Hai năm thi đầy tai tiếng của Hoa hậu Hoàn vũ
Trong suốt 16 năm ròng rã, tất cả các cô gái được Globalbeauties đặt cược cho ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ đều không thể nào chạm tay được đến chiếc vương miện cao quý.
Nghi án bán giải năm 2009
Cuộc thi năm 2009 được tổ chức ở đảo quốc Bahamas với 90% là người da đen gốc châu Phi và một điều đáng chú ý là có nhiều quốc gia châu Mỹ và châu Âu gửi thí sinh da màu tham dự lần này (Honduras, Hungary, Thụy Sĩ). Trong đó nổi lên có những ứng cử viên sáng giá với nước da sẫm như Chloé Mortaud (Pháp), Mayra Matos (Puerto Rico), Tatum Keshwar (Nam Phi). Và ứng cử viên số một năm đó được Globalbeautiesbình chọn là hoa hậu Cộng hòa Dominicana – Ada de la Cruz.
2009 cũng là năm tạo nên nhiều bất ngờ khi Top 15 có đến 9 thí sinh của châu Âu, 5 thí sinh da màu và không có một đại diện của châu Á. Tuy nhiên kết quả cuối cùng mới là điều đáng bàn cãi khi hoa hậu Pháp không có tên trong Top 5. Và cả thế giới đã phản ứng dữ dội khi Venezuela trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử giành chiến thắng tại HHHV 2 năm liên tiếp. Nhiều người phản đối kết quả vì cho rằng nó bị sắp xếp từ trước bởi vì trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, Stefanía Fernández không thực sự quá nổi bật, nhan sắc ở mức trung bình. Cô chỉ xếp thứ 4 phần thi áo tắm (8.760) và thứ 5 phần thi áo dạ hội (8.869), cũng như phần thi vấn đáp quá tầm thường.
Top 3 Hoa hậu Hoàn Vũ 2009.
Trong khi á hậu thứ nhất lại là thí sinh có tổng điểm số cao nhất sau các vòng thi với vị trí thứ 2 tại phần thi áo tắm (9.189), điểm số cao nhất phần thi áo dạ hội (9.428) và một phần thi ứng xử thuyết phục. Cô cũng sở hữu chiều cao vượt trội là 1,83m. Người ta cho rằng ban tổ chức không trao vương miện cho hoa hậu Cộng hòa Dominica vì cô từng tham dự Hoa hậu Thế Giới 2007 và vào Top 15. Thậm chí tổng biên tập và nhà phê bình thời trang – Andre Leon Talley, là người đã đặt câu hỏi cho hoa hậu Venezuela, đã đứng lên bỏ về trước khi kết quả cuối cùng được công bố. Andre cũng không chụp hình kỷ niệm với tân hoa hậu và các giám khảo còn lại.
Chính bà chủ tịch tổ chức HHHV – Paula Shugart sau đó đã làm một việc chưa từng có và cũng là duy nhất trong lịch sử của cuộc thi, đó là cho đăng một bản thông cao báo chí chính thức về kết quả của cuộc thi. Theo đó, bà cho rằng kết quả diễn ra hoàn toàn công khai, minh bạch. Bà cho biết ban tổ chức cũng có phần chọn ra một số thí sinh vào Top 15 (không nói rõ cụ thể bao nhiêu nhưng theo thông tin mật là khoảng 5-6 quốc gia sẽ được may mắn lựa chọn). Và không quan tâm đến búa rìu dư luận, Stefanía Fernández khẳng định rằng mình xứng đáng với ngôi vị HHHV 2009 và để lại một nhiệm kỳ khó quên.
Năm 2010 – Cuộc thi rẻ tiền
Kể từ sau cuộc thi năm 2008 tổ chức ở Nha Trang, Việt Nam thì cho đến hiện tại HHHV không thể tìm lại ánh hào quang và sự hoành tráng vốn có thêm một lần nào nữa. Năm 2010 được xem là một trong những năm tổ chức tồi tệ nhất khi cuộc thi không kiếm được quốc gia nào muốn đăng cai và buộc lòng phải tổ chức tại Mỹ. Mọi hoạt động của cuộc thi cũng chỉ gói gọn hơn 2 tuần và xung quanh các quán bar, vũ trường ở Las Vegas. Một số khán giả khó tính đã chỉ trích HHHV quá “rẻ tiền” khi cho phép các thí sinh mặc bikini và mang giày cao gót để bán nước chanh trên đường phố, trình diễn thời trang để khai trương cho một quán sushi, và thi ăn cánh gà. Nhiều người còn tỏ ra phẫn nộ khi ban tổ chức sắp xếp và khuyến khích một số thí sinh (Mỹ, Nhật Bản, Trinidad & Tobago) chụp ảnh bán khỏa thân, hở ngực để làm hình ảnh đại diện chính thức.
Hoa hậu Ireland được Globalbeauties đánh giá cao nhất.
Chất lượng thí sinh năm đó cũng bị đánh giá là không xứng tầm, không quá nhiều gương mặt nổi trội. Những gương mặt sáng giá luôn nằm trong các bảng xếp hạng của các chuyên trang gồm Mexico, Nga, Philippines, Jamaica và nổi trội nhất là thí sinh của Ireland – Rozanna Purcell, đồng thời được Globalbeauties chọn làm ứng cử viên sáng giá nhất trước đêm chung kết. Thế nhưng, kết quả cuối cùng thì người đẹp châu Âu chỉ xếp hạng 7 chung cuộc và vương miện thuộc về hoa hậu Mexico – Ximena Navarrete. Mặc dù đăng quang hoàn toàn xứng đáng và thuyết phục, nhưng cô bị đánh giá có một nhiệm kỳ tẻ nhạt với tính cách nhàm chán, không có sức lôi cuốn như những người tiền nhiệm khác. Và cũng qua cuộc thi này, ban tổ chức HHHV muốn gửi tới thông điệp nếu như bạn đã tham dự Hoa hậu Thế giới, thì vị trí cao nhất ở Hoa hậu Hoàn vũ sẽ là á hậu 1. Cụ thể trường hợp của hoa hậu Jamaica – Yendi Phillips chỉ về nhì vì từng vào Top 15 cuộc thi đối thủ của HHHV 3 năm trước đó (2007).
Theo Zing