Hải chiến với Pol Pot trên đảo Thổ Chu: Chuyện bây giờ mới kể
Ngày 10/5/1975, Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, dồn hơn 500 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ.
Sơ đồ (phỏng đoán) trận đánh giải phóng đảo Thổ Chu của lực lượng hỗn hợp HQNDVN và Quân khu 9 (24-27/5/1975)
Một số người dân trên đảo dùng xuồng máy chạy trốn vào bờ và báo tin cho chính quyền. Không thể nhún nhường được nữa, Việt Nam quyết định dùng sức mạnh quân sự để tái chiếm lại đảo Thổ Chu.
Lúc bấy giờ, lực lượng hải quân ta còn gặp rất nhiều khó khăn. Tám ngày sau khi Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu, căn cứ hải quân An Thới, Phú Quốc mới được Quân khu 9 bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Nhưng với quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Đoàn Hải quân Phú Quốc vẫn dốc toàn bộ lực lượng, phối hợp cùng bộ binh của Quân khu 9 tiến hành giành lại đảo Thổ Chu, trả nợ máu cho hàng trăm đồng bào bị quân Khmer Đỏ tàn sát.
Các tàu thuyền của chế độ cũ được nhanh chóng sửa chữa để sẵn sàng tham gia chiến đấu. Cũng trong ngày 18/5/1975, hội nghị quân sự Phú Quốc được tiến hành, hạ quyết tâm giành lại đảo Thổ Chu bằng sức mạnh quân sự.
Quần đảo Thổ Chu cách bờ trên 200km, gồm 8 đảo, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất, rộng khoảng 10km2, các đảo còn lại có diện tích khoảng 1km2.
Lúc bấy giờ, thông tin về lực lượng địch còn rất sơ lược, chủ yếu thông qua những người dân trốn thoát về cho biết: Trên đảo Thổ Chu có khoảng 1 tiểu đoàn địch được tăng cường hỏa lực mạnh, có 3 trọng liên 12,7mm, 3 súng cối 60, 81 và 82mm, 1 khẩu ĐKZ 75mm và 1 khẩu ĐKZ 106,7mm.
Ở bãi Ngự phía tây nam đảo Thổ Chu có 1 trung đội địch, ở bãi Mun và bãi Giang phía đông nam đảo có 1 trung đội, ở bãi Cao và Hòn Từ có 2 trung đội.
19 giờ 35 phút ngày 23-5-1975, lực lượng tham gia chiến đấu tái chiếm đảo Thổ Chu đã tập hợp đội hình ở Bãi Cao Cát – chuẩn bị xuất phát đổ bộ. Hải quân Nhân dân Việt Nam tung vào trận 2 tàu vận tải (T-643 và T-657) của Đoàn 125, chở theo một phân đội đặc công 39 người, cùng với đó là 3 tàu tuần tiễu PCF (lượng giãn nước 16 tấn, trang bị trọng liên 12,7mm và súng cối 81mm).
Lực lượng đổ bộ là 2 đại đội (140 người) của tiểu đoàn bộ binh 410, trung đoàn 95, Quân khu 9, cùng 1 trung đội địa phương (25 người) của đảo Phú Quốc và 11 cán bộ và dân địa phương đi cùng để dẫn đường. Lực lượng này được chở trên hai tàu đổ bộ cơ giới LCM-8 (lượng giãn nước 113 tấn, trang bị 2 trọng liên 12,7mm) của Rạch Giá. Do các tàu PCF, tàu LCM-8 mới tiếp thu được của chế độ cũ, nên ta phải sử dụng lái tàu và pháo thủ của Hải quân VNCH trước đây.
Trên mỗi tàu tuần tiễu PCF có 4 lính chế độ cũ và 3 chiến sĩ đặc công đi kèm. Theo kế hoạch, quân ta sẽ bí mật đổ bộ lên đảo, sau đó đồng loạt nổ súng tấn công các vị trí phòng ngự của quân Khmer Đỏ, dưới sự yểm hộ của hỏa lực trên tàu chiến.
