Hai bé sinh đôi bị bố mẹ chối bỏ giữa mùa dịch, ông bà nghèo không biết lấy gì nuôi cháu
Hai bé gái sinh đôi xinh xắn, đáng yêu nhưng vừa chào đời được vài ngày đã bị bố mẹ bỏ lại bệnh viện rồi đi biệt tích, không một lời dặn dò.
Vừa ra đời đã bị bố mẹ chối bỏ
Trong căn phòng chật chội chỉ đủ kê một chiếc nệm, tủ lạnh và tủ kéo nhỏ, vợ chồng ông Lâm (53 tuổi), bà Thơm (62 tuổi) hoang mang bế trên tay hai đứa cháu ngoại sinh đôi. Hai bé sinh non khi mới được hơn 6 tháng tuổi. Vừa chào đời được vài ngày thì bị bố mẹ bỏ rơi ở bệnh viện rồi đi biệt tích, không một lời dặn dò. Ông bà biết chuyện nên đón hai cháu về nuôi dưỡng. Đặt tên cho các bé là Yến Nhi và Tuyết Linh.
” Thương chúng quá nên đón về chứ lúc đó cũng không biết sẽ lấy gì để nuôi các cháu” – ông ngoại nghẹn ngào nói.
Yến Nhi và Tuyết Linh sinh non nên sức khỏe yếu hơn bình thường, một bé có vấn đề về mắt phải nhập viện Nhi đồng điều trị.
Ông Lâm, bà Tho và hai cháu Yến Nhi, Tuyết Linh lúc 2 tháng tuổi.
Những ngày đầu, ông bà chăm cháu rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ, phải tắm cho cháu trong chậu rửa chén, nhặt miếng xốp về kê làm đệm nằm. Cháu đói bụng, khóc đòi sữa là ông bà lúng túng, cuống quýt cả lên. Đêm cháu quấy thì ông bà cũng thức trắng.
Người trẻ chăm trẻ nhỏ đã cực, huống chi hai ông bà tuổi đã cao, lại nhiều bệnh. Ông Lâm bẩm sinh bị động kinh, còn bà Thơm bị đau thần kinh tọa. Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, ông bà vẫn phải đi làm mướn mưu sinh, giờ lại cưu mang hai cháu nhỏ, khó khăn chồng chất khó khăn.
Biết hoàn cảnh của hai ông bà, mạnh thường quân đã tìm tới để hỗ trợ mua sắm đồ đạc, sữa, tã,… cho cặp sinh đôi. Hàng xóm, láng giềng cũng sang phụ chăm các bé nên ông bà cũng đỡ phần nào.
Video đang HOT
Hàng xóm sang hỗ trợ hai ông bà chăm cháu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Yến Nhi và Tuyết Linh hiện đã được hơn 8 tháng tuổi. Từ hai đứa trẻ sinh non chỉ nặng xấp xỉ 2kg, đến giờ trộm vía hai bé đã lớn thấy rõ, trắng trẻo, bụ bẫm, xinh xắn, khỏe mạnh. Nhưng vì sinh non tới 3 tháng nên hai bé cũng chậm hơn các bạn khác. Hiện cả hai mới biết lật chứ chưa biết ngồi. Ông bà chăm cháu đã quen nên cũng đỡ vất vả.
“Cho cháu vào chùa thì nhớ nó lắm”
Thời điểm TP.HCM bùng dịch covid-19, ông Lâm, bà Thơm đều bị dương tính, điều trị tại nhà. Bà bị nặng nên lên gác xép nằm cách ly. Còn ông có triệu chứng nhẹ hơn thì ở dưới chăm sóc hai cháu. Ơn trời, dù ông bà đã cao tuổi, lại nhiều bệnh nền nhưng vẫn tai qua nạn khỏi.
Có dịp kể về con gái lớn (là con riêng của bà Tho và người chồng quá cố – PV), mẹ của Yến Nhi và Tuyết Linh, bà Thơm cho hay con gái bà không được bình thường. Chị và chồng sống chung với nhau chứ chẳng cưới xin gì, trong vòng mấy năm mà mang thai liên tục. Hai lần đầu chị bỏ thai, hai lần sau lần lượt sinh các con hiện được 4 tuổi và 2 tuổi. Rồi tiếp đến lại sinh thêm Yến Nhi và Tuyết Linh.
Ông Lâm chăm cháu giờ đã quen tay.
Hoàn cảnh của con gái bà Thơm cũng rất éo le. Một mình chồng đi làm phụ hồ nuôi ông chú, bà cô, vợ và các con. Có lẽ vì vậy mà khi có thêm cặp sinh đôi, cả hai không thể kham nổi nữa, đành bỏ đi, để lại con cho ông bà ngoại. Hai bé lớn hiện tại cũng ở với một người chú.
