Hà Nội xây dựng chính quyền đô thị: Quyết tâm nhưng vẫn… loay hoay
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội, Tổ soạn thảo Đề án mô hình thí điểm chính quyền đô thị TP.Hà Nội cùng lãnh đạo đại diện các quận, huyện đã thống nhất sẽ thực hiện theo 1 – tức là bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn. Có ý kiến cho rằng, khi bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn thì không nên gọi là UBND xã, phường, thị trấn, mà gọi là Ủy ban hành chính hoặc Cơ quan đại diện hành chính.
Sẽ bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn
Ông Vũ Đức Bảo – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án mô hình thí điểm chính quyền đô thị TP.Hà Nội cho biết, đề án gồm 4 phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền TP.Hà Nội; định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội; tổ chức thực hiện.
Hà Nội quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị: Tinh giản để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: Phạm Hùng
Mục tiêu chính của việc xây dựng đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP.Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020.
Đề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý…) trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn của TP.Hà Nội. Đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan T.Ư, thành phố và phân cấp giữa các cấp chính quyền thành phố; đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP.Hà Nội.
Đến thời điểm này, tổ soạn thảo đề xuất 2 phương án mô hình chính quyền đô thị: Phương án 1 là xây dựng mô hình hai cấp chính quyền gồm thành phố và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn). Theo đó, ở cấp chính quyền thành phố và quận, huyện, thị xã cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm có HĐND và UBND. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, ở quận, huyện, thị xã không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Ở cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ tổ chức cơ quan hành chính đại diện gọi là Ban đại diện hành chính, không tổ chức HĐND.
Căn cứ ưu điểm, hạn chế của hai phương án trên, để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn… Tổ soạn thảo đề án đề nghị “việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP.Hà Nội sẽ thực hiện theo phương án 1″ – tức là bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn. Về phương án này, đa số ý kiến đại diện cho các quận, huyện của TP.Hà Nội đều thống nhất. “Trước mắt thí điểm bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn là phù hợp” – Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Video đang HOT
Tìm tên gọi thay thế UBND
Đồng tình với phương án không tổ chức HĐND cấp xã, phường, thị trấn, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Trương Quang Thiều cho rằng, hiện nay HĐND phường, xã, thị trấn có 2 chức năng: Quyết định và giám sát, nhưng chỉ mang tính thủ tục nhiều. Do đó, nên không tổ chức HĐND cấp phường, xã, thị trấn là hợp lý. Chức năng quyết định, giám sát và đại diện sẽ chuyển về HĐND cấp quận và HĐND cấp thành phố thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang cho rằng, khi bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn, không nên gọi là UBND xã, phường, thị trấn, mà gọi là Ủy ban hành chính.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh: Bản chất Dự thảo Đề án chính quyền đô thị không chỉ “chăm chăm” bỏ HĐND, mà là bỏ hẳn 1 cấp chính quyền ở xã, phường, thị trấn. Chỉ tổ chức ở đây một cơ quan đại diện hành chính để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ nhất định. “Khi đã không tổ chức HĐND thì không được gọi là UBND. Bởi theo quy định Hiến pháp, UBND là do HĐND bầu ra, không thể do UBND cấp trên bổ nhiệm, do vậy ở cấp xã, phường, thị trấn nên gọi là Ủy ban hành chính hoặc cơ quan đại diện hành chính”.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cho rằng, với cấp xã, phường, thị trấn, không nên tổ chức UBND hay cơ quan hành chính, mà chỉ là một cơ quan đại diện của quận, huyện, thị xã. Bởi thực tế chức năng, nhiệm vụ của cấp xã, phường, thị trấn cơ bản làm theo chỉ đạo của thành phố và cấp quận, huyện, thị xã. “Dự thảo Đề án nêu giữ nguyên 2 cấp chính quyền ở thành phố và quận, huyện, thị xã, có điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ là rất đúng. Mục đích không chỉ nhằm giảm số lượng, mà quan trọng là tinh giản để nâng cao hiệu quả hoạt động” – ông Vũ Hồng Khanh nói.
ÔNG NGUYỄN ĐĂNG DUNG – NGUYÊN TRƯỞNG BỘ MÔN LUẬT HÀNH CHÍNH HIẾN PHÁP, KHOA LUẬT, ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI: Bỏ HĐND ở nông thôn sẽ dẫn đến lạm quyền
Muốn xây dựng được chính quyền đô thị, phải có đô thị hoàn chỉnh. Ở đó, người dân có thể ở quận này nhưng thoải mái đi làm ở quận khác, chỉ làm việc theo chuyên môn và pháp luật. Họ không có đất sở hữu chung và thực hiện nghĩa vụ thông qua việc nộp thuế, không phải lao động công ích… cho nên họ không cần hội họp để bàn thảo, quyết định việc chung. Điều này khác hẳn với xã, ở cấp xã, người ta có ruộng đất sở hữu chung; có kết nối cộng đồng, lao động công ích… nên phải hội họp và phải có thiết chế dân chủ là HĐND để đại diện cho dân giám sát. Thực tế, có việc nhũng nhiễu nhất thường ở cấp dưới, tức cấp xã, phường, nên chỗ nào có thẩm quyền quyết định chỗ đó phải có HĐND, nếu không sẽ là tai hại. Việc bỏ HĐND xã ở khu vực nông thôn sẽ dẫn đến lạm quyền, vì đặc trưng nông thôn có rất nhiều việc phải được người dân góp ý kiến.