21 giờ 15 phút, tàu vận tải T-643 bắt đầu tiến vào bờ biển phía đông bắc đảo Thổ Chu, đưa phân đội đặc công lên chiếm bãi đổ bộ. 15 phút sau, đặc công chiếm bãi đổ bộ thành công, 2 tàu đổ bộ LCM-8 bắt đầu đưa bộ binh tiến vào. Sau 45 phút, các phân đội bộ binh đổ bộ xong. Tuân thủ kế hoạch đã được vạch ra, phân đội đặc công sẽ tiến công bãi Mun, trung đội địa phương Phú Quốc sẽ chiếm bãi Giang, còn tiểu đoàn 410 sẽ giải quyết hai mục tiêu là bãi Ngự và bãi Nhất.
Video đang HOT
Biên đội tàu tuần tiễu K-62 của HQNDVN
3 giờ 45 phút sáng 24-5-1975, Sở Chỉ huy lệnh cho 2 tàu đổ bộ LCM-8 ở lại cảnh giới phía bắc đảo Thổ Chu, cách bãi đổ bộ chừng 1 hải lí. 3 tàu tuần tiễu PCF vòng qua hướng tây, dừng lại ở Hòn Khô, sẵn sàng chi viện cho mũi tiến công bãi Ngự. 2 tàu vận tải quân sự vòng qua hòn Cao Cát sang phía đông nam.
5 giờ 15 phút sáng 24-5-1975, tiểu đoàn 410 nổ súng đánh chiếm bãi Ngự. Các mũi khác cũng đồng loạt nổ súng theo hợp đồng. Ba tàu tuần tiễu PCF tiến vào trước bãi Ngự, dùng hỏa lực trên tàu chi viện cho bộ binh tiến công địch. Từ trên bờ, quân Khmer Đỏ bắn trả tàu hải quân ta bằng súng cối và ĐKZ, song hỏa lực không mạnh.
Ngay từ những phút đầu trận đánh, phân đội đặc công đã làm chủ bãi Mun. Đến 7 giờ sáng, trung đội địa phương đảo Phú Quốc cũng đã làm chủ được một phần bãi Đông, buộc địch phải co cụm trong công sự chống trả.
7 giờ 15 phút sáng, hai tàu LCM-8 cảnh giới ở phía bắc đảo phát hiện thấy một tàu lạ tiến tới. Lập tức, 3 tàu tuần tiễu PCF được lệnh vòng lên phía bắc để kiểm tra, nắm tình hình, sẵn sàng đánh địch. Từ hướng đông nam, tàu T-643 cũng chở theo một tổ đặc công đến chi viện. 3 tàu PCF tăng tốc tiếp cận và báo cáo: Trên tàu lạ có nhiều người, có vũ khí và treo cờ đỏ. Hải quân ta lập tức tổ chức vây bắt. Dưới sự yểm hộ của đồng đội, tàu T-643 và một tàu LCM-8 cập sát tàu lạ, bắt sống tàu cùng 40 tên địch. Tàu T-657 tiến về bãi Đông cũng phát hiện một thuyền máy của địch đi từ hòn Từ sang, lập tức nổ súng tiêu diệt. Đến 8 giờ 30 phút sáng, quân ta làm chủ bãi Đông. Nhưng cuộc chiến đấu vẫn diễn ra rất quyết liệt ở bãi Ngự trong suốt buổi sáng 24-5-1975. Quân địch dựa vào hai điểm tựa ở phía bắc và phía đông nam bãi Ngự để chống trả bộ đội ta.
