Hai “mảnh vỡ”, một cuộc đời
Vợ bại liệt hai chân lại đang mang thai tháng thứ tám, chồng bị tai nạn, hai chân teo tóp, cuộc sống khó khăn, họ như hai “mảnh vỡ” được ghép lại với nhau, dù khó khăn nhưng vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương, cùng nhau vượt lên số phận…
Từ khi sinh ra, cuộc sống đặt chị Trịnh Thị Hải vào hoàn cảnh khó khăn, ngang trái. Không như những đứa trẻ bình thường khác, căn bệnh bại liệt gắn lấy cô bé quê nghèo từ lúc lọt lòng mẹ (năm 1981). Những tưởng cô bé tật nguyền ấy sẽ được bù đắp bằng tình thương yêu của người mẹ thì khi lên 3, mẹ Hải cũng qua đời. Vừa tròn 5 tuổi, bố Hải lấy vợ hai.
Dù tật nguyền, anh Chung vẫn nỗ lực lao động để hỗ trợ gia đình.
Vốn ham học nhưng hoàn cảnh gia đình cũng như khiếm khuyết của cơ thể không cho phép Hải tự cất bước đến trường. Hải còn nhớ như in tình thương của một cô giáo làng dành cho em. Ngày ấy, hôm nào cũng thế, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đến nhà đón, chở em đến trường và đưa về nhà sau mỗi buổi học. Tình thương của cô giáo Thanh đã giúp Hải học hết lớp 5. Từ khi lên cấp hai, trường xa nhà, không có người đưa đón, bản thân lại không thể tự đi học, con đường học hành của Hải cũng dừng lại từ đó.
Năm 16 tuổi, Hải bắt đầu ra thành phố kiếm sống. Lê lết trên những tuyến phố nơi đô thị, Hải bán từ chiếc tăm, cái bật lửa… để kiếm tiền tự lo cho cuộc sống. Đôi chân bị liệt, Hải “đi” bằng tay, những “bước chân” ngày đầu tự lập kiếm sống với Hải thật vất vả biết bao. Những “bước đi” của Hải nhiều khi in cả những vết máu, giọt nước mắt trên những nẻo đường mưu sinh.
Tích cóp được ít tiền sau hai năm bán hàng rong ở phố, Hải quyết định đi học nghề may, một công việc phù hợp hơn với sự khiếm khuyết cơ thể của mình. May mắn tìm được một bà chủ thương tình, Hải vừa học, vừa may hàng, được cho ăn và được trả công 500.000đ/tháng. Hải chăm chỉ học và ấp ủ cho mình một dự định đổi thay.
Sau 4 năm gắn bó với nghề may, vừa học vừa làm, Hải quyết định tách ra làm một tiệm may nhỏ. Hải nhận hàng về tiệm may cho các cơ sở rồi lúc rảnh rỗi làm sữa chua trong các túi nhỏ, buổi trưa đem ra các cổng trường bán cho học sinh, sinh viên.
Chị Hải đang mang bầu tháng thứ tám – Niềm tin và hy vọng trong cuộc sống cơ cực của gia đình.
Có lẽ cuộc sống không nỡ tước đoạt của ai đó đi tất cả, với chị đó là điều may mắn như cách nói của chị, khi chị tìm được một người đồng cảm, thương yêu và muốn cưới mình làm vợ. Tình yêu chân thành của chàng trai Lê Duy Chung đã khiến Hải nhận ra điều kỳ diệu của cuộc sống đó là tình yêu đích thực, họ về chung sống với nhau từ năm 2009 bằng một lễ cưới đơn sơ mà thắm tình.
Anh Chung cũng là một người khuyết tật. Năm 2004, Chung xuất ngũ và về quê sinh sống. Một tai nạn bất ngờ đã khiến anh bị dập sống lưng, hai chân teo tóp và cuộc sống gắn liền với đôi nạng gỗ, tiểu tiện không thể kiểm soát… Cũng như chị Hải, anh Chung là người có nghị lực sống, vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Sau tai nạn anh học nghề gia công trang sức, nhưng vì một lý do cá nhân mà anh đã phải bỏ nghề. Không khuất phục trước hoàn cảnh, anh mày mò học nghề cắt tóc, đến nay đã mở hiệu cắt tóc ngay tại nhà.
