhận cơm. Mọi thứ chỉ diễn ra trong 5 phút”, chị Vân nói.
Chị Phan Tiểu Vân (áo hồng, ảnh trái) đại diện kết nối, chuyển hàng trăm suất cơm tặng y bác sĩ mỗi ngày.
Thấu hiểu công việc bận rộn của đội ngũ y bác sĩ trong mùa dịch, chị Vân luôn tới đúng giờ hẹn. Chị thường hỏi bác sĩ phụ trách khoa hay y tá trưởng tỉ mỉ đường vào bệnh viện để đậu xe đúng trước cổng họ muốn.
Với những bệnh viện chưa từng tới, trước hôm hẹn, chị Vân cẩn thận chạy xe một mình đến tìm toà nhà, cửa vào bác sĩ đã dặn. Chị không muốn hôm sau đi lạc và trễ giờ hẹn làm ảnh hưởng tới mọi người.
“Hiện đa số nhà ăn trong các bệnh viện đã đóng cửa để chuyển thành phòng bệnh, sẵn sàng đối phó khi dịch lên đỉnh điểm. Trong 30 phút được nghỉ ăn trưa, các y bác sĩ muốn ăn nhanh chóng cũng không có nơi để mua cho tiện. Bởi vậy, hôm nào có phần ăn trưa của nhà hàng giao đến tận cửa, họ cảm thấy khoẻ vì vừa được ăn ngon, vừa tiết kiệm thời gian. Tinh thần họ được cổ vũ rất nhiều”, chị Vân lý giải.
“Có hôm tôi đến, mọi người ra đón rất đông. Y tá trưởng hô lớn: ‘Chụp với cô ấy một tấm nào, chúng ta chỉ có 3 phút!’. Thật sự xúc động”, chị Vân nói.
Sau mỗi hôm đi tặng đồ, chiều, tối hoặc sang hôm sau, khi các y bác sĩ được tan ca, chị Vân mới nhận được rất nhiều tin nhắn, email cảm ơn.
“Các bác sĩ, y tá người Mỹ rất thích. Họ bảo qua dịch sẽ ghé qua nhà hàng vì món Việt ngon quá”, chị Vân nói.
Trong đó, một bác sĩ trưởng khoa nhắn cho chị: “Toàn bộ nhân viên của tôi đều để dành tấm thiệp dán trên nắp hộp. Qua đại dịch, khi mọi thứ trở lại bình thường, chúng tôi sẽ cùng gia đình bạn bè ghé nhà hàng thử hết các món khác”.
Chị Vân cũng cho hay chị hiện điều hành một diễn đàn của các y bác sĩ ở San Jose nên hiểu rõ cách tự bảo vệ và giữ vệ sinh khi đi giao đồ ăn.
Bởi vậy, dù hầu như mỗi ngày đều dấn thân đến bệnh viện, cửa khoa cấp cứu nguy hiểm, chị cũng không ngại.
“Các y bác sĩ cũng bảo vệ tôi, luôn hẹn trước cửa, đứng bên ngoài. Khi họ ra cũng đứng cách xa mình, chỉ nhìn nhau cười. Về nhà nhắn tin sau”, chị Vân nói.
Chị Vân cho biết thêm từ nhà hàng của chị Huyền, hiện có thêm 3 nhà hàng của người Việt cũng liên lạc muốn ủng hộ. Chị nói sẽ cố gắng làm cầu nối cho tất cả để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Thảo Thu
Di chúc của nữ bác sĩ trong đại dịch: 'Hãy tái hôn nếu em chết vì Covid, chỉ cần cô ấy đối xử tốt với con chúng ta'
Trong rất nhiều những lời nói từ tận đáy lòng của các y bác sĩ ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch Covid-19, xuất hiện dòng chia sẻ xúc động này...
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, những y bác sĩ, nhưng nhân viên y tế chống dịch tuyến đầu luôn túc trực ngày đêm để cứu chữa cho các bệnh nhân. Trong số họ, có những người đã làm việc cả tháng trời mà chưa được về nhà, chưa được gặp người thân yêu.
