Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2018, cũng như xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (NCIF, Bộ KH&ĐT) xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 và 2019.
Tăng trưởng GDP 2019 đạt 7,1%?
Cụ thể, năm 2018, ở kịch bản 1, GDP tăng thấp hơn ở mức 6,83%, lạm phát được dự báo đạt mức 4%, bằng với mục tiêu đã đề ra từ đầu năm; ở kịch bản 2 (kịch bản cơ sở), mức tăng trưởng GDP dự báo cao hơn với 7,01%, lạm phát được dự báo tương ứng cũng ở mức từ 4-4,2%, nhỉnh hơn chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.
Với năm 2019, kịch bản 1 dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,9% tương ứng với lạm phát ở mức 4%: Kịch bản 2 (kịch bản cơ sở) dự báo tăng trưởng GDP lên mức 7,1% và lạm phát tương ứng 4,5%. NCIF cũng cho rằng, kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Báo cáo trước Quốc hội vào tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV hôm 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2019 tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Trong đó, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 – 6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%…
Như vậy, so với mục tiêu GDP cao nhất của năm 2019 mà Chính phủ đặt ra là 6,8%, mức NCIF đưa ra 7,1%, chênh đến 0,3%. Không những thế, NCIF còn lưu ý kịch bản cơ sở này có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Lạc quan và lo ngại…
Video đang HOT
Đâu là cơ sở để một trung tâm nghiên cứu của Bộ KH&ĐT đưa ra con số lạc quan này? Theo lý giải của NCIF, năm 2019 được tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế.
Bên ngoài là diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố là hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm: Triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới, trong đó đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Hồng Kông dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là bước tiến quan trọng để ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mở rộng thâm nhập vào thị trường Hông Kông; khả năng Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào đầu 2019; Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ được phê chuẩn vào đầu năm 2019…
Ở trong nước, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Chính phủ đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các DN cùng với niềm tin đang được khơi dậy từ công cuộc chống tham nhũng của Đảng hiện nay sẽ có những tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.
Cùng với đó, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, NCIF cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng. Đó là: Về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng; Xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng; Giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao gây quan ngại về tình trạng “bong bóng tài chính”; Diễn biến thị trường ngoại hối khó lường do Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ – Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn; Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài…
Trước đó, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tuy không đưa ra con số dự báo cho năm 2019 nhưng đơn vị nghiên cứu này cho rằng duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong 4 đến 8 quý tới không quá khó, nhưng vấn đề tính bền vững sau đó.
Thanh Thanh
Theo baophapluat.vn
Giới chuyên gia kinh tế bi quan về triển vọng tăng trưởng toàn cầu 2019
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 đã lần đầu tiên xấu đi trong góc nhìn của các chuyên gia kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát ý kiến. Các chuyên gia nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các điều kiện tài chính thắt chặt có thể châm ngòi cho một cuộc suy giảm tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới.
Quang cảnh một công trường xây dựng tại quận tài chính ở Dublin, Ireland, hôm 18/10 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc khảo sát được Reuters thực hiện vào đầu năm 2018, niềm lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 là quan điểm chung của gần như tất cả các chuyên gia được thăm dò ý kiến.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát với sự tham gia của 500 chuyên gia kinh tế vào tháng này, các chuyên gia đã đánh tụt triển vọng của 18/44 nền kinh tế được đưa ra thăm dò. 23 nền kinh tế có triển vọng không thay đổi, và chỉ có 3 nền kinh tế được nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng.
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng đã đạt đỉnh ở 70% trong số 44 nền kinh tế được đưa ra trong cuộc khảo sát.
"Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, nhưng hầu hết phần còn lại của thế giới đang giảm tốc, thậm chí đã rơi vào trì trệ. Những sức ép từ sự chênh lệch tăng trưởng này đang được thể hiện qua biến động tại nhiều thị trường mới nổi", chuyên gia trưởng về kinh tế toàn cầu của HSBC, bà Janet Henry, nhấn mạnh.
"Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất để ngăn kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng đang hạn chế lựa chọn chính sách đối với các quốc gia đang phải đối mặt với điều kiện tài chính thắt chặt và căng thẳng thương mại gia tăng", bà Henry nhận định.
Gần 150 chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát cho rằng hai nhân tố nguy hiểm nhất có thể đẩy kinh tế toàn cầu và một đợt suy giảm tăng trưởng là xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, và các điều kiện tài chính thắt chặt do một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu hoặc lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh.
"Thứ nhất, sẽ chẳng có ai hưởng lợi từ một cuộc chiến thương mại toàn cầu... Chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại lâu dài đối với tăng trưởng và sản lượng kinh tế", chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics đánh giá.
Theo các chuyên gia, cùng với chiến tranh thương mại, việc FED nâng lãi suất nhanh hơn dự báo có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh vào năm năm tới, cho dù Mỹ hiện đang là đầu tàu tăng trưởng chủ đạo của kinh tế thế giới.
"Những hệ quả của căng thẳng thương mại leo thang là không thể phủ nhận: giá cả tăng ở Trung Quốc và Mỹ, sức mua của người tiêu dùng giảm xuống ở các quốc gia này, chi phí đầu vào tăng, biến động thị trường tài chính mạnh hơn, và khả năng lãi suất tăng cao hơn. Tất cả những ảnh hưởng này có thể lây lan rộng", chuyên gia kinh tế trưởng Jean-Francois Perrault của Scotiabank nhận định.
Cuộc khảo sát của Reuters dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,8% năm nay, không thay đổi so với mức dự báo tăng đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong năm 2019, kinh tế thế giới chỉ tăng 3,6%, giảm so với lần dự báo trước, đồng thời thấp hơn mức dự báo tăng 3,7% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra gần đây.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Nhiều tranh cãi phủ bóng kinh tế thế giới Quan chức Trung Quốc thừa nhận một số dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường có vấn đề về nợ nần Các nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 13-10 cam kết tránh phá giá tiền tệ để qua đó hạ giá hàng hóa xuất khẩu nhằm tìm kiếm lợi thế cạnh tranh. Cam kết của Trung...