14 giờ 30 phút chiều, tàu T-643 và 3 tàu tuần tiễu PCF bắt đầu nổ súng chi viện hỏa lực cho tiểu đoàn 410 trên bãi Ngự. Quân địch vẫn ngoan cố bắn trả tàu ta bằng súng cối và ĐKZ. Đến 16 giờ chiều, để nhanh chóng giải quyết trận đánh, Sở Chỉ huy tăng viện thêm cho lực lượng tái chiếm đảo 2 tàu tuần tiễu K-62 (lượng giãn nước 135 tấn, trang bị 2 pháo 37mm 2 nòng và 2 pháo 25mm 2 nòng). Tàu T-657 lập tức đi đón hai tàu tuần tiễu.
9 giờ sáng 25-5-1975, quân ta tiếp tục tấn công bãi Ngự. Được tăng cường thêm hai tàu tuẫn tiễu, hỏa lực yểm hộ bộ binh mạnh lên rõ rệt. Hải quân ta kiên quyết dùng pháo 37mm khống chế cao điểm đông nam bãi Ngự, và dùng 25mm bắn bộ binh địch. Kinh hoàng trước hỏa lực của tàu ta, quân Khmer Đỏ nhanh chóng tan rã. Điểm tựa phía bắc bãi Ngự bị chiếm, hơn 100 tên địch ra hàng. Đến 12 giờ trưa, điểm tựa phía đông nam cũng bị hạ, 56 tên địch ra hàng. 18 tên khác chạy ra bãi Mun cũng đã phải đầu hàng bộ đội đặc công ta ở đây. Quân ta giành lại đảo Thổ Chu, và sau đó triển khai đánh chiếm nốt các đảo còn lại. Đến ngày 27-5-1975, trận đánh kết thúc.
Như vậy, sau 3 ngày chiến đấu, lực lượng hỗn hợp của Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân khu 9 đã loại khỏi vòng chiến 1 tiểu đoàn tăng cường của địch, thu toàn bộ vũ khí, khí tài và trang thiết bị. Phía ta hi sinh 4 người, bị thương 14 người.
Trong hoàn cảnh vừa hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mới tiếp quản các tàu chiến, căn cứ hải quân của chế độ cũ, nhưng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần kiên quyết tiến công, thực hiện hàng loạt các trận đánh tái chiếm các đảo trên vùng biển Tây Nam, bước đầu làm thất bại âm mưu xâm lược của bè lũ diệt chủng Polpot – Khmer Đỏ.
Theo Infonet
Ký ức không quên của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia
Đã 35 năm kể từ ngày giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và 25 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, nhưng ký ức ấy in sâu trong tâm trí những người lính Việt Nam ở mặt trận Đông và Đông Bắc Campuchia (Mặt trận 779).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trò chuyện cùng các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Nguồn: TTXVN)
Đó không chỉ là ký ức về một cuộc chiến chống lại sự tàn bạo của tập đoàn phản động Pol Pot - Iêng Xary, mà còn là quá khứ hào hùng của một đội quân tình nguyện giúp bạn hồi sinh sau khi thoát khỏi họa diệt chủng.
Ký ức thời chiến
Sau khi phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước sau thời kỳ "đen tối" dưới họa diệt chủng.
Mặt trận 779 được thành lập trên nền tảng Bộ Tư lệnh Tiền phương - Quân khu 7 năm 1981, giúp nước bạn ở các tỉnh Công Pông Thơm, Công Pông Chàm, Svây Riêng, Prây Veng, Kra Chê.
Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Quyền Tham mưu trưởng Mặt trận 779 vẫn không quên được hình ảnh đau xót của đất nước Campuchia hơn 35 năm về trước.
Đại tá Huệ ngậm ngùi kể lại: "Khi chúng tôi đi qua những nơi từng là trung tâm sầm uất của đất nước Campuchia, chỉ thấy cảnh hoang tàn, xơ xác. Nhà cửa, trường học, các khu chợ bị đập phá, vắng bóng người. Bọn Pôn Pốt đã dồn dân tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai. Những người dân còn sót lại chỉ biết kêu lên những tiếng ai oán khi người thân bị đập đầu, giết hại. Tại một số ngôi chùa, xác người dân được chất thành đống, rất khủng khiếp".