Video đang HOT
Trong căn nhà nhỏ ven núi, ở xóm 2, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), giọng chị buồn buồn khi kể về những khó khăn mà hai vợ chồng đang phải đối mặt. Bà Hoàng Thị Thu, người xã Hợp Thắng cho chúng tôi biết: “Vợ chồng cô chú ấy tật nguyền là thế mà vẫn phải chăm lo cho một gia đình khác nữa đấy. Bố chồng cô Hải bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và mất năm 2009, khi hai vợ chồng cô chú ấy vừa cưới. Anh trai chồng cô Hải bị tai nạn phải cắt bỏ lá lách, đến nay cũng nằm liệt giường, bị vợ bỏ, đứa con nhỏ đang học lớp 3 cũng do vợ chồng cô Hải chăm lo, chu cấp tiền nong học hành”.
Cuộc sống khó khăn, nhưng hai vợ chồng anh chị luôn dành cho nhau tình yêu thương.
Chị Hải tâm sự: “Dù khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để nuôi dạy con tử tế, chăm lo cho nó được học hành, cùng lắm thì bán nhà đi mà lo cho con cái, ngày xưa ở trọ, đi làm thuê vẫn sống được mà”.
Dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng vợ chồng anh chị Trịnh Thị Hải – Lê Duy Chung vẫn tin vào cuộc sống. Anh Chung nói như tự động viên: “Cuộc sống mưu sinh đối với người bình thường đã khó khăn lắm rồi, đối với người khuyết tật như chúng tôi còn khó khăn gấp trăm nghìn lần ấy chứ. Dù vậy, những khó khăn trước đây vợ chồng gặp phải đều đã vượt qua được, từ hai bàn tay trắng, phải thuê nhà ở đến nay đã có nhà riêng, dù nhỏ nhưng đó là nhà của mình. Càng khó khăn càng phải cố gắng thêm nữa.
Theo Dantri
Trắng tay sau một đêm cháy chợ
Nguồn nước sông có nguy cơ bị nhiễm độc, chỗ buôn bán, việc kinh doanh chưa biết bao giờ mới hồi phục. Hàng chục hộ dân bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Ngã Sáu đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Sau một đêm tan hoang khu chợ
Có mặt tại khu vực chợ Ngã Sáu cũ (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bị cháy vào khoảng 3h sáng ngày 1/5, theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện trường vụ cháy cho đến trưa ngày 3/5 vẫn còn nhiều ngổn ngang. Nhiều người dân đang cố gắng tìm bới trong đống đổ nát những gì có thể dùng được còn sót lại, những người mua bán đồ phế liệu cũng tất bật thu gom ve chai sau vụ cháy.
Cảnh tan hoang tại chợ Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (ảnh chụp sáng ngày 3/5).
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Hoàng Giám cho biết, hộ của ông bị thiệt hại gần như hoàn toàn, trong đó cửa hàng bán gạo bị cháy rụi. "Gạo thì thành tro hết rồi, tôi đang cố tìm những gì còn lành lặn để có thể làm lại cửa hàng mới nhưng cũng chẳng còn gì nguyên vẹn cả", ông Giám chua xót nói.
Một hộ may mắn còn góc bếp tạm nấu ăn.
Người dân đang mót lại những gì có thể dùng được.
Hộ bà Huỳnh Thảo Ly bị cháy hầu như chỉ còn trơ lại khung nhà, toàn bộ đồ dùng bên trong đã thành tro. "Các mặt hàng đồ cưới, mỹ phẩm bị cháy sạch hết, ngay cả quần áo cũng không lấy kịp, giờ chỉ còn hai bàn tay trắng", chủ hộ buồn bã cho biết.
Một hộ dân khác cũng bị cháy rụi hoàn toàn căn nhà trước. Tài sản còn lại là bộ quần áo đang mặc trên người và một góc bếp. Nhiều hộ khác không cứu vãn được gì chỉ còn biết nhìn đống đổ nát mà rơi nước mắt.
Người dân ngao ngán nhìn cảnh sau một đêm bỗng trở nên trắng tay.
Muôn vàn khó khăn
Dù vụ cháy đã xảy ra hơn 2 ngày nhưng tại hiện trường, mùi thuốc sâu vẫn bốc lên nồng nặc. Ông Nguyễn Hoàng Giám cho biết, có hai kho thuốc bảo vệ thực vật tại chợ bị cháy sạch, dù đã được dọn dẹp bớt nhưng ngay lúc trời nắng vẫn bốc hơi rất mạnh.
