Hai lý do Trung Quốc không chịu đóng đường ống dẫn dầu tới Triều Tiên
Yếu tố kỹ thuật và địa chính trị có thể là nguyên nhân khiến đường ống dẫn dầu thô từ Trung Quốc sang Triều Tiên không bị đóng.
Một binh sĩ Triều Tiên đứng canh gác các thùng dầu gần biên giới Trung Quốc. Ảnh: AP.
Đường ống dẫn dầu từ Đan Đông, Trung Quốc, sang Sinuiju, Triều Tiên, một năm chuyển hơn nửa triệu tấn dầu thô qua biên giới, chiếm 90% lượng dầu thô mà Triều Tiên nhập. Hôm 11/9, nó bỗng bị loại khỏi nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo South China Morning Post.
Yếu tố kỹ thuật
Được Washington mô tả là lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước tới nay, nghị quyết bao gồm các biện pháp cắt giảm hơn 55% sản phẩm từ lọc dầu tới Triều Tiên, chỉ cho phép Triều Tiên nhập khẩu các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức hai triệu thùng mỗi năm, đồng thời đóng băng lượng dầu thô hiện cung cấp cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nghị quyết từ Liên Hợp Quốc nêu rõ lượng dầu thô chảy qua đường ống Đan Đông – Sinuiju sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Điều này khiến không ít người cảm thấy khó hiểu, cho rằng đây là một nghị quyết nửa vời và cho thấy thực tế Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng gây áp lực lớn hơn lên Triều Tiên.
Song Liu Ming, nhà phân tích về các vấn đề Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc, đánh giá những vấn đề kỹ thuật “không thể bị phớt lờ” liên quan đến đường ống mới là nguyên nhân chính khiến nó được loại khỏi nghị quyết trừng phạt.
“Dầu thô vận chuyển qua đường ống Đan Đông – Sinuiju chứa lượng sáp lớn. Nếu dòng chảy dầu chậm hoặc ngừng lại, đường ống sẽ tắc nghẽn và vô cùng tốn kém nếu muốn khắc phục. Nó thậm chí có thể bị hư hỏng và không thể sửa chữa”, Liu cho biết.
Nguồn cung cấp dầu thô cho đường ống lấy từ mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang. Chúng có lượng lưu huỳnh đặc biệt thấp và chứa nhiều sáp. Hỗn hợp trên dễ kết đông dưới thời tiết lạnh giá hay khi dòng chảy bị chậm ở mức nào đó, theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đường ống dẫn dầu PetroChina.
Trung Quốc sẽ phải bỏ chi phí khá lớn để làm sạch sáp cứng bên trong đường ống và cơ sở hạ tầng có khả năng bị hỏng không thể phục hồi nếu lượng sáp vượt quá ngưỡng cho phép, báo cáo cho hay.
Đường ống chạy dài hơn 30 km từ các cơ sở lưu trữ ở thành phố Đan Đông ở khu vực biên giới Trung Quốc, tới một kho dầu ở Sinuiju, Triều Tiên. Nó hoàn thành hồi tháng 12/1975 và cung cấp 520.000 tấn (3,64 triệu thùng) dầu thô nặng mỗi năm cho Triều Tiên, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc ngừng công bố tổng lượng dầu thô xuất khẩu sang Triều Tiên từ tháng 1/2014, nhưng trong năm 2013, 590.000 tấn đã được chuyển từ Trung Quốc sang nước láng giềng.
Khi vượt qua biên giới, dầu thô trải qua quá trình xử lý tại Nhà máy Hóa chất Ponghwa, cơ sở lọc dầu duy nhất ở Triều Tiên. Bình Nhưỡng xây dựng nhà máy này từ những năm 1970 với sự trợ giúp từ Bắc Kinh.
Video đang HOT
Hỗn loạn địa chính trị
Theo các bản tin về nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, Mỹ ban đầu muốn cấm vận hoàn toàn dầu mỏ đối với Triều Tiên nhưng Trung Quốc và Nga, hai nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, phản đối. Vì thế, Washington phải nhượng bộ để nghị quyết được thông qua.
Justin Hastings, chuyên gia quan hệ quốc tế nghiên cứu về thương mại Trung – Triều tại Đại học Sydney, nhận định Trung Quốc dường như không muốn tiếp tục gây mất lòng Triều Tiên khi cắt đứt mạch sống của Bình Nhưỡng. Việc Trung Quốc ủng hộ những lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc trước đây đã khiến Triều Tiên không khỏi giận dữ.
“Chính sách Trung Quốc theo đuổi là thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn thảo luận, không phải quỳ gối, vì thế họ tạo ra những ngoại lệ như vậy nhằm duy trì sự sống cho Triều Tiên”, Hastings nói.
