Hãi hùng, bất lực nhìn lũ “chôn vùi” chồng và nhà ngay trước mắt
5h sáng 20.7, đang ngủ yên giấc, bà Đinh Thị Thúy (SN 1964, trú tại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bỗng nghe thấy tiếng động lạ. Hoảng hốt bật dậy, bà vội chạy ra ngoài nhà thì bị dòng lũ cuốn trôi, nhưng nhờ may mắn, bà bám được một thân cây nên thoát nạn, còn chồng bà và ngôi nhà bị chôn vùi dưới lòng đất…
Bà Thúy phải dựng tạm bàn thờ ngoài trời để thắp hương chồng.
Sáng 21.7, có mặt tại xã Sơn Lương, một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh Yên Bái do trận mưa lũ gây ra. Cảnh tượng hoang tàn, tang thương vẫn hiển hiện.
Theo báo cáo, tại xã Sơn Lương có 7 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn, 1 người chết và 2 người mất tích. Ngoài ra, giao thông bị chia cắt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nhiều diện tích không thể canh tác lại được nữa.
Khu vực này trước đây có 7 ngôi nhà, nhưng nay đã bị san phẳng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nông Văn Bằng (78 tuổi, trú tại bản Tủ, xã Sơn Lương) cho biết, ông sống từ nhỏ đến tận bây giờ ở bản này. Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh lũ kinh hoàng như thế. Đây là trận lũ lịch sử chưa từng có.
Đứng trên đống đổ nát với toàn rác rưởi, củi khô, bà Đinh Thị Thúy (SN 1964, trú tại bản Tủ) khóc khản tiếng, đau đớn gọi tên chồng.
Theo bà Thúy, trên chính cái đống đất đá, rác rưởi này chỉ mấy hôm trước là ngôi nhà sàn kiên cố của gia đình. Tuy hoàn cảnh không khấm khá, nhưng rất hạnh phúc khi vợ chồng bà có 2 người con, 1 trai, 1 gái, rất ngoan ngoãn.
Trước đây, chỗ này là ngôi nhà của bà Thúy.
Cuộc sống đang bình yên, hạnh phúc bỗng chốc tan biến khi cơn lũ lịch sử quét qua bản Tủ, cuốn phăng đi người chồng ngôi nhà cùng vật dụng.
Video đang HOT
“Khoảng 5h sáng 20.7, khi tôi đang ngủ bỗng bật tỉnh khi nghe thấy tiếng động lạ. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi vội đánh tiếng cho chồng tôi là anh Hà Văn Hòa (SN 1966) rồi lao ra khỏi nhà”, bà Thúy kể.
Cũng theo bà Thúy, khi vừa lao ra đến đầu ngõ, bà đã bị dòng nước lớn cuốn phăng đi, bà chới với nhưng rất may vớ được một cành cây gần đó nên thoát nạn. Vất vả lắm, bà cũng lên được bờ, tuy nhiên, chưa kịp định thần thì bỗng nhìn thấy ngôi nhà mà chồng bà đang ngủ từ từ đổ sập, đất đá, bùn, nước nhanh chóng vùi lấp.
Không chỉ gia đình bà Thúy mà nhiều gia đình khác ở Yên Bái cũng bị lũ dữ cuốn trôi mất nhà cửa.
“Chồng tôi bị bệnh gan khoảng 4 năm nay, sức khỏe yếu, trong lúc hoảng loạn, tôi chỉ hét được lên mấy tiếng để đánh thức chồng, sau đó bỏ chạy. Nếu không kịp thời, tôi có thể cũng bị chôn vùi dưới lớp đất đá kia. Cũng may, hôm đó cậu con trai của tôi sang nhà bạn chơi nên thoát nạn. Hiện nay, tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng, lực lượng tìm kiếm nhanh chóng tìm được thi thể của chồng tôi”, bà Thúy vuốt nước mắt chia sẻ.
