Hà Tĩnh: Giúp nông dân chuyển từ manh mún sang làm ăn lớn
Nhằm chuyển từ chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, Hội ND Hà Tĩnh đã kết nối hỗ trợ thành lập tổ hợp tác giúp hội viên liên kết với doanh nghiệp làm ăn lớn, thu nhập cao.
Mở ra nghề mới cho bà con nông dân
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Đình Gia – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) Hà Tĩnh cho biết, năm 2016, Hội đã xây dựng phương án và triển khai mô hình nuôi bò vệ tinh theo mô hình liên kết chuỗi giá trị với Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh tại TP.Hà Tĩnh. Đây là mô hình liên kết chuỗi đầu tiên Hội xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đến nay sau 1 năm nuôi, các hộ tham gia mô hình đạt kết quả hết sức phấn khởi. Hội ND tỉnh đã tổng kết mô hình và cho thấy nếu có được sự kết nối theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, ND dễ làm giàu.
Hàng chục mô hình chăn nuôi bò liên kết theo chuỗi ra đời được Hội ND Hà Tĩnh khâu nối. Ảnh: H.A
Video đang HOT
“Qua mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao theo hình thức liên kết với doanh nghiệp tại xã Thạch Hạ cho thấy quy trình nuôi khép kín, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, giống bò chất lượng cao thuộc các dòng Charolai, Red Angus, Limousin, Brahman. Phải trồng cỏ tập trung làm thức ăn xanh cho bò. Hội ND tỉnh hỗ trợ 16 tấn giống cỏ cho các thành viên tổ hợp tác. Trung bình sau 6 tháng nuôi, 1 con bò lãi 6 triệu đồng. Như vậy 1 hộ tham gia tổ hợp tác nuôi 5 con, trừ chi phí lãi ròng 30 triệu đồng trong 6 tháng. Nông dân an tâm, không phải lo đầu ra…”- ông Trần Đình Gia khẳng định.
Ông Trương Công Đính- Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò liên kết xã Thạch Hạ chia sẻ: “Tổ hợp tác chăn nuôi bò liên kết là mô hình điểm thực hiện chăn nuôi bò liên kết theo chuỗi với 10 hộ, mỗi hộ nuôi 5 con bò. Tham gia tổ hợp tác, chúng tôi yên tâm vì được hỗ trợ các khâu trong quy trình chăn nuôi khép kín. Với hình thức nuôi gia công, mỗi hộ sẽ được Hội ND tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/con bê và giống cỏ, còn doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, thu mua sản phẩm”.
Thành công của mô hình nuôi bò liên kết ở xã Thạch Hạ mở ra nghề mới cho bà con nông dân. Ngoài việc giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi còn tạo thu nhập nâng cao đời sống cho ND.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Trần Đình Gia, việc xây dựng mô hình đã gắn hoạt động hội với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa liên kết chuỗi giá trị. Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ ND tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Can Lộc, Nghi Xuân và Cẩm Xuyên. Theo đó, các HTX chăn nuôi bò ra đời như ở Yên Lộc 50 con; HTX chăn nuôi bò Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) 100 con và mô hình chăn nuôi liên kết tại xã Cẩm Lạc hơn 150 con…
Ông Nguyễn Xuân, thành viên HTX chăn nuôi bò xã Yên Lộc (Can Lộc) cho hay: “Người dân chúng tôi chủ yếu làm ruộng không có nghề phụ. Được Hội ND tập huấn, đưa mô hình chăn nuôi bò liên kết về địa phương tôi đăng ký tham gia. Đến nay, tôi đã nhận 5 con bê giống từ doanh nghiệp về nuôi, đàn bò phát triển rất tốt…”.
Ông Dương Chí Toàn – Chủ tịch Hội ND xã Yên Lộc cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao tại Yên Lộc được thành lập với 10 hộ, quy mô nuôi 50 con. Mô hình được nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng khi thực hiện. Cùng với đó Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh cung ứng và bao tiêu sản phẩm…”.
Theo Danviet
Bền vững nhờ sản xuất an toàn
Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với thực phẩm, ND Quảng Ngãi phải sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và đó là điều kiện để giúp ND sống khỏe, có vị thế vững chắc trên con đường hội nhập...
Để thực hiện được điều này, thời gian qua, Hội ND Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, ND về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng những hành động thiết thực. Đó là phát động "Nói không với thực phẩm bẩn"; tăng cường công tác ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản nông sản; vận động ND phát hiện và tố giác kịp thời những đơn vị, cá nhân, hộ gia đình có vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm cho các cơ quan chức năng ở địa phương.
Mô hình thả nuôi lợn trên đệm lót sinh học được nông dân Quảng Ngãi thực hiện và nhân rộng trong thời gian qua. Ảnh: Đ.X
Trong năm 2016, Hội ND tỉnh đã tổ chức hơn 42 lớp tập huấn cho hơn 2.500 hội viên ND trong tỉnh về tiếp thu những kiến thức KHKT mới để áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội ND tỉnh cũng đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học cho hơn 100 hộ ND ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi đã thử nghiệm thành công cho 5 hộ ND ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức; mô hình sử dụng hệ thống tưới nước bằng pecphun trên ruộng hành, tỏi ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn... Tổng kinh phí mà Hội tranh thủ được để hỗ trợ các mô hình nêu trên lên tới hơn 1 tỷ đồng...
Bên cạnh việc hỗ trợ các mô hình cho ND, Hội ND tỉnh cũng đã tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho ND kết hợp chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp sạch trong tương lai. Điều này đã được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND triển khai thực hiện có hiệu quả với mô hình sản xuất nấm sạch theo quy trình hữu cơ "5 không" (không sử dụng phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ sâu và không chất bảo quản).
Theo Danviet
Chung tay sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn Hội ND và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp tổ chức Lễ phát động "Xây dựng tuyến đường không rác" và "Phong trào sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn". Lễ phát động có sự tham dự của 200 cán bộ, hội viên, nông dân, phụ nữ và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND,...