Hà Tĩnh: Xã xả cống nước ngọt đột ngột, diêm dân mất mùa muối
Thời gian gần đây, hàng trăm diêm dân ở xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” vì UBND xã cho xả cống nước ngọt đột ngột, làm nước biển bị ngọt hóa, chất lượng muối kém.
Diêm dân méo mặt
Mấy ngày qua, phóng viên báo Dân Việt liên tục nhận được phản ánh của người dân xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà về việc UBND xã Thạch Châu xả cống nước ngọt không thông báo cho người dân để họ có phương án phòng tránh khiến 14ha muối của 126 hộ dân bị ngọt hóa, muối không đủ độ, kết tinh kém. Trước những bức xúc của người dân, phóng viên báo Dân Việt đã trực tiếp về đồng muối Châu Hạ để tìm hiểu.
Chị Lê Thị Thiệu thử độ mặn của muối, cho thấy độ mặn thấp sau khi xả cống
Thời điểm này, đang vào chính vụ nhưng quang cảnh đồng muối Châu Hạ vắng hoe không một bóng người. Đã hơn một tuần, việc sản xuất muối gặp khó khăn vì nước biển bị ngọt hóa, độ mặn của muối không đạt dẫn đến kết tinh kém.
Chị Nguyễn Thị Yến (xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu) cho biết: “Hơn 1 tuần nay khi tôi ra ruộng để sản xuất muối thấy nước ở sông Cửa Chùa dâng lên, tưởng nước thủy triều nên vẫn tháo nước từ sông vào ruộng để sản xuất muối. Tuy nhiên, khi thử độ muối thì phát hiện muối bị nhạt, không đủ độ. Qua tìm hiểu tôi mới biết UBND xã Thạch Châu cho xả cống nước ngọt Bình Định để làm công trình thủy lợi”.
Cánh đồng muối Châu Hạ
Video đang HOT
Không giấu nổi bức xúc, bà Phan Thị Thanh (58 tuổi) nói: “Tuần nay cứ ra ruộng muối lại thấy nước từ cống Bình Định chảy mạnh vào sông Cửa Chùa. Mấy ngày đầu thấy muối nhạt, kết tinh kém chúng tôi tưởng do thời tiết, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy cống Bình Định xả nước ngọt từ khu vực xã Thạch Bằng, Thạch Châu qua sông Cửa Chùa ra biển. Tôi về hỏi Bí Thư và xóm trưởng thì họ cũng không hay biết chuyện cống Bình Định xả nước. Hơn một tuần nay trời nắng to nhưng sản muối giảm mạnh do nước biển bị ngọt hóa, độ mặn của muối không đạt”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cống Bình Định là cống điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Theo nguyên lý khi nào thủy triều xuống xả cống thì nước ngọt từ các xã Thạch Bằng, xã Thạch Châu theo sông Cửa Chùa chảy ra biển. Một ngày nước có lúc ròng, lúc cạn nếu xả nước vào đúng thời điểm nước ròng thì vào đến sông Cửa Chùa sẽ bị ứ lại, thêm vào đó thủy triều từ biển dâng vào khiến nước biển bị ngọt hóa, người dân lấy nước từ sông vào đồng muối để sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xã bảo có, dân nói không
Trước sự việc diêm dân “tố” UBND xã Thạch Châu xả cống nước ngọt không thông báo khiến hơn 14ha muối của các hộ dân bị ngọt hóa, không đủ độ mặn, muối kết tinh kém. Phóng viên báo Dân Việt đã liên lạc với ông Lê Mai Vy-Trưởng thôn Châu Hạ cho biết: “Việc xả cống nước ngọt Bình Định tôi không nhận được thông báo nào từ cấp trên để báo cho bà con có phương án ứng phó”.
Cống Bình Định
Dù trưởng thôn xóm Châu Hạ và người dân đều không nhận được thông báo nào từ chính quyền địa phương về việc xả cống nước ngọt, thế nhưng ông Lê Văn Thông – Chủ tịch UBND xã Thạch Châu khẳng định: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Sở NNPTNT Hà Tĩnh yêu cầu xã Thạch Châu mở cống giúp cho đơn vị thi công tuyến kênh tiêu Thịnh Lộc. Trước khi xả cống UBND xã đã có văn bản thông báo để những hộ nuôi tôm chủ động lấy nước”.
Theo tìm hiểu trên sông Cửa Chùa có 6 hộ nuôi tôm ở Thôn An Lộc và 128 diêm dân tại thôn Châu Hạ đều sử dụng nước mặn trên sông Cửa Chùa để sản xuất. Thế nhưng, văn bản thông báo về việc xả cống Bình Định số 44/TB – UBND xã được ký ngày 10.8. 2017, thông báo kế hoạch xả cống trong vòng 3 ngày kể từ ngày 10.8 đến thôn An Lộc, còn 128 diêm dân sản xuất muối tại thôn Châu Hạ thì lại không hề hay biết đến thông báo này. Họ vẫn vô tư lấy nước từ sông Cửa Chùa vào sản xuất muối và chỉ biết đến tin xả cống Bình Định khi kiểm tra độ mặn của muối không đạt, sản lượng muối giảm mạnh.
Theo Danviet
Hà Tĩnh: Cán bộ huyện bị tố "gạ" dân mua đất giá bèo để trục lợi?
