Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 384 tỷ đồng trong năm 2019
Doanh thu năm 2019 dự kiến tăng 9,4% so với năm trước tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước đạt 384,5 tỷ đồng, thấp hơn gần 40% kết quả đạt được năm 2018.
Ngày 25/4/2019, Tổng CTCP Bia – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã BHN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tại trụ sở của Tổng công ty tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.
Tại Đại hội, các cổ đông biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng của Tổng công ty như thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019.
Năm 2018 vừa qua, Habeco tiêu thụ tổng sản lượng 429,4 triệu lít các sản phẩm chủ yếu bao gồm 426,1 triệu lít bia và 3,3 triệu lít nước uống đóng chai UniAqua. Nhờ vậy, Habeco ghi nhận 7.558,1 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính (đã bao gồm thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt) qua đó tạo ra 637 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế thu về 517,9 tỷ đồng.
Dự báo năm 2019, bên cạnh những thuận lợi từ môi trường vĩ mô, Habeco sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn đến từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là sự cạnh tranh với các thương hiệu bia hàng đầu thế giới.
Do đó, Habeco lên kế hoạch kinh doanh cho năm tới với mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đạt 438,1 triệu lít trong đó bao gồm 434,5 triệu lít bia các loại và 3,6 triệu lít nước uống đóng chai UniAqua.
Với sản lượng ước tính trên, Habeco dự kiến doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 8.270,8 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước đạt 384,5 tỷ đồng, thấp hơn gần 40% kết quả đạt được năm 2018. Lợi nhuận sau thuế dự kiến thu về 310,09 tỷ đồng.
Cũng tại Đại hội, cổ đông của Habeco đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 với tổng số tiền chia cổ tức là 1.752 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 75,57%.
Video đang HOT
Trên thị trường, cổ phiếu BHN “lình xình” trong vùng giá 82.000 – 85.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 6 tháng trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/04, cổ phiếu BHN dừng ở mức 82.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với thời điểm cách đây 1 năm.
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
LienVietPostBank sẽ chuyển sàn HOSE "càng sớm càng tốt"
"Dù hạn chót của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cuối năm 2020, song LienVietPostBank từ năm 2018 đã tìm công ty tư vấn để thực hiện chuyển sàn càng sớm càng tốt!" - đại diện LienVietPostBank chia sẻ.
Ban lãnh đạo LienVietPostBank đã trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 (Nguồn: VT)
Ngày 24/4/2019, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank- Mã CK: LPB) đã tổ chức buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019. Tại phần thảo luận, bên cạnh các câu hỏi về hoạt động sản xuất kinh doanh, các vấn đề liên quan đến cổ phiếu LPB cũng được cổ đông hết sức quan tâm.
Thực hiện chuyển sàn càng sớm càng tốt!
Trong đó, các cổ đông phản ánh việc thị giá cổ phiếu LPB ở trên sàn giao dịch chứng khoán vẫn còn ở mức thấp khiến việc tăng vốn gặp khó khăn. Chia sẻ với nỗi lo ngại này của cổ đông, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) LienVietPostBank - cho biết thị giá cổ phiếu LPB trên thị trường phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, theo đại diện của LienVietPostBank, một số công ty chứng khoán tính toán giá trị hợp lý của cổ phiếu LPB phải từ 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá trên sàn chứng khoán.
Trước đề nghị của cổ đông về việc xem xét lại hoạt động của CTCP Chứng khoán Liên Việt và đề nghị có sự hỗ trợ để cải thiện giá cổ phiếu, ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT - cho biết ngân hàng chỉ nắm 11% vốn tại công ty này nên không có tác động chi phối. Tuy nhiên, đại diện của LienVietPostBank cũng cho biết sẽ đề nghị công ty chứng khoán này hỗ trợ trong việc đưa cổ phiếu về giá trị thực.
