Hai F0 mắc bệnh nền nguy kịch thoát cửa tử
Nam bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột do u đại tràng; nữ bệnh nhân tắc mạch máu chân trái, diễn tiến nguy kịch; được bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 mổ cấp cứu thành công.
Bệnh nhân nam 60 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện dã chiến số 8 đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách), ngày 2/9. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp, viêm phổi Covid-19 đa kháng thuốc, choáng nhiễm trùng, tụt huyết áp, phải dùng thuốc vận mạch, thở máy, tổng trạng suy kiệt. Thêm nữa, bệnh nhân đang xuất huyết tiêu hóa, ói và đi cầu ra máu, bụng chướng. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân có khối u đại tràng gây tắc ruột, phải phẫu thuật khẩn cấp.
Phòng mổ hiện đại nhưng chưa sử dụng, thiếu trang thiết bị, dụng cụ mổ, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đã phải huy động thêm nhân sự, mang theo dụng cụ mổ từ Chợ Rẫy sang. Cùng với đó, nhân sự gây mê tại chỗ được triệu tập, phối hợp triển khai cuộc mổ này. Đây là cuộc phẫu thuật đầu tiên diễn ra tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, trên bệnh nhân Covid-19.
Cuộc mổ dài hơn ba giờ thành công, ê kíp đã tái thông tắc ruột và mở hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Sau 5 ngày thở máy, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, cai máy thở, tỉnh táo, ăn uống và trò chuyện, được xem như một kỳ tích. Bác sĩ Linh cho biết, bệnh nhân đã hồi phục sau Covid-19, có thể chuyển xuống bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, còn cần chờ kết quả giải phẫu khối u, xác định tình trạng bệnh lý lành tính hay ác tính, sau đó mới có phương án điều trị bệnh nền tiếp theo.
Bệnh nhân chia sẻ chiều 13/9 là cảm thấy khỏe hơn nhiều, chỉ còn đau chỗ mổ. Khi mới nhập viện, ông rất sợ hãi, đã mơ thấy “có người dắt tay đưa mình qua sông”. Những ngày sau đó, ông không dám ngủ vì lo sẽ không tỉnh dậy nữa. Được các bác sĩ động viên, ông mới yên tâm hơn, còn được bác sĩ cho mượn điện thoại gọi về nhà báo tin bình an cho cậu con trai duy nhất.
“Tôi tưởng mình đã chết rồi, nhờ có các bác sĩ mà tôi được sống. Giờ chỉ mong sớm khỏi bệnh, được về nhà với con”, bệnh nhân nói với bác sĩ Linh.
Video đang HOT
Bác sĩ Trần Thanh Linh (bìa trái) trò chuyện cùng bệnh nhân tối 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Trần Thị Hai, 66 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, nhập viện ngày 7/9. Khi mới nhập viện, bệnh nhân đã khó thở, phải thở oxy qua mặt nạ, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) là 94%. Đêm 8/9, bà bắt đầu xuất hiện triệu chứng tê, tím lạnh chân trái. Nghi ngờ bệnh nhân bị tắc mạch máu nên các bác sĩ tiến hành siêu âm, phát hiện có cục máu đông ở động mạch khoeo chân trái.
Thiếu thiết bị CT scan mạch máu để đánh giá mức độ tắc mạch, với kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ Dương Đinh Bảo, khoa phẫu thuật mạch máu của Bệnh viện Chợ Rẫy, đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, quyết định phẫu thuật khẩn thông tắc mạch máu. Nếu trong vòng 6 giờ không can thiệp, bệnh nhân sẽ dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ chân. Một ê kíp gây mê từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang ngay trong đêm để tiến hành ca mổ.
Với cuộc mổ tắc mạch máu thông thường, trên bệnh nhân không mắc Covid-19, các bác sĩ sẽ gây mê, đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng, bệnh nhân bị suy hô hấp do viêm phổi Covid-19, nếu đặt nội khí quản sẽ thuận lợi cho quản phẫu thuật viên, sẽ cứu được chân nhưng khả năng bệnh nhân tử vong cao hơn. Do đó, ê kíp quyết định thay đổi phương án, chỉ gây tê tại chỗ, kết hợp tiền mê nhẹ, giúp bệnh nhân đủ sức chịu đựng cuộc mổ hở dài hơn hai giờ lấy cục máu đông ra ngoài.