Là một người từng sống tại Campuchia những năm đầu thập niên 70, Đại tá Đinh Văn Huệ không khó để nhận ra sự thay đổi "không thể tưởng tượng" mà bọn diệt chủng Pôn Pốt gây ra cho đất nước Campuchia. Theo Đại tá Huệ, dưới sự cai trị của bọn Khmer Đỏ thì "Ở đó như đã quay lại thời trung cổ".
Sự đau khổ dường như đến tột cùng của người dân Campuchia đã được giải thoát bằng tình cảm, sự nhiệt huyết và tấm lòng cao cả của quân tình nguyện Việt Nam.
Đại tá Đặng Khắc Thỏa, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 7701, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 779 cho biết, nhìn thấy niềm vui hiện ra trên khuôn mặt người dân Campuchia sau khi được giải thoát khỏi các trại tập trung của Pôn Pốt trở về phum - ấp, chúng ta mới thấy hết được công sức lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều người dân Campuchia khi đó đã nói, bộ đội Việt Nam đã sinh ra họ thêm một lần nữa.
Trong cuốn hồi ký "Quân tình nguyện Mặt trận 779 - Ký ức người trong cuộc" xuất bản năm 2013, ông Nguyễn Huy đã chia sẻ về cảnh tượng kinh hoàng mà bọn Khmer Đỏ gây ra cho chính dân tộc của họ "Chế độ Pôn Pốt đã biến Campuchia thành nhà tù khổng lồ, lắm đau thương và đói nghèo, tật bệnh. Ruộng, rẫy hoang hóa thành một màu cỏ vàng xơ xác. Thỉnh thoảng mới thấy một phum, cỏ lan mặt đất, phên vách tả tơi, không một bóng người! Đầu lâu, xương người trắng xỉn lăn lóc khắp nơi. Từng đàn quạ đen chao lượn trên trời. Đêm đến tiếng cú rúc buồn bã".
Trong ký ức của Đại tá Đặng Khắc Thỏa, điều mà ông không bao giờ quên chính là sự kiện Đoàn 7701 của ông vượt qua sông Mê Kông, tiến vào Công Pông Thơm. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 7701 kể: Lúc đó đã nửa đêm, nhưng người dân Campuchia vẫn ra đứng đầy hai bên đường để nhảy múa, vẫy tay đón chào những người bạn đang giúp họ đẩy lùi chế độ diệt chủng. Những gương mặt khắc khổ đã bật lên nụ cười hạnh phúc dưới những ánh lửa lấp lóe trong đêm.
Quên mình cho nước bạn hồi sinh
Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn không hề đơn giản đối với những người lính vừa trải qua một cuộc trường kỳ kháng chiến. Đại tá Đặng Khắc Thỏa chia sẻ: Sống cùng gia đình chưa lâu sau khi thống nhất đất nước, lại phải lên đường làm nhiệm vụ là một khó khăn thật sự.
Nhưng vì Tổ quốc và vì nhân dân nước bạn nên những "vấn vương" gia đình đã được gác qua một bên. Đó là sự hi sinh lớn lao và cao thượng của quân ta mà không phải ai cũng cảm nhận được.
Với một người lập gia đình muộn như ông Thỏa (năm 1974 khi đã 42 tuổi), trong suốt 15 năm trời, ông chỉ ở cạnh gia đình hơn một năm là một thử thách.
Cầm trên tay bức thư còn lưu giữ lại của người vợ gửi cho ông khi đang làm nhiệm vụ tại Campuchia năm 1986, ông Thỏa chia sẻ: Bà ấy luôn ủng hộ mình, chấp nhận cuộc sống khó khăn ở quê nhà để mình yên tâm làm nhiệm vụ, nhưng thoảng trong những câu từ là nỗi buồn da diết khi phải xa chồng trong quãng thời gian dài. Đọc bức thư vừa buồn, vừa thương nhớ vợ. Nhưng nghĩ đến những khó khăn mà nhân dân nước bạn gánh chịu, những gì mình đã và đang làm được thì nỗi buồn cũng vơi đi.