Cuộc chiến đấu nào cũng phải đối mặt với những rủi ro, và các bác sĩ đã cùng nhau viết di chúc nếu một ngày nào đó, điều không may sẽ đến với mình... Dưới đây là những tâm sự xúc động của các bác sĩ tại Mỹ.
Ảnh minh họa
Michelle Au là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Emory St. Joseph ở Atlanta. Là bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức, nhiệm vụ chính của cô là đặt nội khí quản cho bệnh nhân suy hô hấp. Công việc này khiến bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm cao vì họ tiếp xúc rất gần với miệng bệnh nhân.
'Một số bệnh nhân thở hắt ra hoặc ho khi tôi đưa ống vào', bác sĩ Au cho biết.
Tuần trước, Michelle Au đã đặt nội khí quản cho hai bệnh nhân mắc Covid-19. Chia sẻ về khoảnh khắc đó, cô nói: 'Đồng hồ đếm 10 giây, 20 giây, 30 giây. Thủ thuật này tiến hành càng lâu thì tôi càng có nguy cơ lây nhiễm virus từ bệnh nhân'.
Chồng của Au cũng là một bác sĩ, cách đây không lâu, vợ chồng bác sĩ Au đã nghiêm túc ngồi lại thảo luận về di chúc của mình. Theo đó, trong trường hợp cả hai vợ chồng cô cùng qua đời vì Covid-19 thì họ sẽ có 4 lựa chọn ủy thác quyền nuôi con.
'Hai lựa chọn đầu tiên sẽ là ông bà nội ngoại hai bên; người thứ ba sẽ là một bác sĩ. Chúng tôi đang tìm người thứ tư có rủi ro thấp hơn', Au chia sẻ.
Ảnh minh họa
Bác sĩ John Marshall, Trưởng khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Maimonides, Brooklyn, New York lại chọn cách vẫn về nhà để được nhìn thấy các con từ xa. Tuy nhiên, suốt một tháng qua ông không ngủ chung với vợ một lần nào.
'Chúng tôi biết cách chữa trị một vết thương do đạn bắn, biết phải làm gì khi ai đó bị nhiễm trùng huyết hay lên cơn đau tim. Nhưng Covid-19 là một chủng virus mạnh và hoàn toàn mới. Không có cách nào chắc chắn để chúng tôi tự bảo vệ mình và gia đình', bác sĩ Marshall thừa nhận.
Ông cũng khuyến khích cấp dưới viết sẵn di chúc đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Còn với bác sĩ Vicki Jackson, người đang làm việc tại bệnh viện Mass General, bang Massachusetts, cô nhắn nhủ với chồng mình: 'Anh nên tái hôn nếu em ra đi vì Covid-19. Em chỉ cần cô ấy đối xử tốt với con của chúng ta.'
Ảnh minh họa
Trong sự nghiệp của mình, các bác sĩ như Michelle Au, John Marshall hay Vicki Jackson đã từng báo trước cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân về những tình huống xấu nhất trong điều trị, nhưng giờ đây, họ phải làm điều đó với chính mình.
Dù con đường chống dịch còn nhiều khó khăn, dù điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nhưng khi được hỏi, một vị bác sĩ đáng kính vẫn quả quyết khẳng định: 'Với tư cách một người mẹ, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ đứa trẻ của mình. Song, tôi không bao giờ quên mình là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước'.
Sóc nâu (tổng hợp)
Chú chó trị liệu động viên tinh thần nhân viên y tế tuyến đầu ở Mỹ Sau những giờ làm việc mệt mỏi, các y bác sĩ một trung tâm y tế ở Denver (Mỹ) có thể trò chuyện, vuốt ve chú chó trị liệu để giảm căng thẳng, áp lực tinh thần. Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, các nhân viên y tế đang là những người chịu áp lực lớn nhất khi phải đối mặt với...