Hải Dương sẽ tiêm vaccine Covid-19 như thế nào?
Khoảng 33.000 liều vaccine Covid-19 sẽ được tỉnh Hải Dương tiêm cho 9 nhóm thuộc lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Bốn địa điểm đầu tiên được triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước vào sáng 8/3 là Trung tâm y tế huyện Kim Thành; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
VnExpress phỏng vấn ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, về việc chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 ở địa phương hiện ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất toàn quốc.
- Hải Dương đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực thế nào cho việc tiêm vaccine phòng Covid-19, thưa ông?
- Hải Dương được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị đầu tiên tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Đây là loại vaccine mới, lần đầu sử dụng tại Việt Nam, có tên Astrazenaca do Anh nghiên cứu và sản xuất tại Hàn Quốc. Vaccine là dạng sinh phẩm đặc biệt. Công tác bảo quản, vận chuyển phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng từ khi sản xuất tới khi sử dụng. Vì thế, chúng tôi đã lên phương án bảo quản vaccine tại kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương.
Kho đạt chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của chương trình tiêm chủng mở rộng gồm 4 tủ bảo quản vaccine TCW4000 AC (tủ lạnh vách băng bảo quản vaccine) được cấp năm 2020. Dung tích mỗi tủ chứa được 60.000 liều.
Tại các huyện, vaccine được bảo quản trong các tủ TCW3000. Dung tích mỗi tủ khoảng 40.000 liều, có nhiệt kế điện tử theo dõi nhiệt độ, đảm bảo vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Về nhân lực, chúng tôi sử dụng toàn bộ cán bộ tham gia tiêm chủng mở rộng của Trung tâm y tế tuyến huyện và trạm Y tế tuyến xã với khoảng 900 cán bộ. Đây là những cán bộ đã được cấp giấy chứng nhận An toàn tiêm chủng và đã được Bộ Y tế tập huấn trực tuyến sáng 6/3 về tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ngày 9/3, những cán bộ này sẽ tiếp tục được ngành y tế tổ chức tập huấn lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi triển khai tiêm trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Ảnh: Hiếu Duy
- Từ sáng mai, việc tiêm vaccine Covid-19 ở Hải Dương sẽ được tiến hành ra sao?
- Theo kế hoạch, sáng 8/3, Hải Dương sẽ nhận vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp. Cùng thời gian, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và Bộ Y tế sẽ phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, triển khai tiêm chủng tại hai điểm gồm Trung tâm y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm y tế huyện Kim Thành.
Trong thành phần Đoàn công tác của Bộ Y tế có các chuyên gia đầu ngành của Trung ương về giám sát, trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc tiêm chủng. Rút kinh nghiệm từ buổi tiêm này, ngành y tế sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng trong toàn tỉnh vào ngày 9/3.
Sau khi đã tập huấn, Ban chỉ đạo tỉnh chỉ tổ chức tiêm đợt đầu cho 6 huyện, thị xã, thành phố ở vùng dịch cũ và có nguy cơ cao gồm: Cẩm Giàng, Chí Linh, thành phố Hải Dương, Kinh Môn, Kim Thành và Nam Sách. Các huyện còn lại cũng sẽ được tiêm ngay sau khi hoàn thành 6 huyện, thị xã, thành phố trên.
Tất cả các điểm tiêm chủng được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng an toàn. Các cơ sở tiêm chủng gồm Trung tâm y tế tuyến huyện và Trạm y tế tuyến xã đều là những cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định 104 năm 2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng. Tỉnh cũng giao Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn.
- Số lượng vaccine Hải Dương sẽ tiêm đợt này là bao nhiêu và ai là người sẽ được ưu tiên tiêm chủng?
- Theo Quyết định 1469 của Bộ Y tế ngày 6/3, trong đợt một, tỉnh Hải Dương được cấp khoảng 33.000 liều vaccine phòng Covid-19. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh lựa chọn ưu tiên tiêm cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và các vùng có dịch, phân thành 9 nhóm.
Đó là: Nhân viên Y tế đã, đang điều trị bệnh nhân Covid-19; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung; thành viên tổ truy vết; người tham gia điều tra dịch tễ (tuyến tỉnh, huyện, xã), ưu tiên những địa phương có bệnh nhân dương tính (theo qui mô cấp huyện và cấp xã); những người thực hiện tiêm vaccine, các lực lượng tham gia các chốt kiểm dịch, ưu tiên ở những địa phương có dịch; tổ Covid cộng đồng, ưu tiên ở những địa phương có dịch.
Tiêm thử nghiệm lần 2 vaccine Covid-19 Nanocovax, ngày 26/2. Ảnh: Giang Huy
- Sau hơn một tháng kể từ khi ca dương tính đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hải Dương như thế nào, thưa ông?
- Đến thời điểm hiện tại Hải Dương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Số ca nhiễm mới trong vài ngày qua đã giảm rõ rệt, tập trung chủ yếu ở khu cách ly và khu phong tỏa, một số rất ít được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (sàng lọc những người sốt, ho, khó thở). Năm ngày qua, có 7 huyện không có ca mắc mới, các ca mắc mới đều là F1 đã được cách ly tập trung và trong khu phong tỏa. Số bệnh nhân được chữa khỏi tăng lên. Những điểm dịch nóng trước đây đã được kiểm soát tốt.
