“Hại não” nghĩ 1001 cách chiều CHỒNG KHÓ TÍNH, ĐỎNG ĐẢNH NHƯ THỜI TIẾT
“Khó tính không biết đường nào mà chiều!”, đó là than thở của không ít bà vợ có chồng khó tính. Chiều những ông chồng như vậy vô cùng “hại não”!
Khốn khổ với ông chồng “thời tiết”
Chồng chị Kiều Chinh (Ninh Bình) nói chung là tốt tính, chỉ có điều anh tính khí hay thất thường khiến tâm trạng mấy mẹ con cũng trồi sụt theo thái độ “thời tiết” của chồng.
Lúc nào chồng cũng chê chị Chinh nấu ăn dở, vụng, đoảng rồi áp đặt sở thích ăn uống cho cả nhà. Tối nào anh cũng bắt chị làm cái thực đơn ngày hôm sau “dài như sớ” để anh chọn món. Thành thử cứ tối đến là chị Chi ca “điệp khúc” “ngày mai ăn gì”.
Trong khi bọn trẻ nhao nhao “Con ăn gì cũng được” thì chồng là yêu sách đủ thứ và quay sang hỏi vợ: “ Sao ở nhà này đến ăn cái gì em cũng phải hỏi anh? Em không hiểu sở thích của chồng con gì cả”. Chị “đơ như cây cơ”, không biết trả lời sao.
Chồng khó tính, hay xét nét vợ là một trong những nỗi ám ảnh của chị em. Ảnh minh họa.
Buổi sáng cả nhà lục tục dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học, đi làm. Chị giục bọn trẻ rề rà trong toilet vì sợ muộn giờ học, anh ngăn vợ “không được giục con đi toilet nhỡ làm con không thoải mái”. Đến lượt anh vào toilet, chị không dám giục.
Đến khi anh ra, nhìn đồng hồ anh trách “Sao không giục anh đến giờ đi làm”. Chị giải thích do anh “không cho giục khi đi toilet”, anh làu bàu “Việc quan trọng thì phải…giục anh chứ!” (?!).
Mỗi lần hai cả nhà đi ăn hàng, đi chơi, cái tính khí thất thường khó chiều của anh khiến ai cũng bực. Những kỳ nghỉ lễ dài, cứ nghĩ đến đi chơi với “ông chồng thời tiết” là chị Chinh chỉ muốn ở nhà cho khỏe.
Video đang HOT
“Nhìn người ta được chồng yêu chiều hết mực mà phát thèm! Còn mình thì phải khổ sở chiều theo ý của chồng. Nhiều lúc bực mình chỉ muốn đi trốn đâu đó vài ngày”, chị Chinh than thở.
Bi hài trị chồng “kiểu gì cũng chê”
Lấy nhau 8 năm nay nhưng số lần chị Hằng (Hà Nội) được chồng khen nấu ăn ngon chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Vốn khó tính, lại hay đi ăn hàng, nên khi về nhà, chồng chị luôn cảm thấy vợ nấu ăn “không chuẩn”.
Biết anh có thói quen ăn đồ nhạt, chị chủ động nấu nhạt hơn so với khẩu vị của mình. Nhưng khổ nỗi dù cả nhà ăn vừa khẩu vị anh vẫn chê… nhạt quá. Chị nêm thêm chút mắm thì anh lại chê mặn. Thành thử, có hôm chị cáu: “Anh quen ăn hàng giờ về nhà, vợ nấu kiểu gì cũng chê là sao? Chê thì tự vào bếp!”. Nhìn ánh mắt “hình viên đạn” của vợ, anh chuồn thẳng cẳng.
Những hôm anh không đi nhậu với bạn, về sớm phụ vợ nấu cơm thì cũng làm chị Hằng “phát rồ” không kém. Bởi anh cứ đứng cạnh chị, khoanh tay trước ngực càm ràm nào là lấy sẵn cái bát, cái thìa, đong đếm mắm muối bao nhiêu. Xét nét từng hành động của chị, anh vỗ ngực “May có chồng chỉ đạo bữa cơm mới ngon như thế!”.
Nghe cái giọng sốt sắng chỉ đạo của anh, chị chỉ muốn…tắt bếp, khỏi nấu nướng nữa. Trong bữa cơm, kiểu gì anh cũng phải bới ra một điểm trên mâm để chê bai. Điều đáng nói là dù chê nhưng anh vẫn đánh chén sạch bách.
Đừng khổ tâm nghĩ chiêu chiều chồng khó tính, chị em hãy thử “mặc kệ” để anh ấy tự xoay xở mới thấy trân quý những gì vợ dành cho mình. Ảnh minh họa.
