‘Hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng nhỏ’
Theo KBSV, việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng thương mại nhỏ. Ở chiều cho vay, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 6 – 7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay nếu việc giảm lãi suất được thực hiện trên diện rộng.
Hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng nhỏ (Ảnh minh họa)
Ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, trần lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm.
Trần lãi suất huy động được giảm 0,5 điểm%, xuống còn 5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng.
Trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mức độ tác động của việc hạ trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng đối với hệ thống ngân hàng thương mại là không nhiều do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì tương đối cao.
“Tuy nhiên, nếu xét riêng đối với các ngân hàng thương mại nhỏ, việc hạ trần lãi suất lần này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng vốn huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng)”, KBSV lưu ý.
Nhìn chung, theo công ty chứng khoán này, mặt bằng lãi suất đang có diễn biến trái chiều với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Video đang HOT
Nguyên nhân chính của hiện tượng này xuất phát từ áp lực tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại nhỏ – nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, kéo theo việc tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại lớn để giữ thị phần.
“Việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt đang tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng thương mại nhỏ này và qua đó phần nào giúp giải quyết vấn đề trên”, phía KBSV nêu quan điểm.
Đối với lãi suất cho vay, dư nợ tín dụng của việc vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 25% – 30% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
“Với ước lượng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm (tăng trưởng tín dụng 14%), tác động của việc hạ lãi suất cho vay 0,5%, với giả định sẽ diễn ra trên diện rộng ở toàn bộ khối lượng cho vay trong 2 tháng cuối năm đối với lĩnh vực ưu tiên, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lãi vay vào khoảng 6 – 7 nghìn tỷ đồng”, KBSV ước tính.
Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi thêm động thái của các ngân hàng thương mại lớn để có thể đánh giá toàn diện về xu hướng hạ lãi suất.
Đối với thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán này cho rằng tác động trong ngắn hạn sẽ là tích cực. Theo thống kê dữ liệu lịch sử, trong 8 lần Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động/cho vay giai đoạn 2012 – 2014, chỉ số VN-Index đã tăng trung bình 1,9% sau khi thông tin công bố được 1 tuần.
Đối với tỷ giá, việc giảm lãi suất tiền đồng sẽ giảm phần nào áp lực lên đường tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) và tỷ giá thực đa phương (REER) trong thời gian tới.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp, ít nhất phải giảm lãi suất cho vay 1%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên như vốn phục vụ nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Vậy việc giảm lãi suất này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về việc giảm lãi suất của NHNN?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việc NHNN giảm lãi suất những tháng cuối năm là động thái tích cực và hợp lý tại thời điểm này. Vì các doanh nghiệp vẫn kêu ca lãi suất cho vay cao. Vì vậy để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì việc giảm lãi suất như vậy là hợp lý.
Theo tôi vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc giảm lãi suất này tác động thế nào đến lạm phát? Đúng là bất cứ trường hợp nào mà Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất thì thể hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên tại thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát một cách rất hiệu quả, và hy vọng năm nay tỷ lệ lạm phát là dưới 4%, như Quốc hội đề ra. Nếu NHNN đang kiểm soát lạm phát tốt thì việc giảm lãi suất có thể vẫn ở trong mức độ NHNN kiểm soát được để không bùng phát lạm phát.
Vấn đề thứ hai là giảm lãi suất tác động đến tỷ giá. Khi giảm lãi suất có nghĩa giá trị của tiền đồng so với đô la có thể giảm, có nghĩa là tỷ giá tiền đồng so với đô la sẽ đẩy lên. Điều này có lợi cho xuất khẩu. Việt Nam cũng như tất cả quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế thế giới đang suy giảm và đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, để hỗ trợ cho xuất khẩu thì tăng tỷ giá là điều cần thiết. Và để tăng tỷ giá, việc hạ lãi suất là điều đóng góp cho vấn đề này.
Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp, ít nhất phải giảm lãi suất cho vay 1%
PV: Theo ông, việc hạ lãi suất liệu có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Có thể có mà cũng có thể không. Trước hết giảm lãi suất sẽ giảm doanh thu từ lãi cho các ngân hàng. Thế nhưng nếu chi phí vốn của các ngân hàng cũng giảm thì biên độ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì khoảng 3%. Thành ra doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của họ có thể được duy trì nếu họ giảm lãi suất và giảm cả chi phí vốn.
PV: Đối với thị trường chứng khoán, ông có cho rằng việc giảm lãi suất sẽ tác động mạnh?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Bao giờ cũng vậy, việc giảm lãi suất sẽ đẩy giá chứng khoán lên. Bởi giá chứng khoán, giá cổ phiếu và lãi suất luôn luôn ngược chiều với nhau. Trên nguyên tắc nếu giảm lãi suất lần này, ví dụ là 0,5% thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, giá cổ phiếu sẽ dựa vào rất nhiều yếu tố khác, ngoài vấn đề lãi suất. Chẳng hạn thị trường chứng khoán Việt Nam dựa rất nhiều vào khối ngoại (FDI). Nếu khối ngoại chuyển động mạnh thì nhà đầu tư sẽ rút tiền ra. Rút tiền ra như thế, họ sẽ bán cổ phiếu và đẩy giá cổ phiếu xuống. Ở đây dựa vào rất nhiều điều kiện. Tuy nhiên nếu những điều kiện khác không thay đổi, mà chỉ vấn đề lãi suất không thì hạ lãi suất xuống sẽ đẩy giá cổ phiếu lên.
PV: Theo ông với mức giảm lãi suất 0,5% có đủ hỗ trợ cho doanh nghiệp?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn là có tác động, nhưng có hai yếu tố. Thứ nhất là cần độ trễ, bởi giảm lãi suất không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng. Có những doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất hiện tại cho đến thời điểm lãi suất được điều chỉnh. Thành ra cho đến thời điểm đó, nếu những doanh nghiệp đang chịu lãi suất hiện tại và vẫn còn đang có giá trị thì không có tác động. Thứ hai, lãi suất cho vay cũng đã rất cao (9-11%), bây giờ giảm 0,5% cũng có tác động nhưng có lẽ không nhiều. Nếu muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp thì ít nhất phải giảm 1%.
PV: Thông thường cuối năm, các doanh nghiệp cần rất nhiều vốn, vậy việc giảm lãi suất có làm cho việc thanh khoản của các doanh nghiệp căng thẳng không, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại thanh khoản của các ngân hàng rất tốt. Có lẽ do những vấn đề như nền kinh tế của thế giới cũng suy giảm và tác động tới Việt Nam nên nhu cầu vay của các doanh nghiệp xem ra cũng không căng. Đặc biệt các ngân hàng có thanh khoản tốt thì họ sẵn sàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Nhưng tại thời điểm này, NHHN vừa yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, nên chúng ta phải xem các động thái của các ngân hàng sẽ phản ứng như thế nào. Có thể những ngân hàng đầu tàu, trong đó những ngân hàng có vốn Nhà nước và ngân hàng lớn có thể họ giảm lãi suất ngay. Nhưng các ngân hàng bậc trung, đặc biệt những ngân hàng nhỏ có lẽ phải chờ xem.
Nói về mức độ giảm 0,5% có ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp không thì theo tôi nếu chỉ giảm ở 0,5% không tác động gì. Vì các doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn vay của các ngân hàng, nên chi phí về vốn của các doanh nghiệp rất lớn. Trung bình một doanh nghiệp vay phải trả trung bình từ 9-11%. Nếu bây giờ giảm 0,5% thì giảm chi phí ở mức độ rất thấp. Như vậy, muốn giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp thì cần phải giảm ở mức khoảng 1% như đã nói.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tú Anh
Theo Petrotimes.vn
Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa rộng hơn? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm. V ietcombank đã giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019. Bước đi hợp lý dù hơi muộn...