Hai chị em đưa mẹ 80 tuổi đi du lịch 17 nước: Có mẹ là hạnh phúc nhất
Trong 7 năm, hai chị em đã cùng người mẹ 80 tuổi đến thăm 17 quốc gia. Họ đã làm hỏng 5 chiếc xe lăn nhưng có được rất nhiều kỷ niệm đẹp.
Người mẹ mất trí nhớ
Một ngày tháng 3/2009, An Vinh đang đi công tác thì nhận được tin mẹ bị nạn. Cô vội vàng xin nghỉ phép, mua vé máy bay trở về nhà ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nhìn thấy mẹ nằm trên giường bệnh, khuôn mặt phờ phạc, An Vinh đau lòng, nước mắt liền tuôn rơi. May mắn thay, sau vài ngày điều trị, mẹ của cô được xuất viện về nhà.
Mẹ của An Vinh là giáo viên về hưu, trước đây rất vui vẻ, hay cười, hay nói. Sau vụ nạn, bà thường xuyên rơi vào tình trạng nhớ nhớ quên quên. Thậm chí, bà còn không còn nhận ra những người bạn thân thiết của mình.
Chị em An Vinh lo lắng đưa mẹ đến bệnh viện để khám. Kết quả chụp CT cho thấy tiểu não của mẹ bị teo lại và bà đang bị bệnh Alzheimer.
Bác sĩ dặn dò hai chị em phải quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng người già nhiều hơn. Nếu không tình hình sẽ trở nên tồi tệ và bà sẽ không còn nhận ra người thân của mình.
Nghe điều này, An Vinh sững sờ nhìn mẹ, trong lòng đầy suy nghĩ: Mẹ đã hy sinh quá nhiều cho gia đình này; công ơn của mẹ không gì có thể so sánh được nhưng mẹ chưa được hưởng thụ ngày nào đã mắc bệnh…
Cha mất sớm, mẹ vất vả nuôi con
An Vinh là con thứ ba trong gia đình. Khi sinh An Vinh, mẹ cô đã 44 tuổi. An Vinh lên 8 thì bố qua đời do bệnh hiểm nghèo.
Đồng lương giáo viên eo hẹp nên mẹ cô phải làm thêm nhiều việc như dán phong bì, nhặt phế liệu… để nuôi các con.
Sau này, ba con đã lập gia đình, kinh tế tương đối khá giả nhưng người mẹ vẫn không thay đổi được thói quen cần cù, giản dị này.
An Vinh nhớ một lần đưa mẹ đến bãi biển ở Hà Bắc. Trong khi mọi người vui chơi, tắm biển, mẹ cô chỉ chăm chăm tìm những chai nước do du khách ném đi để nhặt và mang về nhà bán lấy tiền.
An Vinh cho rằng, sự hy sinh của mẹ dành cho gia đình là quá lớn lao. Bây giờ mẹ đã trở nên như thế này, cô phải làm gì đó cho bà.
Đưa mẹ đi du lịch cùng chiếc xe lăn
An Vinh làm hướng dẫn viên du lịch. Trong một lần đi làm, cô thấy một cụ ông đi thăm danh lam thắng cảnh cùng con cháu. Họ đi rất chậm nên không thể ngắm được nhiều cảnh đẹp nhưng trên mặt của cả người già và trẻ em đều nở nụ cười rất vui vẻ.
An Vinh nghĩ đến mẹ và quyết định đưa mẹ đi chơi để bà kịp thời cảm nhận cảnh đẹp và lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ.
Video đang HOT
An Vinh muốn đưa mẹ đi chơi để bà kịp thời cảm nhận cảnh đẹp và lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ.
Cô nói với mẹ về kế hoạch này nhưng bị mẹ phản ứng gay gắt. Người thân, bạn bè cũng đứng ra can ngăn. Họ cho rằng mẹ An Vinh đã già lại đang ngồi xe lăn nên di chuyển không tiện, không thích hợp để đi du lịch.
Trong lúc tuyệt vọng, An Vinh quyết định cầu cứu chị gái An Quân.
An Quân là một y tá, lúc đó vừa đến tuổi nghỉ hưu. Cô biết rằng sự đồng hành và những chuyến đi chơi có thể giúp một người khỏi bệnh nhanh như thế nào. Vì vậy, cô ủng hộ kế hoạch của An Vinh.
