Hai đối tượng tống tiền CSGT khai gì?
Ngày 31-7, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Phan Văn Dũng (ngụ TP HCM) và Nguyễn Văn Uần (ngụ tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Hai đối tượng này xưng là nhà báo và có hành vi tống tiền Phòng CSGT Đường bộ ( PC67) Công an Tiền Giang. Bước đầu, Dũng và Uần khai nhận từng làm cộng tác viên Báo Dân tộc và Phát triển; Báo Nhân đạo và Đời sống.
Biên bản lời khai cho thấy đứng đằng sau là một người đàn ông tên Mai Xuân Hiển, phóng viên Báo Nhân đạo và Đời sống, phân công quay clip CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường sau đó tìm đến cơ quan của các cán bộ này để “làm việc”. Chiều 28-7, Hiển gọi điện thoại đến PC67 đăng ký làm việc. Khi đến đây, Hiển đi cùng Dũng và Uần, gặp một chỉ huy cấp đội. Hiển có trình một thẻ giống như thẻ nhà báo nhưng nhanh chóng rút lại ngay. Sau đó, Hiển đưa cho vị này xem clip có đoạn của cán bộ PC67 làm nhiệm vụ nhưng không thấy có sai phạm. Hiển nói nếu không “biết điều” thì sẽ cho đăng báo và báo Ban Nội chính.
Phan Văn Dũng (trái) và Nguyễn Văn Uần (Ảnh cơ quan công an cung cấp)
Tối cùng ngày, Hiển gọi điện đến một CSGT yêu cầu đưa 250 triệu đồng. Đến sáng 29-7, Dũng tiếp tục gọi điện tống tiền. Dù không phát hiện cán bộ của mình làm sai quy trình nhưng PC67 vẫn quyết định báo cáo vụ việc cho ban giám đốc để có hướng xử lý. Theo đó, sau khi nhận yêu cầu từ nhóm người trên, chiều 29-7, một CSGT đến điểm hẹn là đường dẫn cao tốc TP HCM thuộc huyện Bình Chánh thì Dũng đã đứng chờ sẵn. Khi Dũng lên ôtô nhận tiền thì bị bắt quả tang. Cùng lúc đó, trinh sát cũng bắt giữ luôn Uần tại một quán cà phê gần đó với ôtô. Cả hai khai nhận ôtô này thuê của người khác để đi… cưỡng đoạt tiền của nhiều CSGT (!?).
Video đang HOT
Ngoài vụ cưỡng đoạt trên, Dũng và Uần còn khai cùng Hiển và một đối tượng tên Cương (cũng là phóng viên của một tờ báo) đã thực hiện hàng loạt vụ cưỡng đoạt tiền của CSGT nhiều tỉnh như Quảng Bình, Đồng Nai, TP HCM… Thậm chí, còn khai cưỡng đoạt tiền của cán bộ Cục CSGT. Cụ thể, nhóm này đến nhiều tỉnh – thành để quay clip CSGT làm nhiệm vụ, khi có “tài liệu” trong tay, nhóm đến gặp đội, trạm dọa đăng báo để cưỡng đoạt tiền. Bằng thủ đoạn này, chỉ trong 1 tháng, nhóm đã cưỡng đoạt hơn 1,5 tỉ đồng.
Về ông Mai Xuân Hiển, xưng là phóng viên Báo Nhân đạo và Đời sống, Tổng Biên tập Báo Nhân đạo và Đời sống Đinh Bá Tuấn cho biết Hiển là phóng viên của báo, làm việc được 1 năm nhưng cơ quan không cử Hiển đi điều tra hay làm đề tài CSGT mãi lộ mà nhiệm vụ là tuyên truyền ở Tây Nguyên, không phải phía Nam. “Hiển giải thích có mặt ở TP HCM là đi thăm người thân chứ không xuống Tiền Giang, đồng thời phủ nhận liên quan đến vụ 2 đối tượng cưỡng đoạt tiền của CSGT. Về Dũng và Uần thì không liên quan gì đến báo” – ông Tuấn nói. Được biết, đến ngày 12-7, Báo Nhân đạo và Đời sống mới có thông báo Dũng và Uần không còn là cộng tác viên.