Tính anh vốn ở sạch. Anh sạch đến nỗi mọi người trong nhà gọi anh là “người vô trùng”. Cái sự sạch sẽ này có ưu điểm là chị Hằng không bao giờ phải lo nghĩ thu gom, giặt quần áo cho chồng như nhiều bà vợ khác. Chăn ga gối đệm cũng đều do một tay anh giặt vì “sợ vợ giặt không sạch”. Ban đầu chị Hằng tự ái, nhưng sau thấy mừng quá vì đỡ phải lao động.
Thế nhưng cái sự khó tính sạch sẽ thái quá của chồng cũng khiến chị nhiều phen lao đao. Nhà chật, có hôm chị pha mỳ tôm ăn trong nhà. Anh lập tức xua chị ra ngoài sân ăn mỳ tôm cho…đỡ mùi.
Anh kỹ tính tới mức sau bữa cơm là không ăn gì, kể cả hoa quả. Bao nhiêu lần chị Hằng gọt hoa quả cũng là bấy nhiêu lần chị tự ăn một mình. Nhưng nếu anh nổi hứng ăn thì vợ phải là người “bóc vỏ, bỏ mồm” anh mới chịu.
Sau bao nhiêu lần ấm ức, chị tung chiêu “makechong” – dịch nôm na là “mặc kệ chồng”. Càng chiều chồng càng lấn tới, hay vì hại não nhức óc nghĩ cách chiều theo ý chồng, chị áp dụng kế cứ chồng chê là chị không làm nữa, giương cao khẩu hiệu “chồng tự túc là hạnh phúc”.
Thấy mặt chồng nhăn nhó, khó đăm đăm, chị tỉnh bơ hỏi: “Sao trán anh hôm nay nhăn nhăn như cắm hai thẻ hương trên trán vậy?”. Có hôm anh tức giận, trợn mắt lên nhìn chị. Chị nhìn vào mắt anh đắm đuối và bảo: “Anh đừng trợn mắt lên. Vì dù có trợn hết cỡ mắt anh cũng chỉ to bằng nửa mắt em thôi mà!”. Áp dụng kế này lâu lâu, chị thấy anh cũng dễ tính ra mấy phần.
Theo Emdep
Rạn nứt hạnh phúc vì vợ chồng khắc khẩu
Nhiều cặp vợ chồng nói câu trước, câu sau đã cãi nhau. Thay vì nói cho nhau hiểu, họ lại dè bỉu, xúc xiểm, thậm chí xúc phạm nhau.
Vợ chồng khắc khẩu là một trong số những nguyên nhân khiến hạnh phúc rạn nứt.
Ông chẳng, bà chuộc
Liên và Hùng cưới nhau đã 3 năm, nhưng hai bên gia đình nội ngoại và bạn bè thân thiết chưa bao giờ thấy họ chuyện vui vẻ được với nhau quá 5 phút. Thường thì chỉ được một lúc là vợ chồng họ to tiếng, đến mức người thân gọi họ là "Ông chẳng bà chuộc".
Có lần, người chị họ đến chơi, trong câu chuyện, Liên than thở công việc ở cơ quan nhiều, về nhà lại túi bụi chuyện cơm nước, con cái nên chẳng có thời gian đi thăm thú họ hàng, bạn bè. Hùng nghe vợ nói mà tưởng vợ đụng chạm tới mình liền hùng hổ cắt ngang: "Chị đừng có tin cô ấy. Đàn bà gì mà khó tính, lắm lời. Bảo tôi lau nhà, tôi lau chưa xong thì cằn nhằn là vắt khăn không khô; bảo tôi xếp quần áo, tôi đang làm thì cô ấy lại xổ tung ra xếp lại rồi chê tôi làm cẩu thả. Tôi nhận phần đón con, chậm một chút thì cô ấy ca cẩm cả buổi tối rằng tội nghiệp con bé phải lang thang một mình ở sân trường chờ bố... Thôi để cô ấy làm hết cho nhanh!" Liên nghe vậy, cũng thấy đầu bốc hỏa: "Anh nói phải suy nghĩ nhé! Vợ nhờ việc gì cũng chần chừ, trậm trễ, có làm thì cũng qua quýt cho vợ ngứa mắt lần sau khỏi nhờ". Cứ như vậy, chồng một câu, vợ một điều, họ dường như quên mất nhà đang có khách...