Vì mẹ cả đời tằn tiện nên An Vinh nói với mẹ rằng công ty của cô tặng nhân viên một số vé máy bay cùng vé tham quan. Và sẽ thật lãng phí nếu cô không sử dụng chúng.
Cuối cùng người mẹ cũng đồng ý đi du lịch cùng con gái.
Điểm đến đầu tiên của họ là Thái Lan vì An Vinh tin rằng biển có tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Hơn nữa, Thái Lan rất gần Trung Quốc, thời gian di chuyển ít sẽ giúp mẹ đỡ mệt mỏi.
Ba mẹ con đã cùng nhau đi du lịch 17 nước trong 7 năm.
Khi đặt chân đến Thái Lan, tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp với nắng ấm, gió nhẹ, sóng biển và cảm nhận nền văn hóa mới lạ, mẹ của An Vinh cười rất nhiều.
Đến khi phải trở về nhà, bà cứ cố nán lại thật lâu ở sân bay. Điều này càng thôi thúc An Vinh quyết tâm chăm chỉ kiếm tiền để đưa mẹ đi du lịch nhiều hơn.
Đồng hành là liều thuốc tốt nhất
Sau một thời gian bận rộn, năm 2010, hai chị em mới đưa mẹ đi hành trình mới. Lần này, điểm đến của họ là Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Đây là những nơi mà khi còn là giáo viên dạy lịch sử, mẹ của An Vinh luôn mong được đến thăm.
Những năm sau đó, ba mẹ con đi du lịch ở nhiều nơi hơn và đã cùng nhau trải nghiệm nhiều điều đầu tiên trong đời: Ở Palau, một quốc đảo ở tây Thái Bình Dương, lần đầu tiên mẹ An Vinh mặc áo tắm; ở Hàn Quốc, hai mẹ con lần đầu tiên đi du thuyền sang trọng; tại Bali, họ lần đầu tiên được trải nghiệm spa đồng quê; ở Philippines, ba mẹ con lần đầu tiên đi tàu cao tốc…
Những chuyến đi khiến người mẹ cười rất nhiều.
Các chuyến đi khiến mẹ của An Vinh vui vẻ và hay cười hơn. Bà cũng đã thay đổi quan niệm tiêu dùng và sẵn sàng chi tiền cho những chuyến du lịch.
Có lần An Vinh hỏi mẹ nửa đùa nửa thật: “Mẹ, bây giờ mẹ còn muốn tiết kiệm tiền nữa không?”. Bà mẹ lắc đầu cười nói: “Mẹ không tiết kiệm nữa, mẹ muốn ra ngoài chơi, hai con đi với mẹ”.
Nghe vậy, hai chị em An Vinh vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, trí nhớ của mẹ vẫn ngày càng kém, bà thường không nhớ nổi mình vừa làm gì, đi chơi ở đâu. Nhưng điều đó không khiến hai chị em buồn phiền. An Vinh nói rằng, chỉ cần mẹ thấy hạnh phúc trên hành trình và vui vẻ khi khám phá ra những điều mới lạ là đủ!
Năm 2015, An Vinh và An Quân đưa mẹ sang thăm Mỹ.
Đường xa, lại phải chuyển chuyến giữa chừng, sợ mẹ mệt nên hai chị em đặt vé ở khoang hạng nhất. Vị trí này mang lại cho mẹ An Vinh một cảm giác khác, khiến bà rất háo hức.
Đầu năm 2016, hai chị em định đưa mẹ đi xem tháp Eiffel nhưng kế hoạch không thành. Tháng 5 năm đó, mẹ của An Vinh bị nhồi máu não, và hai chân của bà không cử động được nữa.
Hai chị em tuy buồn nhưng nghĩ đến những chuyến đi chơi cùng mẹ trong 7 năm qua, họ có chút an ủi.
Năm 2018, để có thời gian bên mẹ nhiều hơn, An Vinh quyết định nghỉ việc, cùng chị gái An Quân chăm sóc mẹ.