Được biết gần đây, thỉnh thoảng bố mẹ của Yến Nhi và Tuyết Linh có gọi điện về hỏi thăm các con. Nhưng hiện anh chị ở đâu, làm gì thì ông bà không nắm được.
Ông Lâm, bà Thơm còn có một người con trai chung, năm nay 21 tuổi, đang làm công nhân ở Bình Dương. Thương bố mẹ già lại có bệnh, anh khuyên bố mẹ nên gửi các cháu vào chùa. Nhưng ông bà nhất định không chịu, vì nuôi nấng, chăm sóc cháu đến nay cũng đã hơn 8 tháng trời, tình cảm ruột thịt gắn bó nên ông bà không nỡ. Bà bảo: ” Cho cháu đi vào chùa thì nhớ nó lắm“.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Yến Nhi và Tuyết Linh hiện cũng đã được hơn 8 tháng tuổi.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông bà vẫn quyết tâm nuôi dưỡng 2 cháu.
Gian nan, vất vả chắc chắn sẽ còn nhiều nhưng ông bà chỉ biết đến đâu hay đến đó. Hai đứa trẻ cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của ông bà khi mỗi ngày được chứng kiến các cháu lớn khôn, mạnh khỏe.
Biết hoàn cảnh của ông bà và hai cháu, các mạnh thường quân đã quyên góp được tổng số tiền là 90 triệu đồng để giúp đỡ gia đình. Số tiền này sau gần nửa năm trang trải hiện còn 70 triệu đồng.
Các mạnh thường quân dự định sẽ lập kế hoạch giúp đỡ ông bà và các cháu lâu dài. Trước mắt là mua sắm thêm đồ dùng cho hai bé, đồng thời chia số tiền thành nhiều khoản nhỏ để mở sổ tiết kiệm. Hàng tháng ông bà có thể rút một sổ nhỏ về trang trải, số còn lại sẽ phát sinh thêm lãi để chi tiêu.
Thương chúc ông bà thật nhiều sức khỏe để có thểm là chỗ dựa cho hai cô cháu gái thiệt thòi.
Nguồn: Quốc chiến Channel
Khi ông bà học online cùng cháu
Từ khi cháu nội vào năm học, vợ chồng bà giáo già Ngô Thị Hằng chia lại việc nhà: ông cơm nước, còn bà làm gia sư kèm cháu học online.
8 năm trước, bà Ngô Thị Hằng nghỉ hưu sau 30 năm làm giáo viên tiểu học trường huyện. Nhiều tháng qua, bà có thêm nhiệm vụ mới, khi vợ chồng con trai ở Hà Nội gửi con về tránh dịch và kẹt lại từ tháng 5. Lúc về quê, cậu bé Tuấn Kiệt chưa thi xong học kỳ II lớp 1. Bây giờ, cậu đang học lớp 2, bằng hình thức trực tuyến.
Ở Hà Nội, Tuấn Kiệt học trường công, lớp hơn 50 học sinh. Bà giáo kể lúc mới về với ông bà, bé viết chữ không theo hàng lối, làm toán vẫn dùng ngón tay. Kiệt không thích học, lại thiếu tập trung nên mỗi lần bà yêu cầu ngồi vào bàn, cậu bé lại nước mắt ngắn, dài. Bà Hằng khổ sở uốn nắn từng nét chữ, cách đọc và làm toán; nhiều lúc vẫn phát bực vì cháu chậm tiến bộ.
Nghĩ cháu sẽ khó theo được các bạn khi trở lại Hà Nội học trực tiếp, bà Hằng quyết định lên kế hoạch kèm cặp. Vợ chồng bà phân công nhau làm việc nhà, thay đổi lịch sinh hoạt để dành tối đa thời gian cho cháu.
Kiệt học online buổi sáng từ 8h đến 11h. 5h30 hàng ngày, cậu bé được gọi dậy đi đạp xe ở sân vận động gần nhà với ông nhằm rèn luyện sức khỏe. Bà Hằng cũng phải dậy sớm đi chợ cho cả ngày, tranh thủ dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng để cháu kịp giờ học.
Từ 8h, bà ngồi học online với cháu đến trưa, còn ông có nhiệm vụ cơm nước. Nghỉ trưa hai tiếng, Tuấn Kiệt tiếp tục học với bà đến 17h rồi đi bộ cùng ông. Buổi tối, bà Hằng cho cháu học thêm một tiếng rồi đi ngủ. "Ngày nào cũng theo thời khóa biểu đó vì chỉ cần nghỉ một hôm, hôm sau tôi sẽ rất vất vả dạy lại. Thời gian này, tôi bận hơn có con mọn", bà Hằng nói.
