Hạ tầng Kỹ thuật (IJC): Doanh thu quý I/2020 tăng trưởng tới hơn 4 lần nhờ kinh doanh bất động sản
CTCP Phát triển Hạ tầng kỹ thuật (IJC – sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với doanh thu đạt 1.350,86 tỷ đồng, gấp tới gần 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 115,82 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 68% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2020 tăng đột biến chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản khi ghi nhận tới hơn 1.219 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 90% tổng doanh thu, đây là nguồn thu từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị IJC.
Còn lại các mảng bán vé cầu đường, hợp đồng xây dựng và cung cấp dịch vụ khác đều ghi nhận doanh thu giảm; mảng kinh doanh bất động sản đầu tư chỉ nhích nhẹ chưa tới 200 triệu đồng.
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2019, IJC cũng đã xác định lĩnh vực bất động sản tiếp tục là nguồn thu chính trong năm 2020, chiếm tỷ trọng lên tới gần 70% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Trong đó, doanh thu chủ yếu tập trung vào các dự án tại khu vực thành phố mới Bình Dương và thị xã Tân Uyên như: Dự án Khu biệt thự Sunflower, Khu Đô thị IJC, Khu dân cư Hòa Lợi F1, các dự án nhà ở thương mại dịch vụ công nhân và một số dự án khác.
Cụ thể, năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 266 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 31% và giảm 6,34% so với thực hiện năm 2019.
Video đang HOT
Hai mảng đóng góp nhiều nhất cho doanh thu năm 2020 của IJC là mảng bất động sản và thu phí, lần lượt đặt kế hoạch đạt 1.468 tỷ đồng và 277 tỷ đồng, tương ứng tăng 66,3% và giảm 3,15% so với năm 2019.
Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của IJC gần 6.600 tỷ đồng, giảm 947 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,55% so với hồi đầu năm. Trong đó hàng tồn kho giảm gần 20%, xuống 3.833 tỷ đồng, chủ yếu do dự án Khu đô thị Đông Đô Đại Phố. Dự án này đang trong quá trình xây dựng, phần lớn đang phản ánh chi phí chuyển quyền sử dụng đất.
Nợ phải trả của Công ty là hơn 4.651 tỷ đồng, giảm 1.064 tỷ đồng, tương ứng giảm 18,62% so với đầu năm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn tới hơn 70% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 3.876 tỷ đồng, giảm 22,96%; còn nợ dài hạn tăng 13,3% lên hơn 775 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT Công ty đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua Quy chế tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 18/5 và thời gian lấy ý kiến trong tháng 5-6/2020.
Đồng thời, HĐQT Công ty cũng thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với thời gian họp dự kiến ngày 19/6/2020, thời điểm chốt danh sách cổ đông tham dự là ngày 29/5.
Trên thị trường, gần đây cổ phiếu IJC tăng khá mạnh. Đóng cửa phiên 29/4, IJC tăng 3,6% lên 11.450 đồng/CP. Tính trong tháng 4, giá cổ phiếu IJC đã tăng hơn 42%.
T.T
Doanh nghiệp địa ốc, xây dựng liên tục báo tăng trưởng âm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản và xây dựng công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Sau một vài doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với kết quả lạc quan từ tuần trước, thì tuần này, bức tranh ngành xây dựng và địa ốc đã lộ nhiều mảng tối.
Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn (RCL) vừa công bố báo cáo tài chính với một kỳ tăng trưởng âm. Tổng doanh thu trong kỳ chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 14,8 tỷ đồng, tương đương 61,4% so với quý 1/2019. Trong quý I/2020, Địa ốc Chợ Lớn đã cắt giảm chi phí bán hàng từ 568 triệu đồng xuống 366 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc, xây dựng tăng trưởng âm. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, chi phí này khiêm tốn hơn tổng chi phí nên kết quả là lợi nhuận của RCL vẫn đi lùi. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 giảm 2,5 tỷ đồng, tương đương 67,6%.
Bất động sản và xây dựng thường là hai ngành "đồng hành" với nhau. Khi bất động sản đi lùi, xây dựng khó có thể tăng trưởng. Vì vậy, không bất ngờ khi kết quả kinh doanh của một số công ty xây dựng mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 cũng cho thấy bức tranh màu tối.
Công ty cổ phần Xây dựng số 9 chỉ đạt doanh thu 163 tỷ đồng, giảm 107 tỷ đồng, tương đương 39,6% so với quý 1/2019. Giá vốn hàng bán giảm rất sâu, từ 255 tỷ đồng xuống 149 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty giảm nhẹ từ 14,9 tỷ đồng xuống 13,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong kỳ, do chi phí tài chính tăng mạnh lên 8,6 tỷ đồng nên kết quả là lợi nhuận sau thuế của công ty "lao dốc", chỉ đạt 121 triệu đồng, giảm 1,06 tỷ đồng, tương đương 89,8%.
Công ty cổ phần Licogi 14 thêm một mảnh ghép vào bức tranh tối màu của ngành bất động sản xây dựng khi doanh thu giảm 21,4 tỷ đồng, tương đương 55% so với quý 1/2019. Doanh thu giảm quá sâu nên doanh thu tài chính tăng mạnh từ 1 tỷ lên 5 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm sâu từ 4,4 tỷ đồng xuống 1,4 tỷ đồng cũng không "giải cứu" được lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 8,7 tỷ đồng, tương đương 53,7%.
Công ty cổ phần xây dựng số 5 (SC5) cũng ghi tên mình vào danh sách các đơn vị đi lùi trong quý 1/2020. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ giảm 516 tỷ đồng, tương đương 54,7%, lợi nhuận sau thuế giảm 6,6 tỷ đồng, tương đương 55,9%.
SC5 thậm chí có thể giảm lãi nhiều hơn nếu công ty không nỗ lực cắt giảm tất cả các chi phí quan trọng.
Càng thêm nhiều công ty trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng công bố báo cáo tài chính, bức tranh màu xám của ngành này càng lộ rõ hơn. Tuy nhiên, hiện tại, những "ông lớn" trong ngành vẫn chưa hé lộ kết quả kinh doanh.
Châu Anh
Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) đặt kế hoạch tăng trưởng 66,3% doanh thu mảng bất động sản Trong báo cáo thương niên 2019, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC - sàn HOSE) đạt kế hoạch năm 2020 với doanh thu 2.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 266 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 31% và giảm 6,34% so với thực hiện năm 2019. Hai mảng đóng góp nhiều nhất cho doanh thu năm 2020 của IJC là...