Ban ngày, họ cùng nhau nấu cơm, gội đầu, tắm rửa, cắt móng tay cho mẹ, đưa mẹ đi loanh quanh Bắc Kinh cùng chiếc xe lăn. Ban đêm, hai chị em lại ngủ chung phòng với mẹ để tiện chăm sóc.
“Thuở ấu thơ mình được mẹ chăm sóc, giờ mẹ già, mình sẽ dành thời gian ở bên mẹ nhiều hơn, vì có mẹ là hạnh phúc và trọn vẹn nhất!”, An Vinh nói.
Cô gái dành trọn tuổi 20 để đi chơi và nhận về khoản nợ hơn 1,3 tỷ: Quá trình "hoàn lương" và trả hết trong vòng 3 năm!
Bạn sẽ rút ra được rất nhiều bài học về trả nợ từ câu chuyện này.
Khi ở độ tuổi 20, đối với Carmen Perez cuộc sống tươi đẹp có nghĩa là phải đi khắp thế giới bằng mọi giá.
Điều đó cũng có nghĩa là, đôi khi, cô ấy sẵn sàng trả trễ một hoặc hai hóa đơn, tiêu tối đa hạn mức thẻ tín dụng để đi du lịch. Bằng cách nào đó, trong suy nghĩ của Carmen, du lịch là một nhu cầu chính đáng - điều cô ấy phải làm để thỏa mãn tâm hồn mình. Ở độ tuổi 20, Carmen nghĩ rằng mình đã sống hết mình và sống thật tốt.
Sự mong đợi khi chuẩn bị cho một chuyến du lịch và những niềm vui Carmen có trong chuyến đi là những gì cô ấy luôn hướng tới. Cũng giống như nhiều bạn trẻ ngày nay, du lịch là định nghĩa của Carmen về sự hạnh phúc. Tất nhiên, không chần chờ gì, cô ấy đã dành tuổi trẻ của mình để làm điều đó.
Song, những niềm vui đó dừng lại khi cô ấy trở về sau mỗi chuyến đi, về với cuộc sống "cơm áo gạo tiền". Carmen tự nhận bản thân là một người giỏi trong việc làm lơ nhiệm vụ phải thanh toán khi nhìn thấy các hoá đơn. Hơn thế, thậm chí cô tiêu từng đồng cuối cùng như thể đây là lần cuối cùng cô ấy còn sống.
Điều ấy khiến cô ấy sa vào nợ nần khoảng 1,3 tỷ đồng. Cô ấy không thể lên kế hoạch tài chính cho các mục tiêu của bản thân. Cảm giác căng thẳng luôn thường trực trong Carmen.
Khi cô thoát khỏi khoản nợ của mình bao gồm cả gốc lẫn lãi, Carmen nhận ra rằng khi không còn nhiều gánh nặng, chúng ta có thể sống trọn vẹn. Ý nghĩa của việc hưởng thụ cuộc sống trong cô đã thay đổi. Vẫn là những chuyến du lịch nhưng có kế hoạch hơn và không còn căng thẳng vì chuyện nợ nần.
Carmen đã sử dụng 3 chiến lược để trả khoản nợ 1,3 tỷ đồng trong 3 năm.
1. Lựa chọn một chiến lược lập ngân sách phù hợp với bản thân
Có rất nhiều chiến lược lập ngân sách trên mạng. Bạn phải dành một chút thời gian để thử chúng trước khi tìm ra chiến lược phù hợp nhất với mình. Carmen đã tìm ra cách phù hợp nhất với bản thân dựa trên tính cách và nguồn lực tài chính là lập ngân sách dựa trên chiến lược số 0, được sử dụng song song với "phong bì tiền mặt".
Để thực hiện ngân sách dựa trên số không, tất cả những gì bạn phải làm là lấy một tờ giấy, liệt kê khoản tiền bạn thu được hàng tháng - trừ đi thuế nếu có. Đó có thể là tiền lương khi bạn đã đi làm hoặc khoản chi tiêu bố mẹ cho nếu bạn vẫn còn là sinh viên. Sau đó, liệt kê những thứ bạn thường tiêu tiền trong một tháng. Chẳng hạn như thực phẩm, tiền thuê nhà, phương tiện đi lại, gói tiện ích và thẻ điện thoại.