Minh Sơn – Lê Phong
Theo NLĐ
Tạm giữ đối tượng tự xưng phóng viên cưỡng đoạt 250 triệu đồng
Nhóm đối tượng tự xưng là nhà báo, cho rằng đã ghi nhận hình ảnh sai phạm trong quá trình tuần tra của cán bộ chiến sĩ tại Tiền Giang và đòi số tiền 250 triệu đồng để không viết bài đăng báo.
Ngày 31.7, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan điều tra đang tạm giữ hình sự Phan Dũng (54 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Văn Uần (39 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Theo thông tin ban đầu, ngày 29.7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang tiếp nhận trình báo của Trung tá L.A.T. (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ) về việc một nhóm người xưng là nhà báo, đe doạ, buộc đưa số tiền 250 triệu đồng để bỏ qua, không đăng báo vì cho rằng đã phát hiện sai phạm trong công tác tuần tra kiểm tra của cán bộ chiến sĩ.
Nhóm đối tượng này gồm 4 người (có một lái xe, Uần), trong đó có 3 người trực tiếp làm việc với Trung tá L.A.T., tự giới thiệu là nhà báo, công tác tại cơ quan báo chí có trụ sở tại Hà Nội.
Trung tá L.A.T. đã yêu cầu những người này cho photo, chụp lại giấy giới thiệu, thẻ nhà báo thì họ không đồng ý. Tại buổi làm việc, nhóm người kể trên cho Trung tá L.A.T. xem qua loa đoạn clip và cho rằng bên trong là hình ảnh sai phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Sau đó, Dũng và những người này ra về. Tối cùng ngày, một người xưng là Phan Dũng, phóng viên của báo gọi cho Trung tá L.A.T. đe doạ, buộc phải đưa số tiền 250 triệu đồng. Sự việc nhóm người kể trên đe doạ, buộc phải giao tiền được báo cáo đến Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ. Ban giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ xác minh, làm rõ vụ việc.
Chiều 29.7, Dũng hẹn Trung tá L.A.T. đến Trạm thu phí Cao tốc Trung Lương - TP.HCM (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để giao nhận tiền.
Khoảng 17h cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự bắt quả tang Dũng đang nhận 250 triệu đồng tại khu vực trạm thu phí thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM) và mời làm việc với Uần, tài xế lái đi cùng Dũng đang đậu xe gần đó. Tại cơ quan điều tra, cả hai người này không xuất trình được giấy tờ hoặc chứng minh là phóng viên hay người của cơ quan báo chí đã tự xưng trước đó.
Dũng khai nhận, ngày 28.7, Mai Xuân Hiển (38 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) đưa cho giấy giới thiệu và cùng đến Tiền Giang gặp Trung tá L.A.T. Tại đây, nhóm người này doạ viết bài về sai phạm trong quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Sau đó, Dũng gọi điện thoại buộc Trung tá L.A.T. phải đưa số tiền 250 triệu đồng thì sẽ bỏ qua sai phạm và hai lần hẹn, thay đổi địa điểm nhận tiền thì bị bắt quả tang tại khu vực trạm thu phí.
Liên quan đến vụ việc, cơ quan Công an đang xác minh, truy xét Mai Xuân Hiển (38 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) cùng một người khác đi cùng để phục vụ công tác điều tra.
Theo Như Anh (Công an Nhân dân)
Phó chủ tịch TP Mỹ Tho bị cảnh cáo Ông Nguyễn Hoàng Đảm bị cảnh cáo về mặt Đảng vì thiếu kiểm tra các chứng từ quyết toán gây thiệt hại ngân sách. ảnh minh họa Ngày 26/7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hoàng Đảm - Phó chủ...