Trên khoảng đất rộng, ngổn ngang đất đá, cành cây, bà Thúy kê tạm tấm gỗ, bên trên để một lọ gạo, cắm hương lên đó, luôn chắp tay cầu khấn lực lượng chức năng nhanh chóng tìm được thi thể chồng mình. Xung quanh, lực lượng chức năng với nhiều vận dụng đang tích cực đào bới đất đá, tỏa người đi dọc bờ suối để tìm kiếm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều ngập trong biển lũ. Cuộc họp khẩn cấp tại điểm nóng mưa lũ, ở sở chỉ huy huyện Văn Chấn do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì kết thúc lúc 23h đêm qua (20.7) đã thống kê toàn tỉnh có 30 người chết, mất tích và bị thương. Thiệt hại về nhà cửa là 3.024 nhà, trong đó có 79 nhà bị sập trôi hoàn toàn, nhà bị thiệt hại rất nặng (50 – 70%) là 97 nhà và 2.866 nhà bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái, hư hỏng.
Hiện giao thông ở Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn do đường bị cuốn trôi, sạt lở.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ bị ngập nước sâu, sạt lở giao thông gặp khó khăn.
Tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại khoảng 1.114 ha (Văn Chấn: 122 ha; Trạm Tấu 3 ha; Thị xã Nghĩa Lộ: 5 ha; Trấn Yên 400 ha; Yên Bái 300 ha; Văn Yên 254 ha; Yên Bình 30 ha). Gia súc, gia cầm bị thiệt hại 4 con trâu tại huyện Văn Yên.
Theo ước tính sơ bộ, tổng số thiệt hại do mưa lũ gây ra đến thời điểm này khoảng 170 tỷ đồng.
Theo Danviet
Phú Thọ: 4 người mất tích và thương vong, hoa màu tan tác vì mưa lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, gây ra thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, giao thông bị chia cắt. Nghiêm trọng hơn, đã có 2 người bị chết do tường đổ, 1 người bị lũ cuốn trôi mất tích, 1 người bị thương.
Cầu Minh Đài (xã Minh Đài - huyện Tân Sơn) bị gãy 1 nhịp do nước lũ tràn về.
Tại huyện Tân Sơn, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, tính đến thời điểm 10h sáng nay (21.7), trên địa bàn huyện tiếp tục có mưa to đến rất to gây ngập úng, chia cắt hầu hết các xã. Theo thống kê đã có 2 người chết do đổ tường nhà tại khu Đài, xã Long cốc; 1 người bị thương tại xã Thạch Kiệt. Thiệt hại về nhà ở bị sập: Xuân Đài 2 nhà, Minh Đài 2 nhà, 71 nhà bị đất lở, 22 nhà dân bị ngập phải sơ tán, 1 nhà văn hoá và 1 điểm trường mầm non bị ngập.
Hầu hết diện tích lúa và rau mầu trên địa bàn bị thiệt hại. Các công trình giao thông, công trình công cộng bị hư hại gồm: Sập cầu treo Bến Gạo xã Văn Luông, đứt 1 mố cầu Văn Luông đi Minh Đài, sụt lún 1 đầu cầu mới Tân Phú, đường Tân Phú đi Xuân Đài, tại nhiều xã có nhiều vị trí bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị tắc nghẽn. Trôi nhà Văn hoá khu Ú xã Thu cúc, vỡ Đập tràn xóm Dụ, xã Xuân Đài. Nước lũ ở các suối, các tràn tiếp tục dâng cao và chảy xiết nên hệ thống đường liên thôn, liên xã bị chia cắt...
Hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại nặng nề.
Hiện Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã đã bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại các ngầm, tràn, nghiêm cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn, đồng thời tiếp tục theo dõi, kiểm tra và đôn đốc để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại địa bàn huyện Tam Nông, đã có mưa to đến rất to cùng với lượng nước ở thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước sông Bứa lên rất nhanh, gây tràn ngập một số tuyến đường, đê bao thuộc 4 xã: Quang Húc, Phương Thịnh, Tề Lễ, Hùng Đô. Một số khu dân cư bị chia cắt, 01 người ở khu 1 xã Tề Lễ bị lũ cuốn trôi, 830 hộ dân bị ngập nước từ 1 - 3m phải di chuyển khẩn cấp, 1.230 hộ có nguy cơ bị ngập phải di chuyển, 150ha lúa và hoa mầu bị ngập úng, 250ha thủy sản mất trắng hoàn toàn, 1 hộ dân xã Quang Húc bị tốc mái.