Hiện, bệnh nhân ổn định, sức khỏe hồi phục, tự thở oxy khí trời, SpO2 đạt 98%. Chân trái hồng ấm, bớt đau, tím và bắt đầu vận động được. Dự kiến sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCT âm tính Covid-19, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. May mắn, bà Hai được phát hiện và can thiệp trong thời gian vàng nên khả năng hồi phục cao. Nhiều bệnh nhân khác, khi tới khám hoặc chuyển tới từ tuyến trước thì chi đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.
Theo bác sĩ Bảo, tắc mạch máu không phải trường hợp hiếm gặp, bởi bệnh nhân Covid-19 thường gặp tình trạng rối loạn đông máu, gây tăng đông, dẫn đến tắc mạch máu ở nhiều nơi. Trong đó, thường gặp nhất là tắc động mạch chi dưới, như bà Hai, trường hợp này sẽ phải phẫu thuật mổ hở, tái thông mạch máu. Với các trường hợp tắc tĩnh mạch, các bác sĩ thường dùng thuốc kháng đông hoặc thuốc tiêu sợi huyết.
“Tôi rất mừng và biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng vì khổ cực với tôi biết bao ngày trời. Khi nào được về nhà, tôi sẽ xin bác sĩ bỏ khẩu trang cho tôi biết mặt, thỉnh thoảng tôi ghé thăm”, bác Hai vừa nói vừa bắt tay bác sĩ Bảo khi anh đến thăm.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức, bắt đầu hoạt động từ ngày 13/7 đến nay và đã tiếp nhận điều trị cho 2.900 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại TP HCM. Hiện, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 666 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, thậm chí ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
Bà Hai trò chuyện vui vẻ khi bác sĩ Bảo đến thăm bệnh và thông báo bà sắp được xuất viện, tối 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Chi phí điều trị bệnh nền của người mắc Covid-19 có được miễn phí?
Sở Y tế TPHCM cho biết, chi phí khám, chữa liên quan Covid-19 được Nhà nước chi trả toàn bộ. Việc điều trị bệnh nền của các F0 do Bảo hiểm Y tế thanh toán theo quy định về giá dịch vụ y tế hiện hành.
Chiều 8/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong thời điểm, TPHCM đang gấp rút đạt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 vào ngày 15/9, đẩy nhanh tiến độ công tác tiêm chủng vắc xin cho người dân trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí, nêu thực trạng, hiện tại nhiều cơ sở điều trị Covid-19 đang gặp khó khăn trong việc tính toán chi phí điều trị các bệnh nền đối với bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế TPHCM cùng ngành y đang quy định ra sao đối với việc chi trả với bệnh nhân cần thở máy, can thiệp ECMO, chạy thận cùng các chi phí khác đối với bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền.
Bảo hiểm Y tế sẽ chi trả chi phí khám, chữa bệnh đối với việc điều trị bệnh nền của các bệnh nhân Covid-19.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Vì vậy, toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men cùng các chi phí khác liên quan điều trị Covid-19 đều được Nhà nước chi trả.
Đối với trường hợp bệnh nhân Covid-19 cần điều trị bệnh nền khác, Bảo hiểm Y tế sẽ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành, giống như các bệnh nhân khác.
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin thêm, thành phố đã chuẩn bị hơn 150.000 túi thuốc A và túi thuốc B để cấp cho các F0. Đến nay, hơn 13.000 túi thuộc nhóm trên đã được đưa về các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Đối với túi thuốc C, túi có thuốc kháng virus, TPHCM được Bộ Y tế cấp phát 50.000 túi và chuyển về các địa phương 16.000 túi.
Để chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã đề xuất UBND TPHCM mua thêm 200.000 túi thuốc A và B, chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, ngay sau khi được UBND TPHCM phê duyệt, đơn vị sẽ mua thêm 100.000 túi thuốc, và tùy theo diễn biến dịch bệnh sẽ mua thêm 100.000 túi nhóm A và B.
Người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19? Trong buổi Hội thảo trực tuyến: "Tư vấn về tiêm vắc xin Covid-19 cho người có tiền sử dị ứng" do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tổ chức. 2 chuyên gia giàu kinh nghiệm về vắc-xin và dị ứng - miễn dịch là TS. BS. Nguyễn Văn Đĩnh (Trưởng khoa Nội chung, kiêm Trưởng đơn nguyên Dị ứng -...