Khi viết ra tất cả các danh mục của mình, hãy đảm bảo nó đã được bao gồm những thứ như trả nợ hoặc tiết kiệm. Sau đó, phân bổ từng đồng từ khoản tiền thu được cho một danh mục cho đến khi bạn không còn tiền để phân bổ. Ý tưởng về ngân sách dựa trên số 0 là mỗi đồng bạn tiêu đều được lên kế hoạch. Sử dụng danh sách đó để định hướng chi tiêu của bạn trong tháng.
Carmen đã sử dụng Excel để quản lý ngân sách của mình. Cuối cùng cô đã tạo ra một hệ thống bảng tính để quản lý mọi thứ, từ việc trả hết nợ cho đến tạo ngân sách dựa trên số không.
2. Tìm ra một chiến lược trả nợ bạn có thể dễ dàng áp dụng
Khoản nợ 1,3 tỷ đồng mà Carmen phải giải quyết có vẻ khó khăn khi còn ở trong độ tuổi 20. Tuy nhiên, sau khi vạch ra ý tưởng rõ ràng và hình dung phát triển phương pháp để giải quyết khoản nợ, nó có vẻ dễ quản lý hơn so với bạn nghĩ.
Điều hiệu quả nhất đối với cô là sự kết hợp giữa chiến lược trả nợ "quả cầu tuyết" (debt snowball) và "trận tuyết lở" (debt avalanche).
Cả hai chiến lược đều áp dụng cho hầu hết các loại nợ tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng thường không được áp dụng và không nên thử với các khoản trả nợ thế chấp. Mỗi phương pháp yêu cầu bạn liệt kê các khoản nợ của mình và thanh toán, trả dứt điểm từng khoản nợ một.
Hai chiến lược khác nhau về khoản nợ nào bạn sẽ trả trước. Trong phương pháp "trận tuyết lở", bạn trả trước tiền cho khoản nợ với lãi suất cao nhất. Với phương pháp "quả cầu tuyết", bạn trả khoản nợ nhỏ nhất trước, bất kể lãi suất là bao nhiêu.
Tại một số thời điểm trong hành trình "hoàn lương" của mình, Carmen đã sử dụng linh hoạt giữa hai chiến lược. Việc trả nợ - trả dần các khoản nợ từ lãi suất cao nhất đến lãi suất thấp nhất bất kể số dư - nói chung là một cách tiếp cận hiệu quả hơn về chi phí để giải quyết nợ.
3. Liên tục hành động và lặp lại trong suốt quá trình
Khi Carmen đã có một khung lập ngân sách để hướng dẫn mình và một chiến lược để trả nợ, cô ấy đã luôn tuân theo kế hoạch. Tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng, song, cuối cùng cô ấy đã trả hết nợ.
Lời kết
Kể từ khi Carmen trả hết nợ, cuộc sống của cô ấy đã biến chuyển đáng kể từ vô sản sang có chút dư dả.
Trả hết nợ không chỉ là điều kỳ diệu đối với sức khỏe tinh thần mà còn cho phép cô ấy thoát khỏi tình trạng tài chính tồi tệ, rủi ro lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, Carmen cũng tìm kiếm được nhiều cơ hội tiền bạc hơn.
Carmen vẫn lập ngân sách và làm những việc như khoảng thời gian cô ấy nỗ lực thoát khỏi nợ nần. Quan tâm đến chi tiêu của mình và điều chỉnh việc mua hàng phù hợp với giá trị quan cũng như nguồn lực tài chính của bản thân. Carmen nghĩ rằng vì tuân thủ ngân sách, ưu tiên tài chính của mình và tiết kiệm nhiều tiền hơn, cô đã có thể sống thoải mái hơn rất nhiều.
Ảnh: Tổng hợp
Chia sẻ mới nhất của người đàn ông khiếm khuyết bị xe buýt ngó lơ Thời gian vừa qua, đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông khiếm khuyết đứng chờ xe buýt tại Nghệ An nhưng lại bị ngó lơ đã tạo ra một làn sóng bức xúc trên mạng xã hội. Sau khi video này được chia sẻ rộng rãi, lãnh đạo Phòng Quản lý Vận tải và Công ty xe buýt Đ.B cũng đã...