Toàn huyện Thanh Sơn bị cô lập trong nước.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Nông đã huy động toàn bộ lực lượng công an, dân quân tự vệ xã, đoàn thanh niên với trên 500 lượt người phối hợp hỗ trợ đắp chống tràn 2000m đê, hoành triệt cống tiêu nước qua đê, đường, giúp nhân dân di dời tài sản; túc trực 24/24h nhằm ứng phó kịp thời các tình huống mưa lũ xảy ra.
Tại huyện Yên Lập, ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ngập gần 300ha lúa, làm sạt lở 200m taluy dương khu tái định cư Cây Dừa (xã Lương Sơn), tổng khối lượng đất đá sạt lở trên 5.000m3. Nước lũ cũng làm cuốn trôi 1 xe máy tại xã Ngọc Lập. Theo phản ánh của chính quyền địa phương, khoảng 2h sáng 21.7, nước bắt đầu dâng, tràn vào các hộ dân. Thời điểm nước lũ dâng cao vào đêm tối, nhiều hộ không kịp sơ tán người và tài sản. Đến khoảng 10h hôm nay, xã Ngọc Đồng có 1 khu dân cư bị cô lập, 90 hộ dân bị ngập sâu trên 1m, nhiều vật nuôi không kịp sơ tán đã bị nước lũ cuốn trôi.
Công tác di dời đã được triển khai, các phương tiện di chuyển dưới nước đã được huy động để vận chuyển người và tài sản. Đến 11h20, toàn bộ các hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn. Hiện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã và đang triển khai tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình mưa bão trên địa bàn huyện, chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, chính quyền và nhân dân các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại.
Nhà cửa bị ngập lụt, khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn.
Tính đến 10h30, ngày 21.7, trên địa bàn huyện Thanh Ba đã có trên 110ha lúa, 140ha ngô bị ngập úng; 18 hộ dân ở các xã Mạn Lạn, Hoàng Cương, Vũ Yển phải di dời. Hiện nay, hơn 70 hộ dân ở khu 9, xã Mạn Lạn tiếp tục bị ngập, trong đó có trên 20 hộ dân sống ở ven sông nước sâu trên 1m so với mặt nền, người dân phải dùng thuyền đề sơ tán đồ đạc đến nơi an toàn.
Nhiều nhà xưởng bị ngập sâu trong nước.
Tại huyện Thanh Sơn, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch huyện Thanh Sơn cho biết: "Tính đến 8h45 ngày 21.7, toàn huyện có 2 xã Thục Luyện, Sơn Hùng và thị trấn Thanh Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mưa lũ đã gây ngập úng 26,5ha lúa, gồm 24,5ha lúa các khu Đông Thịnh, Đông Vượng, Đành, Gò Đa, Trung Thịnh - xã Yên Lãng và 2ha khu Trại - xã Hương Cần.
Chúng tôi vẫn đang tích cực đưa bà con ra khỏi vùng lũ. Nước tại sông Bứa vẫn dâng cao nhưng chậm hơn so với sáng nay".
Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, gây mưa lớn, khiến mực nước sông Thao trên địa bàn huyện Cẩm Khê dâng cao trên mức báo động 3.
Đến thời điểm 9h sáng 21.7, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ngờ. Trên địa bàn huyện mực nước sông Thao và sông Bứa tiếp tục dâng cao, toàn huyện có 158ha lúa, hơn 105ha ngô, rau màu bị ngập, 174ha ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản, 47ha cây trồng ven sông bị nhấn chìm; 60 nhà bị ngập, 21 nhà bị cô lập, 1 nhà bị đổ tường, hiện tại công tác di dời đã được triển khai đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tại một số tuyến đê bao xung yếu, nước dâng cao tràn mặt đê trên 30cm. Đê Bành Già nối khu 9 và khu 11 của xã Đồng Lương bị xói lở một phần, có nguy cơ vỡ sạt trượt mặt đê. Hiện chính quyền địa phương đã huy động nhân, vật lực đắp đê bao, hạn chế xói lở.
Theo Danviet
Yên Bái: Sau 1 đêm lại thêm người mất tích vì mưa lũ Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 10h sáng nay (21.7) lại phát hiện thêm 1 trường hợp mất tích ở xã Quang Minh, huyện Văn Yên, nâng tổng số người chết, mất tích và bị thương vì mưa lũ ở Yên Bái lên 30 người. Ông Nguyễn Văn Thiết - Phó...