“Hai lúa” miền Tây bán đất vì đam mê sáng chế
Cơ duyên của ông Nguyễn Văn Vĩnh đến với khoa học thật tình cờ. Trong một lần xem tivi, ông được biết khói thải động cơ xe gắn máy, ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, ông phát hiện nguyên nhân xe cộ thải ra khói nhiều là do xilanh của động cơ không đốt hết nhiên liệu.
Là nông dân chính hiệu, nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An) lại có niềm đam mê sáng chế kỹ thuật. Ông bán phần lớn diện tích đất lúa của gia đình để theo đuổi ý tưởng sáng chế ra thiết bị cung cấp khí phụ cho máy nông nghiệp, giúp tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu về thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ do mình sáng chế. Ảnh: Hữu Ký
Cơ duyên của ông Nguyễn Văn Vĩnh đến với khoa học thật tình cờ. Trong một lần xem tivi, ông được biết khói thải động cơ xe gắn máy, ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, ông phát hiện nguyên nhân xe cộ thải ra khói nhiều là do xilanh của động cơ không đốt hết nhiên liệu. Từ đó ông nảy ý tưởng sáng chế ra một thiết bị giúp xilanh đốt hết nhiên liệu. Năm 2003, ông Vĩnh bắt tay vào nghiên cứu, nhưng phải đến năm 2006 ông mới sáng chế ra thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ chạy bằng xăng. Sau khi sáng chế, ông lại mất tới hơn 3 năm thử nghiệm, qua hàng trăm lần chỉnh sửa trước khi hoàn thiện. Đến năm 2010, niềm vui đến với ông khi thiết bị cung cấp khí phụ của ông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học -Công nghệ) cấp bằng sáng chế.
Ông Vĩnh cho biết, trong 7 năm trời ông thường xuyên gác việc đồng áng lại cho vợ con và ông đã bán khoảng 5,8ha đất trồng lúa lấy tiền nghiên cứu, thử nghiệm. Ông Vĩnh chia sẻ về thiết bị do ông sáng chế ra: “Khi gắn vào động cơ, thiết bị sẽ giúp giảm trên 90% lượng khói thải ra môi trường, giảm thiểu nhiên liệu từ 20 – 26%, tăng công suất động cơ lên 14%, giảm nhiệt độ động cơ xuống 2 độ C, đồng thời giữ được độ nhờn của nhớt và tăng tuổi thọ động cơ. Tôi tâm đắc nhất là chỉ số giảm khí thải ra môi trường…”. Theo ông Vĩnh, giá thiết bị khá rẻ, chỉ trên 1 triệu đồng/sản phẩm nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, nhất là trong bảo vệ môi trường.
“Nếu có nhà đầu tư tôi sẵn sàng hợp tác để đưa ra thị trường. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ diezen. Khi đó có thể sử dụng thiết bị gắn trên động cơ xe tải, xe container để giảm ô nhiễm môi trường…”- ông Vĩnh tự tin nói.
Theo Danviet
Anh nông dân sáng chế máy làm bún chạy bằng "mắt thần"
Biết chút ít về cơ khí, anh nông dân Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Cửu Lợi Tây (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tự mày mò, chế tạo thành công máy làm bún điều khiển bằng "mắt thần" giúp giảm chi phí lao động, tăng năng suất.
Bình Định: Anh nông dân sáng chế máy làm bún chạy bằng "mắt thần".
Video đang HOT
Với sáng chế máy ép bún điều khiển bằng mắt quang học không chỉ giúp cho nghề làm bún số 8 tại địa phương giảm đi nhiều công sức mà còn mang lại cho anh Thanh giải Nhất hội thi "Sáng tạo nhà nông" tỉnh Bình Định năm 2014.
Thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có nhiều hộ sản xuất bún số 8 truyền thống. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công, tốn nhiều công sức mới làm ra sợ bún. Với mong muốn giúp đỡ bà con thay đổi phương thức sản xuất bún bằng thủ công, tăng năng xuất, anh Thanh tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo thành công máy ép bún được gắn mắt quang học vận hành tự động mà anh gọi là "mắt thần".
Anh Thanh bên chiếc máy làm bún được gắn thiết bị mắt quang học tự động do anh mày mò nghiên cứu chế tạo ra
Anh Thanh cho biết, điểm khác biệt với máy ép bún số 8 truyền thống là máy ép bún này được gắn thêm mắt quang học điều khiển tự động. Người làm bún chỉ cần cho bột vào khuôn, khởi động máy. Sau đó, dùng vỉ tre chạy qua mắt quang học, máy tự động điều khiển bơm thủy lực ép bột chảy xuống vỉ. Khi vỉ kéo ra, con mắt quang học dừng hoạt động, bột ngừng chảy.
