Hạ viện Anh lại bỏ phiếu chống, Brexit sẽ khó diễn ra vào ngày 31/10
Tối ngày 22/10, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu trống, khiến khả năng nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 với một thoả thuận trở nên khó khăn.
Với 322 phiếu chống so với 308 phiếu thuận, Hạ viện Anh tối 22/10 đã bác bỏ lịch trình thông qua thoả thuận Brexit mới mà chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đệ trình.
Theo lịch trình này, các nghị sĩ Anh sẽ phải xem xét 110 điều khoản của thoả thuận Brexit mới và tiến hành bỏ phiếu trong vòng 3 ngày, để hoàn tất mọi việc vào thứ Năm, 24/10.
Phe phản đối cho rằng, lịch trình này quá gấp và không đủ để phân tích và đánh giá kỹ lưỡng mọi tác động của thoả thuận Brexit mới, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến vấn đề hải quan biên giới và quyền của người lao động.
Quốc hội Anh ngày 19-10 đã hoãn đưa thỏa thuận Brexit mới ra bỏ phiếu. (Ảnh minh họa: KT)
Video đang HOT
Kết quả bỏ phiếu này tiếp tục là một thất bại nữa với Thủ tướng Anh Boris Johnson bởi điều đó đồng nghĩa với việc Brexit gần như không thể được thực thi kịp thời hạn ngày 31/10 và ông Boris Johnson sẽ buộc phải yêu cầu EU gia hạn thêm Brexit.
Phát biểu ngay sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng Anh tuyên bố, ông sẽ tạm dừng quy trình thảo luận về thoả thuận Brexit tại Hạ viện Anh để chờ các phản ứng từ EU và tính toán các bước đi tiếp theo.
“Tôi rất thất vọng vì Hạ viện đã lựa chọn việc trì hoãn thay vì một lịch trình đảm bảo cho Vương quốc Anh có thể rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới với một thoả thuận. Giờ đây chúng ta sẽ lại phải đối mặt thêm với sự bất an và phải chờ xem EU sẽ trả lời ra sao với yêu cầu gia hạn của Hạ viện. Chính phủ Anh cũng sẽ thực hiện việc làm có trách nhiệm duy nhất bây giờ là chuẩn bị cho việc rời EU mà không có thoả thuận” , Thủ tướng Boris Johnson nói.
Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn mặc dù chỉ trích chính phủ của ông Johnson nhưng đưa ra đề nghị Chính phủ Anh thảo luận với phe đối lập một lịch trình hợp lý hơn.
Trước đó, trong phiên bỏ phiếu đầu tiên trong tối 22/10, Chính phủ của ông Johnson đã giành một chiến thắng đáng kể khi đa số nghị sĩ Anh (329 phiếu thuận, 299 phiếu chống) đã đồng ý về nguyên tắc sẽ thảo luận các chi tiết của luật hướng dẫn thực hiện thoả thuận Brexit mới.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù đây chưa phải là việc bỏ phiếu thông qua nội dung của thoả thuận Brexit, nhưng là tín hiệu cho thấy, Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu có khả năng tập hợp được một đa số để giúp thoả thuận Brexit được Hạ viện Anh phê chuẩn./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Nghị sĩ Anh muốn làm sống lại thoả thuận Brexit của cựu Thủ tướng May
Một nhóm nghị sĩ Anh đang lên kế hoạch đưa thoả thuận Brexit của cựu Thủ tướng Theresa May trở lại bỏ phiếu tại Nghị viện.
Do lo ngại đương kim Thủ tướng Boris Johnson vẫn sẽ làm mọi cách để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019, một nhóm nghị sĩ Anh đang lên kế hoạch đưa thoả thuận Brexit của cựu Thủ tướng Theresa May trở lại bỏ phiếu tại Nghị viện Anh vào cuối tháng 10/2019.
Nhiều bất ổn vẫn phía trước nước Anh. Ảnh: Reuters.
Truyền thông Anh cho biết, nhóm nghị sĩ này đến từ các đảng khác nhau, gồm Công đảng, đảng Tự do-dân chủ và cả một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ. Nhóm này dự định tận dụng quãng thời gian 5 tuần đóng cửa Nghị viện để vận động đủ số nghị sĩ cần thiết.
Trên thực tế, văn bản mà nhóm này hướng đến không phải là bản thoả thuận Brexit nguyên bản mà bà Theresa May đã ký với EU vào tháng 11/2018 mà là bản có sửa đổi trong các đàm phán giữa chính phủ của bà May với Công đảng đối lập vào tháng 5/2019.
Một điểm quan trọng khác là việc đưa bản thoả thuận này trở lại bỏ phiếu cũng sẽ đi kèm với việc yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit nếu bỏ phiếu thất bại. Đây là khả năng dễ xảy ra bởi đầu năm nay, Nghị viện Anh đã 3 lần bác bỏ thoả thuận Brexit của bà Theresa May do không chấp nhận điều khoản "chốt chặn - backstop" liên quan đến biên giới Bắc Ireland.
Kế hoạch này được đưa ra do bất chấp việc ra luật chống Brexit không thoả thuận lẫn những cảnh báo về pháp lý, nhiều nghị sĩ Anh vẫn lo ngại chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sẽ phớt lờ yêu cầu từ Nghị viện để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 mà không có thoả thuận.
Hôm 9/9, trong phiên họp cuối cùng trước khi phải tạm đóng cửa 5 tuần, Hạ viện Anh đã bác bỏ yêu cầu tổ chức tuyển cử sớm từ ông Boris Johnson, khiến chính trường Anh hiện tại đang trong tình thế vô cùng bất trắc và khó dự đoán.
Bày tỏ về khả năng nước Anh sẽ phải có một chính phủ tạm thời trong tháng 10/2019 để đề nghị với EU việc gia hạn Brexit nếu ông Boris Johnson kiên quyết từ chối làm việc đó, trong sáng ngày 11/9, nghị sĩ kỳ cựu Ken Clarke, một gương mặt rất có uy tín trong đảng Bảo thủ và nằm trong số 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ bị Thủ tướng Anh Johnson loại khỏi đảng, cho biết ông sẵn lòng đảm nhiệm vai trò đứng đầu. Trước đó, các đảng đối lập đã bàn đến khả năng liên minh để lật đổ chính phủ của ông Boris Johnson và đưa một chính trị gia có uy tín lên làm Thủ tướng tạm quyền./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Tiếp tục cuộc chiến kịch tính về Brexit Tuần này sẽ tiếp tục là một tuần gập ghềnh với vấn đề Brexit của Anh. Sau khi Thủ tướng Boris Johnson hân hoan vì đạt được thỏa thuận Brexit với EU hôm 19/10 thì cuối tuần qua, Quốc hội Anh lại từ chối thông qua thỏa thuận này. "Cuộc chiến" nội bộ của nước Anh về Brexit sẽ tiếp tục tuần này...