Hà Tĩnh: Bức tranh thần kỳ trong nông nghiệp, cát mặn cũng nở hoa
Với khẩu hiệu “người cày có ruộng”, sau khi giành được độc lập, những “tá điền” xưa đã trở thành những ông chủ ruộng đồng. Và, với nguồn tư liệu sản xuất dồi dào trong tay, họ đã “vẽ” nên bức tranh thần kỳ trong nền nông nghiệp Hà Tĩnh.
Trước đây, ít ai nghĩ rằng, có thể trồng cây trái trên vùng cát mặn. Nhưng giờ đây, dọc bên tuyến đường ven biển đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, ta bắt gặp những cánh đồng rau xanh miên man trên đồi cát trắng. Ngay cả mùa nắng hạn tháng 6, từng luống rau, củ vẫn mọc lên tươi tốt.
Cơ giới hóa sản xuất giúp người nông dân đẩy nhanh tiến độ, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Chị Nguyễn Thị Anh Thơ, xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu ( xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) phấn khởi chia sẻ: “Chỉ cần có đất sản xuất là chúng tôi đủ sức làm nên của cải. Năm 2014, HTX được cấp 3 ha đất và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ công nghệ. Từ đó đến nay, chúng tôi đầu tư hơn 700 triệu đồng để hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; lợi nhuận hàng năm đạt từ 500 – 700 triệu đồng”.
Khi nông dân được làm chủ trên mảnh đất của mình, họ thỏa sức sáng tạo. Để sản phẩm có chất lượng hơn, nông dân Phạm Quang Hùng (xã Hương Thủy, Hương Khê) đã xay đậu nành, ngô bón cho cây cam. Ông Hùng cho hay, mỗi năm, gia đình chi cả trăm triệu đồng mua các loại hạt tinh bột xay, ủ men rồi dẫn vào hệ thống tưới nhỏ giọt bón cho cam. Các loại hạt, đặc biệt là đậu nành cung cấp lượng đạm lớn, giúp quả ngon, ngọt hơn.
“Hiện gia đình tôi có hơn 16 ha cam, bưởi với hơn 8.000 gốc và hơn 40 ha cây keo. Ngoài ra, còn có 50 con hươu và 100 con lợn rừng. Ước tính, mỗi năm, trang trại cho thu nhập trên 3 tỷ đồng” – ông Hùng chia sẻ.
Nông dân xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) thu hàng trăm triệu đồng từ trồng khoai lang đỏ
Tại Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), một trong những vựa lúa của tỉnh, bà con nông dân luôn phấn khởi sản xuất, không để lãng phí dù chỉ là một mét vuông đất.
Video đang HOT
Bà Võ Thị Hương – Trưởng thôn Tân Vĩnh Cần, cho biết: “Trên cánh đồng lúa giống, sang năm 2019, chúng tôi quyết tâm xóa bỏ bờ thửa, sản xuất tập trung cùng một giống, cùng công nghệ trên cùng một cánh đồng. Quyết tâm này của toàn dân trong thôn là do người dân biết liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi được cấp đất sản xuất, chúng tôi đã tìm cách liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra. Từ đó, nông dân yên tâm tập trung sản xuất, chăm sóc cây lúa, lợi nhuận tăng lên từng năm, riêng năng suất vụ xuân 2018 đạt trên 4,3 tạ/sào”.
Nói tới sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đương nhiên, chủ thể phải là người nông dân và tài sản lớn nhất với nông dân từ cổ chí kim chính là ruộng đất. Khi được làm chủ ruộng đất, người nông dân Hà Tĩnh đã phát huy tính sáng tạo, tinh thần cần cù, chịu khó; tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đẩy lùi nghèo đói, nông thôn từng bước phát triển.
HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) gần như quanh năm sản xuất và thu lợi từ củ cải trắng trên đất cát bạc màu
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay, Hà Tĩnh có 38.500 ha lúa hàng hóa, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Sản xuất cây ăn quả có múi đạt gần 10.000 ha, liên tục được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ tốt, đưa lại thu nhập khá cao cho người dân. Chuỗi liên kết trồng chè công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 1.200 ha (trong đó có trên 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP).
Ngoài ra, địa phương đã hình thành 41 vùng rau truyền thống theo hướng VietGAP; phát triển chuỗi liên kết trồng ngô sinh khối với diện tích hàng nghìn ha… Những kết quả từ lĩnh vực trồng trọt đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, khi được làm chủ ruộng đồng, người nông dân sẽ làm chủ kỹ thuật, công nghệ, từ đó chủ động đầu tư, tìm kiếm thị trường, giải quyết việc làm và tạo thu nhập. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động đẩy nhanh tiến độ cấp, cho thuê đất để nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu chính đáng.