TS.NGUYỄN HỮU KHIỂN – NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA: Cần thận trọng để phục vụ nhân dân tốt hơn
Hà Nội có hai khu vực nông thôn và thành thị rất rõ ràng nên việc tổ chức hai hệ thống quản trị khác nhau là đòi hỏi khách quan. Lâu nay, chính quyền ở các quận nội thành được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp, dẫn tới nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị không được giải quyết kịp thời. Vì vậy, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội cần được xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý. Do ở Việt Nam chưa có mô hình chính quyền đô thị cụ thể nên chủ trương của Bộ Chính trị dành cho Hà Nội là cơ hội để Thủ đô xây dựng một chính quyền hiện đại hơn, phục vụ người dân đô thị tốt hơn, vì vậy, Hà Nội cần làm một cách thận trọng, cốt yếu là phục vụ nhân dân tốt hơn.
Theo Danviet
"Họp hành lu bù nhưng cuối cùng ai chịu trách nhiệm?"
Theo ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - với tầng nấc trung gian trong bộ máy hành chính như hiện nay thì họp hành lu bù, nhưng cuối cùng cũng không rõ ai quyết và ai là người chịu trách nhiệm.
Ngày 7/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên lãnh đạo TP và các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Phát biểu tại đây, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, muốn làm được chính quyền đô thị, Hà Nội phải giành quyền chủ động trong sứ mệnh phát triển của mình. Bởi theo ông Phúc, nếu chính quyền địa phương mà suốt ngày phải đi báo cáo, xin ý kiến cấp bộ, thì còn lâu mới giải quyết được các vấn đề.
Với đề án chính quyền đô thị, ông Phúc đề nghị TP Hà Nội giảm bớt các tầng nấc trung gian, trong đó có HĐND cấp quận, phường. "Với tầng nấc như hiện nay thì đủ các thứ họp hành lu bù, nhưng cuối cùng thì ai quyết, ai chịu trách nhiệm. Tôi có cảm giác hệ thống của chúng ta không đủ quyền, không đủ trách nhiệm trong việc thực hiện sứ mệnh của mình", ông Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, TP Hà Nội cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Còn với mô hình như hiện nay, bản thân ông Phúc cũng cảm thấy khó chịu.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội thảo
Theo ông Phúc nếu TP Hà Nội thực hiện "bước đi mạnh mẽ" trong chính quyền đô thị thì nên tổ chức theo mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh ở TP và 2 cấp hành chính. Cụ thể, theo ông Phúc thì Hà Nội không nên tổ chức HĐND cấp quận và phường, nhưng vẫn tổ chức HĐND cấp xã.
PGS. TS Lê Minh Thông (trợ lý Chủ tịch Quốc hội) cho rằng, chính quyền đô thị không chỉ tập trung vào mô hình hoạt động, quan trọng hơn cả là thẩm quyền và cách thức quản lý cần phải thay đổi.
"Còn cứ ngày nào cũng họp, lúc nào cũng họp thì không ổn. Một ông Chủ tịch lúc nào cũng đợi họp mới giải quyết được vấn đề thì không phải là chính quyền đô thị. Chúng ta phải xây dựng được chính quyền hành động vì nhân dân", ông Thông nêu quan điểm.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn cũng đưa ra đánh giá trong bộ máy hành chính cấp trung gian còn rất lớn. Cụ thể, với cấp quận, huyện là cấp trung gian, không trực tiếp quyết ngân sách, không trực tiếp làm việc với dân. Do vậy, theo ông Tấn tốt nhất là không tổ chức chính quyền hoàn chỉnh ở cấp quận huyện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, TP cũng đã lường trước được việc xây dựng đề án chính quyền đô thị là vô cùng khó. TP Hà Nội sẽ chuẩn bị kỹ đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị để đến tháng 12 trình Bộ Chính trị.
Theo Bí thư Hà Nội "lõi" của đề án là xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân cấp để đáp ứng được nhu cầu tốt hơn của người dân tốt hơn. Đề án cũng hướng tới việc làm thế nào để tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, với đô thị lớn tồn tại nhiều vấn đề (lụt lội, ô nhiễm môi trường, cấp nước...) như hiện nay thì chính quyền đô thị phải có những quyết định nhanh gọn. Không nên để một vấn đề tồn tại nhiều năm mới giải quyết xong.
"Các đồng chí nói, trước đây doanh nghiệp làm một dự án phải đi báo cáo 8 bộ, bây giờ đối với địa phương cũng như vậy. Chi một tỷ hay ba tỷ phải đi báo cáo, thì không phải là chính quyền đô thị, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân", ông Hải cho hay.
Quang Phong
Theo Dantri
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Họp hành lu bu, rồi ai chịu trách nhiệm? Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, với tầng nấc như hiện nay thì đủ các thứ họp hành lu bù, nhưng cuối cùng thì ai quyết, ai chịu trách nhiệm... lại không rõ. Ngày 7.9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên lãnh đạo...