Hà Tĩnh: Thôn tự ý giữ lại gạo cứu đói của người dân
Gạo được nhà nước cấp cho những hộ gia đình khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017. Tuy nhiên cán bộ thôn 4 xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tự ý giữ lại không cấp phát cho người dân buộc các hộ nghèo phải đi vay gạo vì lý do chưa hoàn thành hết các khoản đóng đậu.
Muốn lấy gạo cứu đói phải nộp hết các khoản đóng góp
Cuối năm 2016, nhà nước có chủ trương cấp gạo cứu đói cho những hộ gia đình khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017. Tuy nhiên cán bộ xóm đã tự ý giữ lại phần gạo cứu đói của các hộ dân với mục đích buộc các hộ gia đình đó hoàn thành khoản đóng đậu tiền bê tông và kênh mương thủy lợi nội đồng.
Biên bản cuộc họp thôn 4 xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Đó là thực tế đang diễn ra tại thôn 4 xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Theo phản ánh của nhiều người dân, trong những ngày trước Tết, thôn 4 nhận về một lượng lớn gạo để cứu đói giáp hạt cho các hộ dân trong thôn. Trong lúc các thôn khác sau khi nhận về thì cấp hết cho các hộ thì riêng số gạo tại thôn 4 lại được đưa về nhà trưởng thôn là bà Cao Thị Nội và không cấp cho các hộ. Khi người dân đến hỏi trưởng thôn thì nhận được câu trả lời hãy đóng góp hết các khoản đóng nộp thì sẽ được nhận gạo.
Video đang HOT
Theo đó, năm 2016 mỗi lao động phải đóng nộp 200.000 đồng tiền đường bê tông và 120.000 tiền kênh mương thủy lợi nội đồng. Còn mỗi nhân khẩu (những người chưa đến tuổi lao động và đã quá độ tuổi lao động) thì phải nộp 150.000 đồng tiền đường bê tông và 70.000 đồng tiền kênh mương thủy lợi.
Bà Trần Thị Hồng (53 tuổi) trú tại thôn 4, xã Hương Liên thút thít: “Nhà tôi có 4 khẩu thì đã có 3 lao động, theo quy định mỗi lao động phải nộp 320.000 đồng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và mỗi khẩu phải nộp 220.000 đồng. Nhưng năm vừa tôi ốm đau bệnh tật chưa có tiền để nộp. Đợt vừa rồi xóm nhận gạo về, tôi đến thôn trưởng để nhận nhưng không được cấp vì còn nợ khoản tiền đóng góp đường bê tông”.
Bà Hồng cho biết thêm: “Ở đây ruộng ít, công việc làm mướn thì không có, trong nhà ai cũng ốm đau suốt nên nếu bắt chúng tôi đóng góp một lần hết khoản tiền giao thông và kênh mương bê tông thì chúng tôi không lấy đâu ra cả. Vừa rồi lên xin gạo cứu đói không được nhà lại hết gạo ăn nên ngày 29 Tết tôi phải đi vay gạo hàng xóm về để ăn Tết”.
Số gạo còn được giữ lại tại nhà trưởng thôn.
Cũng chung cảnh không được cấp gạo cứu đói của nhà nước, anh Trần Văn Thập ở thôn 4 bức xúc: “Bản thân tôi bị bệnh tật, vừa rồi tôi có lên xóm xin nộp một ít trong tổng số tiền giao thông gia đình phải nộp để được nhận gạo cứu đói nhưng trưởng thôn nói tôi phải nộp hết chứ không cho nộp lẻ tẻ và cũng không cho tôi nhận gạo cứu đói. Chúng tôi ở đây thuộc vùng khó khăn, nếu buộc người dân nộp một khoản tiền lớn cùng một lúc thì không thể lo liệu đủ”.
Ông Trần Văn Đình, thương binh hạng nói: “Tôi là gia đình chính sách, vợ mất gần 20 năm, một mình nuôi các con, mẹ già đau yếu, bản thân tôi cũng bị bệnh đi phẫu thật nhiều lần. Hiện nay nhà tôi có 3 khẩu gồm tôi, một người con trai và một đứa cháu 9 tuổi. Thế nhưng đợt cấp gạo cứu đói vừa rồi gia đình tôi vẫn chưa được nhận vì chưa hoàn thành các khoản đóng đậu cho thôn”.
Chưa hoàn thành đóng đậu, không được phát thẻ bảo hiểm
Anh Trần Văn Mạnh, thuộc diện hộ nghèo trú tại thôn 4, xã Hương Liên kể: “Vào cuối tháng 1, con tôi cần thẻ bảo hiểm để hoàn thiện hồ hơ học sinh thuộc diện hộ nghèo nhưng khi sang xin bà thôn trưởng, bà không phát thẻ hộ nghèo cho bởi gia đình tôi còn chưa đóng hết tiền làm bê tông”.
Bà Hồng (trái) bùi ngùi kể lại việc đi xin gạo cứu đói và đi vay gạo về ăn Tết.
Anh Lại Văn Hải ở thôn 4 phản ánh: “Gia đình tôi có 6 khẩu trong đó có 4 lao động phải đóng đậu gần 1,8 triệu đồng. Do điều kiện khó khăn nhà lại đông khẩu tôi mới chỉ đóng được 800.000 đồng, số còn lại chưa có nên đến nay vẫn không được lấy thẻ bảo hiểm”.
Bà Cao Thị Nội trưởng thôn 4, xã Hương Liên giải thích: “Số gạo còn lại tại nhà tôi chủ yếu là của mấy người anh em tôi gửi lại. Còn một số hộ không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa đến lấy và họ cũng không hề hỏi tôi. Lâu nay không có người dân nào đến hỏi mà tôi không cấp gạo cho cả. Việc giữ lại gạo của một số hộ chúng tôi đã họp bàn và có sự thống nhất trong đó có cả sự chỉ đạo của cán bộ chỉ đạo xã”.
Tuy nhiên khi được hỏi đợt nhận gạo cứu đói vừa qua thôn 4 đã nhận về bao nhiêu và đã cấp được bao nhiêu, còn bao nhiêu chưa cấp thì bà Nội từ chối cung cấp số liệu. Theo tìm hiểu của PV, hiện tại còn 9 hộ dân với 36 nhân khẩu tại thôn 4, xã Hương Liên vẫn chưa được trưởng thôn cấp phát gạo cứu đói. Trong đó các hộ không được cấp gạo cứu đói vừa qua chủ yếu là hộ nghèo. Theo đó, mỗi khẩu ít nhất được cấp 15 kg gạo cứu đói/tháng, trong đó có nhiều hộ được cấp 2 đến 3 tháng.
Ông Trần Văn Đình, thương binh (ngoài cùng bên trái) kể lại hoàn cảnh và cho biết không được cấp gạo cứu đói.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Văn Sánh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho hay: “Đến sáng nay (6.2) tôi mới nghe sự việc này. Trước khi nhận gạo cứu đói chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp và quán triệt số gạo cứu đói trên sau khi cấp về các thôn là phải cấp hết cho dân chứ không được giữ lại dù bất cứ lý do gì. Hiện nay các thôn khác trong toàn xã đã cấp hết gạo cứu đói cho người dân và phải cấp hết cho dân trước ngày 27 Tết. Việc chưa cấp gạo ở thôn 4 là do thôn tự ý làm mà không thông qua xã và trái với chỉ đạo của xã và cấp trên”.
Ông Sánh cho biết thêm xã cũng đã phân công cán bộ xã bám sát và chỉ đạo từng thôn. Riêng thôn 4 phân công công đồng chí Phó chủ tịch xã chỉ đạo nhưng không thấy vị này báo cáo lại.
“Còn việc thu tiền làm giao thông, do địa bàn khó khăn nên người dân phải đóng số tiền cao hơn so với các địa phương khác nên chúng tôi vẫn có chủ trương cho người dân đóng nộp trong nhiều đợt, nếu xóm bắt dân nộp hết trong một lần là sai. Không thu được các khoản đóng nộp là do năng lực của cán bộ thôn chứ không thể lấy lý do dân chưa hoàn thành hết khoản tiền bê tông và kênh mương nội đồng mà giữ lại gạo cứu đói của họ được. Chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra lại. Nếu có sự việc trên thì buộc xã phải cấp ngay cho dân và sẽ xử lý thích đáng”.
Theo báo cáo của UBND xã Hương Liên trong đợt phân bổ gạo cứu đói và lũ lụt năm 2016, đầu năm 2017 xóm 4 xã Hương Liên được cấp 6.945 kg gạo.
Theo Danviet