Một số điểm nhấn tích cực trong công tác phòng chống dịch hiện nay ở Hải Dương là ý thức về phòng, chống dịch người dân đã được nâng lên rõ rệt, thực hiện tương đối nề nếp khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Người dân không còn hoang mang, lo lắng nhưng đã biết “sợ dịch”, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thị xã, thành phố đã có kinh nghiệm xử lý các tình huống bệnh xảy ra trên địa bàn. Tổ Covid-19 cộng đồng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, hiện toàn tỉnh có trên 11.000 tổ với 25.000 tổ viên, thực hiện có nề nếp và thực sự hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị đã thành lập các Tổ an toàn Covid-19, đây là lực lượng cần thiết cho để hoạt động trong trạng thái mới.
Hải Dương chuẩn bị trước ngày tiêm vaccine Covid-19. Video: Thế Hoàng
Tính đến chiều 7/3, tổng số ca nhiễm cộng đồng hơn một tháng qua là 892, ghi nhận ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (708), Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca.
Sáng 8/3 vaccine Covid-19 có mặt tại 4 điểm tiêm đầu tiên
Bốn xe chở vaccine AstraZeneca sẽ lần lượt xuất kho VNVC lúc 3h và 6h sáng 8/3 đi hai nơi ở Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Tại kho tổng của Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC) tại quận Đống Đa, Hà Nội, khoảng 3h sáng 8/3, hai ôtô chuyên dụng bắt đầu chở vaccine tới Trung tâm y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Thời gian di chuyển khoảng 3-4 giờ cho quãng đường 90-120 km, tới mỗi địa điểm.
6h sáng, một xe khác sẽ xuất phát từ kho đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cùng lúc tại TP HCM, một xe chở vaccine cũng rời kho lên đường đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Đây là bốn địa điểm đầu tiên được triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước, vào sáng 8/3. Nhóm được tiêm đầu tiên là những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, lực lượng truy vết dịch tễ, xét nghiệm...
Lô vaccine AstraZeneca tiêm đợt một cho các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, đã được vận chuyển bằng máy bay đi Hà Nội đêm 6/3. Ảnh: Thư Anh.
Đại diện VNVC khẳng định tất cả vaccine sẽ có mặt tại 4 điểm tiêm đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước khi chương trình tiêm chủng bắt đầu. Ngoài ra VNVC còn hỗ trợ các địa điểm tiêm ê kíp 12 người, gồm bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sau tiêm.
Đêm qua, vaccine đã được chuyển an toàn từ kho lạnh của VNVC tại TP HCM, theo đường hàng không ra Hà Nội. Số lượng vaccine không được tiết lộ cụ thể.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, có 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, triển khai trong vòng một tuần. Buổi tiêm đầu tiên sáng 8/3 có đại diện Bộ Y tế chứng kiến.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, có 100 y bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc hoặc có nguy cơ nhiễm nCoV sẽ tiêm trước, bắt đầu từ 8h sáng. Công tác tiêm chủng và theo dõi sau tiêm diễn ra tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện đã bố trí 3 bàn tiêm với đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết.
Toàn bộ người được tiêm chủng sẽ phải khám sàng lọc trước khi tiêm. Người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở sẽ không được tiêm vaccine Covid-19. Sau tiêm, họ được theo dõi tại viện 30 phút và theo dõi tại nhà trong 24 giờ tiếp theo. Dự kiến sau 12 tuần, họ sẽ tiêm mũi vaccine thứ hai. Lịch sử tiêm chủng sẽ được theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử.
Một hộp vaccine Covid-19 AstraZeneca gồm 10 liều tiêm 0,5ml, có hạn sử dụng 6 tháng. Ảnh: Thư Anh.
Việt Nam đang có 117.600 liều vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine dựa trên đề xuất số lượng từ các sở y tế, bệnh viện điều trị Covid-19. Cụ thể, trong đợt một, vaccine được phân phối cho 35 nơi, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19, để tiêm chủng từ ngày 8/3.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 6/3 cho biết, lượng vaccine ít, không thể phân bổ 63 địa phương mà chỉ có thể điều phối một phần cho 13 tỉnh, thành đang có dịch. Bộ vẫn đang tích cực đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Hy vọng tháng 3 có thể có thêm 1,3 triệu liều vaccine trong chương trình Covax Facility. Sau đó, tháng 4 và 5, nguồn cung vaccine tiếp tục tăng lên. Do số lượng vaccine ít nên tập trung ưu tiên 11 nhóm đối tượng và nhóm trực tiếp tham gia phòng chống dịch.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vaccine Covid-19 lần này được Bộ trưởng đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, với khoảng 100 triệu liều. Dự án do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách việc tiếp nhận, vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách Viện cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine Covid-19.
Bộ Y tế: Kiên quyết không để bệnh nhân COVID-19 tại ổ dịch Hải Dương qua đời Đại diện Bộ Y tế đề nghị Hải Dương tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 với mục tiêu không có ca tử vong. Tại buổi giao ban truc tuyen voi toan bo benh vien va Trung tam y te tren đia ban toan tinh ngày 6/1, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa...