Hai ca Covid-19 ở Sài Gòn chuyển 5 bệnh viện, tiếp xúc hơn 100 người
Người đàn ông quốc tịch Mỹ, 57 tuổi và vợ, 46 tuổi, khám hai bệnh viện ở Đà Nẵng, chuyển tiếp tới 3 bệnh viện ở TP HCM mới được xét nghiệm nCoV và xác định dương tính.
Chiều 29/7, hai bệnh nhân ở TP HCM được Bộ Y tế công bố dương tính nCoV. “Bệnh nhân 449″ là người đàn ông 57 tuổi (quốc tịch Mỹ) và “bệnh nhân 450″ là vợ (quốc tịch Việt Nam).
“Bệnh nhân 449″ trước đó sống ở Đà Nẵng có dấu hiệu về hô hấp cuối tháng 6, nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, ngày 6/7 chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Ngày 21/7, cả hai người được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đến bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM bằng xe cấp cứu. Tuy nhiên, người này chỉ ở bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 10 tiếng; sau đó chuyển đến Bệnh viện Triều An một tiếng rồi xin chuyển về Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân).
Ngày 28/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, tối cùng ngày chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
“Bệnh nhân 450″ là người chăm sóc chồng, xuất hiện triệu chứng bệnh vào ngày 26/7, kết quả xét nghiệm cũng dương tính nCoV sau đó.
Công an, dân quân chốt chặn trước khách sạn, nơi bệnh nhân từng lưu trú, trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11, trưa 29/7. Ảnh: Hà An.
Sáng 29/7, do liên quan đến hai ca bệnh này, Bệnh viện Quốc tế City ở quận Bình Tân thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Trong ba ngày tới, bệnh viện sẽ không đón khách thăm bệnh, nhà thầu. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và kiểm soát nguy cơ lây lan mầm bệnh trong bệnh viện, theo chỉ đạo của Sở Y tế TP HCM.
Ngành y tế đã phun xịt, khử khuẩn và phong tỏa khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 11), đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy, vì liên quan hai ca nhiễm nCoV. Bốn nhân viên tiếp xúc trực tiếp đã được đi cách ly tập trung, người còn lại và 48 khách tự cách ly theo dõi tại khách sạn.
Ngoài ra, con hẻm trên đường Hoàng Ngân, phường 16, quận 8 – nơi có nhà “bệnh nhân 450″ ghé qua – cũng bị phong tỏa. Hơn 50 hộ dân (190 nhân khẩu) tại đây bị cách ly.
Tại buổi họp báo Thông tin về tình hình dịch Covid-19 và công tác ứng phó của TP HCM chiều 29/7, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (Sở Y tế TP HCM) cho biết, đã xác minh được 148 người liên quan đến hai ca nhiễm, 10 người đang xác minh, một trường hợp đang truy vết; đã lấy mẫu 147 trường hợp (121 âm tính, 26 đang chờ kết quả).
Video đang HOT
Trong đó, 81 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và gián tiếp ở Bệnh viện City đều âm tính, 27 trường hợp ở Bệnh viện Chợ Rẫy có tiếp xúc bệnh nhân cũng âm tính.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tại cuộc họp báo chiều 29/7. Ảnh: Hà An.
Sáu ngày qua, Việt Nam ghi nhận 42 ca nhiễm cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng 34 ca, Quảng Ngãi một ca, Quảng Nam ba ca, Hà Nội hai ca, Đăk Lăk một ca, TP HCM hai ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Tổng số ca nhiễm lên 459, trong đó 369 người đã khỏi, còn 90 bệnh nhân đang điều trị.
Hơn 81.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 472 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thế giới ghi nhận khoảng 660.000 người chết trong khoảng 17 triệu ca nhiễm tại 213 quốc gia. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và số tử vong cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất.
Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẵn sàng đón 120 ca Covid-19 từ Guinea Xích Đạo
Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đón đoàn công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước, trong đó có 120 ca dương tính nCoV.
Một vài giờ trước thời điểm chuyến bay hạ cánh sân bay Nội Bài (29/7), các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang chuẩn bị những công tác cuối cùng cho việc tiếp nhận điều trị. Chuyến bay có 219 hành khách, trong đó 120 ca đã được xác nhận dương tính SARS-CoV-2.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện, cho biết, đơn vị dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) với 400 - 500 phòng bệnh để phục vụ điều trị, chăm sóc các trường hợp này.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội)
Bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 được tiếp nhận tại ba khoa là Nhiễm khuẩn tổng hợp, Nội tổng hợp và Virus ký sinh trùng. Những trường hợp âm tính hoặc chưa có kết quả xét nghiệm sẽ rải rác phân về các khoa phòng khác. Riêng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực dành để điều trị cho các trường hợp có diễn tiến nặng.
Tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa, đã cùng đồng nghiệp trao đổi, phân công nhiệm vụ lần cuối trước khi tiếp đón bệnh nhân. Theo kế hoạch, tất cả các hành khách trên chuyến bay sẽ được tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu, sau đó phân luồng di chuyển tới các khoa phòng khác.
Bác sĩ Trần Văn Bắc trong cuộc họp tại Khoa Cấp cứu trước giờ tiếp nhận bệnh nhân
Bác sĩ Bắc thông tin, khoa hiện đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị bao gồm máy thở, máy hút đờm, bình oxy, bộ đặt ống nội khí quản... để sẵn sàng cấp cứu cho các trường hợp nặng.
Các khu vực điều trị đều có hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân kết nối với chuông cảnh báo bên ngoài. Khi người bệnh rơi vào tình huống xấu, bác sĩ sẽ được báo động để ứng cứu kịp thời.
Toàn khoa có khoảng 32 giường, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và vấn đề giãn cách tránh lây nhiễm, khoa dự kiến tiếp nhận tối đa 15 bệnh nhân nặng.
Các giường bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi giường đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét để hạn chế khả năng lây nhiễm
Hệ thống máy thở, bình oxy cho các trường hợp nặng
Dụng cụ đặt ống nội khí quản cấu tạo dạng hộp trong suốt, có vị trí để bác sĩ cho tay vào thao tác, giúp giảm thiểu sự phơi nhiễm cho nhân viên y tế
Hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân kết nối với chuông cảnh báo bên ngoài hỗ trợ bác sĩ ứng cứu kịp thời khi người bệnh rơi vào tình huống xấu
Bên cạnh các phòng bệnh phía ngoài, hai phòng áp lực âm với hệ thống thông khí riêng được dành để điều trị cho những trường hợp có nồng độ virus cao, khả năng lây nhiễm lớn.
Bác sĩ Bắc chia sẻ, do tạm thời chưa có bệnh nhân nặng, Khoa Cấp cứu hiện chỉ phân công bốn y bác sĩ trực tại khoa để phối kết hợp cùng các khoa phòng khác. Hơn 20 nhân sự khác còn lại ở vòng ngoài, sẵn sàng cho việc huy động khi cần thiết.
Hai phòng áp lực âm với hệ thống thông khí riêng được dành để điều trị cho những trường hợp có nồng độ virus cao
Tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, điều dưỡng Phạm Thị Kim Phương cùng đồng nghiệp cũng khẩn trương chuẩn bị, sắp xếp các đồ dùng tiêu chuẩn đặt tại phòng cách ly cho bệnh nhân. Mỗi gói đồ gồm kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, sữa tắm, cốc uống nước.
Chị Phương tâm sự, đây là lần thứ hai chị cách ly tại bệnh viện để tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. "Tôi đã có 15 năm trong nghề, những lần cách ly thế này rất nhớ hai con ở nhà, nhưng đây là nhiệm vụ chung nên tôi sẽ cố gắng hết sức", điều dưỡng Phương tâm sự.
Các nữ điều dưỡng chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho người bệnh
Các phòng bệnh tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân
Dự kiến, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp sẽ tiếp nhận điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thêm, bệnh viện bố trí khoảng 250 nhân viên, bao gồm cả y bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, hậu cần để phục vụ cho viêc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 lần này. Tất cả sẽ cách ly tại viện để tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Hành trình phức tạp của 2 bệnh nhân Quảng Nam trước khi phát hiện mắc COVID-19 Trước khi được xác định dương tính nCoV, 2 bệnh nhân ở Quảng Nam từng ra Đà Nẵng, trong đó 1 người dự tiệc cưới với ca 416, người còn lại tới Bệnh viện Đà Nẵng. Chiều tối 28/7, Việt Nam ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc COVID-19 ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nâng số người nhiễm virus corona ở nước...