Biết cháu mải chơi và thiếu tập trung, bà giáo hơn 60 tuổi không dám rời vị trí để tập trung kiểm soát tốt việc mở, tắt mic hay nhắc nhở cháu trả lời cô giáo. Bà kể, nhờ đã nâng cấp gói mạng từ trước nên đường truyền ổn định, Kiệt không bị out khỏi lớp. Nhưng cô giáo bị thoát ra và vào lại liên tục khiến nhiều tiết học bị gián đoạn.
Sau thời gian được bà kèm cặp, cậu bé đã "viết thành hình thành chữ", biết đặt phép tính và trình bày gọn gàng vào vở.
Tương tự, cho con về quê nghỉ hè rồi không thể quay lại thành phố, nhiều phụ huynh trẻ ở TP HCM phó thác việc dạy con cho ông bà. Anh Lê Đức Kiên, ngụ TP Thủ Đức kể, con gái lớp 4 đang ở TP Pleiku, Gia Lai, theo học tuần thứ tư trường tiểu học cũ. Bé về quê thăm ông bà nội từ tháng 5 và mắc kẹt đến nay.
Hồi đầu tháng 9, gia đình anh phân vân giữa việc học chương trình online theo trường cũ hay nhập học ở quê bởi tình hình dịch bệnh ở Gia Lai tương đối ổn định. Do con gái nhút nhát, ngại học với bạn bè lạ, anh đành cho bé học trực tuyến.
Ở quê, ông bà có sẵn một bộ máy tính cũ do anh chuyển về từ tết năm ngoái nhưng không có tai nghe, webcam. Anh Kiên phải nhờ cậu em họ là hàng xóm mua giúp những thiết bị này, lắp ráp và hướng dẫn con gái sử dụng. Máy tính cũ nên hay chập chờn, nhiều hôm màn hình không lên hoặc không kết nối webcam được. Mỗi lúc như vậy, con gái lại gọi điện mách bố khiến anh phải nhờ cậu em họ chạy qua nhà giúp.
Từ 8/9, trường bắt đầu dạy chương trình mới vào các buổi sáng, 4 tiết học trong hơn hai tiếng, kể cả giải lao. Khi đó, vợ chồng anh thay nhau gọi video call về cho con mỗi sáng, hỏi thăm rồi nhắc nhở con học ngoan. Ông, bà gần 70 tuổi thay nhau kèm cặp cháu nội học, chủ yếu là ngồi kế bên nhắc nhở nếu bé sao nhãng. Thỉnh thoảng gặp bài toán khó, cô bé quay hỏi ông, bà nhưng chỉ nhận được tiếng cười xoà.
"Bây giờ sách giáo khoa khác xa ngày xưa rồi, có nhiều bài bố mẹ còn chẳng biết giảng cho các con thế nào, huống gì ông bà thời 50 năm trước", anh kể. Buổi tối sau bữa cơm, anh gọi con qua Zalo hoặc kết nối Google Meet, vừa để hỏi thăm, vừa giảng bài. Hôm nào nhiều bài, hai bố con học với nhau một tiếng rưỡi, vừa học vừa trò chuyện. Gặp ngày ít bài hoặc anh có công việc, bố con chỉ nói chuyện với nhau chừng 20 phút.
Trải qua kỳ nghỉ ở quê lâu nhất từ trước đến nay, con gái thường nũng nịu, đòi bố mẹ cho vào Sài Gòn. Khi được giải thích ở thành phố dịch đang phức tạp, ở quê yên bình hơn, bé lại nguôi ngoai. Vài tuần gần đây, con gái anh Kiên quen được vài người bạn cùng lứa trong xóm, rủ nhau đi chơi buổi chiều nên đỡ buồn hơn. "Học ở quê cũng là trải nghiệm quý nếu nhìn ở hướng tích cực. Bé đã biết tự lập nhiều việc, biết giúp ông bà trồng rau, nuôi gà, những việc mà ở thành phố chưa từng biết", anh kể.
Giống như anh Kiên, nhiều phụ huynh khác ở TP HCM có con đang mắc kẹt ở các tỉnh miền Tây hoặc Nam Trung Bộ phải nhờ ông bà hoặc người thân đôn đốc việc học cho con.
Cuối tháng 9, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 40 tỉnh, thành vẫn dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình. Tại Hà Nội, TP HCM, hàng trăm nghìn học sinh về quê, chưa thể quay lại thành phố do dịch bùng phát. Có phụ huynh cho con học tạm một trường ở quê, có người cho con học trực tuyến với trường, lớp cũ.
Có tình trạng chuyển nặng vì tâm lý e ngại đi bệnh viện mùa dịch Tại Hà Nội, các bệnh viện có những hình thức tư vấn qua điện thoại, đặt lịch hẹn khám... đảm bảo công tác chuyên môn và phòng dịch. Khoa Khám bệnh đa khoa Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp bệnh nhi từ 6 giờ sáng.Ảnh KHÁNH CHI Tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Nhi T.Ư đều...