“Quan trọng hơn, việc cấm mọi nguồn cung cấp dầu thô ngoại trừ nguồn chảy qua đường ống của Trung Quốc sẽ mang đến cho nước này nhiều đòn bẩy lợi thế trước Triều Tiên, giả định rằng các quốc gia khác tuân thủ chặt chẽ lệnh cấm”, Hastings bình luận.
Theo David von Hippel, nhà nghiên cứu tại Viện An ninh và Bền vững Nautilus, trụ sở ở California, Mỹ, Bắc Kinh có thể thật sự không muốn chứng kiến khủng hoảng nhân đạo xảy ra ở Triều Tiên.
“Trung Quốc có lẽ giữ lại đường ống này với cùng lý do nhân đạo và dựa vào những điều khoản thương mại mà họ từng đưa ra trong các nghị quyết trước đây. Cả hai đều nhằm bảo vệ lợi ích kinh doanh của Trung Quốc và giữ nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên ở mức vừa đủ để đảm bảo xã hội Triều Tiên không bị phá vỡ”, Hippel suy đoán. “Trung Quốc lo sợ một lượng lớn người tị nạn sẽ tràn qua biên giới, cũng như hỗn loạn địa chính trị”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hàng may mặc 'made in China' ở Triều Tiên
Thương nhân ở biên giới Trung - Triều cho biết quần áo sản xuất ở Triều Tiên được dãn nhãn "Made in China" để xuất khẩu ra nước ngoài.
Công nhân Triều Tiên làm giày đá bóng trong một xưởng nhỏ tại một ngôi làng ở rìa thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hồi tháng 10/2012. Ảnh: Reuters.
Các thương nhân và doanh nhân ở Đan Đông, thành phố biên giới Trung Quốc với Triều Tiên, cho biết doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang tăng cường thuê mướn nhà máy ở Triều Tiên để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, theo Reuters.
Quần áo sản xuất ở Triều Tiên được dán nhãn "Made in China" (Sản xuất ở Trung Quốc) và xuất khẩu ra nước ngoài, cho thấy những cánh cửa vẫn mở ra với Triều Tiên sau các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng không bao gồm lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm dệt may.
"Chúng tôi nhận đơn đặt hàng khắp thế giới", một doanh nhân Trung Quốc là người dân tộc Triều Tiên ở Đan Đông cho biết với điều kiện giấu tên.
Hàng chục đại lý quần áo ở Đan Đông cung cấp quần áo Trung Quốc cho khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga, ông này tiết lộ.
"Chúng tôi sẽ hỏi các bạn hàng là đại lý Trung Quốc xem họ có muốn báo cho khách hàng biết về nguồn gốc hàng hóa hay không. Vì có lúc người mua không nhận ra quần áo được sản xuất ở Triều Tiên. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm", ông nói.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại Triều Tiên, năm 2016, dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau than và khoáng sản, với tổng giá trị 752 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên năm 2016 tăng 4,6% lên 2,82 tỷ USD.
Theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng, Triều Tiên bị cấm hoàn toàn xuất khẩu than.
Ngành dệt may thịnh vượng cho thấy Triều Tiên đã thích ứng linh hoạt thế nào trước lệnh cấm vận quốc tế. Ngành này cũng cho thấy mức độ phụ thuộc về kinh tế của Triều Tiên vào Trung Quốc, dù Washington đang nỗ lực gây áp lực buộc Bắc Kinh phải kiềm chế chương trình vũ khí của nước láng giềng.
Giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên tăng gần 30% lên 1,67 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, phần lớn mặt hàng xuất khẩu là các nguyên vật liệu may mặc và các loại hàng hóa cần nhiều lao động truyền thống khác, không nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hợp Quốc, theo ông Hoàng Tụng Bình, phát ngôn viên hải quan Trung Quốc.
Các nhà cung cấp Trung Quốc chuyển vải và nguyên liệu thô cần thiết tới các nhà máy Triều Tiên ở bên kia biên giới. Tại đó, quần áo được gia công và xuất khẩu.
Nhà máy
Năm ngoái, Rip Curl, một nhãn hàng thể thao của Australia đã công khai xin lỗi khi phát hiện một số quần áo trượt tuyết được dán nhãn "Made in China" có nguồn gốc từ một nhà máy may ở Triều Tiên. Rip Curl đổ lỗi cho một nhà cung cấp đã sử dụng "nhà thầu phụ không được ủy quyền".
Tuy nhiên, các thương nhân và đại lý ở Đan Đông cho biết đó là chuyện rất phổ biến. Một thương nhân Trung Quốc sống ở Bình Nhưỡng tiết lộ doanh nghiệp có thể tiết kiệm 75% chi phí nếu sản xuất quần áo ở Triều Tiên.