Vốn là thợ cơ khí, từng ngược xuôi trong Sài Gòn từ làm công đến làm trong công ty, nhưng công việc bấp bênh nên anh Thanh trở về quê lập nghiệp. Trước đây, khi nghề câu cá ngừ đại dương theo truyền thống, anh sống bằng nghề làm lưỡi câu, làm dây giáp dùng câu cá ngừ. Mấy năm gần đây, nghề câu vàng chuyển sang câu đèn, không dùng dây câu nên anh chuyển sang làm máy ép bún thủy lực thay cho cối ép gỗ truyền thống. Tuy nhiên, những sáng chế ban đầu của anh chưa mang lại thành công, bởi máy điều khiển bằng tay rất bất tiện và tốn nhân công.
Khi đưa vỉ phơi vào máy tự động ép bún chảy xuống, khi rút vỉ ra máy tự ngưng hoạt động
Để khắc phục nhược điểm trên, anh Thanh tự mày mò, nghiên cứu gắn thêm mắt quang học vào phía dưới bộ phận vỉ hứng bún đi qua. Nguyên tắc hoạt động của máy khá đơn giản. Khi vỉ phơi đi qua, mắt quang học hoạt động theo nguyên lý cảm nhận vật cản (vỉ), máy sẽ hoạt động, bơm thủy lực ép ra sợ bún chảy xuống vỉ. Khi vỉ phơi rút ra bộ phận "mắt thần" cảm biến ngừng hoạt động, bơm thủy lực ngừng ép bún nên vừa ít nhân công, hiệu quả lại tăng.
Để rõ hơn về nguyên lý hoạt động cũng như hiệu quả của máy ép bún này, anh Thanh dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Bảy (50 tuổi) ở thôn Cửu Lợi Tây, hộ đang sử dụng máy ép bún gắn mắt quang học do anh Thanh chế.
Ông Nguyễn Bảy hồ hởi chia sẻ: "Trước đây, phải huy động cả gia đình 4-5 nhân công, thức dậy từ 3-4 giờ sáng xay bột, dáo bột, cho vào khung... tất cả làm thủ công hết nên rất mệt. Làm bở hơi tai mới làm được 1 tạ bột tươi, cho ra khoảng 60 kg bún khô, nay chỉ cần 2 vợ chồng già cũng làm khỏe re, lại xong sớm. Chỉ mỗi cái sắm cái máy tự động này giá 19 triệu với nhà nông thì phải "gồng" mình mới mua nổi, nhưng được cái tiện, khỏe người, hiệu quả cao".
Máy ép bún được gắn mắt quang học (còn gọi là mắt thần) để điều khiển tự động
Theo chủ nhận sáng chế máy ép bún này, đến nay anh đã làm bán trên 40 máy ép bún cho người làm bún ở các nơi trong tỉnh Bình Định, thậm chí có người ở Gia Lai, Kon Tum đặt mua. Bởi ngoài tính năng làm bún số 8 truyền thống, máy còn làm được nhiều loại bún khác nhau, rất tiện lợi cho người sử dụng.
"Đây mới chỉ là bước đầu, muốn máy hoạt động hoàn thiện hơn nữa thì còn phải cải tiến nhiều. Sắp tới, tôi sẽ cải tiến thêm băng chuyền đưa vỉ phơi vào máy ép bún để có thể chạy liên tục thay vì mất một người canh bên máy lấy từng vỉ đi phơi", anh Thanh chia sẻ.
Với sáng tạo này, anh Thanh đã giúp những hộ làm bún số 8 ở địa phương giảm được chi phí nhân công, tăng hiệu quả nên được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua.
Công đoạn đánh bột hoàn toàn thủ công
Bột được cho vào khuôn
Chỉ cần khởi động máy rồi đưa vỉ vào là bột tự chảy xuống thành sợi bún
Trước đây để làm được 1 tạ bột, ông Bảy huy động cả gia đình làm, nay chỉ cần 2 vợ chồng già "vừa làm vừa chơi".
Sợi bún đều đẹp
Bún được buộc giống hình số 8, nên được gọi là bún số 8.
Doãn Công
Theo Dantri