Tại đại hội, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu thông qua tờ trình HĐQT về việc chuyển giao dịch cổ phiếu LPB từ hệ thống giao dịch Upcom sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Thời hạn được "chốt" trước ngày 31/12/2020.
Chia sẻ thêm về hoạt động này, đại diện ngân hàng cho biết việc chuyển sàn sang HOSE sẽ góp phần giúp cổ phiếu LPB tạo được sự chú ý của các nhà đầu tư.
"Bởi vậy, dù hạn chót của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cuối năm 2020, song LienVietPostBank từ năm 2018 đã tìm công ty tư vấn để thực hiện chuyển sàn càng sớm càng tốt!" - đại diện LienVietPostBank chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank phát biểu tại cuộc họp
Mong cổ đông kiên trì chờ "hái quả"
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT), năm 2018, LienVietPostBank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu ĐHĐCĐ đã đề ra. Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của của nhà băng này đạt 175.095 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 10.201 tỷ đồng. Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 138.229 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, dư nợ tín dụng đạt 120.972 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.213 tỷ đồng. Bên cạnh đó, LienVietPostBank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2018, đưa vốn điều lệ từ gần 7.500 tỷ đồng lên hơn 8.881 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn chưa làm hài lòng một số cổ đông, đặc biệt là vấn đề mở rộng mạng lưới về các vùng sâu, vùng xa thay vì các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Về vấn đề này, ông Phạm Doãn Sơn cho hay mạng lưới của LienVietPostBank có được nhờ cổ đông chiến lược VNPost góp vốn bằng quyền khai thác hệ thống bưu cục, bưu điện trên toàn quốc. Nhờ nâng cấp những địa điểm này thành Phòng giao dịch, ngân hàng đang có lợi thế rất lớn mà "không phải ai cũng có được".
"Tuy nhiên việc mở rộng và kiện toàn liên tục khiến số lượng nhân sự tăng lên. Chúng tôi cũng chọn cách phát triển biền vững nhờ đẩy mạnh thu hút trên kênh huy động bưu điện, dù có giá vốn cao hơn nhưng ổn định, thay vì các khách hàng lớn có chi phí vốn thấp nhưng thiếu ổn định, dẫn tới kết quả kinh doanh năm ngoái suy giảm" - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - cho biết quá trình mở rộng, nâng cấp hệ thống gần như đã hoàn tất và thời gian sắp tới là giai đoạn "hái quả".
"Chúng ta cần kiên trì, chịu khó lâu dài một chút. Hết năm nay mạng lưới sẽ có đủ. Mà có mạng lưới thì mới bán lẻ được. Hiện mạng lưới của ngân hàng ở Hà Nội và TP.HCM thì quận nào ngân hàng cũng có. Tuy nhiên phải thừa nhận rất khó cạnh tranh với các ngân hàng, công ty tài chính khác ở các thành phố lớn, trong khi thị trường vùng sâu vùng xa rất tiềm năng, được NHNN khuyết khích mà đối thủ cạnh tranh gần như chỉ có Agribank" - ông Thắng chia sẻ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường I đạt 165.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 140.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng này lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước.
Ngoài ra, trong Đại hội lần này, các cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2018 từ lợi nhuận sau thuế và cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ năm 2019 của ngân hàng lên gần 9.770 tỷ đồng.
Về cổ tức, LienVietPostBank dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2018 là 10%. Được biết, trong 10 năm qua, ngân hàng này đã chia cổ tức cho cổ đông gần 105%, với trên 90% là tiền mặt.
Theo viettimes.vn
Lợi nhuận quý 1 của Coteccons giảm 35%, rơi xuống mức thấp nhất gần 4 năm Lợi nhuận sụt giảm mạnh chủ yếu là do lợi nhuận từ công ty liên kết giảm sâu từ 63,2 tỷ xuống 0,8 tỷ đồng. Sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 nhiều "sóng gió", CTCP Xây dựng Coteccons vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 với doanh thu sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ, từ...