Hà Tĩnh: Một số địa phương vẫn còn ngập, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng
Dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, địa phương đã có 5 người chết.
Chiều ngày 6/9, nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 1 đến ngày 5/9 đã làm 5 người chết, nhiều người bị thương.
Điều đáng nói là số người thiệt mạng vì mưa lũ hầu hết là do bất cẩn, hoặc bất chấp mọi cảnh báo của cơ quan chức năng, liều mình đánh bắt cá giữa dòng nước lũ.
Ngoài gây thiệt hại về người, mưa lũ đã làm 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 3m.
Cùng với đó, hàng ngàn ha diện tích lúa hè thu, rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy hải bị ngập và nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… bị thiệt hại nặng nề.
Một nạn nhân tử vong trong đợt mưa lũ vừa qua tại Hà Tĩnh.
Tính đến chiều nay, một số địa phương tại huyện Hương Khê, đặc biệt là tại rốn lũ Phương Mỹ, vẫn còn ngập, việc đi lại còn gặp khó khăn. Một số địa phương học sinh chưa thể đến trường học tập…
Video đang HOT
Để khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân, sáng ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ đảm bảo ổn định cuộc sống sinh hoạt sau lũ; tuyệt đối không để một người dân nào thiếu lương thực, nước uống.
Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch sinh hoạt; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát, lây lan sau lũ xảy ra.
Mưa lũ nhấn chìm 5.567 ngôi nhà tại Hà Tĩnh.
Các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo, túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn như: cống Đò Điệm, Trung Lương, Đức Xá, Đò Bang, Hoàng Hà, Tây Yên, VoọcSim, Cầu Sú,… để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa hè thu, hoa màu chưa thu hoạch.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực giúp dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu còn lại và các loại cây ăn quả, nông sản khác.
Hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà bị hỏng, các trường học, trạm xá, công sở để từng bước trở lại ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất.
Tổ chức đánh giá thiệt hại về tài sản, kết cấu hạ tầng và sản xuất bị thiệt hại do mưa, lũ. Tập trung khắc phục bước đầu các công trình phục vụ sản xuất, như kênh mương, các công trình thủy lợi để lấy nước tưới; rà soát, bổ cứu Đề án sản xuất vụ Đông phù hợp với từng địa phương, đặc biệt phải chuẩn bị đủ các loại giống, vật tư, phân bón để sản xuất…
Hà Phương
Theo Phapluat
VARSI kiến nghị sớm thu phí tránh "quốc lộ hóa" cao tốc Tp.HCM Trung Lương
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam - VARSI vừa kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm thu phí sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương để tránh lãng phí và phân bổ lại lưu lượng giao thông.
Do không thu phí đường bộ từ 1/1/2019 nên lưu lượng xe ô tô tăng vọt trên tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.
Cụ thể, VARSI kiến nghị Bộ GTVT với vai trò là bộ chủ quản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thành Đề án thu phí cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2019, các chuyên gia của VARSI đã đi khảo sát trực tiếp và nhận thấy tình trạng "quốc lộ" hóa tuyến cao tốc huyết mạch dài 40 km từ Tp.HCM tới Trung Lương, tỉnh Tiền Giang.
Theo VARSI, từ 1/1/2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận và giao lại cho Cục Quản lý đường bộ IV quản lý tuyến cao tốc này và chưa có kế hoạch thu phí trở lại. Với thực trạng hiện nay, lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đã tăng đột biến và không kiểm soát đã dẫn đến nhiều vụ TNGT, ách tắc giao thông trên tuyến, đã xuất hiện một số đoạn hư hỏng, xuống cấp.
TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đánh giá, tuyến Tp.HCM - Trung Lương đang từ đường cao tốc đạt chuẩn đang dần trở thành quốc lộ do không kiểm soát được các thành phần, tải trọng của phương tiện tham gia giao thông...làm giảm tốc độ khai thác, tăng chi phí logistics, làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
"Đặc biệt, trên tuyến cao tốc có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế lớn hơn hoặc bằng 30 tấn, do đó việc không kiểm soát tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hư hỏng các công trình cầu, cũng như gây mất an toàn giao thông trên tuyến", ông Chủng lo ngại.
Bên cạnh đó, việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong việc quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, dẫn tới mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến Tp. HCM - Trung Lương làm hư hỏng tài sản quốc gia cũng như đóng góp nguồn ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2019, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án khai thác đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.
Theo Bộ GTVT, vào cuối tháng 6/2019, Bộ này đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu giải pháp để thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với người sử dụng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (phương án thu, mức thu, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật).
Tuy nhiên, Đề án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đệ trình hồi cuối tháng 7/2019 lại chưa có các nội dung về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để có thể thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với người sử dụng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đưa ra cơ sở để làm rõ việc mức phí đề xuất không trùng lặp với thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay đang áp dụng.
Để khẩn trương hoàn thiện Đề án khai thác đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên cơ sở kết quả xác định về tỷ lệ kinh phí quản lý, bảo trì giữa đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương và đường quốc lộ thông thường, kết quả xác định lợi ích người sử dụng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương so với đường quốc lộ thông thường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng đối với người sử dụng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương đảm bảo không trùng lặp với phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện.
"Trên cơ sở phân tích chi tiết, cụ thể các quy định pháp luật hiện hành và các tồn tại, vướng mắc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phải đề xuất cụ thể về các quy định pháp luật cần hoàn thiện, bổ sung (hình thức văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền ban hành ...) để đảm bảo việc tổ chức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng đối với người sử dụng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có chiều dài toàn tuyến là 39,8km, giai đoạn 1 xây dựng ở giữa 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng. Đây là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, được khởi công năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Gần 2 năm sau, vào năm 2012, đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước. Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận mở thầu đấu giá quyền thu phí đường cao tốc này, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Yên Khánh) đã trúng đấu giá 2.004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 11/2014 đến 31/12/2018.
Theo Dautu
Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh): Truy tìm nguyên nhân nguồn nước chuyển màu lạ, bốc mùi Mới đây, nguồn nước tại đập dâng Vũ Quang và kênh chính Ngàn Trươi bỗng nhiên đổi màu nâu đục, bốc mùi hôi thối. Hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực đập dâng và vùng hạ lưu kênh Ngàn Trươi thuộc các huyện Đức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh) cho rằng nguồn nước đang bị ô nhiễm ... Cơ quan chức năng...