Theo Dương Chiến (Báo Hà Tĩnh)
Được mùa củ cải trên đất cằn, dân xứ này chỉ chờ ngày "hái ra tiền"
Thời vụ trồng củ cải trắng chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch) nhưng tại HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) gần như quanh năm sản xuất và thu lợi từ loại cây trồng này...
Những luống củ cải xanh mướt trên vùng đất cát bạc màu
Cái nóng hầm hập của những ngày cuối hè dường như bức bối hơn trên vùng đất cát ven biển Cẩm Hòa. Trên những đồi cát trắng xóa, từng luống củ cải xanh mướt như điểm nhấn tô điểm cho bức tranh nơi đây thêm phần rực rỡ.
Tầm 5 ngày nữa, củ cải ở đây sẽ bước vào vụ thu hoạch. Bà con xã viên HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu đang háo hức chờ đến ngày "hái tiền" trên 3 ha củ cải trắng.
Còn 5 ngày nữa là 3ha củ cải trắng của HTX cho thu hoạch
Ông Trần Viết Chu, giám đốc HTX chia sẻ: "Để trồng được củ cải trên vùng đất cát này, chúng tôi phải đầu tư hệ thống tưới tự động với 500 bét tưới. Vào mùa này, các bét tưới đều phải hoạt động tối đa công suất thì mới cung cấp đủ nước cho cây trồng".
Cũng theo ông Chu, đây không phải là thời điểm chính vụ trồng cải củ. Tuy nhiên, tận dụng diện tích và cơ sở vật chất nên HTX đã trồng sớm loại cây thực phẩm này. Theo đó, với diện tích 3ha, HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu đã trồng 3 vụ cải củ/năm.
Mỗi năm, HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu trồng 3 vụ củ cải trắng/năm
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên củ cải sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đánh giá của các phòng chuyên môn Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, sản lượng củ cải trắng dự kiến đạt 15 tấn/ha, cao hơn sản lượng năm 2017 khoảng 10 tấn/ha.
"Hiện tại, nhiều thương lái đã vào đặt hàng với mức giá khởi điểm 14.000đ/kg. Giá như vậy là cao hơn năm ngoái nên chúng tôi vô cùng phấn khởi. Củ cải của HTX không chỉ được bán ở thị trường Hà Tĩnh thông qua các chợ đầu mối mà còn đi khắp các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Người dân không chỉ yêu tâm sử dụng củ cải của HTX vì được sản xuất theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch mà còn bởi chất lượng củ cải ngon ngọt" - giám đốc HTX chia sẻ.
Giống củ cải trắng Nhật Bản cho năng suất, chất lượng cao
Để có được chất lượng cao, HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu tuân thủ nghiêm ngặt các khâu, từ chọn giống đến chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Giống củ cải trắng ở đây là giống Nhật Bản, được mua của công ty TNHH giống cây trồng Hoàng Nông (Hà Nội). Trong quá trình chăm sóc, HTX tận dụng mọi nguồn phân bón hữu cơ sẵn có trong bà con nhân dân để bón cho cây. Nhờ vậy mà năng suất và chất lượng vượt trội, dù trồng 3 vụ/năm nhưng không hề ảnh hưởng đến chất lượng đất nơi đây.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, hiện nay, HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu đã dày dặn kinh nghiệm, làm chủ được kỹ thuật và nhu cầu thị trường. Theo đó, ngoài 3 vụ củ cải/năm, HTX còn trồng dưa hấu vào tháng 11 - tháng 2 (âm lịch). Như năm 2017, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ trồng củ cải chiếm 80%.
Bà con xã viên thu hoạch sớm củ cải để đánh giá năng suất năm 2018
Sản xuất bền vững và hiệu quả, HTX hiện đang giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu được liên minh HTX đánh giá là một trong những HTX sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
"Theo quy định, HTX được thuê đất trong thời hạn 5 năm. Thời hạn giao đất quá ngắn, hiện tại đã gần hết hạn nên chúng tôi không dám đầu tư làm ăn lớn. Thời gian tới, hy vọng cấp tỉnh, cấp huyện có chính sách mở hơn, tạo điều kiện cho HTX tiếp tục thuê đất để đầu tư phát triển hơn nữa" - Giám đốc HTX Trần Viết Chu bày tỏ.
Theo Phan Trâm - Thu Phương (Báo Hà Tĩnh)
Xứ Cẩm trồng cây chữa bách bệnh, thu lãi gấp 5 lần trồng lúa Với giá bán 16.000 đồng/kg, trung bình mỗi sào kim tiền thảo thu hoạch 3 đợt sẽ mang về 10 triệu đồng/năm. Bà con nông dân xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhẩm tính lãi gấp 5 lần so với trồng lúa. Cánh đồng dược liệu thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) đang vào mùa thu hoạch tỏa ngát hương...