Hải Dương nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu 1 ngày
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, tỉnh Hải Dương sẽ nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày.
Tỉnh Hải Dương sẽ nâng công suất xét nghiệm từ 60.000 đến 80.000 mẫu gộp trong thời gian 24 tiếng, huy động tối đa lực lượng tham gia lấy mẫu để đáp ứng được công suất này và xây dựng kế hoạch tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo 3 nhóm nguy cơ khác nhau là nhóm nguy cơ cao, nhóm còn có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp.
Tỉnh Hải Dương sẽ nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày
Các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ củng cố và nâng cao hiệu quả của tổ kiểm soát Covid cộng đồng, rà soát, thành lập thêm các tổ mới, giao cho mỗi tổ chỉ phụ trách từ 50 đến 70 hộ, tối đa 100 hộ tùy theo địa bàn.
Video đang HOT
Liên quan đến ổ dịch tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện thần tốc xét nghiệm, trả kết quả ngay trong ngày, thần tốc truy vết, thần tốc khoanh vùng. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ nhóm dân cư có yếu tố dịch tễ cao có liên quan đến ổ dịch Kim Liên và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tần suất dầy hơn đối với xã Kim Liên.
Huyện Kim Thành cũng sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 100% lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện kiểm soát dịch bệnh an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh và đảm bảo được các điều kiện khẩn cấp khi trong doanh nghiệp có ca dương tính thì mới được hoạt động.
Toàn bộ lực lượng xét nghiệm, nhân viên y tế, công an, quân đội cho Kim Thành được tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng đủ nhu cầu của Kim Thành đối với công tác phòng chống dịch trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Lập kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19
Nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch
Ngày 20-2, Bộ Y tế cho biết trong ngày cả nước ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19, đều ở tỉnh Hải Dương. Hiện tổng số ca mắc đã ghi nhận từ đầu mùa dịch tại Việt Nam là 2.368 ca, trong đó có 776 ca là lây nhiễm trong nước từ ngày 27-1 đến nay.
Trong số 13 tỉnh, thành có ca bệnh Covid-19, Hải Dương có số ca mắc cao nhất với 596 ca, tiếp đến là Quảng Ninh (60), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27)... Đến nay đã có 1.627 bệnh nhân khỏi bệnh, được ra viện. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 19 trường hợp nặng, tiên lượng nặng và nguy kịch.
Về kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân, theo Bộ Y tế, cùng với việc đàm phán nguồn vắc-xin nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh sản xuất vắc-xin trong nước để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với vắc-xin. Việt Nam sẽ tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới trong việc xếp các đối tượng ưu tiên người làm việc ở tuyến đầu.
Bệnh viện Số 2 Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 Ảnh: THẾ THIÊM
Các nhóm đối tượng cần tiêm vắc-xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly...), nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội, công an; giáo viên, người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, vận tải, du lịch, những người mắc các bệnh mạn tính; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ... Phạm vi triển khai tiêm vắc-xin là trên cả nước. Mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn, bảo đảm việc tiếp cận công bằng cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết để bảo đảm tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc-xin trong năm 2021. Từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chắc chắn có ít nhất 60 triệu liều vắc-xin từ nguồn nước ngoài, trong đó 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam vào ngày 28-2. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác để có thêm vắc-xin. "Chính phủ đã giao Bộ Y tế tìm nguồn vắc-xin và mục tiêu là có vắc-xin cho mọi người dân, để chúng ta sớm trở lại cuộc sống bình thường" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Bộ Y tế, việc mua bán vắc-xin Covid-19 phải thực hiện theo các quy định pháp luật và theo điều phối, kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Các địa phương muốn dành ngân sách mua vắc-xin cho người dân cũng phải thông qua Bộ Y tế để trình Chính phủ phê duyệt. Để có thêm nguồn vắc-xin phục vụ phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng kêu gọi, khuyến khích các đơn vị trong nước chủ động đàm phán, nếu có nguồn vắc-xin Covid-19 có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu vắc-xin.
Việc tiêm vắc-xin Covid-19 đã bắt đầu tại khoảng 70 nước, với 178 triệu liều đã được tiêm trên toàn thế giới, tương đương 1% dân số toàn cầu.
Toàn bộ nhân viên làm việc ở sân bay Nội Bài âm tính với COVID-19 Theo ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sáng 11-2 đã có kết quả xét nghiệm của toàn bộ cán bộ, nhân viên làm việc ở sân bay Nội Bài. Theo đó, 10.028 mẫu xét nghiệm đều âm tính với COVID-19. Các cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên sân bay...