Người dân Campuchia chạy sang biên giới Tây Nam lánh nạn diệt chủng của Pol Pot (Nguồn: TTXVN)
Nói về những năm cuối thập niên 70, khi đi vận động những đồng chí, đồng đội đã giải ngũ hoặc chuyển ngành quay trở lại để làm nhiệm vụ, Đại tá Đinh Văn Huệ lộ rõ nỗi buồn trong đôi mắt nhăn nheo ở tuổi 86.
"Dù tất cả các đồng chí ấy đều quay lại sát cánh bên nhau giúp nước bạn, nhưng khi nhìn thấy những nỗi buồn trên gương mặt người thân của họ mới hiểu hết được sự hi sinh cao cả của những người ra đi và người thân ở quê nhà. Họ mới chỉ gần nhau chưa đầy 2 năm sau ngày đất nước thống nhất. Và có những người đã không thể trở về với gia đình", Đại tá Huệ nghẹn ngào.
Không chỉ giúp bạn thoát họa diệt chủng, quân tình nguyện Việt Nam đã chung tay cùng bạn xây dựng lại đất nước, từ những ngôi nhà, trường học đến hướng dẫn làm kinh tế. Trong tâm trí của nhiều người từng tham gia Mặt trận 779, họ luôn nhớ về hình ảnh Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Prây Veng bật khóc khi thấy bộ đội ta ăn cháo để dành gạo cứu đói cho người dân Campuchia. Đó là hình ảnh đáng quý mà quân tình nguyện Việt Nam thường nói vui là "đói cứu đói".
Trong cuốn "Quân tình nguyện Mặt trận 779 - Ký ức người trong cuộc", cố Thiếu tướng Đặng Quang Long, Tư lệnh Mặt trận 779 đã từng chia sẻ hai câu chuyện thể hiện sự thân tình, tinh thần quốc tế vô tư của quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam. Trước đám đông đồng bào đang nhận phần gạo cứu trợ do đoàn xe của nhân dân Việt Nam gửi đến, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Svây Riêng đã nói với nhân dân Campuchia "Đây là gạo của nhân dân Việt Nam gửi đến cứu đói cho chúng ta, chúng ta nhận gạo này trong lúc nhân dân Việt Nam cũng đang bị đói, chúng ta không bao giờ quên sự nhường cơm sẻ áo này".
Khi một phóng viên nước ngoài hỏi "Quân Việt Nam sang đây, Campuchia phải cung cấp cho họ những gì"?, Chủ tịch tỉnh Kông Pông Chàm Pi Chay trả lời ngay "Chỉ nước và khí trời". Điều đó đã nói lên tất cả về tấm lòng cao thượng của quân tình nguyện Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong một dịp trở lại thăm đất nước Campuchia gần đây, Đại tá Đinh Văn Huệ đã mừng thầm trước sự phát triển của nước bạn, một đất nước đã đi lên từ họa diệt chủng. Đại tá Huệ cho biết, ông cũng như những người bạn không khỏi bất ngờ về sự hồi sinh mạnh mẽ của đất nước Campuchia. Và trong lòng mỗi người luôn rất tự hào, vì mình đã đóng góp một phần công sức trong sự hồi sinh đó.
http://www.vietnamplus.vn/ky-uc-khong-quen-cua-quan-tinh-nguyen-viet-nam-o-campuchia/238158.vnp
Theo Dantri
Lễ cưới sang trọng của con gái Pol Pot Hôm nay (17/3), thời báo Phnompenh Post của Campuchia đưa tin, con gái duy nhất của trùm diệt chủng Khmer Đỏ, cô Sar Patchata, đã lên xe hoa. Đây là đám cưới đặc biệt nhất ở huyện Malai tỉnh Banteay Meanchey, bởi cô gái này không chỉ nổi tiếng khắp đất nước Campuchia mà còn nổi tiếng trên toàn Thế giới. Những chiếc...