Thời gian qua, rất nhiều người dân ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bất bình vì cho rằng một số cán bộ Phòng TNMT về hỏi mua đất của người dân gần khu nghỉ dưỡng với giá rẻ sau đó làm bìa đỏ, bán lại giá cao?
Mua đất "vàng" giá rẻ?
Ông Trần Xuân Thành (người ngồi ghế) kể lại việc bán đất của gia đình. Ảnh: Hữu Anh
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Thành (thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc) cho biết: "Cơn bão năm 1989, rất nhiều hộ dân xóm Hòa Bình, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) phải di dời vào trong làng định cư. Từ đó đến nay, khu đất này người dân canh tác hoa màu, trồng cây lâm nghiệp. Đến năm 2016, dự án nghỉ dưỡng được đầu tư ở bờ biển xã Thịnh Lộc thì chúng tôi thấy người về hỏi mua rất đông".
"Cuối năm 2016, một cán bộ Phòng TNMT huyện Lộc Hà tìm đến nhà tôi hỏi mua miếng đất 1.080m2 của gia đình (đang trồng màu và cây lâm nghiệp gần khu vực của dự án khu nghỉ dưỡng).
Thời điểm đó, tôi không muốn bán vì muốn làm xong bìa đỏ đã nhưng ông ấy nói là đất chúng tôi không làm được bìa đâu, chờ khi dự án triển khai thì được bồi thường với giá rẻ. Thấy cán bộ về nói như thế tôi đã tin và đồng ý bán với giá 200 triệu đồng"- ông Thành nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Trình-Chủ tịch xã Thịnh Lộc cho biết: "Sau cơn bão năm 1989, đa số hộ dân ở thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc sống gần bờ biển đã di cư vào sâu trong làng ở còn đất ở đây chỉ làm màu và trồng cây lâm nghiệp.
Nhưng thời gian gần đây khi khu nghỉ dưỡng xây dựng thì giá trị đất ở đây tăng cao. Mới đây, chúng tôi thấy cán bộ Phòng TNMT huyện về mua đất của 3 hộ dân gồm bà Nguyễn Thị Là, Trần Xuân Thành và ông Nguyễn Quang Hòe đều ở thôn Hòa Bình, xã Thịnh Lộc. Hiện 3 hộ dân này đã chuyển nhượng cho người khác, trong đó có cán bộ Phòng TNMT huyện".
"Việc mua bán, giá cả như thế nào thì xã không rõ vì họ mua tay đôi với dân còn xã chỉ chứng nhận việc mua bán thôi, nhưng mua xong rồi mới làm sổ đỏ. Riêng đất của bà Là do gia đình đồng chí Thủy - Trưởng phòng TNMT huyện Lộc Hà mua" - ông Trình nói.
Xảy ra nhiều sai phạm
Theo ông Nguyễn Công Trình: "Mới đây ủy ban kiểm tra huyện ủy về làm việc sau khi kiểm tra lại hồ sơ đất thì thấy đất của bà Nguyễn Thị Là sửa chữa số liệu, từ 200m2 đất ở và 1.093,5 đất vườn biến thành 1.293,5 đất ở và 0m2 đất vườn. Việc sửa số liệu này là do trên huyện chứ chúng tôi không rõ".
Khu đất của bà Nguyễn Thị Là đã chuyển nhượng. Ảnh: Hữu Anh
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Thủy-Trưởng phòng TNMT huyện Lộc Hà cho biết, quá trình cấp đất cho các hộ dân ở xã Thịnh Lộc còn thiếu một số thủ tục. Cán bộ không xác định được đất lâm nghiệp nên quá trình cấp đất có sự chồng lấn, việc này sẽ được khắc phục, kiểm điểm.
"Người ta nói tôi đứng ra mua đất của bà Nguyễn Thị Là là không có văn bản nào thể hiện mà 4 người được bà Là chuyển nhượng đất cho là anh em trong cơ quan, người thân của tôi trong đó có em trai tôi là Lê Quang Trung" - ông Thủy nói.
Báo cáo của Phòng TNMT huyện Lộc Hà do chính Trưởng phòng Lê Văn Thủy ký nêu: "Về miếng đất 1.293,5m2 đất của bà Nguyễn Thị Là đã chuyển nhượng cho 4 hộ gồm: Lê Xuân Linh, Lâm Ngọc Hùng, Lê Quang Trung và Lê Mạnh Hùng".
Theo một cán bộ Ủy ban kiểm tra huyện ủy Lộc Hà, việc cấp đất ở xã Thịnh Lộc để nhiều thiếu sót về hồ sơ thủ tục, khu vực đất cấp chồng lấn lên đất lâm nghiệp, quá trình chuyển nhượng đất vườn sang đất ở sai quy định. Tới đây, huyện sẽ thu hồi việc cấp đất, chuyển nhượng này và sẽ tổ chức họp kiểm điểm và xử lý sai phạm các cá nhân liên quan.
Theo Danviet
Đừng thơ ơ với sốt xuất huyết khi thấy những con số đáng sợ này Dịch sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với hơn 80 ngàn ca mắc. Những con số đáng sợ dưới đây sẽ khiến bạn cảnh giác hơn với sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với hơn 80 ngàn ca mắc. Những con số đáng sợ dưới đây sẽ khiến bạn cảnh giác...