Lần khác, mẹ của Liên tới chơi. Thấy vợ chồng cứ hơi tí là cãi vã, bà có nói đôi câu khuyên giải. Hùng được lời như cởi tấm lòng, than với mẹ vợ "Con nói ra cái gì cô ấy cũng nói ngược lại. Hình như không nói lại, cô ấy ăn cơm không ngon". Liên nghe vậy lập tức "trả miếng: "Làm người thì phải có chính kiến, chẳng lẽ con mèo mà bảo nói con chó cũng phải nói theo à?". Thế rồi vợ chồng họ lại cãi nhau. Mẹ vợ từ chỗ định khuyên giải bỗng chốc trở thành người "châm ngòi" cho cuộc khẩu chiến của họ.
Cũng trong tình trạng khắc khẩu là vợ chồng anh Huy, chị Hà ở Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng. Những cuộc "chuyện trò" của họ thường khiến cho hàng xóm bị đinh tai, nhức óc. Có lần, buổi sáng, hàng xóm thấy hai vợ chồng vui vẻ ra khỏi nhà và vui vẻ trở về. Lát sau có xe của cửa hàng điện máy chở chiếc tủ lạnh tới. Vậy là chỉ tích tắc hàng xóm đã nghe anh chị to tiếng. Chị bực dọc: "Đã nói rồi, nhà nhỏ thì mua cái nào be bé thôi. Vậy mà cứ thích cái to". Anh cự lại: "Vậy chứ ai ước có cái tủ rộng rãi để đựng nhiều thức ăn?". Chị đốp: "Ao ước thế thôi còn anh phải biết là nhà mình chật chội chứ!". Anh bực bội: "Nói xuôi cũng cô mà nói ngược cũng cô. Im cái miệng cho người khác nhờ". Anh nói một câu, chị đốp lại một câu, trận chiến kéo dài tới trưa.
Đừng để lời nói trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc
Nhiều người cho rằng cãi nhau làm cho vợ chồng hiểu nhau hơn và điều chỉnh cho phù hợp nhưng thực tế, nhiều cặp vợ chồng cãi nhau quá hăng say dẫn đến những hệ lụy đáng buồn, như câu chuyện của vợ chồng anh Thắng, chị Huyền ở quận Long Biên.
Cha mẹ ly hôn, mẹ chị Huyền đi bước nữa, rồi lại gãy đổ đến mấy lần. Đối với chị Huyền, đây là một nỗi đau và chị mong mình đừng bước theo con đường của mẹ. Thế nhưng, mỗi khi vợ chồng có chuyện rầy rà, anh lại mang mẹ chị ra để mỉa mai. Đỉnh điểm là khi cô em gái của chị có người yêu nhưng gia đình bạn trai không đồng ý. Thấy vậy, anh Thắng châm chọc: "Mẹ em thế kia, nhà trai nghe không sợ mới lạ". Chị bực bội: "Anh tưởng nhà anh tốt lắm à? Thằng em anh cũng hút chích, nghiện ngập chứ có tốt đẹp gì đâu?". Sau lần đó, họ đưa đơn ra tòa.
Theo các chuyên gia tâm lý, chuyện hai vợ chồng không hợp nhau khoản ăn nói là bình thường trong cuộc sống. Nhưng nếu giữ ở mức độ trong nhà, biết giữ thể diện cho nhau thì không sao, nếu không dễ làm người kia cảm thấy bị xúc phạm, bị hụt hẫng, xấu hổ với bạn bè mà sinh ra khó tính, bực mình, tự ái. Đến một mức nào đó, khi sự khắc khẩu đi quá giới hạn của nó, vợ chồng khó có thể sinh sống được với nhau nữa.
Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng không đơn giản chỉ là tranh luận suông mà cả hai còn sử dụng những từ ngữ không hay ho để ví von. Thỉnh thoảng gắt lên một câu so sánh khiến người nghe tự ái, cảm thấy cuộc sống gia đình như địa ngục, nhất là khi phải nói chuyện với chồng/vợ.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, khắc khẩu chỉ là yếu tố nho nhỏ trong cuộc sống vợ chồng. So với những lo toan hàng ngày điều đó không phải là lớn lao. Nhưng nếu không biết kiềm chế, để sự khắc khẩu được tự tung tự tác, không biết nghĩ đến đối phương mà chỉ nhằm thỏa mãn sự hiếu thắng và ý muốn của bản thân, nó sẽ trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình.
Theo Laodongthudo
Người tình của mẹ (Phần 9): Khởi đầu của rạn vỡ Bà Cúc run run nhìn con trai, không ngờ được là nó lại nói những lời này. Trước đến nay bà luôn vẽ mọi đường cho nó, không có bà, nó có thể ăn chơi đến ngày hôm nay không phải suy nghĩ gì sao? Không có bà, nó hách dịch được với ai kia chứ? Thương lao ra ngoài cửa, nhưng cô...