Một số nhà máy Triều Tiên nằm ở Siniuju, thành phố biên giới với Đan Đông. Những nhà máy khác nằm ở Bình Nhưỡng. Quần áo làm xong sẽ được chuyển trực tiếp từ Triều Tiên tới các cảng Trung Quốc trước khi đưa đi khắp thế giới.
Triều Tiên có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn. Mỗi doanh nghiệp vận hành vài nhà máy khắp cả nước và hàng chục công ty cỡ vừa, theo công ty tư vấn GPI của Hà Lan, đơn vị chuyên giúp đỡ các công ty nước ngoài ở Triều Tiên.
Mọi nhà máy ở Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước. Các nhà máy dệt may hoạt động rất mạnh, các thương nhân và đại lý Trung Quốc cho biết.
"Chúng tôi đang cố đặt may quần áo ở Triều Tiên nhưng các nhà máy đều đã kín đơn đặt hàng", một doanh nhân Trung Quốc có nhà máy ở Đại Liên, thành phố cảng cách Đan Đông hai giờ tàu hỏa, nói.
"Công nhân Triều Tiên một ngày may nhiều quần áo hơn 30% so với công nhân Trung Quốc", ông này nói. "Họ không giống công nhân Trung Quốc - những người làm việc vì tiền. Công nhân Triều Tiên làm việc với thái độ khác hẳn, họ tin rằng mình làm việc vì đất nước, vì lãnh đạo".
Nữ công nhân Triều Tiên ráp giày đá bóng trong một xưởng nhỏ tại một ngôi làng ở rìa thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hồi tháng 10/2012. Ảnh: Reuters.
Mức lương công nhân ở Triều Tiên nhận được cũng thấp hơn nhiều quốc gia châu Á. Những công nhân làm việc ở khu công nghiệp Kaesong nhận lương tối thiểu 75 USD tới trung bình 160 USD một tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương bình quân ở một nhà máy Trung Quốc, dao động từ 450 đến 750 USD một tháng.
Công nhân Trung Quốc
Các nhà sản xuất quần áo Trung Quốc đang tăng cường sử dụng nhà máy Triều Tiên ngay cả khi đã di dời công xưởng ra nước ngoài, sang các quốc gia như Bangladesh hay Campuchia.
"Mức lương công nhân ở Trung Quốc đang quá cao. Thật dễ hiểu tại sao nhiều đơn đặt hàng được làm ở Triều Tiên", một doanh nhân Trung Quốc trong ngành may mặc ở Đan Đông nói.
Các công ty dệt Trung Quốc cũng đang thuê mướn hàng nghìn lao động giá rẻ Triều Tiên tới Trung Quốc làm việc. Triều Tiên dựa vào lao động ở nước ngoài để kiếm ngoại tệ, đặc biệt từ khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khiến đất nước giảm nguồn thu từ một số sản phẩm xuất khẩu khác. Phần lớn tiền lương của người lao động được chuyển về nước để phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo Liên Hợp Quốc.
Theo ông Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên ở đại học Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc không tiết lộ con số chính thức về số lượng người lao động Triều Tiên làm việc trong các nhà máy và nhà hàng ở nước này, dù con số đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao cách đây hai đến ba năm.
Trong một nhà máy có 40 lao động Triều Tiên ở Đan Đông, các công nhân đang hoàn tất những đơn hàng nhỏ cho khách hàng yêu cầu mặt hàng không được sản xuất ở Triều Tiên.
Thu nhập của họ khoảng 300 USD, bằng một nửa so với lương bình quân của công nhân Trung Quốc, chủ nhà máy cho biết. Công nhân Triều Tiên được phép giữ lại một phần ba tiền lương, phần còn lại đưa cho người quản lý thuộc chính phủ. Giờ làm việc bắt đầu từ 7h30 tới 22h.
Các công nhân đều là nữ, mặc đồng phục màu hồng và màu đen, ngồi sát nhau dưới 4 hàng máy may, đang lắp ráp lô áo khoác mùa đông màu đen. Trên trần và dưới sàn, hai chữ "sạch sẽ" và "gọn gàng" màu xanh đậm nổi bật. Không ai nói chuyện, chỉ nghe tiếng lách cách của máy may hoạt động.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Triều Tiên nhìn từ thành phố viễn biên Trung Quốc Đan Đông là thành phố biên giới lớn nhất Trung Quốc mỗi ngày đón tiếp hàng chục nghìn khách tham quan tới ngắm nhìn đất nước bí ẩn Triều Tiên qua sông Áp Lục. Mặt trời mọc trên cầu Hữu Nghị vượt sông Áp Lục, nối hai bờ biên giới Triều - Trung. Áp Lục là con sông phân chia biên giới Triều...