Người dân cho biết, trong quá trình chữa cháy, nguồn nước vô tình thổi các chất thuốc bảo vệ thực vật của hai ki-ốt này xuống sông Cái Dầu nên nhiều khả năng nguồn nước sông bị nhiễm chất nguy hại.
Khu vực ki-ốt thuốc bảo vệ thực vật ngay cạnh sông Cái Dầu, các chất thuốc độc hại đã chảy xuống sông gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Trong khi đó, theo các hộ dân, nhiều người ở khu vực xung quanh chợ và lân cận thường sử dụng nước sông để tắm rửa, giặt giũ, thậm chí nấu ăn. Ông Giám cho biết, ông cũng thường dùng nước sông để tắm nhưng giờ phải mua nước bình, đã khốn khó càng tốn kém thêm.
"Địa phương có tuyên truyền tạm thời không sử dụng nước sông để tránh ngộ độc nhưng không biết khi nào mới có thể dùng lại được", một người dân lo lắng.
Về việc này, trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Thùy Như- Phó Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Châu Thành- cho biết, liên quan đến các chất độc hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong nước sông Cái Dầu sau vụ cháy, ngành đã phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền khuyến cáo người dân không được sử dụng; đồng thời phối hợp với chủ ki-ốt thu gom chai lọ bể để xử lý tiêu hủy đúng quy định.
Trước mắt, chi nhánh cấp thoát nước huyện tăng cường cung cấp nước sạch cho bà con sử dụng, bảo đảm an toàn cho người dân. "Còn hướng xử lý nước dưới sông thì chúng tôi phải chờ kết quả kiểm nghiệm mức độ nguy hại của ngành chuyên môn mới tính đến các phương án xử lý tốt nhất", bà Như cho hay.
Cũng theo bà Như, sau khi xảy ra vụ cháy vài giờ, người dân phát hiện có cá chết nổi trên mặt sông nhưng đến lúc này không phát hiện nữa. Nhiều khả năng do sông có dòng chảy mạnh nên mức độ nguy hại tại khu vực cháy cũng đã giảm bớt.
Người dân đang gặp khó khăn khi dựng lại nhà cửa và công ăn việc làm sau vụ cháy.
Trong khi đó, tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều hộ dân bị thiệt hại cho biết, việc hỗ trợ của địa phương sau khi bị cháy, họ thấy cũng chưa thỏa đáng. Nhiều hộ dân cho rằng, mức độ thiệt hại là rất lớn, có người cả trăm triệu đồng nhưng địa phương chỉ hỗ trợ mỗi hộ có nhà, ki-ốt bị cháy hoàn toàn là 6 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng không cho họ xây dựng lại nhà, cửa hàng ngay tại chỗ nên việc chỗ ở đang gặp những khó khăn nhất định.
Ngay trong trưa ngày 3/5, trao đổi trực tiếp với PV Dân trí về những phản ánh của người dân, ông Trần Văn Thắng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành- cho biết, đối với việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân, huyện đã căn cứ vào quy định của Nhà nước. Do đó mức hỗ trợ đã thực hiện đúng quy định nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Còn việc chỗ ở của người dân bị thiệt hại, ông Thắng cho rằng, tạm thời huyện không cho họ xây dựng lại nhà, cửa hàng ngay tại chỗ là do hiện trường vụ cháy vẫn còn ngổn ngang và ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc nên cần đảm bảo hiện trạng. Ngoài ra, khu vực cháy cũng đã được quy hoạch làm khu thương mại của huyện nên việc xây cất sẽ có những vướng mắc sau này.
Cũng theo ông Thắng, sau khi vụ cháy xảy ra, huyện đã có họp và đã có yêu cầu những hộ dân nào có nhu cầu về chỗ ở, chỗ buôn bán đều sẽ được đáp ứng ngay. Tuy nhiên ghi nhận cho đến lúc này, vẫn có hộ nào đăng ký nên chưa sắp xếp.
Theo Dantri
"Rắn thần" biết nhảy múa, đổi màu gây xôn xao Con rắn chỉ dài chừng một mét nhưng có thể đổi màu từ đen sang trắng rồi vàng. Đặc biệt, nó có thể nhảy múa theo nhịp tay. Con rắn dưới giếng nhà ông Thuận mà người dân đồn thổi là "rắn thần" Cả tuần nay, người dân ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, nháo nhác, bán tín bán nghi...