Hãi hùng khi vợ đòi “”hâm nóng”"
Thấy vợ uốn éo trong chiếc váy ngủ đỏ chói, dưới ánh sáng mờ mờ, anh Quân sợ hãi đến rơi cả cái kính cận đang cầm trên tay.
Sau khi sinh con, Minh – vợ anh Quân nhận thấy chồng không còn say mê mình như trước. Hoang mang, cô tìm cách “hâm nóng” chuyện gối chăn. Tham khảo rất nhiều tài liệu, cuối cùng, Minh chọn cách đơn giản nhất. Nhân một buổi anh xã đi công tác trở về (đang bận bịu tắm rửa), Minh diện bộ váy ngủ đỏ chói, “bốc lửa”; tắt hết điện, thắp 9 cây nến thơm trong phòng; xức tinh dầu hoa oải hương lên chăn, gối. Tiếp theo, cô “ỏn ẻn” lắc người theo một điệu nhạc Pop mới được bật và sẵn sàng chờ đến “giờ G”.
Đúng lúc đó, anh Quân mở cửa phòng ngủ. Một phần vì do mắt cận, một phần do phòng ngủ lờ mờ sáng, anh Quân há mồm kinh hãi khi thấy chân tay vợ khua loạn xạ và làm rơi “bộp” cái kính cận trên tay. Đã thế, mùi nến thơm còn khiến cái lỗ mũi (vốn dễ bị dị ứng) của anh hắt hơi liên tục. Anh gào lên: “Em điên à?”. Và rồi, thay vì lao vào ôm vợ như trong kịch bản, anh nhanh tay bật điện, thổi tắt phù phù 9 ngọn nến, quắc mắt nhìn vợ ngân ngấn thịt trong chiếc váy ngủ ren mỏng tang. Sau cùng, anh ôm gối chạy sang phòng bên lánh nạn.
Cũng muốn “hâm nóng” tình yêu với anh xã, Thanh (quận 3, TP HCM) quyết định đầu tư cho cuốn album kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Mất cả tháng trời ròng rã, Thanh mới tìm và đặt may được bộ váy cưới cho hợp với thân hình 2 lần mẹ tròn con vuông của cô. Kế đến là phải dụ bằng được anh Linh – chồng Thanh đến studio, thực hiện bộ ảnh “vợ chồng hạnh phúc”.
Nghe vợ nói, anh Linh trợn mắt, bảo: “Thằng dở hơi mới làm thế”. Sau thấy vợ càu nhàu quá, anh sốt ruột nhưng vẫn khăng khăng: “Em thích thì làm một mình. Anh không điên”. Cuối cùng, do xót số tiền vợ bỏ ra may váy, đặt cọc dịch vụ ở studio, anh Linh đành miễn cưỡng nghe theo. Thế mới có cảnh, cô vợ hớn hở bên cạnh anh chồng mặt quạu cọ, bực bội, luôn miệng than: “Sắp xong chưa? Được mấy cái rồi?”.
Rồi, anh toát mồ hôi vì phải diễn cảnh ôm cái eo như cái bánh mỳ của vợ. Lúc vợ ngả người ra đằng sau cho vừa ý nhiếp ảnh gia, suýt thì anh Linh ngã nhào. Cũng may, anh nhanh trí giục vợ: “Có cái hẹn làm ăn gấp” nên mới được giải thoát sau gần chục giờ đồng hồ chờ đợi và chụp ảnh.
Không nhất thiết phải học kỹ thuật “điêu luyện” trong phòng ngủ; đi đến nơi đắt tiền hay trình diễn “món nọ, món kia” mới là “hâm nóng”… (Ảnh minh hoạ)
Hiền (Đống Đa, Hà Nội) nghĩ ra cách “hâm nóng” với chồng ở quán karaoke. Nghe vợ gợi ý ra quán hát, anh Long – chồng Hiền rất hồ hởi. Tuy nhiên, hát được một lúc thì Hiền uống bia rồi bắt đầu… nói lải nhải. Cô than trách chồng không quan tâm đến mình, ấm ức vì mẹ chồng mắng oan rồi chuyển sang chuyện bị đồng nghiệp chơi xấu, bạn thân “quỵt” mất tiền… Anh Long nhăn mặt vì phải chứng kiến vợ khóc lóc rồi nôn. Thế là từ “hâm nóng” trở thành “hâm hâm” – 2 vợ chồng cãi nhau nảy lửa.
Hâm nóng quá, thành ra bị khét
Nhiều người vợ sợ hôn nhân “lạnh” nên tìm cách “hâm nóng”. Chuyện này là tốt nhưng cần phù hợp, vì nếu “quá lửa” sẽ khiến chồng hoảng hốt. Theo các chuyên gia tâm lý, muốn gia đình hạnh phúc, hai vợ chồng phải “cưới nhau” mỗi ngày, hâm nóng mỗi ngày. Như thế, cả hai mới có thói quen khám phá, hấp dẫn nhau. Đừng để đến lúc cảm thấy lạnh ngắt mới nhóm lửa thì e rằng đã muộn.
Không nhất thiết phải học kỹ thuật “điêu luyện” trong phòng ngủ; đi đến nơi đắt tiền hay trình diễn “món nọ, món kia” mới là “hâm nóng”. Những việc làm thiết thực nhưng đơn giản mỗi ngày cũng khiến tình cảm vợ chồng ấm áp và gần gũi nhau hơn. Chẳng hạn, vợ chồng có thể cùng nấu những món ngon, xem bộ phim hay; cắt móng tay hoặc tắm cùng nhau. Ngày nghỉ, có thể đi ra ngoài ăn hàng, hát karaoke hoặc tụ tập với vài cặp đôi khác, cùng nấu nướng, trò chuyện…
Ngoài ra, vợ chồng cũng cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc đến nhau. Cùng tạo cho nhau niềm vui và những bất ngờ nho nhỏ; ví dụ, đột nhiên mua tặng chồng một cái áo sơmi mà không phải ngày lễ nào…
Theo VNE